tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 14-06-2017

  • Cập nhật : 14/06/2017

Châu Á sắp thành nơi giàu nhất thế giới

Nhờ sức hút của Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore, châu Á - Thái Bình Dương sẽ vượt Bắc Mỹ về tài sản tài chính tư nhân năm 2019.

Trong báo cáo Tài sản Toàn cầu 2017 vừa công bố, BCG cho biết năm ngoái, tài sản tài chính tư nhân toàn cầu đã tăng 5,3% lên hơn 166.500 tỷ USD. Tốc độ này cao hơn năm ngoái, chủ yếu nhờ kinh tế tăng tốc và thị trường chứng khoán nhiều nơi trên khởi sắc. Số liệu được BCG tính toán bằng các tài sản hộ gia đình, như bảo hiểm nhân thọ, lương hưu, tiền mặt, cổ phiếu hay trái phiếu.

Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng tài sản lớn nhất thế giới, với 9,5% lên 38.400 tỷ USD. Dù vậy, nếu tính tổng, Bắc Mỹ vẫn đứng đầu với 55.700 tỷ USD. Xếp sau là Tây Âu với 40.500 tỷ USD.Trong những năm tới, các trung tâm tài chính châu Á - Singapore và Hong Kong - được dự báo thu hút nhiều tiền từ nước ngoài hơn đối thủ châu Âu là Thụy Sĩ. BCG cho rằng việc này sẽ giúp châu Á - Thái Bình Dương vượt Bắc Mỹ, thành khu vực giàu có nhất thế giới năm 2019.

singapore se thu hut them nhieu tai san trong nhung nam toi. anh: afp

Singapore sẽ thu hút thêm nhiều tài sản trong những năm tới. Ảnh: AFP

"Tại châu Á - Thái Bình Dương, động lực chính là các khoản tiền tiết kiệm mới", BCG cho biết. Trong đó, Trung Quốc là nguồn tài sản lớn nhất của khu vực này, đóng góp gần 12 tỷ USD doanh thu cho các ngân hàng tư nhân.

Tài sản nước ngoài tại hai nền kinh tế này ước tính tăng lần lượt 8% và 7% mỗi năm cho đến 2021. Tốc độ này cao gấp đôi so với Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, tính về tổng tài sản, Thụy Sĩ vẫn giữ danh hiệu trung tâm quản lý tài sản nước ngoài của thế giới. Năm 2016, nước này nắm giữ 2.400 tỷ USD, cao hơn so với 1.200 tỷ USD tại Singapore và 800 tỷ USD tại Hong Kong, BCG cho biết.

"Hong Kong và Singapore sẽ vẫn là các điểm thu hút tài sản nước ngoài tăng mạnh nhất thế giới. Do vị thế của họ ngày càng cải thiện nhờ sức tăng trưởng mạnh của châu Á - Thái Bình Dương", báo cáo giải thích. Dù vậy, việc Trung Quốc hạn chế phần nào dòng vốn rời khỏi nước này có thể sẽ làm giảm sức tăng trong ngắn hạn.(Vnexpress)
------------------------

Nhà đầu tư dự án PPP sẽ được ứng trước vốn

Các nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại TP.HCM sẽ được ứng trước vốn, hứa hẹn mang lại khởi sắc hơn cho mô hình này. 

Việc thực hiện ứng vốn sẽ thông qua Quỹ phát triển dự án (PDF) mà TP.HCM đang chuẩn bị triển khai. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ hoàn trả các chi phí chuẩn bị đầu tư cho quỹ.

Đây là một trong những chính sách được Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong thông tin tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư PPP và định hướng giai đoạn 2017-2020, do UBND thành phố tổ chức sáng 14-6, nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này

Theo ông Phong, hơn 20 năm thành phố thu hút đầu tư, và hơn hai năm thực hiện nghị định mới của Chính phủ về hợp tác đầu tư PPP, mô hình này đã mang lại lợi ích rất lớn trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt trong giai đoạn mới trước áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, vì vậy, PPP được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư hạ tầng, và là một trong những động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Thời gian qua, thành phố đã ban hành rất nhiều chủ trương chính sách để kiến tạo chính sách, môi trường đầu tư PPP thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong số đó, điểm nhấn là việc thành lập ban chỉ đạo PPP do một phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban, cũng như đang nghiên cứu để thành lập Quỹ bù đắp tài chính nhằm tạo nên môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn trong lĩnh vực này. 

Ông Phong cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM khẩn trương tham mưu cho UBND thành phố tiêu chí của từng loại dự án tham gia PPP làm cơ sở lựa chọn và chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đầu tư công nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà đầu tư, cơ quan quản lý và người dân.

