Hãng tàu biển lỗ 3.400 tỷ xin đổi tên; Giảm 1.349 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016; Ấn Độ mất vị trí nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới; Doanh nghiệp Việt ký các hợp đồng tỷ USD với đối tác Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-05-2017
- Cập nhật : 31/05/2017
Lenovo gặp khó ngay sân nhà
Lenovo đang phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn tại Trung Quốc khi hãng này đã trượt khỏi danh sách mười nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất ngay trên sân nhà.
Máy tính bảng và điện thoại di động của Lenovo được trưng bày trong một cuộc họp báo về kết quả kinh doanh hằng năm của công ty tại Hồng Kông ẢNH: REUTERS
Từ vị trí nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ ba thế giới sau khi mua lại Motorola của Mỹ cách đây ba năm, thì nay Lenovo đang phải khá chật vật nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu” trong kinh doanh mảng điện thoại thông minh tại Đại lục. Số liệu thống kê của Canalyss cho thấy các lô hàng trong nước của công ty đã giảm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Reuters, các vấn đề về điện thoại của hãng bắt đầu sau khi Motorola Mobility nhận được 2,9 tỉ USD vào năm 2014, nhưng liền sau đó đã phải vật lộn để tích hợp tài sản. Điều đó, cùng với chi phí tiếp thị cho các sản phẩm mới tăng cao cũng như sự cạnh tranh gay gắt nổi lên từ các nhà sản xuất tầm trung như Xiaomi, Oppo hay Vivo đang khiến cho tổn thất trong kinh doanh điện thoại của Lenovo trở nên tồi tệ hơn.
Lenovo có ba thương hiệu điện thoại thông minh ở Trung Quốc, bao gồm dòng Moto cao cấp, dòng Lenovo có giá rẻ hơn và Zuk Mobile. Gần đây, công ty đã liên tục thắt chặt kinh doanh điện thoại di động bằng cách chuyển sự tập trung sang các mẫu sản phẩm cao cấp, đắt giá hơn dưới thương hiệu Moto.
Trong khi Lenovo đang theo sát để đạt được mục tiêu xoay chuyển kinh doanh di động vào nửa sau của năm tài chính, một số nhà phân tích lại cho rằng công ty nên tập trung xây dựng sức mạnh của mình ở các thị trường khác để cắt giảm thiệt hại to lớn ngay tại quê nhà. “Tôi nghĩ rằng Lenovo có được cơ hội lớn hơn từ các thị trường ngoài Trung Quốc”, Alberto Moel, nhà phân tích của Bernstein, cho biết.
Song bất chấp những ý kiến kêu gọi nên từ bỏ thị trường Trung Quốc, Lenovo vẫn khẳng định sẽ không có kế hoạch rời khỏi thị trường nội địa. “Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ kinh doanh điện thoại di động ở Trung Quốc, bởi vì bên cạnh việc chiếm 30% thị trường điện thoại thế giới thì đó còn là nhà của chúng tôi”, đại diện Lenovo nói.(Thanhnien)
-------------------------
Ba tỉ phú Trung Quốc kiếm 5,4 tỉ USD trong một ngày
GIá cổ phiếu tăng vọt trên sàn chứng khoán ở Hong Kong đã giúp 3 tỉ phú bất động sản Trung Quốc bỏ túi đến 5,4 tỉ USD chỉ trong ngày 29-5.
Giá trị tài sản ròng của tỉ phú Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn), chủ tịch tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande, đã tăng khoảng 10 tỉ USD kể từ đầu năm nay, lên đến khoảng 21,3 tỉ USD. Trang CNNMoney thông tin dựa trên dữ liệu từ Báo cáo Hurun (Hồ Nhuận), một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc).
Tài sản của ông Hứa đã tăng vọt như thế nhờ sự tăng giá đáng ngạc nhiên của cổ phiếu Evergrande: tăng gấp ba lần kể từ đầu năm đến nay.
Phần tăng đáng kể trên cũng nhờ bước tăng giá nhảy vọt tới 23% trên thị trường chứng khoán Hong Kong vào ngày 29-5, giúp tỉ phú Hứa bỏ túi thêm gần 4 tỉ USD chỉ trong một ngày và tăng tải sản của ông lên gần 21 tỉ USD.
Theo Bloomberg, trong cú tăng bất ngờ hôm 29-5 còn có tỉ phú Yang Huiyan của công ty Country Garden Holdings Co. kiếm được thêm 1,3 tỉ USD và tỉ phú Wu Yajun của công ty bất động sản Longfor Properties Co. bỏ túi thêm 400 triệu USD.
Theo dữ liệu của FactSet, tỉ phú Hứa là cổ đông chính của Evergrande với 72% cổ phần. Báo cáo Hồ Nhuận cũng cho biết tỉ phú Hứa còn có rất nhiều lợi ích kinh doanh khác - trị giá khoảng 3 tỉ USD, bao gồm cổ phần trong CLB bóng đá Guangzhou Evergrande.
Ông Rupert Hoogewerf, người sáng lập của Hồ Nhuận, bình luận: "Hiện tượng gia tăng mạnh mẽ về tài sản trong khoảng thời gian ngắn như vậy rất hiếm hoi ở Trung Quốc. Một ví dụ khác gần là trường hợp tỉ phú Wang Wei (Vương Ngụy), người có giá trị ròng đã tăng vọt lên 27,5 tỉ USD vào tháng 3 vừa qua sau khi công ty chuyển phát nhanh SF Express của ông ta chuyển ra niêm yết công khai trên sàn chứng khoán Thâm Quyến".
Lý do gì đã khiến giá cổ phiếu của Evergrande tăng dữ dội?
Theo ông Andrew Sullivan, giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh tại Haitong Securities Hong Kong, năm nay là một năm tốt đẹp đối với các cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc nói chung, và các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến các công ty bất động sản như Evergrande có các dự án xây dựng ở các thành phố nhỏ.
Chính quyền trung ương Bắc Kinh đã đưa ra những qui định ngặt nghèo hơn về xây dựng trong các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải để cố gắng kiềm chế bong bóng bất động sản nên các nhà đầu tư mở thị trường ra các thành phố nhỏ hơn.
Chưa kể phía công ty Evergrande gần đây đã chi nhiều tiền mua lại cổ phần của công ty mình từ các nhà đầu tư trước khi có kế hoạch niêm yết ở Trung Quốc.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều hoài nghi về tính bền vững của mô hình kinh doanh của Evergrande, vốn cũng mắc nợ như chúa Chổm. Nợ ròng của công ty đang ở mức 49,3 tỉ USD vào cuối năm 2016, tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Trong một báo cáo tháng trước, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo rằng chi phí lãi vay cao của Evergrande và các khoản thanh toán cho các cổ đông sẽ ngăn cản nó giảm đáng kể nợ.
Hồi tháng 3-2015, báo New York Times của Mỹ từng đưa tin tập đoàn Evergrande, một trong những công ty xây dựng lớn nhất Trung Quốc, đã phải nhận gói tín dụng hơn 16 tỉ USD từ các ngân hàng Trung Quốc.
Đó là do bối cảnh giá cả tuột dốc và nhu cầu nguội lạnh, nhiều công ty bất động sản Trung Quốc mấp mé bờ vực vỡ nợ.
Evergrande đã phải trang trải một khoản nợ khổng lồ, phần lớn trong số đó là nợ các nhà đầu tư ngoài, dù doanh số công ty trong năm 2014 đạt 20 tỉ USD.(Tuoitre)
----------------------------------
Sao không tính nợ của doanh nghiệp nhà nước là nợ công?
'Chúng ta cứ nói doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tự vay tự trả nên không tính vào nợ công, nhưng làm sao không tính vào được khi tài sản của DNNN là tài sản của Nhà nước?'.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt ra tại phiên thảo luận ở Quốc hội về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), chiều 30-5.
Ông Nghĩa cho rằng việc dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) gạt toàn bộ số nợ DNNN ra khỏi nợ công là không ổn. Nếu tính luôn số nợ của DNNN vào nợ công thì nợ công sẽ lên đến 431 tỉ USD, bằng 210% GDP chứ không phải 63,9% GDP như cách tính hiện nay.
Doanh nghiệp phá sản, Nhà nước có ngồi yên?
Ông Nghĩa phân tích: “Hiện nay có chủ trương là nếu của DNNN mà không do Nhà nước bảo lãnh, không phải do Nhà nước cho vay lại thì không đưa vào nợ công.
Nhưng các DNNN đều do Nhà nước quyết hết về nhân sự và nhiều tổ chức bố trí cán bộ Đảng chuyên trách về quản lý, phải chấp hành lo kinh phí cho hệ thống chính trị trong doanh nghiệp. Cho nên toàn bộ hiệu quả trong DNNN là Nhà nước chịu.
Đã nói DNNN là có vai trò tác động nhất định trong địa phương, trong ngành, trong nền kinh tế nên nếu nói Nhà nước không chịu trách nhiệm gì cả là không ổn. Doanh nghiệp đó vay nợ, phá sản thì Nhà nước có đứng yên được không?”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Đừng nói DNNN, ngay doanh nghiệp tư nhân có vài trăm công nhân phá sản thì Nhà nước cũng không thể ngồi yên, không thể không làm gì cả.
Huống chi là DNNN phá sản, rồi đất đai bị phát mãi, công nhân, cán bộ một bộ phận là trong biên chế. Nói không có trách nhiệm là không được!”.
Xử lý nợ DNNN quá đơn giản
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn ra số nợ của DNNN năm 2016 là 324 tỉ USD, bằng 158% GDP. Con số này còn cao hơn cả số nợ mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác đang nợ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Tuy chúng ta cắt nợ của DNNN ra khỏi nợ công, cho rằng đó là trách nhiệm hữu hạn thì đó là do luật quy định thôi. Ở nhiều nước, nợ DNNN thì nhà nước vẫn phải chịu”.
Từ lập luận này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa tính toán, nếu cộng cả nợ Chính phủ và nợ DNNN (sau khi trừ phần nợ Chính phủ bảo lãnh trùng lắp) thì tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ USD, bằng 210% GDP.
“Nói như vậy để thấy trong luật này đã gạt hẳn nợ DNNN ra khỏi nợ công, theo nghĩa là doanh nghiệp tự vay tự trả là cách xử lý quá đơn giản, phải có một cách xử lý khác” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.(Tuoitre)
------------------------
Bộ Kế hoạch và đầu tư bố trí sai và vượt 1.900 tỉ
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư kiểm điểm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tự ý bố trí kế hoạch vốn cho hàng loạt dự án không có cơ sở và vượt quy định.
Cụ thể, trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ sai sót của Bộ Kế hoạch và đầu tư trong việc bố trí kế hoạch vốn 575,4 tỉ đồng cho 18 dự án không có cơ sở; bố trí hơn 332 tỉ đồng không đúng đối tượng hoặc vượt tỉ lệ quy định cho 12 dự án.
Bên cạnh đó, bộ này còn bố trí vốn đối ứng ODA vượt tỉ lệ quy định 2,75 tỉ đồng cho 2 dự án; phê duyệt cơ cấu nguồn vốn ngân sách trung ương trong tổng mức đầu tư vượt tỉ lệ hỗ trợ quy định tới 1.004 tỉ đồng cho 13 dự án.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và đầu tư còn chậm giao vốn đầu tư phát triển gần 2 năm khoản tiền 30.000 tỉ đồng. Thực tế, đây là vốn đầu tư phát triển năm 2015, nhưng đến ngày 21-4-2017 số vốn này mới được giao.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư kiểm điểm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tự ý bố trí kế hoạch vốn cho 18 dự án không có cơ sở và trình phương án điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư nước ngoài chậm.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư khắc phục việc giao kế hoạch vốn cho nhiều dự án khởi công mới không đảm bảo các điều kiện; phê duyệt cơ cấu nguồn vốn ngân sách trung ương trong tổng mức đầu tư vượt tỉ lệ hỗ trợ quy định.
Đặc biệt, bộ này cần phải chấn chỉnh việc bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương không đúng đối tượng hoặc vượt tỉ lệ quy định; bố trí đối ứng ODA như nêu trên.(Tuoitre)