Hàng chục nghìn đại lý “chết lâm sàng“ vì cuộc chiến giá ô tô; Kho bạc Nhà nước huy động trái phiếu Chính phủ đạt 75,6% kế hoạch; Hà Nội: Thu ngân sách đạt trên 114 nghìn tỷ trong 7 tháng đầu năm; Xuất siêu rau quả đạt 1,178 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh 15-06-2017
- Cập nhật : 15/06/2017
Trung Quốc giữ vững 5.000 tỉ USD trong khi Fed kiếm đường lui
Trung Quốc dường như vẫn 'ung dung' khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đang bận rộn giải cứu nền kinh tế của họ bằng cách cho vay tự do cũng như mua tài sản của chính phủ.
Theo Bloomberg, trong khi quỹ tài sản trị giá 4.500 tỉ USD của Fed dự kiến sẽ bị thu hẹp lại và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ ngừng các kế hoạch phát triển vào cuối năm nay, dự trữ 5.000 tỉ USD của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vẫn được giữ vững và thậm chí còn có thể mở rộng thêm.
Bảng cân đối tài chính của PBOC được ví như “người khổng lồ” so với các quốc gia khác, do sự tích lũy từ dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào từ nhiều năm nay và mức thặng dư thương mại lớn hơn so với thu hẹp trái phiếu chính phủ. Cung tiền lớn của nền thương mại lớn nhất thế giới đang có một tác động lớn hơn bao giờ hết trong việc tạo ra các con đường linh hoạt để giữ vững sự phát triển ổn định, ít nhất là trong vòng một năm khi quá trình chuyển đổi chính trị ở Bắc Kinh diễn ra. Được biết, bảng cân đối tài chính này đã từng bị thu hẹp trong quý 1/2017 vì các hoạt động thanh khoản tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán của người dân Trung Quốc. Để đảm bảo tính thanh khoản không làm tăng lạm phát, PBOC đã yêu cầu các ngân hàng phải khóa lại tỷ lệ tiền gửi, khiến cho tỷ lệ này lên tới 21,5% đối với các nhà cho vay lớn trong nước.
Hiện tại, với xu hướng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, vốn là nguyên nhân khiến nhân dân tệ bị đe dọa, PBOC sẽ thận trọng hơn trong việc đẩy mạnh dòng tiền trong nước chảy ra và thậm chí sẽ phải dùng tới quỹ dự trữ để đảm bảo giá trị nhân dân tệ. Các nhà hoạch định chính sách của Đại lục cho biết trong một báo cáo về chính sách tiền tệ hằng quý của họ rằng, bảng cân đối tài chính của PNOC liên quan đến các yếu tố phức tạp hơn, không thể so sánh một cách cân bằng so với ngân hàng trung ương ở các nước phát triển khác.
Nguyên nhân là do chính sách tài khóa, công cụ tiền tệ và các yếu tố cải cách tài chính bị ảnh hưởng phần lớn, cũng như nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, chứ không hoàn toàn theo định hướng từ thị trường. Hơn nữa, “nền kinh tế Trung Quốc chưa gặp phải các tình huống phải thắt chặt chính sách tiền tệ với mức độ lớn. Do đó, bảng cân đối tài chính sẽ tiếp tục được duy trì ổn định trong năm nay”, Ming Ming, cựu nhân viên chính sách tiền tệ trung ương, hiện là giám đốc nghiên cứu về thu nhập cố định tại Công ty Chứng khoán Citic ở Bắc Kinh, cho biết.(Thanhnien)
-------------------------------
Nhiều nước châu Á chuẩn bị đối phó với đợt tăng lãi suất mới của Mỹ
Nhiều ngân hàng trung ương châu Á đang tái xây dựng dự trữ ngoại hối trong bối cảnh các cơ quan tiền tệ chuẩn bị tinh thần cho đợt tăng lãi suất thứ ba trong sáu tháng qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo Bloomberg, dù việc nâng lãi suất là chuyện từ lâu được dự báo, thời gian thắt chặt tiền tệ kéo dài của Fed có thể khiến thị trường mới nổi lo lắng. Châu Á từng lao đao hồi năm 2013 khi cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke úp mở về việc chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng, khiến dòng vốn ào ạt chảy ra.
Trung Quốc đang dẫn đầu xu hướng ''bồi đắp'' dự trữ ngoại hối khi tiếp tục mua trái phiếu Mỹ sau đợt cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ lớn nhất kể từ năm 2000. Dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới tăng 24,03 tỉ USD lên 3.054 tỉ USD trong tháng 5, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4.2014. Nhân dân tệ (CNY) mạnh hơn và tình hình luồng vốn thoái giảm đi giúp giới chức Bắc Kinh củng cố dự trữ ngoại hối.
Dự trữ ngoại hối của Malaysia, Singapore và Indonesia cũng tăng mạnh. Dự trữ ngoại hối Ấn Độ thì đang ở mức cao kỷ lục nhờ dòng vốn lớn đổ vào thị trường chứng khoán.
Giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á Frederic Neumann tại ngân hàng HSBC ở Hồng Kông nhận định: “Châu Á đang tăng cường các biện pháp phòng vệ. Việc này sẽ giúp các ngân hàng trung ương có khả năng hơn trong việc chống lại bất kỳ sự biến động tiềm năng nào trong những tháng tới nếu Fed có hành động”.
Việc Fed nâng lãi suất có thể gây tác động lên khắp châu Á vì dòng vốn bị thu hút đến Mỹ nhờ lợi suất cao hơn, gây ra biến động trên thị trường tài chính, thúc đẩy chi phí đi vay trong khu vực. Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các khoản nợ bằng đồng đô la Mỹ.
Các nguyên tắc cơ bản được cải thiện cũng là lý do giải thích vì sao dự trữ ngoại hối các nước châu Á tăng lên. Tăng trưởng trên toàn khu vực vẫn khỏe, phần lớn là nhờ kinh tế Trung Quốc tiếp tục thể hiện tốt hơn so với dự báo rằng nước này đang đi xuống. Nhu cầu của Mỹ và châu Âu cũng tăng lên, xuất khẩu từ các nước như Hàn Quốc, Ấn Độ đang ở ngưỡng cao nhất trong nhiều năm qua, ngay cả trong bối cảnh lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đang lên cao.
Tiền cũng đổ về châu Á vì nhà đầu tư tăng gấp đôi dự báo về tiềm năng kinh tế của các nước như Malaysia, Philippines và Indonesia. Hãng xếp hạng tín dụng S&P vừa nâng mức xếp hạng của Indonesia trong tháng 5, mở đường cho dòng vốn lớn chảy vào nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương Bejoy Das Gupta của Viện Tài chính Quốc tế cho hay: “Khu vực đang hưởng lợi từ triển vọng tăng trưởng tốt hơn, các nguyên tắc cơ bản vĩ mô vững chắc, cải cách có tiến bộ, tình hình bên ngoài thuận lợi và tình hình chính trị trong nước ổn định”. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), châu Á có thể tăng trưởng hơn 5% trong năm nay và năm sau, cao hơn hẳn so với mức trung bình thế giới là 3,5% trong năm nay.(Thanhnien)
----------------------------------
Truy xuất xứ là thách thức lớn cho ngành xuất khẩu đồ gỗ vào EU
Cam kết về nguồn gốc xuất xứ trong Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được VN và EU ký tắt vào tháng 5 vừa qua, sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu gỗ hợp pháp đối với doanh nghiệp Việt.
Tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ vào thị trường châu Âu” do Cục Xúc tiến và thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAVA) tổ chức tại TP.HCM hôm qua (13.6), các ý kiến cho rằng cam kết về nguồn gốc xuất xứ trong Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) đã được VN và EU ký tắt vào tháng 5 vừa qua, sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu gỗ hợp pháp đối với doanh nghiệp Việt.
Diện tích gỗ rừng trồng tại VN đang phân tán, quy mô các hộ trồng rừng nhỏ lẻ nên khó truy xuất được nguồn gốc là một trong những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu hàng nội thất, thủ công mỹ nghệ VN đang đối diện khi Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA) dự kiến có liệu lực từ năm 2018 và Hiệp định VPA/FLEGT. Tại hội thảo, luật sư Nicolas Audier (Hãng luật Audier và Cộng sự) cho hay hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ VN sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0% khi EVFTA có hiệu lực.(Thanhnien)
---------------------------
Cách nhanh nhất để hút ngoại tệ vào nền kinh tế
Thủ tướng vừa tiếp tục giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, nghiên cứu việc huy động phù hợp nguồn vốn vàng, ngoại tệ trong dân vào phục vụ phát triển kinh tế.
