Giá vàng tăng hơn 1% trong tháng 4; Kinh tế Mỹ nặng gánh vì núi nợ của người trẻ; TP.HCM thu hút vốn FDI tăng 43%; Gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm
Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-06-2017
- Cập nhật : 16/06/2017
Jack Ma có thể rót tiền vào Grab
Ông chủ Alibaba có thể tham gia vòng huy động vốn 1,5 tỷ USD sắp tới của Grab, theo một nguồn tin thân cận được Bloomberg trích dẫn.
Hồi tháng 3, Grab đã công bố chuẩn bị cho vòng huy động vốn trị giá 1,5 tỷ USD, do SoftBank dẫn đầu. Việc này nhằm giúp họ có thêm tiền trong cuộc chiến với Uber Technologies ở Đông Nam Á.Theo Bloomberg, Alibaba hoặc mảng tài chính của họ - Ant Financial có thể sẽ tham gia đổ vốn. Việc này sẽ giúp ông chủ Jack Ma quảng bá Alipay - dịch vụ thanh toán kỹ thuật số của Ant Financial - tới hàng triệu lái xe trong khu vực. Didi Chuxing - ứng dụng đi chung xe lớn nhất Trung Quốc cũng đang cân nhắc tham gia vòng gây vốn này.
Hai đại gia Internet Trung Quốc - Alibaba và Tencent đang chuyển hướng tăng trưởng ra ngoài Trung Quốc, khi thị trường trong nước chậm lại. Họ tập trung vào Đông Nam Á - khu vực có số dân gấp đôi Mỹ và cũng khá gần gũi với Trung Quốc. Cả hai đều đang cạnh tranh thu hút người dùng cho dịch vụ ví di động. Và các ứng dụng đi chung xe là kênh quan trọng để giành thị phần.
Ant Financial đã có thỏa thuận hợp tác với Grab. Theo đó, người đi xe có thể trả tiền bằng Alipay. Trong khi đó, Tencent được cho là đang đầu tư vào Go-Jek - ứng dụng đi chung xe của Indonesia.
Vòng huy động vốn lần này của Grab có thể lập kỷ lục tại Đông Nam Á. Kỷ lục cũ do chính họ nắm giữ, với 750 triệu USD thu về tháng 9 năm ngoái. Khi ấy, Grab được định giá hơn 3 tỷ USD.
Lần này, SoftBank sẽ cung cấp phần lớn vốn cho Grab, với số tiền được cho là khoảng 1 tỷ USD. Dù vậy, người ta vẫn chưa rõ nó sẽ tới từ SoftBank Group hay quỹ SoftBank Vision Fund.(NDH)
----------------------------
Bảo hộ DAP trong nước, nông dân chịu thiệt?
Sau khi Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP nhập khẩu Việt Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu và sản xuất phân bón trong nước tỏ ra không đồng tình vì cho rằng việc bảo hộ chỉ có lợi cho 2 nhà máy sản xuất mặt hàng này và không công bằng với nông dân.
Hàng nhập giá cao sao ép được hàng nội!
Nhiều DN nhập khẩu và sản xuất phân bón trong nước cho rằng việc Bộ Công Thương muốn điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP nhập khẩu là không thuyết phục bởi mặt hàng này nhập khẩu hiện có giá bán cao hơn phân DAP sản xuất trong nước, không có chuyện hàng nhập khẩu bán phá giá hay chất lượng kém hơn phân bón trong nước, gây xáo trộn thị trường. Phân bón DAP chủ yếu tiêu thụ ở thị trường phía Nam; giá phân DAP sản xuất trong nước bán ra thị trường dưới 9.000 đồng/kg trong khi phân DAP Trung Quốc bán gần 10.000 đồng/kg, phân DAP nhập từ Hàn Quốc trên 13.000 đồng/kg nhưng nông dân vẫn chê sản phẩm trong nước.
Chi phí sản xuất của nông dân sẽ tăng nếu giá phân bón biến động Ảnh: Ngọc Trinh
Trong thông báo điều tra, dựa trên hồ sơ bên yêu cầu là Công ty CP DAP (DAP Đình Vũ) và Công ty CP DAP số 2 (DAP Lào Cai) cùng thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), 2 công ty này chiếm 100% tổng sản lượng DAP sản xuất trong nước. Bộ Công Thương đánh giá bên yêu cầu đã và đang chịu thiệt hại nghiêm trọng về các chỉ số: lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, sản lượng, công suất sử dụng và thị phần. Bộ Công Thương cũng cho rằng có bằng chứng về mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu gia tăng (năm 2016 tăng 35% so với năm 2015) và thiệt hại nghiêm trọng gây ra cho bên yêu cầu.
Ông Vũ Duy Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP Vinacam (TP HCM), đơn vị nhập khẩu và cung ứng phân bón vô cơ lớn - cho biết hàng nhập khẩu của công ty không thể gây ảnh hưởng lên nhà sản xuất trong nước do giá luôn cao hơn. Cụ thể, Vinacam đang nhập DAP từ 3 nguồn là Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc, giá luôn cao hơn hàng trong nước từ 580.000 đến 1 triệu đồng/tấn, tùy nguồn nhập và thời điểm. Ông Hải nhìn nhận việc giảm sút doanh số bán hàng của các nhà máy DAP nội địa không do sự canh tranh của hàng nhập khẩu mà chủ yếu là vấn đề nội tại của các DN trong nước. Cần nhìn nhận khách quan là các nhà máy trong nước yếu kém trong công tác quản lý, đầu tư công nghệ không phù hợp, nguồn nguyên liệu đầu vào không đạt tiêu chuẩn quốc tế dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Thiệt cho cả nền sản xuất nông nghiệp
Ông Trần Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón Hà Lan (Long An), công ty sử dụng cả 2 nguồn phân DAP nội địa và nhập khẩu để đưa vào sản xuất - cho rằng không nên áp dụng biện pháp phòng vệ vì sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong nông nghiệp trong khi giá các loại nông sản đang ở mức thấp. Dù thuế nhập khẩu tăng, DN cũng phải nhập khẩu DAP vì hàng sản xuất trong nước không đáp ứng về chất lượng. Cụ thể, với DAP mua trong nước, công ty phải dùng máy nghiền hạt rồi mới đưa vào sản xuất và chỉ sản xuất được một số mặt hàng. DAP trong nước kém hơn hàng nhập nhiều chỉ tiêu, như tan chậm, bón trên đất khô cả tháng chưa tan để cây trồng hấp thu; chất lượng các lô hàng không ổn định... Đây là điều khiến các DN bất an khi sử dụng nguyên liệu trong nước dù giá rẻ hơn hàng nhập khoảng 1.000-2.000 đồng/kg.
DAP là một trong 4 loại phân bón cơ bản cùng với urê, kali, SA; được nông dân sử dụng nhiều nhất khi trồng trọt. Mục đích sử dụng DAP chính là bón lót, bón thúc cho tất cả các loại cây trồng trên các loại đất khác nhau hoặc sử dụng để sản xuất phân bón NPK.
Nếu Bộ Công Thương sau khi điều tra quyết định áp thuế phòng vệ thương mại thì giá phân DAP nhập khẩu sẽ tăng theo, cuối cùng khách hàng sẽ phải gánh hết chênh lệch này. Như vậy, thiệt hại chung cho cả nền sản xuất nông nghiệp và đối tượng chịu thiệt lớn nhất là nông dân.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, chuyên gia lâu năm trong ngành phân bón - cho rằng việc sử dụng phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bảo đảm công bằng, minh bạch và trên hết là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, Bộ Công Thương cần làm rõ vì sao giá phân bón DAP của 2 công ty trong nước rẻ hơn sản phẩm nhập khẩu, thậm chí rẻ hơn cả phân bón DAP của Trung Quốc nhưng nông dân vẫn chọn mua phân bón nhập khẩu mà không dùng sản phẩm trong nước. Nếu phân DAP sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng thì nông dân chẳng dại gì không mua sử dụng, các DN phân phối chẳng dại gì không bán mà lại chọn hàng nhập khẩu.
Theo giới chuyên môn, phân DAP sản xuất trong nước có nhược điểm lớn là khó tan và hàm lượng thấp hơn hàng nhập khẩu nên khó tiêu thụ. Đã có Vinachem ép các DN thành viên dùng sản phẩm của DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai để phân phối hoặc làm nguyên liệu phối trộn trong sản xuất. Hậu quả là các DN thành viên đã phải "trả giá" đắt do thực hiện chủ trương này. Vì vậy, thay vì trông chờ vào chính sách bảo hộ hoặc dùng biện pháp phi thị trường để bán hàng, các công ty sản xuất DAP trong nước nên tìm giải pháp nâng cao công nghệ sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm.
Ngành công thương sẽ hết quản lý phân bón
Bộ Công Thương đang quản lý phân bón vô cơ (chiếm 90% tổng số phân bón) nhưng theo lộ trình đã được thông qua, trong năm 2017, bộ này sẽ hoàn thành chuyển giao chức năng quản lý phân bón sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tập trung làm tốt công tác quản lý, tổ chức sản xuất, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cả nước hiện có 560 nhà máy phân bón vô cơ, vượt nhu cầu cả nước 10 triệu tấn/năm.(NLĐ)
------------------------------
Kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng 7,76% trong sáu tháng đầu năm
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,76%; cao hơn mức tăng cùng kỳ của hai năm gần đây.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức ngày 15/6.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều giải pháp được triển khai từ đầu năm 2017, đến nay kinh tế thành phố có nhiều chuyển biến khả quan, tiếp tục tăng trưởng cao với 7,76% (cùng kỳ tăng 7,47%).