Để tăng cường tính công khai tính minh bạch, trong thời gian tới, theo ông Phong, sở này cần phải mở một chuyên mục riêng trên trang web của mình về nhu cầu của thành phố, trong đó thông tin cụ thể về các dự án PPP đang kêu gọi đầu tư, các dự án đầu tư công chuyển sang PPP để các nhà doanh nghiệp có đầy đủ thông tin khi ra quyết định.

“Mặc dù số lượng dự án hình thức đầu tư PPP không lớn, chỉ chiếm khoảng 5% số dự án đầu tư công của thành phố, nhưng nguồn vốn huy động từ các nguồn vốn này rất lớn, gấp năm lần nguồn lực đầu tư công của thành phố giai đoạn 2011-2015. PPP chính là một trong những giải pháp phù hợp với các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TP.HCM”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Phú Quốc, tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), đến nay trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 23 dự án theo hình thức PPP đã ký kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện, với tổng giá trị đầu tư khoảng 71.172 tỉ đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường.

23 dự án này được ký hợp đồng và triển khai theo các hình thức xây dựng chuyển giao (BT), xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) và xây dựng - vận hành - sở hữu (BOO).

Hiện tại HFIC đang xúc tiến chuẩn bị các thủ tục triển khai thực hiện 32 dự án theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư hơn 74.810 tỉ đồng, trong đó vốn của HFIC tham gia khoảng 12.819 tỉ đồng.(Tuoitre)
------------------------------------

Cải cách doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo kỷ luật thị trường "lời ăn-lỗ chịu"

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng CN và TM Việt Nam cho biết kinh tế tư nhân chưa thực sự là động lực phát triển quan trọng và tình trạng phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân vẫn còn nặng nề đặc biệt là tiếp cận nguồn lực và quyền kinh doanh.

Ngày 13/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức Hội nghị Quốc tế Quản trị kinh tế hướng tới một Nhà nước kiến tạo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Mục tiêu của buổi hội thảo là tạo cơ hội trao đổi, chia sẻ và học hỏi các kinh nghiệm quốc tế về định hướng lại vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế và tăng cường thể chế, hướng tới một nhà nước kiến tạo cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

Tại phiên thảo luận thứ 3 diễn ra vào buổi chiều 13/6, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam bà Phạm Chi Lan cho biết kể từ khi ra đời trong giai đoạn đổi mới kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân được nhà nước hỗ trợ rất nhiều thông qua những chính sách về thuế, thương mại và các nhân tố đầu vào như đất đai, lao động. Bà cho biết thêm, hiện nay có khoảng hơn 500.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra một số những hạn chế của doanh nghiệp tư nhân đặc biệt là trong đóng góp tăng trưởng GDP. Hiện nay, tổng tài sản doanh nghiệp nhà nước đang ở mức tương đương với 70% GDP, ngoài ra nguồn lực còn phải tập trung cho các khu vực kinh tế nhà nước khác như hợp tác xã nên nguồn lực dành cho khu vực kinh tế tư nhân không còn nhiều, bà Lan chia sẻ.

Mặc dù rất ít nguồn lực nhưng đóng của doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế nhà nước cũng không hề nhỏ đặc biệt là công ăn việc làm và một số sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn chưa tới 5% còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy vậy, đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân lớn cũng không hề kém cạnh so với các doanh nghiệp nhà nước lớn khác hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thế nhưng, bà cho rằng hiệu suất làm việc của các doanh nghiệp tư nhân lớn còn chưa cao do dựa quá nhiều vào vốn và tập trung nhiều vào các ngành không có năng suất cao như bất động sản và tài chính. Những hạn chế về môi trường kinh doanh theo WB công bố hằng năm cho thấy quá trình cải thiện của Việt Nam vẫn còn rất “nhọc nhằn”.

Vì vậy, theo bà kinh tế tư nhân chưa thực sự là động lực phát triển quan trọng và tình trạng phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân vẫn còn nặng nề đặc biệt là tiếp cận nguồn lực và quyền kinh doanh. Doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm vai trò chủ đạo.

Bà Lan chỉ ra 3 yếu tố sẽ đóng vai trò làm động lực cho phát triển trong thời gian tới.

Điều đầu tiên là phải cải cách doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo kỷ luật thị trường "lời ăn-lỗ chịu". Cho đến nay số lượng doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa thì nhiều nhưng tổng số tài sản của nhà nước sau cổ phần hóa mới chỉ chiếm 8%. Đồng thời đôi khi quy luật "lời ăn-lỗ chịu" vẫn chưa thực sự được tuân thủ khi "lời" doanh nghiệp hưởng còn "lỗ" thì người đóng thuế chịu.

