tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-06-2017

  • Cập nhật : 17/06/2017

Chính sách tiền tệ lại gánh cho tăng trưởng

Khi chính sách tài khóa không có sự hỗ trợ tốt, áp lực tăng trưởng GDP sẽ đặt nhiều gánh nặng hơn lên vai chính sách tiền tệ. Do vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu tín dụng của các ngân hàng tiếp tục tăng nhanh trong hai quí cuối năm.

Vấn đề còn lại là ngoài tín dụng tăng thì lãi suất cho vay có giảm được không.

Kịch bản nào nếu tín dụng tiếp tục tăng nhanh?

Trong vòng năm năm trở lại đây, hiếm có năm nào mà tín dụng đã cho những tín hiệu khởi sắc rõ rệt ngay từ thời điểm đầu năm như 2017. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25-5 đạt mức 6,53% (tăng 0,77% so với cuối tháng 4 và cũng cao hơn mức 5,22% của cùng kỳ năm 2016).

Trong những cuộc họp từ cuối năm ngoái, NHNN đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) phải xem xét đẩy mạnh vốn cho vay hỗ trợ nền kinh tế trải đều ra các tháng, tránh tình trạng chỉ tập trung dồn vốn cho các tháng cuối năm. Thêm vào đó, bản thân một số ngân hàng sau khi đã tạm “yên tâm” với việc xử lý nợ xấu trong năm 2016 cũng mạnh dạn tăng cường cho vay trở lại nhằm tăng thị phần cũng như tăng doanh thu, lợi nhuận.

Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy nhiều ngân hàng tính đến hết quí 1 có dư nợ cho vay vượt khá xa mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống như: VietinBank tín dụng tăng 5,6% so với cuối năm ngoái; Vietcombank tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2016; VIB tăng 5,7%...

Câu hỏi đặt ra là nếu tín dụng duy trì đà tăng nhanh như hiện tại thì liệu mức trần tín dụng (18% cho năm nay) có bị vượt qua và nếu vượt qua thì NHNN sẽ xử lý như thế nào?

Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra khi xét theo yếu tố mùa vụ thì các năm gần đây, dư nợ tín dụng trong hai quí cuối năm luôn có mức tăng vượt trội (thậm chí đạt hơn 2-3% trong các tháng 11 và 12). Đối với các NHTM đã cho vay nhiều trong năm tháng đầu năm sẽ đối mặt với hai khả năng. Một là sẽ phải xem xét hãm bớt đà tăng trưởng, siết lại hoạt động cho vay trong ba quí còn lại để vẫn nằm trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN chấp thuận từ đầu năm (đặc biệt đối với nhóm các ngân hàng tốp đầu có quy mô cho vay lớn).

Hai là các ngân hàng này có thể sẽ xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên một mức cao hơn. Khả năng thứ hai sẽ cần có hai điều kiện: i) chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung cần được nới lên một mức cao hơn mới cho phép các ngân hàng vượt hạn mức đã được cấp từ đầu năm (nhất là các ngân hàng có dư nợ lớn, chỉ cần nhóm này tăng vượt chỉ tiêu là có thể ảnh hưởng mạnh đến mức tăng chung của toàn hệ thống); ii) NHNN có thể sẽ chỉ xem xét cấp thêm hạn mức tín dụng cho những ngân hàng nào kiểm soát được chất lượng các khoản vay và có tỷ lệ nợ xấu thấp. Do vậy, hiện tượng phân hóa sẽ diễn ra và không phải các ngân hàng muốn cho vay bao nhiêu cũng được.

Thêm thuận lợi để nới lỏng chính sách tiền tệ

Tín dụng tăng thì lãi suất cho vay có giảm được không? Câu hỏi này không chỉ phụ thuộc vào lượng cung tiền của NHNN mà còn liên quan đến một biến số khác. Đó là liệu tiến trình xử lý nợ xấu có được thúc đẩy nhanh hơn nhằm giảm áp lực trích lập dự phòng để hạ chi phí vốn hay không?

