Việt Nam chi hơn 30 tỉ USD mua hàng từ Trung Quốc trong nửa năm; Chi thường xuyên vẫn tăng, chiếm hơn 70% tổng chi ngân sách; Google bị Liên minh Châu Âu phạt 5 tỷ USD vì tội lũng đoạn
Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-07-2018
- Cập nhật : 18/07/2018
Tỷ trọng vốn FDI vào bất động sản chiếm trên 27%
Tỷ trọng nguồn vốn rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 5,54 tỷ USD, chiếm 27,2% tổng lượng FDI đầu tư vào Việt Nam.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng giá trị góp vốn FDI của nhà đầu tư nước ngoài trong quý I và II/2018 đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tỷ trọng nguồn vốn rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 5,54 tỷ USD, chiếm 27,2% tổng lượng FDI đầu tư vào Việt Nam.
Tỷ trọng nguồn vốn FDI rót vào bất động sản chiếm trên 27% tổng lượng đầu tư FDI vào Việt Nam. Ảnh minh họa: Tràng Dương/TTXVN
Các chuyên gia bất động sản nhận định, nguồn vốn FDI tăng chứng tỏ những tín hiệu tích cực đến với thị trường. Cách đây khoảng 10 năm, mặc dù số vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản cũng lớn nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng FDI chung rót vào Việt Nam.
Việc bất động sản Việt Nam thu hút được đầu tư từ nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam. Trước mắt, nguồn hàng bất động sản cũng sẽ dồi dào, phong phú và đa dạng hơn trước.
Những dự án đáng chú ý và là điểm nhấn của 2 quý đầu năm là Tập đoàn Sumitomo, cùng với các đối tác trong nước như BRG, đã được UBND Thành phố Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư xây dựng thành phố thông minh tại huyện Đông Anh với vốn đầu tư 4,13 tỷ USD.
Tập đoàn Lotte cũng cam kết đầu tư 600 triệu USD vào dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của CBRE nhận xét, việc tăng tỷ trọng FDI vào bất động sản chứng tỏ các nhà đầu tư rất quan tâm đến thị trường Việt Nam với nhiều kỳ vọng.
Những năm gần đây, thị trường bất động sản đã mở cửa hơn rất nhiều với nhà đầu tư nước ngoài, kể cả người nước ngoài mua nhà lẻ. Cùng với lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam gia tăng nhanh, Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thị trường.
Đặc biệt, thông qua các thương vụ IPO, phát hành trái phiếu quốc tế…, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Theo phân tích của bà Nguyễn Hoài An, khoảng 10 năm trước, các nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam nhưng chủ yếu rót tiền vào casino chứ không hẳn là lĩnh vực cốt lõi.
Trong khi đó, giai đoạn hiện nay, các nhà đầu tư ngoại đã quan tâm mật thiết đến nhu cầu ở và tiêu dùng… Đây mới thực sự là nhu cầu lâu dài và mang tính bền vững của thị trường. Chính điều này cũng làm nên sự khác biệt trong thu hút FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam năm 2018 (Bnews)
-------------------------
Tổng tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm tăng 27% trong 6 tháng
Tổng tài sản của toàn ngành ước đạt 336.997 tỷ đồng (tăng 27,33%) so với cùng kỳ năm 2017; Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 277.384 tỷ đồng (tăng 27,47%) so với cùng kỳ năm 2017.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.
Cụ thể, tổng tài sản của toàn ngành ước đạt 336.997 tỷ đồng (tăng 27,33%) so với cùng kỳ năm 2017; Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 277.384 tỷ đồng (tăng 27,47%) so với cùng kỳ năm 2017; Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 218.351 tỷ đồng (tăng 36,83%) so với cùng kỳ năm 2017; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 71.143 tỷ đồng (tăng 27,87%) so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành ước đạt 58.656 tỷ đồng (tăng 24,35%) so với cùng kỳ năm 2017; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 16.322 tỷ đồng (tăng 22,43%) so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, trong 6 tháng qua, Cục đã xây dựng dự thảo để Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 3 nghị định là Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số và Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, ngành đã triển khai thanh tra 4/7 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, đã kết thúc thanh tra và đang hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra Công ty TNHH Bảo hiểm Fubon Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam. Đã kết thúc thanh tra và đang hoàn thiện Biên bản làm việc, tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra tại Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ MSIG Việt Nam và đã triển khai thanh tra Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex.
Về kiểm tra, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị tại Kết luận thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm (VINARE, AIA, Sunlife, Công ty TNHH một thành viên Bảo hiểm Ngân hàng Công thương Việt Nam).
Qua kiểm tra thấy các nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra đều được các doanh nghiệp bảo hiểm thống nhất với kết luận thanh tra và không có ý kiến giải trình, nghiêm túc thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra và đã chấn chỉnh khắc phục các tồn tại thiếu sót.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, trong 6 tháng cuối năm, sẽ tiếp tục xem xét trình Bộ Tài chính cấp giấy phép cho các chủ đầu tư đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý đối với hoạt động giám sát, kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo quy định.(Bizlive)
--------------------
Vì sao khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến ở Việt Nam?
5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu ở nước ta tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017.
Chiều 17/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức họp báo thường kỳ quý II. Tại buổi họp báo, lãnh đạo bộ đã có những phản hồi về vấn đề phế liệu nhập khẩu tổn đọng tại các cảng biển.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết qua kiểm tra, lượng phế liệu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng của TP.HCM, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép "nhưng số lượng không nhiều".
Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Trà My.
Đến ngày 26/6, tại Tân Cảng Sài Gòn, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng là 4.480 container. Trong đó, riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container, chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam. Hơn 2.060 container lưu lại quá 90 ngày.
Bên cạnh đó, Cục Hải Quan Hải Phòng báo cáo số container tồn đọng quá hạn trên 90 ngày là 737 chiếc và 507 container có thời hạn từ 30-90 ngày.
"Ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và loại khác", ông nói.
Theo ông Thức, riêng trong 5 tháng đầu năm, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017. "Tình trạng này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng, làm chậm lưu thông hàng hoá, giảm dung lượng bãi chứa container và gia tăng chi phí cho doanh nghiệp", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.
Chỉ ra các nguyên nhân của thực trạng này, ông Thức phân tích từ cuối năm 2017, chính phủ Trung Quốc ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế. Việc này khiến một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Thức cho rằng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu chậm trễ, không đến làm thủ tục thông quan do chưa có giấy xác nhận, hoặc một số tổ chức nhập phế liệu gian lận thương mại, đăng ký địa chỉ ma.
Cũng theo ông Thức, hàng được dỡ xuống cảng là phế liệu, không trùng với chủng loại được khai trước đó. Hơn nữa, các cơ quan chức năng đang bị động đối phó với chủ tàu vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng.
Đưa ra giải pháp trước mắt, ông Hoàng Văn Thức cho biết bộ sẽ rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận đối với các cơ sở sản xuất đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời tăng cường áp dụng cơ chế hải quan ASEAN một cửa trên môi trường mạng nhằm giải phóng hàng hóa nhanh gọn, đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, bộ này cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan, các địa phương để giải quyết, tăng cường xử lý phế liệu nhập khẩu trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 12/7, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với việc tồn đọng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển. Bộ trưởng Hà kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai giải pháp để xử lý dứt điểm vụ việc. (ZingNews)
----------------
Tiêu thụ thép trong nước giảm mạnh
Sản xuất các sản phẩm thép tháng 6 đạt 2.058.445 tấn, giảm 1,25%; Bán hàng các sản phẩm thép đạt 1.794.193 tấn, giảm 15% so với tháng trước.
Hoạt động luyện phôi thép tại nhà máy của Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: TTXVN
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong tháng 6/2018 tăng khá so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, so với tháng 5/2018, sản xuất và bán hàng thép các loại đều giảm lần lượt là 1,25% và 14,9%.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội này, sản xuất các sản phẩm thép tháng 6 đạt 2.058.445 tấn, giảm 1,25% so với tháng trước, nhưng tăng 28,4% so với cùng kỳ 2017.
Bán hàng các sản phẩm thép đạt 1.794.193 tấn, giảm 15% so với tháng trước, nhưng tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Ở các mặt hàng cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6/2018 đạt 806.252 tấn, giảm 5,13% so với tháng trước, nhưng tăng 10,8% so với cùng kỳ 2017. Bán hàng thép xây dựng đạt 778.146 tấn, giảm mạnh 25,6% so với tháng 5, nhưng tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017....
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sản lượng bán hàng thép xây dựng tháng 6/2018 đã giảm khá nhiều sau khi đạt mức bán hàng cao nhất trong tháng 5/2018 vừa qua, trong vòng 5 năm trở lại đây.
Xu hướng bán hàng thép xây dựng trong tháng 6 hàng năm thường có xu hướng giảm, một phần sắp bước vào tháng 7 Âm lịch, các công trình xây dựng tiến độ chậm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ các năm trước, lượng bán hàng tháng này vẫn giữ ở mức khá.
Tính chung 6 tháng, sản lượng sản xuất-bán hàng của các thành viên Hiệp hội vẫn tiếp tục đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2017, đáp ứng nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu.
Song, ông Sưa cũng nhận định, thị trường thép toàn cầu tiếp tục được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro về các xung đột thương mại từ các chính sách: Xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc và các hậu quả đang diễn ra và những phát sinh từ các khoản thuế Mục 232 tiếp tục bao quanh thị trường thép toàn cầu. Tác động của thuế nhập khẩu 25% của Hoa Kỳ và các biện pháp bảo vệ môi trường đang diễn ra ở Trung Quốc.
Theo Ủy ban châu Âu, các biện pháp trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ nhằm đáp trả thuế thép và nhôm của Mỹ có hiệu lực vào ngày 22/6. Thêm vào đó, xuất khẩu thép thành phẩm của Trung Quốc trong tháng 5 tăng tháng thứ tư liên tiếp.
Những yếu tố này sẽ khiến cho thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn được duy trì, nhưng thời gian tới sẽ khó khăn cho các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam; bởi các nước đã và đang khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép của Việt Nam, ông Sưa nói.
Đại diện VSA cũng cho hay, các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô tạo tiền đề cho các ngành sản xuất trong nước 6 tháng đầu năm.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có những cảnh báo khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế theo chu kỳ trên thế giới có thể xảy ra. Việt Nam có độ mở lớn, có thể không rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng này, nhưng sẽ bị ảnh hưởng cả về 3 mặt (tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp).
Ngoài ra, giá USD đã tăng, thị trường chứng khoán giảm cả về điểm số, cả về giá trị giao dịch cũng rất có thể là những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành.
Cũng theo Bộ Công Thương, tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 43,7%; 5,3% và 16% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo ngành thép 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017. Tuy nhiên, ngành này sẽ tiếp tục gặp khó từ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và tự vệ thương mại các nước.
Do vậy, về phía Việt Nam, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Bộ Công Thương cho rằng, cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định để bảo vệ ngành thép Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu.
Đặc biệt, nhanh chóng ngăn chặn sản phẩm thép cuộn sử dụng trong xây dựng đang bị gian lận dưới dạng thép khác để trốn thuế. (Bnews)