Tỷ giá hối đoái các đồng tiền châu Á – TBD ngày 30/8/2016
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-05-2017
- Cập nhật : 31/05/2017
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp doanh nhân, trí thức người Việt tại Mỹ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các doanh nhân và trí thức người Việt trong ngày đầu tiên thăm chính thức Mỹ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp với các doanh nhân, trí thức gốc Việt tại Mỹ. Ảnh: TTXVN.
Tại các cuộc tiếp ở New York ngày 29/5 (rạng sáng 30/5 giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp từ các doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài giúp thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ phát triển toàn diện, nâng cao uy tín cộng đồng người Việt tại Mỹ, theo TTXVN.
Thủ tướng thông báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, tái khẳng định chính sách đại đoàn kết dân tộc, luôn coi người Việt ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của Việt Nam.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, coi đây là một trọng tâm về công tác đối với người Việt ở nước ngoài trong tình hình mới giai đoạn 2016 - 2020.
Thủ tướng cũng khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, đóng góp cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Các doanh nhân, trí thức người Việt bày tỏ tình cảm và ấn tượng về sự phát triển và quá trình hội nhập của Việt Nam. Họ mong muốn được đóng góp vào quá trình đổi mới đất nước và thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ thời gian tới.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp vợ chồng Giáo sư Ngô Thanh Nhàn và bà Merle Ratner. Thủ tướng cảm ơn những nỗ lực, hỗ trợ và đóng góp tích cực của ông bà trong thúc đẩy quan hệ nhân dân hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Thủ tướng đã ghi nhận những chia sẻ, góp ý của ông bà về các việc cần làm để thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh thời gian tới.(Vnexpress)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt giáo sư Ngô Thanh Nhàn và vợ, bà Merle Ratner, cùng Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, ở New York, Mỹ, ngày 29/5. Ảnh: TTXVN
------------------------------
'Doanh nghiệp Đài Loan chuyển hướng đầu tư sang Bình Dương vì đường rộng, ít CSGT'
Đó là ý kiến phát biểu của ông Chien Chih Ming, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan ở Đồng Nai, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp Đài Loan do Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai tổ chức, diễn ra vào sáng 30.5.
Theo ông Chien Chih Ming, Đồng Nai là địa điểm mà các doanh nghiệp (DN) Đài Loan trước giờ yêu mến lựa chọn đầu tư, nhưng thời gian gần đây thì Bình Dương đã vượt qua.
“Thực tế thì các điều kiện vốn có của Bình Dương không bằng Đồng Nai nhưng bù lại đường lộ Bình Dương rộng, ít CSGT, dân cư đông đúc. Ngoài ra, chính quyền Bình Dương rất tích cực trong việc lên kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư Đài Loan và quan hệ mật thiết với họ”, ông Chien Chih Ming nói.
Cũng theo ông Chien Chih Ming, trong quá trình hoạt động lĩnh vực mà các DN Đài Loan bị phạt nhiều nhất, cũng như phản ánh nhiều nhất là thuế. Ông Chien Chih Ming cho hay hầu hết các DN Đài Loan khi đầu tư vào Đồng Nai đều có ý thức tuân thủ pháp luật, tuy nhiên do một số rào cản về ngôn ngữ nên các DN rất dễ mắc lỗi về thuế và bị phạt rất nặng.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là luật thuế VN phức tạp, khó hiểu mà lại thường xuyên thay đổi khiến DN gặp nhiều vướng mắc; công ty kiểm toán và nhân viên kế toán không nắm rõ pháp luật về thuế và hướng dẫn của VN để cung cấp cho các DN Đài Loan các sổ sách hợp pháp theo quy định về thuế, dẫn đến các DN Đài Loan kiểm toán không đúng nên bị xử phạt nặng.
Vì vậy, ông Chien Chih Ming cho rằng tỉnh Đồng Nai cần thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt để tư vấn các thủ tục, quy định, chính sách về thuế cho các DN Đài Loan nắm rõ để thực hiện đúng.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh ghi nhận và cho biết sẽ chỉ đạo Cục Thuế và các sở, ngành liên quan nhanh chóng tiến hành để tư vấn các thắc mắc về thuế cho DN Đài Loan.(Thanhnien)
-----------------------
5 tháng nhập siêu gần 2,7 tỉ USD
Tổng cục Hải quan vừa cho biết tính đến hết tháng 5, Việt Nam nhập siêu gần 2,7 tỉ USD, bằng 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
5 tháng đầu năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 161,28 tỉ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 79,3 tỉ USD, tăng 17,4%, tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 82 tỉ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, cán cân thương mại hàng hóa cả nước trong tháng 5 ước tính thâm hụt 800 triệu USD, bằng 4,7% kim ngạch xuất khẩu trong tháng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 5, Việt Nam nhập siêu gần 2,7 tỉ USD, bằng 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Chỉ tính riêng trong tháng 5, có 4 nhóm hàng xuất khẩu trọng điểm có dấu hiệu sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện ước thu về khoảng 3,9 tỉ USD, giảm 11% so với tháng trước. Song tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 16,05 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ, xuất khẩu trong tháng 5 đạt 600 triệu USD, giảm 5,2% so với tháng trước; tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng hơn 3 tỉ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Nhóm hàng dầu thô xuất ước đạt 215 triệu USD, giảm 5,9%; 5 tháng ước trị giá là 1,09 tỉ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Nhóm hàng gạo xuất khẩu trong tháng 5 ước đạt 250 triệu USD, giảm 0,8% so với tháng trước; tính tổng 5 tháng, xuất khẩu gạo đạt 1,04 tỉ USD, tăng 1,7% về trị giá so với cùng kỳ.
Còn lại, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác trong tháng 5 đều tăng nhẹ. Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 9,4 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 9,35 tỉ USD, tăng 46,2% so với cùng kỳ; giày dép ước đạt 5,6 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt hơn 5,12 tỉ USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ; phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt 2,72 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ và nhóm hàng thủy sản ước đạt 2,8 tỉ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, nhiều mặt hàng nhập khẩu đều tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm. Cụ thể, nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 14,91 tỉ USD, tăng 38,8% so cùng kỳ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,34 tỉ USD, tăng 27,5%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,02 tỉ USD, tăng 23,4%; sắt thép các loại đạt 4,06 tỉ USD, tăng 36%; chất dẻo nguyên liệu đạt 2,9 tỉ USD, tăng 25,5%; xăng dầu các loại đạt 2,63 tỉ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ 2016.(Thanhnien)
------------------------------
Xuất khẩu của Nga sang Mỹ tăng bất chấp lệnh trừng phạt
Xuất khẩu tăng mang theo hi vọng một mối quan hệ song phương Nga - Mỹ sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Thương mại Nga Alexander Stadnik nói với hãng thông tấn Sputnik hôm 29.5 rằng khối lượng xuất khẩu của Nga sang Mỹ đang tăng lên bất chấp các lệnh trừng phạt trước đây của Nhà Trắng.
“Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng giai đoạn 2014 - 2016, lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng với tốc độ khá nhanh. Bây giờ sau khi tỷ giá đồng rúp Nga đã ổn định hơn, thì mức tăng trưởng cũng sẽ tăng theo giá trị đồng tiền. Các công ty lớn của Nga như NLMK, Norilsk Nickel, TNK cùng một số công ty khác đều có nhà máy riêng của họ tại Mỹ và thành công trong việc xuất khẩu sản phẩm sang các nước thứ ba”, ông Stadnik nói, đồng thời cho biết thêm rằng Nga cũng có một dự án hậu cần lớn với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo các phái viên thương mại, Nga chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm dầu khí, máy móc, kim loại màu, phi kim loại màu, kim loại quý cũng như các dịch vụ hậu cần và công nghệ thông tin. Mỹ cũng quan tâm đến thị trường và việc làm tại Nga, đôi khi còn muốn tận dụng vị thế địa lý Á - Âu của Nga để thâm nhập thị trường các nước thứ ba trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đại diện thương mại của Nga tại Mỹ đánh giá rằng mối quan hệ đang tốt lên giữa cộng đồng doanh nghiệp Nga - Mỹ có thể sẽ trở thành phương tiện chính để cải thiện mối quan hệ đã bị xấu đi trong thời gian qua giữa hai quốc gia. “Đối với cộng đồng kinh doanh hai nước thì sự tin tưởng lẫn nhau vẫn còn. Dự án chung giữa các doanh nghiệp của chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục, và điều này cho phép chúng tôi hi vọng mối quan hệ kinh doanh có thể trở thành cầu nối để giải quyết các vấn đề còn lại của Nga - Mỹ”, ông Stadnik nói, tuy nhiên vẫn nhấn mạnh rằng triển vọng hồi phục quan hệ giữa hai nước sẽ không phải câu chuyện của một tương lai gần.
Quan hệ giữa Nga với Mỹ cũng như các nước phương Tây xấu đi kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine khi mà Kiev và Washington đổ lỗi cho Moscow về các cuộc xung đột ở phía đông Ukraine, đồng thời từ chối công nhận Nga sáp nhập Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3.2014. Mặc dù Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc nhưng Mỹ cùng với Liên minh châu Âu vẫn không chấp thuận và đưa ra một loạt biện pháp chế tài lên nước này.(Thanhnien)