tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-07-2018

  • Cập nhật : 19/07/2018

Thanh tra hơn 22.000 cuộc, thu lại ngân sách gần 17.000 tỉ đồng

Con số này được Bộ Tài chính thống kê tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách diễn ra sáng  18.7. 

ngan sach tang thu nho cac cuoc thanh tra quyet liet - anh ngoc thang

Ngân sách tăng thu nhờ các cuộc thanh tra quyết liệt - ẢNH NGỌC THẮNG

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 6 tháng năm 2018 ước đạt 651.700 tỉ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa ước đạt xấp xỉ 523.400 tỉ đồng, bằng 47,6% dự toán, tăng 15,5% so cùng kỳ năm 2017. 

Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù (thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp Nhà nước, thu hồi vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp), số thu nội địa ước đạt 402.500 tỉ đồng, bằng 46,4% dự toán, tăng 13% so cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã thực hiện trên 22.600 cuộc thanh tra và kiểm tra thuế, kiến nghị xử lý thu vào ngân sách Nhà nước 4.700 tỉ đồng (số đã nộp vào ngân sách gần 2.000 tỉ đồng); thu hồi được 14.880 tỉ đồng tiền nợ thuế.

Ước tính, 6 tháng đầu năm, có 45/63 địa phương có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 50%), trong đó 36 địa phương thu đạt trên 53% dự toán; 53/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 10 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ. Loại trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, thì có 31 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán; đáng chú ý là có 32 địa phương tiến độ thấp so dự toán, trong đó có 13 địa phương thu 6 tháng đạt dưới 45% dự toán năm.

Đối với dầu thô, luỹ kế 6 tháng ước đạt 29.600 tỉ đồng, bằng 82,4% dự toán, tăng 25,3% so cùng kỳ năm 2017. Giá dầu thô thanh toán bình quân 6 tháng khoảng 71 USD/thùng, tăng 21 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng 6 tháng ước đạt 6,2 triệu tấn, bằng 55% dự toán, bằng 91% cùng kỳ năm 2017.

Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 649.200 tỉ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 130.000 tỉ đồng, bằng 32,5% dự toán, tăng 42%; chi trả nợ lãi đạt 59.300 tỉ đồng, bằng 52,7% dự toán, tăng 6%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ trả nợ đến hạn theo cam kết; chi thường xuyên đạt 455.800 tỉ đồng, bằng 48,5% dự toán, tăng 5%.(Thanhnien)
-----------------------

6 tháng, VN chi gần 2 tỉ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi

Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 6 đạt 372 triệu USD, tăng 12,96% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VN đã chi gần 2 tỉ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Chi nhập khẩu chủ yếu vào nhóm hàng đậu tương, ngô, lúa mì, sắn và các sản phẩm từ sắn. Các thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu lớn cho VN đến từ: Brazil, Mỹ, Argentina.

Năm 2017, VN chi 3,2 tỉ USD để nhập khẩu thức ăn và nguyên liệu ngành chăn nuôi. Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng ngô, đậu tương trong nước hiện chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Bộ Công thương dự báo chi nhập khẩu có thể lên tới 3,8 - 3,9 tỉ USD trong năm nay.(Thanhnien)
-----------------

20 tỉnh thu ngân sách chỉ đạt dưới 50%

Riêng TP HCM dự kiến chỉ đạt hơn 98% chỉ tiêu thu ngân sách. Hoạt động chung của TP đang bị ảnh hưởng do đón nhiều đoàn thanh tra cùng 1 vụ việc

Ngày 18-7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.

Chi gần 60.000 tỉ đồng trả nợ lãi

Báo cáo về công tác ngành tài chính 6 tháng đầu năm, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết: Tổng thu ngân sách ước đạt 651.700 tỉ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng chi NSNN 6 tháng đạt 649.200 tỉ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 130.000 tỉ đồng, tăng 42%; chi thường xuyên đạt 455.800 tỉ đồng, tăng 5% và chi trả nợ lãi là 59.300 tỉ đồng, tăng 6%.

20 tỉnh thu ngân sách chỉ đạt dưới 50% - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Về 2 "đầu tàu" kinh tế của cả nước, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thu ngân sách của TP 6 tháng đầu năm ước đạt 184.000 tỉ đồng. Con số này ở Hà Nội là gần 120.000 tỉ đồng. TP HCM dự kiến chỉ đạt hơn 98% chỉ tiêu thu ngân sách được giao trong năm 2018 do gặp nhiều khó khăn.

