Nga thử nghiệm thành công dòng máy bay chở khách mới
Ngày 28/5, Nga đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm với dòng máy bay chở khách tầm trung MC-21 mới. Đây là lần đầu tiên Nga phát triển dòng máy bay thương mại chủ lực kể từ thời Liên Xô.
Máy bay chở khách tầm trung MC-21 mới trong buổi bay thử nghiệm. Ảnh: Sputnik
Trong một tuyên bố bất ngờ, Công ty chế tạo Irkut thông báo chiếc máy bay MC-21-300 đã thực hiện thành công chuyến bay kéo dài 30 phút ở độ cao 1.000 mét, với tốc độ 300 km/h. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi đây là "sự kiện quan trọng" của Nga.
Dự kiến, kế hoạch sản xuất dòng máy bay trên sẽ bắt đầu trong 2 năm tới. Dòng máy bay MC-21 sẽ được chế tạo theo 2 phiên bản: MC-21-300 với 160-211 chỗ và MC-21-200 với 130-165 chỗ.
Truyền thông nhà nước Nga cho biết hãng Irkut đã ký nhiều hợp đồng chế tạo máy bay trên với các hãng hàng không trong và ngoài nước. Trong số đó, hãng đã nhận được 175 “đơn hàng chắc chắn” đã được thanh toán trước. Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (UAC) – công ty mẹ của Irkut ước tính trong 20 năm tới, nhu cầu toàn cầu đối với các máy bay dòng MC-21 sẽ vào khoảng 15.000 chiếc.
Nga đang nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp chế tạo trong nước để giúp đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài, trong khi bị các nước phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt do liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.(TTXVN)
------------------------------
'Giải cứu' nông sản: Cần có cơ quan chịu trách nhiệm về nghiên cứu thị trường
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc liên tục phải “giải cứu” nông sản ở trong nước thời gian qua đã cho thấy những tồn tại đáng lo ngại của ngành nông nghiệp.
Người chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN
Theo TS Đặng Kim Sơn, ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp vẫn rất manh mún. Trong khi đó, hoạt động thu mua của thương nhân cũng mang tính chất nhỏ lẻ, chi phí giao dịch cao và rất dễ xảy ra rủi ro. Bên cạnh đó, do sản xuất và kinh doanh phân tán nên tín hiệu thị trường không vận hành thông thoáng; giữa sản xuất và tiêu thụ bị chia cắt. Điều này dẫn đến hậu quả nhãn tiền là tình trạng "được mùa mất giá" diễn ra lặp đi lặp lại nhiều lần. "Lâu nay chúng ta vẫn chưa xử lý được tận gốc vấn đề này" - TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, cách thức quản lý của các cơ quan chức năng vẫn chưa thay đổi đáp ứng kịp với thể chế thị trường hiện đại. Hiện vẫn chỉ lo làm sao để phát triển cung, trong khi không quan tâm, thậm chí còn chẳng tính đến nắm bắt và hiểu tình hình cầu trên thị trường.
Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển chủ yếu của các đơn vị, các địa phương vẫn nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng số lượng và qui mô sản xuất. Hậu quả là hiện nay, rất nhiều mặt hàng diện tích sản xuất đã vượt quá quy hoạch, không có cách nào điều tiết nổi. Mục tiêu giá trị, thu nhập, hiệu quả, vững bền chưa được coi trọng.
"Điều này thể hiện ngay trong cơ cấu bộ máy tổ chức các bộ ngành. Đa phần các Cục, Vụ, Viện chỉ lo quản lý, thúc đẩy sản xuất để đúng thời vụ, đạt chỉ tiêu chứ ít quan tâm đến việc phát triển thị trường thế nào, bán hàng ra sao? Đa số cán bộ có chuyên môn kỹ thuật sản xuất, số người cho chuyên môn, năng lực kinh doanh rất ít. Các cấp lãnh đạo đến địa phương vẫn quen chỉ đạo nuôi con nọ, trồng cây kia, không mấy ai có khả năng định hướng phát triển thị trường. Đó là cách hành sử của Nhà nước quản lý, can thiệp kiểu cũ, không phải phong cách và năng lực của một Nhà nước kiến tạo theo đúng nghĩa" - TS Đặng Kim Sơn bày tỏ.
TS Sơn cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chuyên môn cần tạo được một môi trường phát huy được ưu thế của cơ chế thị trường, vừa khắc phục được những khiếm khuyết của nó. Phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế chủ động ra quyết định và tự chịu trách nhiệm sản xuất kinh doanh. Trong định hướng sản xuất, vai trò của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý chỉ nên dừng ở mức “khuyến” thôi.