Nhìn tổng thể, diễn biến kinh tế vĩ mô đang có những điều kiện thuận lợi để NHNN tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. NHNN đã liên tục kêu gọi các NHTM phải giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng thông điệp này khó được thực thi trong ba tháng đầu năm nay do vướng rủi ro lạm phát.

Thậm chí, một làn sóng tăng lãi suất huy động và phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao của một số ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa đã xuất hiện hồi giữa tháng 3, đầu tháng 4 còn mang đến lo ngại về việc lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại. Rất may là làn sóng này hiện đã lắng dịu do các NHTM tăng lãi suất lúc đó chủ yếu nhằm đối phó với quy định của Thông tư 06 về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50%.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng phổ biến ở mức 4,8-5,4%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng phổ biến từ 5,6-6,7%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7-7,6%/năm. Thêm vào đó, một yếu tố mới xuất hiện hỗ trợ cho xu hướng lãi suất và chính sách tiền tệ nới lỏng chính là lạm phát bất ngờ hạ nhiệt nhanh trong tháng 5. Chỉ số CPI giảm mạnh 0,53% trong tháng vừa qua đã khiến lạm phát (so với cùng kỳ năm trước) giảm từ mức 4,3% vào thời điểm cuối tháng 4 xuống còn 3,19%. Theo đó, kỳ vọng về lạm phát cũng được kéo xuống quanh mức 3,5% cho cả năm 2017.

Ngoài ra, diễn biến tỷ giá trong năm tháng vừa qua cũng rất ổn định. Trong khi tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh qua từng ngày và hiện đạt mức tăng khoảng 1% thì tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết tại các NHTM lại có xu hướng giảm nhẹ (khoảng 0,2%) so với cuối năm ngoái bất chấp thông tin về nhập siêu và lộ trình tăng lãi suất đồng đô la của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Khi rủi ro về lạm phát và tỷ giá không còn quá lớn, NHNN có thể sẽ xem xét nới trần tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống trong năm nay thêm khoảng 1-2%, lên mức 19-20%. Tổng phương tiện thanh toán M2 theo đó có thể cũng sẽ ở mức 18-19%. Áp lực nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng càng lớn hơn nếu đặt trong bối cảnh Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu GDP đạt mức tăng 6,7% và chính sách tài khóa đang có vướng mắc nhất định trong việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15-5, chi cho đầu tư phát triển mới đạt 72.400 tỉ đồng, bằng 20,3% dự toán năm trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là 25%. Khi chính sách tài khóa không có sự hỗ trợ tốt, tăng trưởng sẽ đặt nhiều gánh nặng hơn lên vai chính sách tiền tệ. Do vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu tín dụng của các ngân hàng tiếp tục tăng nhanh trong hai quí cuối năm. Vấn đề còn lại là ngoài tín dụng tăng thì lãi suất cho vay có giảm được không? Câu hỏi này không chỉ phụ thuộc vào lượng cung tiền của NHNN mà còn liên quan đến một biến số khác. Đó là liệu tiến trình xử lý nợ xấu có được thúc đẩy nhanh hơn nhằm giảm áp lực trích lập dự phòng cho các NHTM để hạ chi phí vốn hay không?(TBKTSG)
-------------------------------

Trung Quốc liệt 24 doanh nghiệp Hàn Quốc vào danh sách đen

Trung Quốc mới đây đã liệt 24 nhà sản xuất và xuất khẩu Hàn Quốc vào danh sách đen, hạn chế việc kinh doanh những sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm của các doanh nghiệp này tại thị trường Trung Quốc.

Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) ngày 16/6 dẫn số liệu từ Cơ quan quản lý Giám sát chất lượng chung Trung Quốc cho biết trong danh sách mới này gồm 14 nhà sản xuất và 10 nhà xuất khẩu các loại thực phẩm và mỹ phẩm Hàn Quốc.

Những doanh nghiệp trong nước và nước ngoài bị trừng phạt vì từ chối không cung cấp được giấy phép ít nhất 1 lần hoặc bị phát hiện nhập những sản phẩm chất lượng kém vào Trung Quốc hơn 1 lần trong 3 năm qua.

Các công ty này bị yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng phụ trước khi được phép chuyển hàng đến Trung Quốc.

Hiện, danh sách đen của Bắc Kinh nêu tên 414 doanh nghiệp nước ngoài và 217 doanh nghiệp Trung Quốc.

Nhiều tháng qua, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hàng loạt loại hàng hóa từ Hàn Quốc như một biện pháp trả đũa cho quyết định của Seoul, triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Nhiều hãng hàng không và sản xuất ôtô cũng như các tập đoàn bán lẻ của Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi động thái trên (Vietmam+)
-----------------------

Công bố danh mục công ty thuộc EVN nhà nước nắm giữ 100% vốn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2017-2020 với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng.

EVN cũng thực hiện việc chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia, xuất nhập khẩu điện năng, đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện.

Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây chuyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện…

Theo đề án, công ty mẹ EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia.

Doanh nghiệp do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2. Cổ phần hóa các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3, nhưng EVN nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ các tổng công ty phát điện đến hết năm 2019, năm 2020 tiếp tục xem xét thoái phần vốn Nhà nước còn nắm giữ xuống dưới mức chi phối.

Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 sẽ được thoái vốn sau khi hoàn thành dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Ngoài ra, EVN thực hiện thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp gồm Công ty tài chính cổ phần Điện lực, Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức, Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh - Công ty cổ phần, Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4.

Mục tiêu của đề án là xây dựng EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, nâng cao năng suất lao động, hoạt động hiệu quả, bền vững; giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng…(Tuoitre)
-------------------

Kinh doanh trên Facebook: trốn thuế sẽ bị bêu tên

Đó là một nội dung trong kế hoạch 35 vừa được Cục Thuế TP.HCM ban hành nhằm tăng cường công tác quản lý thuế với hoạt động kinh doanh trên Facebook và các mạng thương mại điện tử.

Theo kế hoạch này, cơ quan thuế sẽ phối hợp với sở công thương, Bộ Công thương, sở thông tin - truyền thông, Bộ Thông tin - truyền thông, đơn vị quản lý các trang mạng xã hội (Facebook, Google...) đề nghị hỗ trợ cung cấp danh sách các website, các tài khoản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử, gồm các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, phương tiện thanh toán, phương thức vận chuyển, giao hàng hóa...

Cơ quan thuế cũng cho biết sẽ đề nghị các cơ quan chức năng cung cấp các thông tin liên quan để quản lý có hiệu quả hơn trong việc thu thuế. 

Cụ thể, ngành thuế sẽ đề nghị cơ quan công an cung cấp thông tin về các website thương mại có hoạt động kinh doanh chưa kê khai nộp thuế.

Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước sẽ cung cấp danh sách các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng như bảng sao kê tài khoản của các cá nhân, tổ chức này.

Các đơn vị cung ứng vận chuyển (công ty chuyển phát, công ty bưu chính, viễn thông) cũng được yêu cầu cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển, doanh thu thu hộ (nếu có) của từng tổ chức, cá nhân...

Sau khi rà soát và phối kiểm các thông tin, cơ quan thuế sẽ truy thu thuế, xử phạt và bêu tên trên các phương tiện đại chúng đối với những cá nhân, tổ chức kinh doanh có hành vi trốn thuế.

Trước đó, cơ quan thuế TP.HCM đã gửi thư mời 13.469 chủ tài khoản Facebook lên làm việc để yêu cầu kê khai nộp thuế nhưng nhiều trường hợp né tránh, một số trường hợp kê khai doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm nhằm tránh nghĩa vụ nộp thuế...(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục