Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 lên 7%; Tài trợ 1.540 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất kính nổi siêu trắng; Tôm Việt vào Mỹ giảm do Ấn Độ và Indonesia tăng cung; CH Séc ngừng cấp thị thực cho lao động Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-07-2018
- Cập nhật : 19/07/2018
Doanh nghiệp kêu ca bị phân biệt đối xử
Sáng 18-7, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong với hơn 30 doanh nghiệp (DN) thuộc Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM, một lần nữa Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM Đỗ Phước Tống "cầu cứu" chính quyền TP HCM gỡ vướng chính sách đã gây cản trở sự phát triển ngành này trong nhiều năm nay.
Theo ông Tống, bất cập lớn nhất là chính sách thuế. Trong khi DN nhập khẩu máy móc nguyên chiếc thì được hưởng thuế suất 0% thì DN sản xuất trong nước nhập khẩu linh kiện sản xuất phải chịu thuế 10%. Sự chênh lệch về thuế dẫn đến sự bất hợp lý về giá thành sản phẩm, cộng với thương hiệu sản phẩm chế tạo tại Việt Nam không thể so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… đã dẫn đến đầu ra sản phẩm của DN nội bị hạn chế. Bên cạnh đó, đang có sự phân biệt đối xử giữa DN nội và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
DN FDI được các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ về cơ chế, đất đầu tư nhà xưởng… tạo thuận lợi tối đa; ngược lại DN nội phải chật vật tự tìm đất sản xuất, khó tiếp cận cơ chế hỗ trợ. DN nội cũng rất khó chen chân vào chuỗi cung ứng vì các DN FDI ưu tiên sử dụng sản phẩm của các vệ tinh. "Cùng với việc thu hút FDI cần ràng buộc tỉ lệ sử dụng sản phẩm nội địa. Có như vậy DN FDI mới buộc phải hợp tác với DN nội" - ông Tống kiến nghị.
Trao đổi với các DN, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng ngành này còn khiêm tốn (chỉ 4,4%-5%), trong đó có nguyên nhân từ thể chế và chính sách. Theo ông Phong, chung quy ý kiến của DN vẫn là thủ tục hành chính quá rườm rà, gây khó cho DN. Trụ cột của Chính phủ kiến tạo, thành phố kiến tạo là cải cách thủ tục hành chính, TP đang rất nỗ lực nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, trì trệ.
Vẫn còn hiện tượng các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm gây phiền hà đến DN, người dân. Thay mặt chính quyền, Chủ tịch UBND TP xin lỗi DN. "Những vấn đề thuộc thẩm quyền TP sẽ được tháo gỡ ngay, vấn đề vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị trung ương. Chậm nhất là giữa tháng 8, TP sẽ có một số chính sách hỗ trợ DN phát triển mạnh hơn" - ông Phong nói.(NLĐ)
--------------------
Hàng trăm nhãn hiệu được nhượng quyền tại Việt Nam
Từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã cấp phép nhượng quyền cho 10 công ty nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các thương hiệu từ khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á dần quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Thống kê về nhượng quyền thương mại ở chiều “Vào Việt Nam” đăng tải trên website của Bộ Công Thương cho thấy, công ty mới nhất được cấp phép hôm 14/5/2018 là JYSK A/S, có quốc tịch Đan Mạch.
JYSK Việt Nam là hệ thống nhượng quyền của Tập đoàn JYSK toàn cầu, cung cấp các sản phẩm cho phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách, phòng bếp, đồ trang trí/ gia dụng và đặc biệt là giải pháp căn hộ.
Hiện tại, JYSK đã có mặt trên 41 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, cửa hàng đầu tiên khai trương ngày 28/10/2015 tại Hà Nội, thành phố với khoảng hơn 7 triệu dân.
JYSK là thương hiệu nước ngoài nhượng quyền vào Việt Nam gần nhất.
Trước đó, trong tháng 4/2018, cơ quan chức năng cũng đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp, một đến từ Mỹ (KF Tea Franchising LLC, kinh doanh trà và đồ uống); một đến từ Anh (Công ty DKH Retail Ltd, kinh doanh quần áo thời trang và phụ kiện) và một đến từ Thụy Điển (Wayne Och Margareta's Coffee AB, kinh doanh dịch vụ quán café và dịch vụ nhà hàng bán lẻ sản phẩm café).
Đã có 206 doanh nghiệp được cấp phép nhượng quyền
Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, tính từ năm 2007 đến nay đã có 206 doanh nghiệp với hàng trăm nhãn hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam với nhiều mô hình kinh doanh, từ sản xuất dược phẩm đến cửa hàng cho thuê xe hay đào tạo bán hàng, cửa hàng tiện lợi, mô hình giáo dục trẻ em, kinh doanh quần áo, giày dép thời trang,… Tuy nhiên, nhiều nhất chính là các chuỗi nhà hàng ăn uống.
Trong số này, có công ty chưa hiện thực hóa việc nhượng quyền bằng điểm kinh doanh cụ thể. Bên cạnh đó cũng có công ty đăng ký từ rất lâu nhưng mới khai trương điểm bán gần đây.
Ví dụ như trường hợp của 7 – Eleven (đăng ký từ 2015 nhưng mới mở cửa hàng năm 2017). Ngược lại, cũng có trường hợp đã thấy hoạt động tại Việt Nam rất lâu nhưng mới đăng ký nhượng quyền gần đây (ví dụ thương hiệu FamilyMart).