Nguy cơ chảy máu ngoại tệ, lãng phí vàng
Vấn đề huy động vàng, ngoại tệ trong dân lại một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ đề ra trong phiên họp Chính phủ tháng 5/2017. Đây là lần thứ hai từ đầu năm đến nay, Thủ tướng đưa ra yêu cầu này.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách lãi suất 0% với tiền gửi USD có tác dụng rất lớn tại thời điểm đó. Song hiện tại, chính sách này đã bộc lộ những mặt trái. Đáng lo nhất là đã xuất hiện tình trạng “chảy máu” ngoại tệ và tình trạng kiều hối suy giảm.
.
Trong khi đó, hàng trăm tấn vàng trong dân vẫn chưa có cơ chế khai thông. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực phát triển kinh tế trong nước còn hạn chế, chủ trương huy động nguồn lực trong dân vào sản xuất - kinh doanh là rất đúng đắn. Tuy vậy, cách huy động nguồn lực này thế nào vẫn là bài toán khó.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh (Long An), nên huy động nguồn lực trong dân, đặc biệt là kiều hối, vào sản xuất - kinh doanh, thay vì đem tiền, vàng gửi vào ngân hàng. Để làm được điều này, phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin mạnh mẽ cho người dân. Việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách hành chính tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khởi nghiệp…
“Phải xem kiều hối là nguồn tài chính hùng hậu có thể giúp đất nước phát triển. Do đó, cần có chính sách ưu đãi kiều hối không kém đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Đỉnh đề xuất.
Tuy vậy, thu hút vàng, ngoại tệ trong dân vào các dự án sản xuất, kinh doanh, theo giới chuyên gia ngân hàng, là không đơn giản. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngoại tệ và vàng là tài sản của người dân và không phải ai nào cũng có nhu cầu và kiến thức để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, nếu huy động vốn của dân không đúng cách, sẽ sinh tác dụng ngược. Thậm chí, nếu cảm thấy nguy cơ bị kiểm soát, nguồn vàng và ngoại tệ sẽ càng co hẹp.
Hút ngoại tệ vào nền kinh tế
Huy động vàng và ngoại tệ trong dân vào phát triển kinh tế là bài toán khó, nên đến nay, đề án liên quan đến vấn đề này chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, huy động vàng trong dân vào phát triển kinh tế ra sao là vấn đề khó, vì thói quen giữ vàng “ống bơ” đã trở thành cố hữu. Vì vậy, tại thời điểm này, tập trung huy động ngoại tệ trong dân để phục vụ phát triển kinh tế.
Nên áp dụng lãi suất trở lại với tiền gửi ngoại tệ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế
Hiện nay, tỷ giá trong nước vẫn đang chịu nhiều áp lực, nhất là sắp tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất. Trong khi USD thế giới tăng giá mà lãi suất USD trong nước lại áp dụng 0%, có thể sẽ gây ra tình trạng chảy máu ngoại tệ. Vì vậy, để thu hút được nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng và phục vụ phát triển kinh tế, trước hết là phải áp dụng lãi suất tiền gửi với USD.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để thu hút nguồn ngoại tệ vào sản xuất - kinh doanh, Chính phủ cần lập kế hoạch, chương trình, dự án… khả thi cung cấp cho các ngân hàng thương mại cổ phần để họ tư vấn cho khách hàng. Tương tự, NHNN và Ủy ban người Việt ở nước ngoài cũng cần phối hợp để quảng bá các chương trình, dự án này đến với kiều bào ở nước ngoài để họ biết cách dùng nguồn lực này có lợi.
Ngoài ra, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu chính phủ bằng USD để huy động vốn ở nước ngoài. Tuy vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cách đơn giản nhất để huy động nguồn lực ngoại tệ vào phát triển kinh tế hiện nay là cho phép huy động (có lãi suất) và cho vay USD trở lại.
Mặt khác, khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào, ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay ngoại tệ để giải ngân, toàn bộ mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ được kéo xuống. Hiện nay, lãi suất tiền đồng vẫn khá cao, vì không có “cánh kéo” từ ngoại tệ. Nếu có thêm kênh USD, lãi suất thị trường sẽ được trung hòa.
Liên quan đến mối lo đô la hóa quay lại nếu NHNN cho phép huy động USD có áp dụng lãi suất, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu tỷ lệ đô la hóa ở khoảng 10% thì không coi là nền kinh tế bị đô la hóa.
Vấn đề là NHNN cần tính toán, xác định tỷ trọng USD trong nền kinh tế ở mức nào là bình thường và có chính sách lãi suất phù hợp nhằm huy động ngoại tệ vào ngân hàng, đồng thời không gây hiện tượng găm giữ, đầu cơ.(Baodautu)