"Điều mà người dân cần nhất ở Nhà nước lúc này là giúp họ nghiên cứu thị trường, cung cấp cho họ thông tin và định hướng về thị trường như tiêu chuẩn, chính sách ở thị trường, kênh phân phối tiêu thụ... Khi Nhà nước cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin thì người sản xuất, kinh doanh sẽ sử dụng thông tin đó để ra quyết định một cách thận trọng và hợp lý nhất. Từ đó mới có thể giảm thiểu thiệt hại của nền kinh tế và của từng người sản xuất" - ông Sơn chia sẻ.
TS Đặng Kim Sơn cho biết, một khoảng trống quan trọng hiện nay là hầu như chưa có các tổ chức chuyên trách và chịu trách nhiệm về vấn đề nghiên cứu thị trường, ngành hàng và hệ thống thông tin thị trường cho nông dân. Có lẽ đã đến lúc phải tập trung hình thành các cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ thiết yếu này. Các tổ chức này phải có cơ chế vận hành hiệu quả, bám sát được yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những kết quả nghiên cứu mà các tổ chức này đạt được sẽ phải được công bố rộng rãi, dễ hiểu để giúp người dân chủ động để đưa ra quyết định đầu tư, thu hẹp, hoặc mở rộng quy mô kinh doanh, điều chỉnh ngành nghề. Từ đó mới có thể giúp người dân nắm bắt, dự báo được tình hình thị trường chứ không phải việc đã rồi mới đưa ra những phương pháp như kiểu “giải cứu” rất cảm tính như hiện nay.
"Các tổ chức này tốt nhất nên áp dụng mô hình tổ chức theo kiểu liên kết công tư. Phần nghiên cứu thông tin mang tính chất cơ bản, phi lợi nhuận cho đông đảo nông dân thì Nhà nước sẽ làm, còn lại những thông tin đem lại lợi nhuận có thể trao quyền cho doanh nghiệp. Khi nhà nước và doanh nghiệp cùng làm sẽ thúc đẩy quá trình hiệu quả hơn. Nguyên tắc này sẽ đặc biệt có tác dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Chính phủ có hạn, hay nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ưu đãi đang bị thu hẹp dần." - TS Đặng Kim Sơn nói.(TTXVN)
----------------------------
FTA với Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu của EU
Trong một thông cáo báo chí chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27/5, Thủ tướng Malta Joseph Muscat cho biết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đang là ưu tiên hàng đầu của EU.
Thủ tướng Malta Joseph Muscat tại cuộc họp báo ở Valletta, Malta ngày 8/12/2016. Ảnh: EPA/TTXVN
Ông Muscat cho biết lập trường trên của EU đang là một chủ đề mà Malta sẽ thúc đẩy trong tháng cuối cùng trên cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu. Thủ tướng Malta còn cho biết ông và người đồng cấp Nhật Bản đã trao đổi ý kiến trong nhiều lĩnh vực, trong đó có trao đổi giáo dục, cũng như các vấn đề về thương mại.
Theo Thủ tướng Abe, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí duy trì một châu Âu vững mạnh và tầm quan trọng của việc thúc đẩy hội nhập trong châu lục này, đồng thời thảo luận các vấn đề tại khu vực Địa Trung Hải và châu Á.
Trong tháng Tư vừa qua, giá trị xuất khẩu từ Nhật Bản sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 2,2% lên 717,83 tỷ yen, trong khi nhập khẩu từ thị trường khối này tăng 5,4% lên 656,76 tỷ yen. Điều đó giúp Nhật Bản đạt thặng dư 61,07 tỷ yen trong giao thương với EU.
Thủ tướng Shinzo Abe đã tới Malta sau khi tham dự cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra ở Taormina, Italy. Nhật Bản và Malta đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1965, song đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm đến thăm đảo quốc này.(Baotintuc)
--------------------------
TP Hồ Chí Minh thu hút thêm 1,37 tỷ USD vốn FDI
Trong 5 tháng đầu năm 2017, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, TP Hồ Chí Minh đã thu hút được 1,37 tỷ USD (tăng 45,8% so với cùng kỳ).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 283 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 341,98 triệu USD; 81 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 287,05 triệu USD. Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận cho 775 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký đạt 742,2 triệu USD.
Trong các lĩnh vực hoạt động, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất, chiếm 35,9% với gần 123 triệu USD; tiếp theo là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, chiếm 27,1% với hơn 92 triệu USD; thông tin và truyền thông với 55 triệu USD, chiếm 16,2%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 11,8% với 40,25 triệu USD…
Về đầu tư trong nước, thành phố có gần 15.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 193.784 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 10,4% về số lượng doanh nghiệp và tăng 54,2% về vốn đăng ký). Ngoài ra, có trên 22.000 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 259.785 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 9,1% về số lượt doanh nghiệp và tăng gấp 4 lần về vốn bổ sung). Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 453.569 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ .
Thực hiện kế hoạch phát triển 60.000 doanh nghiệp trong năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết: Lãnh đạo thành phố đã làm việc với các quận, huyện để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp và đến nay đã có 413 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.(TTXVN)