Với đà tăng trưởng này, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2017 là từ 8,4-8,7%. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã đạt 173 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% so với kế hoạch năm, do vậy có cơ sở đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2017.
Trong tăng trưởng kinh tế chung, lĩnh vực dịch vụ tăng 7,38%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, khu vực nông nghiệp tăng 5,93%.
Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 57,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 23,8%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng ước tăng 7,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,9%) và đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Kết quả này có được nhờ chính sách cả nước và thành phố đang tập trung phát triển công nghiệp, nhất là thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn, mặt bằng chương trình hỗ trợ khác... phát huy hiệu quả. Động lực tăng của ngành công nghiệp tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố với mức tăng 9,72%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
Về đầu tư trong nước trên địa bàn 6 tháng qua, thành phố có hơn 18.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 227.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, có hơn 26.000 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng hơn 265 nghìn tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là trên 492.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng con số doanh nghiệp thành lập mới chỉ tăng 10% cùng kỳ nhưng số vốn tăng trên 2 lần là một tín hiệu rất tốt, cho thấy các doanh nghiệp thành lập mới có chất lượng hơn cũng như doanh nghiệp có xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất.
Trong những tháng cuối năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới dự kiến cũng sẽ tăng cao hơn nữa khi các quận, huyện đang tích cực triển khai các giải pháp phát triển doanh nghiệp.
Đối với dự án đầu tư FDI, thành phố cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 340 dự án, tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và công nghiệp chế tạo. Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 2,15 tỷ USD (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ).
Để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2017, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các sở ngành, quận huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan... đồng thời, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, thành phố sẽ đẩy mạnh giới thiệu các Chương trình kết nối cung-cầu, Chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng, Chương trình kích cầu thông qua đầu tư, Chương trình bình ổn thị trường... để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm công nghiệp (Tuoitre)
-----------------------
IMF tiếp tục nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lần thứ 2 trong năm nay, nhưng cảnh báo rằng nước này vẫn cần thực hiện những cải cách sâu để giảm bớt sự phụ thuộc của tăng trưởng vào vay nợ.
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo ra ngày 14/6 của IMF nhận định nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,7% trong năm nay. Trước đó, IMF dành cho kinh tế Trung Quốc mức dự báo tăng 6,6% trong báo cáo ra hồi tháng 4, và mức dự báo tăng 6,5% trong báo cáo ra hồi tháng 1.
Phó tổng giám đốc thứ nhất của IMF, ông David Lipton nói rằng Trung Quốc nên tranh thủ đà tăng trưởng hiện nay để thúc đẩy các cải cách.
“Mặc dù một số rủi ro ngắn hạn đã giảm xuống, tiến trình cải cách cần phải được đẩy nhanh để đảm bảo sự ổn định trong trung hạn và giải quyết mối rủi ro mà ở đó sự tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế rốt cục có thể dẫn tới một cuộc điều chỉnh mạnh”, ông Lipton đưa ra khuyến cáo trong một cuộc gặp tại Bắc Kinh với các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc.
“Điều quan trọng là phải bắt đầu công việc đó ngay từ bây giờ, khi mà tăng trưởng còn mạnh và các nguồn lực đệm còn đủ để làm dịu những tác động của tiến trình chuyển đổi nền kinh tế”, ông Lipton nói.
Năm nay, Trung Quốc đã chứng minh được rằng những người hoài nghi về tăng trưởng kinh tế nước này là sai. Trong quý 1, nền kinh tế Trung Quốc đã lần đầu tiên tăng tốc sau 7 năm, dù giới chuyên gia dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chậm hơn trong nửa cuối năm nhưng vẫn đạt mục tiêu tăng 6,5% trong cả năm mà Bắc Kinh đề ra.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang nỗ lực hạ nhiệt thị trường bất động sản bằng các biện pháp hạn chế mới. Điều này được phản ánh qua dữ liệu công bố ngày 14/6 cho thấy đầu tư vào các dự án phát triển nhà ở nước này đã chậm lại.
Năm ngoái, IMF cảnh báo rằng triển vọng trung hạn của kinh tế Trung Quốc đang bị phủ bóng bởi sự phân bổ nguồn lực không hợp lý, nợ doanh nghiệp cao và tiếp tục tăng, tình trạng dư thừa công suất, và những rủi ro do tình trạng thiếu minh bạch trong ngành tài chính.
Tuy nhiên, báo cáo lần này của IMF nói rằng nhà chức trách Trung Quốc đang tích cực giải quyết những thách thức này.
Theo khuyến cáo của IMF, Trung Quốc nên “dịch chuyển nhanh chóng hơn từ đầu tư sang tiêu dùng; tăng cường vai trò của các lực lượng thị trường; thực thi một bộ chính sách vĩ mô bền vững hơn; tiếp tục thắt chặt các quy chế giám sát; giải quyết nợ trong lĩnh vực phi tài chính; và cải thiện hơn nữa khung chính sách”.(VNeconomy)