Nhà sản xuất túi khí ô tô của Nhật nộp đơn phá sản; Nhà đầu tư rót 30 tỷ USD vào các quỹ ETF toàn cầu; Ngân hàng trung ương Nga cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 9%; Brazil: Bê bối Odebrecht khiến 7 quốc gia thiệt hại 6 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh 17-06-2017
- Cập nhật : 17/06/2017
Nhật-Trung quyết liệt giành quyền kiểm soát cảng biển châu Á
Theo đài RFI, Nhật Bản đang tranh giành quyết liệt với Trung Quốc quyền kiểm soát các cảng biển quan trọng tại châu Á, nhằm bảo đảm an ninh các tuyến đường vận chuyển hàng hóa, đồng thời Tokyo muốn kìm hãm bớt đà mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Ngoài việc mua lại cổ phần, hợp tác khai thác, tham gia xây dựng, Nhật Bản còn đang góp phần phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Á thông qua các khoản cho vay trực tiếp hay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), qua đó cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc.
Ví dụ như Tokyo tiến hành hợp tác với New Delhi để cùng khai thác cảng Colombo tại Sri Lanka, tham gia xây dựng cảng Thilawa tại Myanmar và dự án quản lý cảng nước sâu Sihanoukville ở Campuchia.
Tính đến cuối tháng 3/2016, Ấn Độ và Indonesia đứng đầu danh sách các nước châu Á được Nhật Bản cho vay với tổng trị giá 1.700 tỷ yen cho mỗi nước, tiếp đến là Việt Nam với mức vay là 1.400 tỷ yen.
Tokyo hiện là một đối tác ngoại giao và kinh tế quan trọng trong khu vực.
Theo phân tích của tờ Nikkei Asian Review, việc Trung Quốc tìm cách kiểm soát hầu hết các tuyến đường biển đi từ Biển Đông đến châu Âu thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường đang khiến Nhật Bản lo âu vì đó cũng chính là những tuyến hàng hải quan trọng đối với Tokyo trong việc nhập dầu khí từ Trung Đông và xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu.
Trong thời bình, những cảng biển nằm dọc theo Ấn Độ Dương chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Nhưng nếu Trung Quốc mở rộng được tầm ảnh hưởng, “họ có thể sử dụng những cảng này cho mục đích quân sự,” như cảnh báo của một quan chức Nhật Bản.
Do đó, trong nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi phát triển một khu vực Ấn Độ Dương “mở và tự do,” đồng thời Tokyo tăng cường các mối quan hệ với các nước khác tại châu Á thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển, không chỉ hỗ trợ về mặt kinh tế-tài chính, mà còn cả lĩnh vực quân sự, cứu hộ, cứu trợ thiên tai.(Vietnam+)
---------------------------
Doanh nghiệp nội vẫn khó 'bắt tay' với khối FDI
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017 được tổ chức hôm nay (16/6) tại Hà Nội với một trong những mục tiêu chính là tháo gỡ khó khăn trong hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và khối đầu tư nước ngoài.
Sau gần 5 giờ thảo luận, hàng chục ý kiến, tranh luận đến từ 6 hiệp hội doanh nghiệp FDI, các tổ chức, công ty trong nước và lãnh đạo các Bộ, ngành đưa ra xung quanh những vướng mắc về môi kinh doanh, quá trình hợp tác giữa các bên... Tuy vậy, nhiều rào cản chính yếu vẫn chưa thể tìm được cách giải quyết.“Rất tiếc khi phải nói rằng các ý kiến để giải quyết vấn đề lệch pha trong phối hợp giữa khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cùng các doanh nghiệp FDI vẫn còn ít, dù đây là chủ đề chính của diễn đàn năm nay”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định trong phần kết luận vào cuối diễn đàn.
Việc giải quyết vấn đề lệch pha trong phối hợp giữa khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cùng khối FDI vẫn chưa đạt được kết quả thỏa đáng.
Vấn đề này trước đó đã được Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF – ông Vũ Tiến Lộc nêu ra từ phần phát biểu khai mạc diễn đàn. “Không thể tiếp tục để tình trạng một quốc gia, hai nền kinh tế hay một nền kinh tế, hai tốc độ tăng trưởng như hiện tại, khi mà nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước không có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau”, ông Lộc nhận xét.
Theo số liệu từ VCCI, doanh nghiệp FDI được đánh giá là nhân tố quan trọng, đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, dường như nền kinh tế vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI. Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, một thực trạng là kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.
Sự cộng sinh rất yếu, đã được thể hiện trong tham luận của đại diện đơn vị này khi các dự án FDI trong nước còn có quá ít liên doanh (khoảng 80% FDI tại Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI rất hạn chế (khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân đang có khách hàng là các doanh nghiệp FDI). Hoặc nếu nhìn nhận từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước đang rất yếu khi chỉ có 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, một tỷ lệ đáng kể còn lại là mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác.
Trước sự lệch pha trong phối hợp giữa hai nhóm doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, quan điểm của Chính phủ sẽ không cố gắng thu hẹp hay làm yếu đi nhóm FDI, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai khu vực này cùng phát triển. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ sự kết nối hai khu vực này vào nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Khối doanh nghiệp FDI thì nói rằng doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực để tham vào chuỗi giá trị của họ, còn doanh nghiệp trong nước lại bảo có khả năng nhưng các doanh nghiệp FDI chỉ thích hợp tác với các doanh nghiệp nước họ”, Chủ tịch VCCI nêu thực trạng và cho rằng, hai nhóm doanh nghiệp cần phải ngồi lại, phải đưa từng sản phẩm lên bàn để tìm ra giải pháp.
Mặc dù câu chuyện giữa khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và các doanh nghiệp FDI còn chưa đạt được kết quả thỏa đáng, nhưng diễn đàn năm nay cũng ghi nhận những thành công nhất định.
Bộ Tài chính đưa ra hàng loạt số liệu về kê khai thuế điện tử, thời gian nộp thuế, thời gian làm thủ tục hải quan để chứng minh rằng thủ tục hành chính của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Không dưới 5 lần tại diễn đàn, đại diện của Bộ cũng cho biết sẽ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến để tiếp tục sửa đổi các quy định.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết sẽ thúc đẩy việc sửa đổi các thủ tục nhằm tạo điều kiện thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán. Trong khi đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện đơn giản hóa chứng từ, ngoại hối và quá trình thanh toán đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, những vấn đề nêu ra trong tham luận của các hiệp hội, tổ công tác không chỉ có được sự ghi nhận từ phía các Bộ ngành mà còn có cả những ý kiến phản biện, đóng góp.
Các rào cản trong thương mại, hàng rào thuế quan được các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nêu ra như một vướng mắc cản trở sự tham gia vào thị trường, đã được Thứ trưởng Công Thương - Trần Quốc Khánh phản biện một cách quyết liệt.
“Các doanh nghiệp không thể đổ lỗi cho rào cản thương mại, hàng rào thuế quan của Việt Nam, khi chính Việt Nam cũng là nước nhập siêu trong nhiều năm liền. Nếu có rào cản một cách quyết liệt thì đáng ra Việt Nam phải là nước xuất siêu”, ông Khánh nhận xét.
Đại diện Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, không thể nói rằng các biện pháp kiểm tra nhu cầu kinh tế, các biện pháp bảo hộ cản trở quá trình hội nhập, khi mà các nhà bán lẻ quốc tế như Metro, BigC hay các chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7-Eleven đang tham gia thị trường Việt Nam ngày càng mạnh và trực tiếp chèn ép doanh nghiệp trong nước.
Khi nhận được ý kiến về thị trường lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài, thay vì chỉ ghi nhận và điều chỉnh, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trực tiếp đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài hãy tổ chức các lớp dạy nghề ngay cạnh các cơ sở làm việc để trực tiếp đào tạo nhân sự phù hợp, hoặc phối hợp trực tiếp với các trung tâm giao dục dạy nghề khác để cải thiện chất lượng lao động.(Vnexpress)
----------------------------
Bank of China tại Việt Nam bổ sung thêm nghiệp vụ mua nợ
Ngày 13/6/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 1150/QĐ-NHNN về việc bổ sung hoạt động “Mua nợ” đối với Bank of China chi nhánh TPHCM.
Thống đốc yêu cầu, khi triển khai thực hiện hoạt động “Mua nợ”, Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện các thủ tục quy định tại Khoản 3 Điều 18b Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc NHNN quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 08/2015/TT-NHNN ngày 30/6/2015).
Nghiệp vụ mua nợ cũng được một số ngân hàng bổ sung thêm vào Giấy phép thành lập và hoạt động trong những năm gần đây như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (tháng 10/2015) và Ngân hàng TMCP Sài gòn - Hà Nội SHB (tháng 7/2016), hay như mới đây là Vietcombank (tháng 5/2017)...
Theo quy định hiện hành, Thông tư số 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tố chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định đối với hoạt động mua nợ tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ khi được NHNN Việt Nam chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động. Đồng thời, tổ chức tín dụng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường họp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.(NDH)
------------------------------
TP.HCM: Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt trên 94.000 tỷ đồng
Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 6 đạt 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so cuối năm 2016 và tăng 9,9% so cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với ngoại tệ và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm hơn 88% tổng nguồn vốn huy động.
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước đến cuối tháng 6 đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 10% so cuối năm 2016 và tăng 19,8% so cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 54,8%, tăng 6,36% so với cuối năm 2016; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 45,2%, tăng 14,7% so với cuối năm 2016.
Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 4/2017 là 4% trong tổng dư nợ, giảm 0,04 điểm phần trăm so cuối năm 2016 (cuối năm 2016 chiếm 4,04%).
Tỷ giá cũng diễn biến phù hợp với thị trường và tiếp tục theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước; đáp ứng cung - cầu ngoại tệ cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu tăng trưởng và phát triển. Thị trường vàng ổn định, yếu tố đầu cơ nắm giữ vàng, ngoại tệ tiếp tục giảm.
Cùng với đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP.HCM. Cụ thể, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã thực hiện cho vay tổng số tiền đạt 89.327 tỷ đồng cho gần 4.000 khách hàng. Trong đó, giải ngân theo gói tín dụng là 74.399 tỷ đồng cho gần 3.600 khách hàng; chương trình kết nối theo chuyên đề tại các quận, huyện là 14.928 tỷ đồng cho 389 khách hàng.
Chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng đạt 148.692 tỷ đồng dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu.Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 94.088 tỷ đồng, chiếm 63,3% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên.
Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở cũng đạt doanh số giải ngân lũy kế từ đầu chương trình là 7.375 tỷ đồng, dư nợ hiện tại đạt 5.794 tỷ đồng, tương ứng với 10.656 khách hàng.(Baohaiquan)
---------------------------