Thứ hai là đổi mới hệ thống ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI.

Cuối cùng cải cách thể chế, đặc biệt là thực thi pháp luật chính sách, thủ tục hành chính, giảm chi phí… Lâu nay Việt Nam phát triển theo 2 nguồn động lực chính là đầu tư nước ngoài và FDI còn khu vực kinh tế tư nhân nhà nước chưa bao giờ thực sự được coi trọng. Bà ví điều này giống như cỗ xe "tam mã" mà trong đó con ngựa thứ 3 bị "chặt đầu".(NDH)
------------------------

Tim Cook xác nhận Apple đang nghiên cứu xe tự hành

Người đứng đầu Apple cho biết: “Chúng tôi đang tập trung vào các hệ thống tự hành. Đó là một công nghệ cốt lõi mà chúng tôi coi là rất quan trọng. Đây là một trong những dự án AI (trí thông minh nhân tạo) khó thực hiện nhất”.

Tuy nhiên, ông Cook không xác nhận liệu chiếc xe tự hành của Apple khi nào mới được triển khai trên thị trường, và công ty cũng chưa sẵn sàng giải thích về loại xe đang phát triển. “Chúng tôi sẽ thấy nơi chúng tôi cần đến. Chúng tôi chưa thể nói về những gì mà mình đã, đang và sẽ làm”, ông Cook nói.

Tim Cook công khai thừa nhận Apple đang phát triển xe tự hành

Ông Cook thừa nhận rằng chúng ta đang chứng kiến sự gián đoạn lớn trong ngành công nghiệp ô tô hiện nay, với nhiều yếu tố khác nhau như công nghệ xe tự hành, xe điện và ứng dụng đi theo biển chỉ dẫn giao thông.

Bên cạnh đề cập về xe tự hành của Apple, ông Cook cũng ca ngợi những chiếc xe điện trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Bloomberg, nói rằng đó là một điều tuyệt vời nhằm giúp xe tránh phụ thuộc vào các trạm xăng.

Mặc dù vậy, CEO Apple không đề cập đến tên dự án Titan trong bài phát biểu của mình. Titan chính là tên mã cho dự án xe hơi của Apple, với Bob Mansfield đảm nhận vị trí dẫn đầu của dự án. Các báo cáo cho biết, thay vì tạo ra một chiếc xe hơi, dự án Titan đang phát triển một hệ thống lái tự động.

Ngoài mối quan tâm về xe tự hành, Apple cũng đã đầu tư 1 tỉ USD cho dịch vụ xe đi chung Didi Chuxing của Trung Quốc vào năm ngoái. Đó có thể là bước đi liên quan đến dự án xe tự hành hiện nay của Apple.(Thanhnien)
---------------------

Thêm một ứng dụng đặt xe tại Việt Nam cạnh tranh với Uber, Grab

Hãng taxi Thành Công vừa ra mắt ứng dụng đặt xe mới với tên gọi @ThanhCongApp. Đáng chú ý, đây là hãng đầu tiên tại Việt Nam triển khai ứng dụng công nghệ đặt xe trên nền tảng công nghệ Chatbot mới nhất của Facebook. Việc sử dụng ứng dụng giống như đang nói chuyện với một người dùng khác trên Facebook Messenger.

Tận dụng hạ tầng sẵn có của Facebook giúp Thành Công tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, người dùng cũng không cần cài thêm mobile app nào để sử dụng ứng dụng này. @ThanhCongApp hiện được triển khai tại 5 tỉnh thành Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Huế.

Ảnh minh họa

Ứng dụng mới của Thành Công ra đời trong bối cảnh taxi truyền thống đang phải cạnh tranh gay gắt để tìm "đất sống" trước sự phát triển của Uber và Grab.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6, trước những ý kiến về việc Uber và Grab có dấu hiệu phá giá thị trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường khuyến khích các doanh nghiệp taxi Việt Nam triển khai các phần mềm ứng dụng tương tự để có cạnh tranh lành mạnh.

"Đến nay cũng có khoảng 10 hãng taxi thiết lập được phần mềm ứng dụng để gọi xe và thanh toán điện tử cho khách hàng", Thứ trưởng cho biết.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng yêu cầu những hãng taxi như Uber, Grab... thực hiện đúng các quyết định về kinh doanh vận tải như trong Nghị định 86 mà Bộ GTVT đã ban hành.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục