tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-08-2017

  • Cập nhật : 31/08/2017

Trung Quốc thành lập công ty điện lớn nhất thế giới

Trung Quốc vừa chấp nhận việc sáp nhập nhà sản xuất điện China Goudian và công ty than Shenhua Group nhằm tạo ra một công ty điện lớn nhất thế giới về công suất.

cong ty dien moi cua trung quoc co tong tai san tri gia 217 ti usd va se co cong suat lap dat hon 225 gw anh: bloomberg

Công ty điện mới của Trung Quốc có tổng tài sản trị giá 217 tỉ USD và sẽ có công suất lắp đặt hơn 225 GW ẢNH: BLOOMBERG

Theo Bloomberg New Energy Finance (BNEF), công ty liên danh mới giữa tập đoàn khai thác than hàng đầu Trung Quốc và một trong những nhà sản xuất điện lớn nhất nước có tổng tài sản trị giá khoảng 217 tỉ USD và sẽ có công suất lắp đặt hơn 225 GW, vượt qua cả Electricite de France SA (Pháp) và Enel SpA (Ý).

Frank Yu, nhà phân tích của hãng tư vấn Wood Mackenzie, cho biết Electricite de France có công suất lắp đặt đạt 137,5 GW vào năm ngoái. Trong khi đó, Enel có tổng công suất lắp đặt là 83 GW tính đến ngày 30.6.2017.

Sự liên kết Shenhua-Guodian có thể là một trong số ít các vụ sáp nhập xảy ra trong ngành công nghiệp điện của Trung Quốc khi các nhà hoạch định chính sách cấp cao của nước này cố gắng cắt giảm công nghiệp, cũng như số lượng doanh nghiệp nhà nước vốn đã quá lớn.

“Thương vụ này giúp củng cố định hướng cải cách doanh nghiệp nhà nước, sáp nhập với các công ty cùng ngành nhằm giảm đầu tư dư thừa và nâng cao hiệu quả sản xuất”, ông Tian Miao, chuyên gia phân tích cao cấp của Sun Hung Kai Financial tại Bắc Kinh, nói.

Trong một bài báo cáo nghiên cứu hồi đầu tháng này, ông Yu viết rằng động thái sáp nhập mang lại lợi ích chung cho cả hai bên. Shenhua có thể giảm sự phụ thuộc vào công suất đốt than, hiện chiếm khoảng 90%, bằng cách sử dụng nguồn năng lượng sạch của Guodian. Ngược lại, Goudian sẽ hưởng lợi từ nguồn cung cấp than đá, khả năng quản lý rủi ro giá cả, cũng như cơ sở hạ tầng tích hợp bao gồm đường sắt, bến cảng và tàu của Shenhua.

Tài sản của Shenhua có giá trị khoảng 1.014 tỉ nhân dân tệ. Trong năm ngoái công ty này đã sản xuất khoảng 290 triệu tấn than và tổng công suất phát điện là 82 GW. Trong khi đó, Goudian có tổng tài sản 803 tỉ nhân dân tệ và công suất phát điện đạt 145 GW.

Theo BNEF, công ty điện được sáp nhập cũng sẽ tạo ra 23% năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời, thủy điện và hạt nhân để cạnh tranh mạnh trên thị trường khi Trung Quốc đang nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng than. “Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ sáp nhập lớn mà chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch để hợp nhất ngành điện. Mục đích cuối cùng của họ là hình thành nên các công ty năng lượng lớn hơn có khả năng phòng ngừa rủi ro thị trường giữa than và điện. Hoặc họ có thể bán công nghệ hạt nhân, công nghệ năng lượng điện cho các thị trường mới nổi ở châu Á, và đó là những gì chính phủ nước này muốn quảng bá”, Sophie Lu, nhà phân tích của BNEF, viết trong một báo cáo.(Thanhnien)
--------------------

ExxonMobil sẽ khởi động dự án khí lớn nhất Việt Nam vào tháng 11

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ sẽ chính thức khởi động dự án khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào tháng 11 tới nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC, VTV đưa tin. 

 

thu tuong nguyen xuan phuc tiep ong jon gibbs, pho chu tich tap doan exxonmobil phu trach chau a-thai binh duong va trung dong. anh: vgp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Jon Gibbs, Phó Chủ tịch Tập đoàn ExxonMobil phụ trách châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông. Ảnh: VGP

 

Tại buổi tiếp ông Jon Gibbs, Phó chủ tịch Tập đoàn ExxonMobil phụ trách châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông, tại Trụ sở Chính phủ chiều 29/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để dự án khai thác khí ở mỏ Cá Voi Xanh sớm được khởi động.

Thủ tướng cũng đề nghị ExxonMobil cần tích cực hơn để triển khai dự án khí Cá Voi Xanh theo kế hoạch để dòng khí đầu tiên sớm được đưa vào bờ.

Về phần mình, ông Jon Gibbs cho biết sau cuộc gặp với Thủ tướng tại New York vào tháng 6 vừa qua, tập đoàn đã tích cực triển khai nhiều hạng mục của dự án sau khi Thủ tướng đồng ý với nhiều đề nghị của tập đoàn.

Dự kiến dòng khí đốt đầu tiên của dự án có trữ lượng lớn nhất Việt Nam sẽ được đưa vào bờ vào cuối năm 2023.

Phần lớn lượng khí khai thác tại mỏ này sẽ được sử dụng cho các nhà máy điện ở tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Thủ tướng đã phê duyệt đề án quy hoạch trung tâm khí điện Miền Trung với 5 nhà máy điện khí ở 2 tỉnh này.

Tháng 1/2017, ExxonMobil và PetroVietnam đã ký ký thỏa thuận khung phát triển Dự án và thỏa thuận khung Hợp đồng Bán khí Cá Voi Xanh.

Theo đó, trong giai đoạn đầu, sản lượng khai thác của Dự án sẽ đủ cung cấp khí cho 4 nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW. Sản lượng khai thác trong giai đoạn mở rộng sẽ cung cấp khí cho hóa dầu, hoặc nhà máy điện thứ 5 với công suất khoảng 750 MW. Tổng đầu tư chuỗi dự án khoảng 10 tỷ USD và sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 20 tỷ USD.

Được thành lập năm 1859, ExxonMobil là công ty dầu khí đa quốc gia của Mỹ. Đây là công ty đứng thứ 6 trong 10 công ty lớn nhất thế giới với 37 nhà máy lọc dầu ở 21 quốc gia, có tổng công suất lọc dầu là 6,3 triệu thùng/ngày.

Tập đoàn này đánh dấu sự trở lại Việt Nam vào năm 2015 khi thành lập Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí ExxonMobil Việt Nam, chuyên phân phối các sản phẩm dầu nhớt, hóa dầu.(Bizlive)
---------------------------

Hà Nội chưa quản lý Uber, Grab như taxi

Dự thảo quy chế chưa đặt ra vấn đề quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống vì đây là loại hình kinh doanh mới, đang được Chính phủ cho thí điểm (hết tháng 1/2018), sau tổng kết mới rút kinh nghiệm, xem xét cho hoạt động.

Hà Nội chưa quản lý Uber, Grab như taxi

Ảnh minh họa.

Chiều 29/8, tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội thông tin về dự thảo quy chế quản lý kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, trả lời câu hỏi của Thanh Niên, ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết dự thảo quy chế chưa đặt ra vấn đề quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống vì đây là loại hình kinh doanh mới, đang được Chính phủ cho thí điểm (hết tháng 1/2018), sau tổng kết mới rút kinh nghiệm, xem xét cho hoạt động.

Về quy định đấu thầu quyền khai thác kinh doanh taxi, dùng phần mềm quản lý chung... theo ông Quang, mục tiêu quy chế đặt ra là tạo một sân chơi minh bạch, công bằng cho tất cả các hãng.

Về vấn đề taxi Hà Nội phải “chung màu áo”, ông Quang lý giải, hiện nay gần 80 hãng taxi thì có từng ấy màu khác nhau, chưa kể các taxi tỉnh ngoài lưu thông vào TP. Sở GTVT sẽ lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp về màu sơn, cũng như có lộ trình áp dụng trong 10 năm tới.(Thanhnien)
--------------------

Tại sao không phải thuỷ điện, năng lượng tái tạo mà là nhiệt điện than?

“Các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện. Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác”, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết.

 

viet nam dang co 21 nha may nhiet dien than van hanh. anh: tl

Việt Nam đang có 21 nhà máy nhiệt điện than vận hành. Ảnh: TL

 

Chưa thể coi năng lượng tái tạo là hướng ưu tiên

Tại hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam” do Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam diễn ra ngày 29/8, ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết, xu hướng chung các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thuỷ điện. Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và mới bắt đầu hạn chế phát triển nhiệt điện than.

