Bảy ngân hàng lớn bị điều tra do thâu tóm giá kim loại quý
ANZ: Giảm lãi suất USD chỉ là biện pháp mang tính kỹ thuật
Doanh nghiệp Việt có nhiều sếp nữ hàng đầu khu vực ASEAN
Tập đoàn nhôm lớn nhất thế giới tách làm đôi
Doanh nhân Malaysia tìm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-09-2015
- Cập nhật : 27/09/2015
NHNN tái khẳng định: sẵn sàng bán ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định thông điệp tỷ giá đồng Việt Nam đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường và sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ.
Theo báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tuần 14-18/9 bằng VND đạt xấp xỉ 95.253 tỷ đồng (bình quân 19.051 tỷ đồng/ngày), tăng 11.771 tỷ đồng so với tuần từ 07/9 – 11/9/2015; bằng USD quy đổi ra VND đạt 26.228 tỷ đồng (bình quân khoảng 5.247 tỷ đồng/ngày), bình quân tăng 3.264 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn 1 tuần và qua đêm chiếm hơn 90% tổng doanh số giao dịch. Tương tự, đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 66% và 28% tổng doanh số giao dịch bằng USD.
Về lãi suất bình quân liên ngân hàng, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần từ 07/9 - 11/9/2015, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng đổi chiều, tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt từ 01 tháng trở xuống.
Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt đến mức 4,07%/năm, 4,17%/năm và 4,53%/năm.
Đối với các giao dịch USD, so với tuần từ 07/9 – 11/9/2015, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng tăng giảm trái chiều. Trong khi lãi suất bình quân ở kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần tăng, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm và 1 tháng giảm.
Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần tăng lần lượt 0,01%/năm, 0,07%/năm. Lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm và 1 tháng giảm lần lượt là 0,06%/năm và 0,22%/năm.
Nhận xét về hiện tượng đồng USD liên tục trồi sụt trong thời gian qua, NHNN cho biết sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Mỹ cảnh báo nguy cơ hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập châu Âu
Viện Chính sách Kinh tế (EPI) - một trung tâm nghiên cứu, phân tích của Mỹ, vừa công bố công trình nghiên cứu về những hậu quả đối với châu Âu sau năm 2016, khi nền kinh tế Trung Quốc được công nhận là một nền kinh tế thị trường.
Theo đài Sputnik, Viện Chính sách Kinh tế (EPI) - một trung tâm nghiên cứu, phân tích của Mỹ, vừa công bố công trình nghiên cứu về những hậu quả đối với châu Âu sau năm 2016, khi nền kinh tế Trung Quốc được công nhận là một nền kinh tế thị trường.
EPI cho biết theo các chuyên gia Mỹ, trong năm tới, lượng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ tăng từ 25-50%. Khi ấy châu Âu sẽ không còn khả năng kiềm chế việc Trung Quốc bán phá giá.
Tại châu Âu, các nhà sản xuất hàng dệt may, công nghệ thông tin, thiết bị điện tử, quang học và một loạt các ngành công nghiệp khác sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự tràn ngập của hàng hóa Trung Quốc.
Theo EPI, tình trạng trên sẽ để lại những hậu quả đáng kể, trong giai đoạn những năm 2017-2020, tại Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hơn 3,5 triệu người có thể bị mất việc làm. Các nước như Đức, Italy, Anh, Pháp sẽ hứng chịu những thiệt hại nặng nề nhất.
Hàng xuất khẩu không ghi "made in Vietnam" có bị xử phạt?
Trong quá trình làm thủ tục hải quan có DN phản ánh bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng hóa XK do không có nhãn “made in Vietnam”, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn cho rằng, trường hợp này xử phạt là chưa đúng.
Theo phản ánh của DN, có tình trạng hải quan cửa khẩu kiểm tra nhãn hàng hóa của hàng XK, yêu cầu phải ghi chữ “made in Vietnam”. Cụ thể, các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính đối với DN gồm: Hàng may mặc không có nhãn “made in Vietnam”; trên thùng carton có ghi “made in Vietnam” nhưng sản phẩm không có; trên sản phẩm có in bằng tiếng Nhật cũng không được chấp nhận.
Về vấn đề này, ông Âu Anh Tuấn cho biết, việc công chức hải quan xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi nêu trên của DN là chưa đúng quy định. Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP: ”Việc ghi nhãn đối với hàng hóa XK thực hiện theo thỏa thuận của tổ chức, cá nhân nước ngoài với DN XK”. Như vậy, việc ghi nhãn hoàn toàn theo thỏa thuận của DN với đối tác và việc ghi nhãn không nhất thiết phải ghi bằng tiếng Anh.
Tương tự, đối với hàng NK, trường hợp nhãn chính không thể hiện đầy đủ thông tin theo quy định thì được bổ sung nhãn phụ và việc bổ sung nhãn phụ thực hiện trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông. Trường hợp kiểm tra thấy nhãn chính chưa đầy đủ, cơ quan Hải quan không xử phạt và yêu cầu DN bổ sung nhãn phụ.
Xuất khẩu Tp.HCM “vạ lây” vì giá dầu
Giá dầu thô giảm mạnh khiến Tp.HCM không đạt chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm nay, dù các ngành hàng khác vẫn tăng trưởng tốt.
Theo báo cáo tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2015 của UBND Tp.HCM, ước tính kim ngạch xuất khẩu sau 9 tháng chỉ đạt hơn 22,45 tỷ USD, giảm 5,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4%).
Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng của Tp.HCM ước đạt hơn 24,39 tỷ USD, tăng 9,8% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 9,9%), chủ yếu ở nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ nhu cầu sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng và là người phát ngôn của UBND Tp.HCM, kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu là do giá dầu thô giảm mạnh.
Cụ thể, riêng chỉ tiêu Tp.HCM không đạt sau 9 tháng đầu năm nay là kim ngạch xuất khẩu, giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2014, do giá dầu thô trên thế giới giảm đến 50% đã kéo kim ngạch xuất khẩu giảm theo.
Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của thành phố 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 19,55 tỷ USD và tăng 8% so cùng kỳ.
Ông Luận cho biết, để đảm bảo tính khách quan, UBND Tp.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ loại trừ giá trị dầu thô khi tính chỉ số tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.
Phát triển ngành dừa thành ngành mũi nhọn
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị nghiên cứu sâu về đặc điểm sinh trưởng cây dừa ở từng vùng, tránh để phát triển tràn lan, cạnh tranh không lành mạnh...
Sáng 26-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội thảo “Phát triển ngành dừa Bến Tre và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trở thành một ngành mũi nhọn trong thời gian tới” tại TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre).
Ông Nhân nhấn mạnh: Để cây dừa trở thành cây chủ lực cần có chiến lược phát triển cây dừa một cách bài bản, đồng bộ, trong đó vai trò chủ đạo của bốn tỉnh có sản lượng dừa lớn nhất ĐBSCL là Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long hết sức cần thiết.
Do đó cần thiết phải sớm thành lập ngay ban chỉ đạo liên kết phát triển ngành dừa để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tổ chức liên kết sản xuất, tạo cơ chế hỗ trợ vốn cho người trồng dừa, tăng cường sản xuất giống tốt, nghiên cứu sâu về đặc điểm sinh trưởng cây dừa ở từng vùng, từ đó định hình nên sản phẩm chế biến chất lượng cao, tránh để phát triển tràn lan, cạnh tranh không lành mạnh...