Nguy cơ phải nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc; Mỗi ngày người Việt mua gần 9.000 chiếc xe máy; Việt Nam có hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-07-2018
- Cập nhật : 18/07/2018
G20 lo ngại những nguy cơ từ tiền ảo
Ban Ổn định tài chính (FSB) nêu rõ: "Những tài sản ảo không gây ra nguy cơ hữu hình đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu trong thời điểm hiện tại".
Ban Ổn định tài chính (FSB) chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi các quy định tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) công bố một chiến lược nhằm đánh giá các nguy cơ những đồng tiền ảo như Bitcoin có thể đe dọa sự ổn định của nền kinh tế thế giới.
Trong thông báo ngày 16/7, FSB nêu rõ: "Những tài sản ảo không gây ra nguy cơ hữu hình đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu trong thời điểm hiện tại".
Tuy nhiên, tốc độ phát triển của các loại tiền ảo, việc thiếu hụt dữ liệu vững chắc về cách sử dụng chúng và sự không chắc chắn về những quy định áp dụng trong lĩnh vực này sẽ khiến các nền kinh tế lớn tăng cường sự giám sát.
Theo FSB, kiểm soát quy mô và sự tăng trưởng của các thị trường tài sản ảo là yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ ảnh hưởng trong trường hợp giá trị tiền ảo giảm.
Cơ chế này cũng yêu cầu kiểm tra xem liệu tiền ảo có đang chuyển dần từ một công cụ thanh toán hàng hóa và dịch vụ trở thành một sản phẩm đảm bảo, trong đó, những cá nhân giữ tiền ảo như một công cụ tiết kiệm thay vì một cổ phiếu hay trái phiếu. FSB cũng lưu ý đến sự "khan hiếm những dữ liệu xác thực về lượng tài sản ảo trong các ngân hàng".
FSB cho biết Ủy ban Basel về giám sát hoạt động ngân hàng đang tiến hành một cuộc kiểm kê sơ bộ tài sản của ngân hàng có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các tài sản ảo. FSB cảnh báo sự liên hệ giữa các tổ chức tài chính với tiền ảo sẽ là một phép đo căn bản đánh giá các nguy cơ lớn hơn đe dọa hệ thống tài chính lớn hơn.
FSB dự báo kế hoạch này sẽ đối mặt nhiều rào cản ngay từ khi bắt đầu, liên quan đến các lỗ hổng dữ liệu, sự thiếu minh bạch trong lĩnh vực này, đặc biệt liên quan đến các giao dịch cá nhân.
Dự kiến kế hoạch này sẽ chính thức được công bố tại hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở Buenos Aires, Argentina, vào cuối tháng này.
Những lời kêu gọi siết chặt kiểm soát tiền ảo đến từ sau vụ tăng giá kỷ lục của đồng Bitcoin cũng như sự nổi lên của nhiều loại tiền ảo mới làm dấy lên quan ngại thị trường không được kiểm soát và không minh bạch có thể trở thành nguy cơ đe dọa các nhà đầu tư (TTXVN)
------------------------
Ngành ngân hàng đang "thấm" cuộc chiến thương mại của ông Trump
Đối với các ngân hàng chuyên về tài trợ thương mại ở châu Á, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đến vào thời điểm không thể tồi tệ hơn.
Các ngân hàng trên toàn cầu đã phải đối mặt với sự suy giảm doanh thu từ hoạt động tài trợ thương mại xuyên biên giới trị giá 9 nghìn tỷ trong 5 năm qua, do tỷ suất lợi nhuận giảm ở châu Á. Bây giờ, khi tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng lên, rủi ro là khối lượng giao thương suy giảm, làm xấu đi triển vọng cho các ngân hàng hàng đầu trong khu vực bao gồm HSBC và Standard Chartered.
"Đó sẽ là một câu chuyện rất khó khăn, đặc biệt là đối với những ngân hàng châu Á đang cố gắng phát triển kinh doanh", Eric Li, giám đốc nghiên cứu của Coalition Development tại London cho biết. "Có rất nhiều ngân hàng truyền thống đang theo đuổi chiếc bánh đang ngày càng thu nhỏ lại".
Tuần trước, Mỹ đã công bố kế hoạch áp đặt mức thuế 200 tỷ USD cho các sản phẩm Trung Quốc bằng cách phát hành một danh sách các sản phẩm mục tiêu, đó là động thái mới nhất của Tổng thống Donald Trump trong một cuộc xung đột mà Trung Quốc gọi là "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế". Một số lãnh đạo ngân hàng nói rằng còn quá sớm để xác định tác động của tranh chấp đối với các luồng thương mại, các ngân hàng trong ngành có thể bị tác động nghiêm trọng nếu hoạt động giao thương suy yếu.
Doanh thu tài trợ thương mại toàn cầu giảm năm thứ 5 liên tiếp vào năm 2017. Nguồn: Coalition Development Ltd. Lưu ý: Số liệu này tổng hợp doanh thu của khách hàng tổ chức và công ty có doanh thu hàng năm trên 500 triệu USD.
Doanh thu toàn cầu của mảng tài trợ thương mại, bao gồm cả thư tín dụng xuất nhập khẩu và tài chính chuỗi cung ứng, giảm xuống 26,6 tỷ USD trong năm 2017, mức thấp nhất trong ít nhất tám năm, dữ liệu của Coalition cho hay, và Li dự đoán một sự suy giảm trong năm nay.
Châu Á là thị trường quan trọng của ngành, chiếm khoảng một phần ba doanh thu tài trợ thương mại trên toàn thế giới. Tuy nhiên, lợi nhuận đã bị thu hẹp khi các ngân hàng toàn cầu phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ những ngân hàng khác ở Nhật Bản, Úc và Singapore, Li cho biết.
Các ngân hàng trên khắp châu Á hiện đang trao đổi với khách hàng để đánh giá những tác động của tranh chấp thương mại đối với doanh nghiệp của họ và chuỗi cung ứng rộng hơn. Còn quá sớm để quyết định xem họ sẽ phản ứng như thế nào, các ngân hàng chia sẻ với Bloomberg. Mối quan tâm bao gồm việc các nhà sản xuất có cần phải di chuyển các nhà máy đến các nước không bị ảnh hưởng bởi thuế quan hay không và liệu nhu cầu về hàng hóa có bị suy yếu hay không.
Một cuộc chiến thương mại có thể dẫn đến việc vẽ lại chuỗi cung ứng có thể làm tổn hại đến chất lượng tín dụng của một số ngân hàng, theo Chris Dyer, giám đốc toàn cầu của Eaton Vance Management tại London. "Điều này sẽ tạo ra người chiến thắng và kẻ thua cuộc và có khả năng dẫn đến tổn thất tín dụng cao hơn trong một số phân khúc của danh mục cho vay thương mại", ông nói thêm rằng thuế quan sẽ làm tăng căng thẳng tín dụng đối với các công ty Trung Quốc xuất khẩu hàng sang Mỹ.
Tuy nhiên, tác động trực tiếp của tranh chấp thương mại đối với thu nhập ngân hàng có thể được kiểm soát, do doanh nghiệp có mức biên lợi nhuận thấp chỉ chiếm một phần nhỏ lợi nhuận của các ngân hàng. Tại HSBC, ngân hàng hàng đầu về tài trợ thương mại tại châu Á năm ngoái, theo Greenwich Associates, tài trợ thương mại và phải thu toàn cầu chiếm khoảng 13% thu nhập hoạt động ngân hàng thương mại trong quý đầu tiên của năm nay.
Dù tranh chấp leo thang, HSBC vẫn lạc quan về triển vọng thương mại.
"Còn quá sớm để dự đoán căng thẳng thương mại có ảnh hưởng đến hoạt động của khách hàng và dòng chảy thương mại hay không", Ajay Sharma, người phụ trách về tài trợ thương mại và phải thu toàn cầu của HSBC tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết. "Các điều kiện cơ bản dài hạn của thương mại vẫn mạnh mẽ," được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong khu vực, ông nói.