“Đến nay trên thế giới và Việt Nam, nguồn thủy năng về cơ bản đã khai thác gần hết. Sau thủy điện các quốc gia đẩy mạnh khai thác nhiệt điện than, hiện nay nhiệt điện than là nguồn phát điện chủ yếu của thế giới. Ở Việt Nam, năm 2015 tỷ lệ nhiệt điện than vẫn còn nhỏ, tới năm 2020 mới có vai trò chủ yếu, nếu điện hạt nhân còn lui tiến độ thì nhiệt điện than vẫn được coi là phương hướng phát triển chủ đạo”, ông Nghĩa cho hay.

Cũng theo ông Nghĩa, chỉ những nước giàu tài nguyên khí đốt như Nga, không xuất khẩu hoặc không có điều kiện xuất khẩu khí đốt và những nước đang thiếu điện trầm trọng như Philippine, Việt Nam thời gian khoảng 2000 – 2005 mới đầu tư mạnh nhiệt điện khí và mới chạy nhiệt điện khí ở phụ tải nền.

Sản lượng điện năng từ điện tái tạo chiếm tỷ trọng bé, giá thành sản xuất điện còn cao, ngay tại các nước phát triển, tỷ lệ này cũng thấp. “Việt Nam chưa thể coi phương hướng phát triển điện tái tạo là một hướng ưu tiên để có tỷ lệ đóng góp lớn trong sản xuất điện năng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Phân tích cụ thể về ưu, nhược điểm của nhiệt điện than, ông Nghĩa cho biết, sau thuỷ điện, nhiệt điện than cho giá thành điện thấp nhất, xấp xỉ 7cent Mỹ/kWh; vốn đầu tư không quá cao – khoảng 1.500USD/kW, thấp hơn thuỷ điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, nhiệt điện than không quá phụ thuộc vào địa điểm như thuỷ điện, thời gian xây dựng không quá lâu, khoảng 3 năm kể từ ngày khởi công.

Trong khi nhược điểm là chi dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện, chiếm 60% giá thành sản xuất điện. Chiến nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng nhà máy, bãi chứa tro xỉ, nhu cầu làm máy lớn cần đặt ở gần sông có lưu lượng nước lớn hoặc ven biển.

Ông Nghĩa cũng cho biết nhược điểm được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua. “Nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường: đặc biệt là các chất thải rắn và khí, chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém”, ông Nghĩa nói.

Phần phát biểu của mình ông Nghĩa cũng chỉ ra, xét về thành phần hoá học, tro xỉ từ đốt than đều là các thành phần hữu ích để làm vật liệu xây dựng, các nguyên tố kim loại nặng như chì, thuỷ ngân… hầu như không có.

Đối với chất thải khí, vị Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt cho biết, các nhà máy nhiệt điện than đã đầu tư rất lớn lên đến hàng trăm triệu USD cho việc đầu tư thiết bị xử lý các chất thải theo khói để đảm bảo nồng độ phát thải phải dưới giới hạn cho phép, chi phí vận hành hệ thống thiết bị xử lý này cho cả đời dự án còn lớn hơn nhiều chi phí đầu tư, nên “đúng ra không cần phải lo lắng quá mức về phát thải khí của nhà máy nhiệt điện than”…

Làm gì để phát triển nhiệt điện than gắn với phát triển bền vững?

Nêu quan điểm tại hội thảo, TS. Trần Văn Lượng, Cục Kiểm tra an toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, tất cả tro, xỉ của 21 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đều được phân tích và xác định là chất thải rắn thông thường.

Tuy nhiên, theo QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại thì tro bay của các nhà máy nhiệt điện than thuộc đối tượng “có khả năng” là chất thải nguy hại, đây là rào cản pháp lý gây hiệu ứng “tâm lý” trong ứng xử của cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông và người dân đối với tro, xỉ nhiệt điện.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác có khả năng sử dụng sử dụng tro, xỉ của nhà máy NĐT làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ (không có Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo Khoản 5 Điều 32 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP)…

Các vấn đề liên quan đến quản lý, xử lý khí thải; hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý ban hành nhiều quy định… cũng được chỉ ra tồn tại nhiều bất cập.

Theo đó, ông Lượng kiến nghị để đảm bảo việc phát triển nhiệt điện than gắn với phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc của các nhà máy, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà máy nhiệt điện than có thể chủ động xử lý các vấn đề môi trường của nhà máy.

Cụ thể, sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” theo Khoản 5 Điều 32 để các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng dễ dàng tiếp cận và xử ly, tái chế tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than;

Sớm ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Làm cơ sở để quản lý chất lượng các loại tro, xỉ cũng như việc sử dụng các loại tro, xỉ cho các mục đích khác nhau…(bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục