Chứng khoán kỳ vọng vốn ngoại
Chứng khoán kỳ vọng vốn ngoại
Giao dịch của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) từ đầu năm đến nay vẫn duy trì ổn định với xu hướng mua nhiều hơn bán.
Tuy nhiên, giá trị dòng tiền của khối ngoại tham gia thị trường thấp hơn cùng kỳ năm trước. Dù vậy, thị trường vẫn kỳ vọng vốn của các NĐT ngoại sẽ tăng mạnh thời gian tới.
Lý giải việc giá trị dòng tiền của khối ngoại tham gia thị trường thấp hơn cùng kỳ năm trước, ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng VN, cho rằng có rất nhiều NĐT nước ngoài tiếp tục tìm hiểu cơ hội đầu tư tại VN. Nhưng trên thực tế khi tham gia thị trường vẫn còn nhiều trở ngại, nhất là việc triển khai các quy định mới để tăng thanh khoản cho thị trường lại quá chậm.
Chẳng hạn, Chính phủ đã có nghị định và Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn việc tăng tỷ lệ sở hữu (room) cho NĐT nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết, nhưng việc triển khai còn rất chậm. Bản thân các doanh nghiệp vẫn chờ đợi hướng dẫn nên NĐT nước ngoài chưa thể mua một số cổ phiếu (CP) họ yêu thích. Hay việc rút ngắn thời gian thanh toán cũng chỉ mới công bố…
Ngoài ra, TTCK VN vẫn có quy mô quá khiêm tốn so với một số thị trường trong khu vực nên khó thu hút được các quỹ đầu tư lớn tham gia. “Chính phủ cần phải cương quyết thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại các doanh nghiệp cũng như yêu cầu tuân thủ quy định lên giao dịch/niêm yết trên TTCK, góp phần làm tăng hàng hóa có chất lượng, định giá hợp lý”, ông Kim Thiên Quang kiến nghị. Dù vậy, ông vẫn lạc quan về triển vọng của TTCK dựa trên bức tranh tổng thể của kinh tế VN đang hồi phục với tốc độ nhanh và ổn định hơn. VN tiếp tục được xem là điểm đến hấp dẫn trong khối thị trường các quốc gia mới nổi và dòng tiền nước ngoài sẽ vẫn duy trì xu hướng mua ròng làm chủ đạo trong trung hạn.
Còn theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, về dài hạn, các chính sách hỗ trợ NĐT ngoại như mở room, triển khai các sản phẩm phái sinh và thúc đẩy nhiều doanh nghiệp niêm yết là những bước đi sẽ góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại đổ vào đầu tư. Đặc biệt, kinh tế VN đang ổn định và việc ký kết các hiệp định thương mại như TPP là một lợi thế khiến các NĐT ngoại chú ý nhiều hơn. Nhưng hiện nay, dòng vốn ngoại chỉ đầu tư khá tập trung vào các doanh nghiệp tiềm năng nên mỗi doanh nghiệp sẽ là “thỏi nam châm” hút được vốn ngoại trong thời gian tới nếu đáp ứng được tiêu chí đầu tư của NĐT nước ngoài.
Sắp đưa vào giao dịch chứng quyền có bảo đảm
Ủy ban Chứng khoán nhà nước công bố lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, các thành viên thị trường về dự thảo Thông tư hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) từ nay đến ngày 5.1.2016.
Theo dự thảo, CW có tính chất như một quyền chọn, cho phép người nắm giữ có quyền được mua hoặc bán chứng khoán với một khối lượng cụ thể tại một mức giá ở thời điểm được xác định và được phát hành bởi công ty chứng khoán. Thời hạn của CW tối thiểu là 3 tháng và tối đa là 2 năm, tính từ ngày phát hành đến khi đáo hạn.
Người sở hữu CW là chủ nợ có bảo đảm, được ưu tiên thanh toán tài sản của tổ chức phát hành trước chủ nợ không bảo đảm, và các cổ đông trong trường hợp tổ chức này bị giải thể, bị phá sản. CW sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán VN.
Hàng không Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao
Theo Cục Hàng không VN, tính đến hết tháng 10.2015, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không cả nước đạt 370.000 lần hạ cất cánh, tăng 20%; vận chuyển 52 triệu lượt hành khách, tăng 23,4% so cùng kỳ.
Riêng hoạt động vận chuyển của các hãng hàng không VN cũng đạt mức tăng trưởng cao với 25,6 triệu lượt hành khách, tăng 26,9%. Cụ thể, Vietnam Airlines (VNA) chở 14,6 triệu khách, tăng 9,3%; hệ số sử dụng ghế trung bình 83,8%. Jetstar Pacific (JPA) chở 3,2 triệu khách, tăng 54,5%, hệ số sử dụng ghế 85,3%. VietJet Air (VJA) chở 7,4 triệu khách, tăng 66,1%, hệ số sử dụng ghế 88,4%...
Thị phần khách nội địa của 3 hãng kể trên có thay đổi lớn, cụ thể VNA chiếm 47,6%, JPA 14,9%, VJA 35,7%. Trong khi năm 2014 VNA chiếm 56,6%, JPA 13%, VJA 28,8%.
Đề nghị thu hồi 10 dự án cảng biển
Ngày 22.11, Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết sau khi tiến hành rà soát tình hình triển khai các dự án cảng biển, cơ quan này đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 10 dự án cảng chậm tiến độ.
Theo đó, tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (H.Tân Thành) có 8 dự án gồm: Cảng Mỹ Xuân A IDICO, Xi măng Hồng Lĩnh, Sài Gòn Thép Việt, Tổng hợp Hồng Quang, Tổng hợp container Mỹ Xuân giai đoạn 1 (Nhà máy đóng tàu An Phú cũ), Nhà máy đóng tàu Vinalines, Tổng hợp container Cái Mép hạ, Cầu cảng PVC Hoa Sen Gemadept; tại khu vực Long Sơn (TP.Vũng Tàu) có Cảng container Vũng Tàu (Vinalines); tại H.Côn Đảo có Cảng tổng hợp và dịch vụ dầu khí Bình Hòa Tiết.
Một lãnh đạo Sở GTVT cho biết hầu hết các dự án cảng biển nêu trên đều hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng nhưng chậm triển khai theo tiến độ đã cam kết.
Tín dụng trung dài hạn tăng hơn 20%
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng trung dài hạn của các ngân hàng trên địa bàn năm nay tăng nhanh hơn so với tín dụng ngắn hạn, chiếm 55% tổng dư nợ, tăng hơn 20% so với năm 2014.
Nguyên nhân là các doanh nghiệp đã và đang có nhu cầu vốn trung dài hạn để mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ và phát triển sản xuất; nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; nhu cầu vay vốn mua nhà ở... đều tăng.
Tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ trọng 80% tổng dư nợ. Trong đó 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên gồm xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vay chiếm 56% trong tổng dư nợ.
Tăng trưởng tín dụng năm 2015 dự kiến sẽ cao hơn năm 2014, dự kiến tăng khoảng 13% so với cuối năm 2014, do mặt bằng lãi suất cho vay so với cuối năm 2014 đã giảm từ 1,5 - 2,5%/năm tùy theo từng kỳ hạn.
(
Tinkinhte
tổng hợp)