Biên lợi nhuận tài trợ thương mại ngày một giảm xuống. Nguồn Coalition Development
Bất kỳ sự định hình lại nào trong quan hệ thương mại cũng có thể mang lại cơ hội cho các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ, Dyer nói.
"Việc áp dụng thuế quan (của Mỹ) có thể sẽ khuyến khích hội nhập thương mại giữa các nước châu Á và tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị giữa châu Á và châu Âu," ông nói.(NDH)
---------------------------
TP HCM sẽ sắp xếp lại 3 quận – huyện và 128 phường
Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Trương Văn Lắm cho biết như trên tại hội thảo góp ý kiến xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 17-7 tại TP HCM.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm, TP đã có đề án sắp xếp lại phường xã và các tổ chức dưới phường xã (ấp, tổ dân phố). Căn cứ vào đề án này, sau khi rà soát, có 3 quận huyện và có 128/322 phường phải sắp xếp.
Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm phát biểu tại hội thảo ngày 17-7
Ông Lắm cho biết tiêu chí của đề án đặt ra là phường có diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên nhưng với đặc điểm ở TP, có quận diện tích chỉ đạt 5 km2. Nếu sắp xếp để đạt tiêu chuẩn thì TP phải sắp xếp hơn một nửa quận để đạt là một phường.
Một vấn đề khác trong dự thảo, ông Lắm cho rằng TP khó thực hiện được. Đó là tiến độ thời gian đến năm 2020 phải hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích, dân số. Theo ông Lắm, từ nay đến năm 2020, TP chỉ chọn một vài đơn vị làm thí điểm, tập trung những đơn vị 2 tiêu chí không đạt. "Đối với người dân chỉ điều chỉnh một lần về địa chỉ, chứ nếu năm nay sắp xếp phường, vài ba năm sau sắp xếp quận thì ảnh hưởng đến người dân rất lớn" – ông Lắm nhìn nhận.
Đồng tình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng TP có tính chất đô thị khác với các tỉnh thành khác, thường thì diện tích nhỏ mà dân số tập trung cao, không thể bó buộc 2 tiêu chí đều phải trên 50%.(NLĐ)
-----------------------
Người Trung Quốc ồ ạt rút tiền từ các trang cho vay ngang hàng
Ngành công nghiệp peer to peer tại Trung Quốc lớn nhất thế giới với quy mô 195 tỷ USD nhưng đang dần mất niềm tin của nhà đầu tư.
Vài tháng qua, nhiều người đã đến văn phòng của các nền tảng cho vay ngang hàng (peer to peer - P2P) để đòi hoàn tiền, do lo ngại trước các bản tin về khả năng vỡ nợ, phong tỏa tài khoản hay đột ngột sập tiệm của các công ty này. Trong 2 tuần qua, ít nhất 57 nền tảng dạng này ở Trung Quốc đã tê liệt.
Riêng tháng 6, con số này là 80 - nhiều nhất trong 2 năm qua. Các nền tảng này đã ngừng hoạt động, bị cảnh sát điều tra, không trả được tiền cho nhà đầu tư, chuyển sang loại hình kinh doanh khác hoặc người điều hành ôm tiền khách bỏ trốn.
“Nhà đầu tư đang mất niềm tin ở các nền tảng nhỏ, vì họ không biết liệu các công ty đó có tồn tại được không”, Dexter Hsu - nhà phân tích tại Macquarie Capital cho biết. Hiện nay chỉ một phần nhỏ trong 2.000 công ty là có thể sống sót.
Ngành công nghiệp P2P tại Trung Quốc hiện lớn nhất thế giới. Đây là một trong những mảng rủi ro và khó quản lý nhất trong hệ thống ngân hàng ngầm nước này. Chính phủ Trung Quốc đã gây sức ép lên các nền tảng này suốt 2 năm qua. Áp lực càng tăng vài tháng gần đây, khi thị trường tín dụng nước này thắt chặt và giới chức ngân hàng cảnh báo người gửi có thể mất tiền nếu đầu tư vào công cụ lãi suất cao.
Việc này đã ảnh hưởng đến kế hoạch niêm yết của nhiều công ty P2P.Nó cũng khiến Chính phủ Trung Quốc thêm khó khăn, khi vừa phải hạn chế rủi ro tín dụng, vừa phải tránh một cuộc khủng hoảng.
Đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy sự chao đảo của P2P đang lan ra các sản phẩm quản lý tài sản do ngân hàng phát hành. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng ngầm quy mô 10.000 tỷ USD tại Trung Quốc cũng phải đối mặt với rủi ro tương tự từ các vụ vỡ nợ ngày càng nhiều, kinh tế tăng trưởng chậm lại và sự không ủng hộ của cơ quan quản lý.
Các nền tảng P2P của Trung Quốc hiện có khoảng 50 triệu người dùng, với 1.300 tỷ NDT (195 tỷ USD) nợ lưu hành, phần lớn có kỳ hạn ngắn. Thông thường, người gửi phải đợi đến khi các khoản cho vay của công ty đáo hạn mới lấy được tiền. Tuy nhiên, những người muốn rút chân sớm lại bán quyền nhận tiền cho người khác với giá rẻ hơn, hoặc đến thẳng văn phòng công ty đòi hoàn tiền.
Qian88.com tháng trước đã phải đóng cửa, một phần vì “sự hoảng loạn lan truyền giữa các nhà đầu tư”. Họ đã phải gọi cảnh sát để đảm bảo trật tự, khi khách hàng đổ xô đến văn phòng công ty ở Thâm Quyến đòi hoàn tiền.
Một nền tảng khác - Lqgapp.com cũng mới phải ngừng hoạt động. Nguyên nhân là một số nhà đầu tư trên diễn đàn phàn nàn về việc khó lấy lại tiền, khiến hàng loạt người khác lo ngại và đổ đi rút. Trang này cho biết sẽ “nỗ lực” trả lại tiền cho người dùng trong 3 năm tới. Khoảng 220.000 người gửi tiền đã đổ vào đây 5 tỷ NDT.
David Gao (30 tuổi) làm việc tại ngành tài chính ở Bắc Kinh. Anh đã đổ 1 triệu NDT tiền tiết kiệm vào một nền tảng P2P ở Hàng Châu tháng 11 năm ngoái. Đến giờ, anh vẫn chưa lấy được tiền lãi và tiền gốc. Sau khi vượt hơn 1.000 km đến văn phòng công ty, Gao và nhiều người khác chỉ thấy một căn phòng trống trơn.
“Tôi sẽ không đầu tư vào bất kỳ nền tảng P2P nào nữa. Tôi không tin họ nữa đâu”, Gao cho biết, “Tôi buồn lắm, nhưng đành cố vượt qua thôi. Ở đây còn nhiều người khác, lớn tuổi hơn, thiệt hại hơn tôi nhiều”.
Dĩ nhiên, ở chiều ngược lại, tình hình này cũng ảnh hưởng tới các công ty, cá nhân phải dựa vào P2P để có vốn. Đó là các doanh nghiệp nhỏ cần vốn lưu động, người không có lịch sử tín dụng tốt, nhà đầu tư chứng khoán và người mua nhà trả góp.
Giới chức Trung Quốc thì cho biết nhiều nền tảng P2P huy động vốn bất hợp pháp vì mục đích riêng. Một số lại chạy theo mô hình lừa đảo kim tự tháp. Việc này khiến họ phải siết chặt quản lý.
Tháng trước, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cảnh báo các khoản đầu tư, tiết kiệm hứa hẹn lợi nhuận trên 8% là “rất nguy hiểm”. Nhà đầu tư có thể mất tiền nếu con số này vượt 10%. Nửa đầu năm nay, lãi suất trung bình với các khoản vay P2P là 10,2%.(Vnexpress)