Dù vậy, con số thống kê kể trên dường như chưa phản ánh hết mức độ sôi động của thị trường nhượng quyền trong thời gian qua. Trên thực tế, có những thương hiệu dù đã hoạt động trên thị trường nhưng không thấy được ghi nhận trong danh sách.
Hoạt động nhượng quyền thứ cấp (bán lại thương quyền cho các đối tác nhỏ lẻ) sau khi nhận nhượng quyền độc quyền từ nước ngoài cũng diễn ra rất sôi động khiến số lượng các chi nhánh trong từng chuỗi tăng nhanh,...
Thị trường nhượng quyền Việt Nam trong giai đoạn gieo hạt
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, thành viên sáng lập và điều hành World Franchise Associated chia sẻ với báo chí, xu hướng các thương hiệu vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong 3 năm tới. Trong số này, các thương hiệu từ khu vực (ví dụ như Malaysia, Singapore hay Thái Lan, Philippines) sẽ vào cùng với các nhãn quốc tế.
Tuy vậy, thị trường tại Việt Nam vẫn chỉ ở trong giai đoạn gieo hạt (dù bắt đầu có nhượng quyền từ năm 2009). Trong khi đó, các nước như Malaysia, Singapore đã bắt đầu từ những năm 1980.
Chính vì vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức với Việt Nam. Hiện nay, bản thân các nhà đầu tư mua thương quyền nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa hiểu đúng, đủ về mọi thứ liên quan đến thị trường. Bên cạnh những thương hiệu đã rất bài bản, cũng có không ít nhãn hiệu mới nổi, muốn phát triển nhanh như một cách đánh bóng thương hiệu nên chọn Việt Nam, một trong bốn thị trường được đánh giá tiềm năng để nhượng quyền. Các thương hiệu này thậm chí còn chưa hoàn thiện mô hình, quy trình vận hành nên cũng chấp nhận giảm phí nhượng quyền để thu hút người mua.
“Các thương hiệu khu vực vào kinh doanh tại Việt Nam rất cơ hội, chưa nghĩ sâu cho hệ sinh thái. Chính vì vậy, đã có tranh chấp, mâu thuẫn, đổ gãy xảy ra”, bà Phi Vân nói với báo chí.
Do vậy, lời khuyên dành cho các nhà đầu tư Việt Nam là biết chấp nhận tất cả, căn cứ vào tình hình và bối cảnh của mình. Nếu chấp nhận bỏ nhiều tiền để mua nhượng quyền giá cao, thương hiệu đã tốt thì sẽ chỉ cần tập trung vào vận hành, khai thác. Còn nếu bỏ ít tiền thì phải chấp nhận cùng xây dựng, hoàn thiện mô hình với công ty nhượng quyền.(PLO)
------------------------
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet, và ông Kevin McAllister, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Boeing, ngày 18-7 đã ký hợp đồng Vietjet mua 100 máy bay B737 MAX trị giá 12,7 tỉ USD.
Thông tin từ Hãng hàng không Vietjet Air cho biết ngày 18-7, tại triển lãm hàng không thế giới Farnborough Airshow 2018 diễn ra ở Anh, Vietjet và Tập đoàn Chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng 100 máy bay B737 MAX trị giá 12,7 tỉ USD.
Hợp đồng quan trọng này đã được ký kết bởi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet, và ông Kevin McAllister, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Boeing.
Vietjet cho biết đơn hàng mới này sẽ phục vụ cho kế hoạch phát triển liên minh hàng không của hãng trong khu vực và trên thế giới, đồng thời đảm bảo đội máy bay mới của hãng đồng bộ, tiện nghi và tiết kiệm nhiên liệu cho tới năm 2025.
Hợp đồng quan trọng này đã được ký kết bởi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet, và ông Kevin McAllister, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Boeing
Hợp đồng quan trọng lần này đồng thời góp phần tăng thêm kim ngạch thương mại giữa hai nước Mỹ và Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Kevin McAllister cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng được thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác sâu rộng với Vietjet. Sự lựa chọn của hãng vào dòng máy bay 737 MAX một lần nữa minh chứng những công năng tối ưu nhất của dòng máy bay này. Qua đợt ký kết này, chúng tôi đã phát triển quan hệ hợp tác với Vietjet lên một tầm cao mới, giúp tăng cường và phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Hợp đồng lần này đồng thời nâng cao sự hiện diện của Boeing và các hợp tác tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, qua đó tạo ra nhiều những hợp tác cùng có lợi trong khu vực với tốc độ tăng trưởng cao nhất và tiềm năng phát triển to lớn".
Đại diện Vietjet và Boeing ký kết hợp đồng đặt mua 100 máy bay với sự chứng kiến của lãnh đạo hai bên
Cùng với hợp đồng được ký kết ngày 18-7, Tập đoàn Boeing cũng triển khai hàng loạt các chương trình hợp tác chiến lược để xây dựng hệ sinh thái dịch vụ hàng không toàn diện tại Việt Nam bao gồm dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng kỹ thuật, đào tạo, phi công, kỹ sư, thợ máy... cũng như các chương trình nâng cao năng lực quản lý, tự động hóa của hãng hàng không và của ngành hàng không Việt Nam.
Hiện tại, Vietjet đang khai thác 60 máy bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 60 triệu lượt hành khách, với 93 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hongkong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Campuchia…
Hãng có kế hoạch phát triển mạng bay rộng khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đang nghiên cứu tiếp tục mở rộng các đường bay trong khu vực và đã ký kết hợp đồng mua sắm tàu bay thế hệ mới, hiện đại với các nhà sản xuất máy bay uy tín trên thế giới.(NLĐ)