Nửa đầu năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP chỉ đạt gần nửa tỉ USD, chưa bằng 50% so với cùng kỳ. Ông Tuyến cũng nêu thực tế TP phải "đón" nhiều đoàn thanh tra chuyên ngành cùng 1 vụ việc (1 vụ việc có 5 đoàn kiểm tra - PV) nên phải đầu tư nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động chung.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho hay đang gặp khó trong việc thu hút nhà đầu tư do vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Địa phương này kiến nghị Bộ Tài chính cho vay 200 tỉ đồng để thực hiện đề án giải phóng mặt bằng KCN, tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư tham gia, từ đó tăng nguồn thu.

Đối với Hải Phòng, thu ngân sách đầu năm đạt 33.000 tỉ đồng nhưng TP ven biển này còn nhiều khó khăn do hạ tầng quá tải, giao thông, hệ thống cảng biển, nhiều nguồn lực chưa được đáp ứng kịp thời.

Lập tổ rà soát tại các địa phương thu ngân sách thấp

Trong 6 tháng đầu năm, 20 địa phương thu ngân sách đạt dưới 50%. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính thành lập tổ rà soát tại các địa phương này để tìm nguyên nhân do dự toán hay do thu yếu kém và đưa ra giải pháp khắc phục.

"Rà soát xem trách nhiệm trung ương thế nào, trách nhiệm địa phương đến đâu. Không thể lấy ngân sách của tỉnh vượt thu đi bù cho tỉnh hụt thu được mà ngân sách trung ương phải có trách nhiệm với các tỉnh hụt thu" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận công tác quản lý thu ngân sách chưa thực sự quyết liệt, nợ thuế cao, giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm và thị trường chứng khoán chưa ổn định trong 6 tháng qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý thu ngân sách hơn nữa, chống thất thu, trốn thuế. Theo Phó Thủ tướng, thuế nhà đất vẫn là vấn đề Bộ Tài chính cần nghiên cứu bởi đây là nguồn thu của các địa phương, đồng thời liên quan đến nghĩa vụ của người dân. Dư địa để tăng ngân sách từ số thuế bị thất thu, đặc biệt từ trốn thuế, chuyển giá và nợ đọng, còn rộng hơn rất nhiều.

Đối với thuế nhà, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cả nước thu được 2.900 tỉ đồng nếu đánh thuế với ngưỡng trên 700 triệu đồng và thu 1.500 tỉ đồng nếu lấy ngưỡng một tỉ đồng. Con số này chiếm khá nhỏ trong số nợ đọng thuế hơn 70.000 tỉ đồng hiện tại.

Về chi thường xuyên, Phó Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm các khoản chi như khánh tiết, lễ tân, hội nghị, lễ hội, mua sắm công và đi công tác nước ngoài. Ông Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính siết chặt quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm theo kết quả thanh tra, kiểm toán về chi thường xuyên, trong đó làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu.(NLĐ)
--------------------------

2 tỉ USD chuẩn hóa 2.400 sản phẩm, nông sản địa phương

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng để tiêu chuẩn hóa ít nhất 2.400 sản phẩm hiện có của các địa phương, phải huy động khoảng 2 tỉ USD, tương đương khoảng 45.000 tỉ đồng, 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thăm quan trưng bày các sản phẩm OCOP. /// Ảnh VGP/Thành Chung

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thăm quan trưng bày các sản phẩm OCOP. - ẢNH VGP/THÀNH CHUNG

Ngày 14.7, tại Bắc Giang, Ban Chỉ đạo T.Ư các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2022.

Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có trên 4.000 sản phẩm làng xã, theo mục tiêu của chương trình OCOP đến năm 2020 sẽ có ít nhất 2.400 sản phẩm làng, xã được tiêu chuẩn hóa, xây dựng nhãn hiệu thương mại.

Ngoài ra, OCOP sẽ thu hút khoảng 3.920 hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình này để xây dựng thương hiệu, thị trường cho sản phẩm nông sản khu vực vùng nông thôn; đồng thời phát triển mới 500 DN, HTX tham gia OCOP.

Ở cấp T.Ư, Ban Chỉ đạo T.Ư chương trình OCOP lựa chọn 8 - 10 mô hình đầu tư thí điểm thành các làng, bản văn hóa du lịch, tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi, cũng như hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với các HTX và DN.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, cho rằng để tiêu chuẩn hóa ít nhất 2.400 sản phẩm hiện có của các địa phương, chương trình OCOP phải huy động khoảng 2 tỉ USD, tương đương khoảng 45.000 tỉ đồng, nhưng phần lớn sẽ được huy động, xã hội hóa từ cộng đồng DN, các tổ chức kinh tế trong nước và quốc tế, chứ không chỉ chi tiền từ ngân sách.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục