Vietjet ký hợp đồng 4,7 tỷ USD với các đối tác Mỹ; Hàng loạt dự án bất động sản lọt "tầm ngắm" của Kiểm toán Nhà nước; Tỷ phú địa ốc Trung Quốc “bỏ túi” gần 10 tỷ USD nhờ sốt nhà; Vinalines: Năm 2016 công ty mẹ thoát lỗ nhờ hoạt động khác
Tin kinh tế đọc nhanh 01-06-2017
- Cập nhật : 01/06/2017
Xuất khẩu thủy sản đạt 2,8 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5/2017 ước đạt 618 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 53,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Cũng trong tháng 5/2017, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản đạt 87 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2017 đạt 508 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp chế biến đang tiếp tục đẩy mạnh thu mua cá nguyên liệu để phục vụ thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, bắt đầu vào thời gian thu hoạch rộ nên giá cá tra trong tháng đã giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn duy trì ở mức cao từ 24.000 – 26.000 đồng/kg.
Sản lượng thu hoạch cá tra 5 tháng đầu năm 2017 của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt gần 466.000 tấn, tăng 11,1%; so với cùng kỳ, diện tích nuôi hiện có ước đạt 3.092 ha (giảm 6,2%).
Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong tháng 5/2017 có phần cải thiện hơn sau khi giảm ở tháng trước. Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú oxy cỡ 30 và 40 con/kg tăng 20.000 đồng/kg so với tháng trước lên các mức tương ứng là 270.000 đồng/kg và 220.000 đồng/kg.
Giá tôm sú ướp đá cỡ 30 và 40 con/kg lần lượt giữ ổn định ở mức 190.000 đồng/kg và 150.000 đồng/kg; Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 và 60 con/kg giảm 5.000 đồng/kg xuống tương ứng là 125.000 đồng/kg và 115.000 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, giá tôm sú cỡ 30, 40 con/kg giữ mức 211.000 đồng/kg và 196.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 50 và 60 con/kg có giá lần lượt là 140.000 đồng/kg và 130.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá tôm sú cỡ 30 con/kg giảm 5.000 đồng/kg xuống 235.000 đồng/kg.(TTXVN)
--------------------
Samsung đầu tư thêm 2,5 tỉ USD tại Bắc Ninh
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-5-2017, cả nước có hơn 23.500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 303 tỉ USD.
Tính chung năm tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là hơn 12 tỉ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các dự án đầu tư nước ngoài đáng chú ý nhất là dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỉ USD tại Bắc Ninh. Dự án đường ống dẫn khí lô B Ô Môn với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỉ USD. Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư gần 320 triệu USD.
Trong năm tháng đầu năm, Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn gần 2,8 tỉ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ hai và TP.HCM thứ ba.
--------------------------
Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp
Đó là nội dung quan trọng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”.
Mục tiêu của đề án nhằm thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt...
Nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là hoàn thành cổ phần hóa 137 doanh nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2020, Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp (chưa bao gồm các công ty nông, lâm nghiệp, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Công ty mua bán nợ Việt Nam và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam...).(Chinhphu)
-----------------------
FLC lập hãng hàng không Tre Việt
Công ty TNHH Hàng không Tre Việt vừa được FLC công bố thành lập với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, do tập đoàn này góp toàn bộ.
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị quyết định thành lập công ty con với tên gọi Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), đặt trụ sở tại tầng 4, tòa nhà FLC Landmark Tower (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Trao đổi với VnExpress, đại diện FLC cho biết doanh nghiệp mới sẽ có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không dân dụng, dù đăng ký công ty có thêm nhiều ngành nghề khác. Tuy vậy, việc thành lập công ty mới chỉ là bước đầu tiên, vì tham gia ngành kinh doanh này đòi hỏi rất nhiều thủ tục, điều kiện, hạ tầng... FLC cũng cử Phó tổng giám đốc Đặng Tất Thắng đại diện quản lý toàn bộ vốn góp 700 tỷ đồng vào công ty mới.
Trước khi FLC tuyên bố tham gia vào thị trường, Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và VASCO - đơn vị đang trong quá trình tái cơ cấu, thông qua liên doanh giữa Vietnam Airlines với Techcombank. Một tên tuổi khác là Vietstar Airlines (vốn điều lệ 800 tỷ đồng) dù đã công bố kế hoạch bay từ đầu năm 2016 nhưng đến nay chưa được cấp phép hoạt động do phải chờ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Nghị định 92/2016 về quy định ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, mức vốn điều lệ 700 tỷ đồng của Viet Bamboo Airlines là tối thiểu để được phép vận chuyển hàng không quốc tế. Với quy mô vốn này, doanh nghiệp sẽ được khai thác tối đa 10 tàu bay. Tuy nhiên, nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa, mức vốn điều lệ nêu trên đủ điều kiện để doanh nghiệp khai thác trên 30 tàu bay.(Vnexpress)