Doanh nghiệp nội cũng chuyển giá; Hàn Quốc sẽ thu hồi xe ô tô BMW 520d sau hàng loạt sự cố cháy nổ; Trung Quốc cho Campuchia vay 259 triệu USD xây đại lộ; Toyota củng cố sản xuất trong nước do cạnh tranh khốc liệt
Tin kinh tế đọc nhanh 20-07-2018
- Cập nhật : 20/07/2018
Nguy cơ phải nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc
Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các dự án trong quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy, dự kiến tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả năng đưa vào vận hành trong các năm 2018-2020 chỉ đạt xấp xỉ 8.900 MW, bằng 60% khối lượng dự kiến tại quy hoạch. Riêng các dự án điện mặt trời đã trình Bộ Công Thương xem xét, thẩm định thiết kế cơ sở chỉ đạt 1.596 MWp – số nhỏ trong tổng dự kiến 5.000 MWp đến năm 2020.
"Với phụ tải cơ sở được cập nhật, luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố gây mất điện trong các năm 2020-2030. Xác suất mất tải của hệ thống điện miền Nam rất cao, các năm từ 2020-2022 sẽ lần lượt bị mất điện 373, 293 và 593 giờ - mức cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn an toàn của hệ thống điện là 24 giờ" - Bộ Công Thương nhận định.
Các kết quả tính toán cho thấy trong giai đoạn đến năm 2025, miền Nam vẫn có xu hướng nhận điện từ miền Bắc và miền Trung. An toàn cung cấp điện trong giai đoạn này phụ thuộc nhiều vào liên kết Bắc - Trung - Nam. Trong đó, dự án đường dây 500 KV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 có mục đích tăng cường khả năng truyền tải Bắc - Nam. Tuy nhiên, dự án này đã bị chậm tiến độ 1 năm. Nếu không thể hoàn thành đường dây này vào đầu năm 2020, Bộ Công Thương đánh giá nguy cơ thiếu điện miền Nam là rất lớn.
Về giải pháp, Bộ Công Thương cho biết ngoài đảm bảo tiến độ và đưa vào vận hành các công trình nguồn điện phía Nam, cần tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Dự kiến, giai đoạn đến 2020 sẽ nhập điện từ nam Lào qua các đường dây 220 KV hiện hữu với công suất cao nhất có thể là 1.000 MW. Giai đoạn 2026-2030, mua điện từ khu vực bắc Lào với công suất 2.000 MW. Đặc biệt, tăng cường nhập khẩu Trung Quốc qua đường dây 220 KV Hà Khẩu – Lào Cai từ năm 2019 lên khoảng 1.000 MW và sản lượng mua tăng thêm 3,5 tỉ KWh/năm. Đồng thời, nghiên cứu đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc ở cấp điện áp 500 KV cho giai đoạn tiếp theo.
Ngoài mua điện nước ngoài, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án điện mặt trời thực hiện đúng tiến độ đề xuất để đến 2020, tổng công suất nguồn điện sạch này đạt 2.000 MW. Khuyến khích khu vực miền Trung và miền Nam đầu tư các dự án điện mới.(NLĐ)
-----------------------
Mỗi ngày người Việt mua gần 9.000 chiếc xe máy
Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết tổng doanh số bán hàng quý II-2018 của năm đơn vị thành viên đạt 783.940 xe các loại, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, bình quân mỗi tháng các doanh nghiệp này tiêu thụ trên 261.000 xe máy các loại, tương đương với mỗi ngày tiêu thụ hơn 8.710 xe trên khắp cả nước.
Trong năm đơn vị thành viên của VAMM (gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha) chỉ có Honda Việt Nam công bố doanh số bán hàng trong quý II-2018 với 601.038 xe được tiêu thụ, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay mỗi đơn vị thành viên của VAMA cung cấp ra thị trường 9-15 dòng sản phẩm xe máy. Các dòng sản phẩm đa dạng, bao gồm các dòng xe số, xe tay ga, xe tay côn và xe thể thao với giá từ dưới 20 triệu đồng đến 248 triệu đồng, tùy phiên bản.
Nhu cầu mua xe máy của người Việt vẫn tiếp tục tăng.
Các doanh nghiệp xe máy Việt Nam đã không bỏ sót bất cứ nhu cầu khách hàng nào, còn người tiêu dùng trong nước cũng có nhiều lựa chọn khi mua sản phẩm phù hợp cho mình.
Tuy nhiên, khác với Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thường công bố doanh số bán hàng chi tiết của các đơn vị thành viên hằng tháng, hằng quý, hằng năm thì VAMM chỉ công bố vỏn vẹn tổng doanh số của năm đơn vị thành viên, không có thêm số liệu nào khác.
Trước đó, VAMM dự báo thị trường xe máy Việt Nam đã bước vào giai đoạn bão hòa và đang dịch chuyển từ dòng xe số sang sử dụng dòng xe tay ga. Hiện nay dòng xe tay ga đang chiếm hơn 45% thị phần và sẽ là phân khúc tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên.
Khi thu nhập của người dân ngày càng tăng và nhu cầu sử dụng xe tay ga còn nhiều tiềm năng không chỉ ở thành phố mà còn ở các vùng nông thôn. Do vậy, một số doanh nghiệp vẫn tập trung khai thác vào những thị trường này không chỉ xe tay ga mà còn là xe số cho phù hợp với điều kiện đường sá ở vùng nông thôn, miền núi.(PLO)
------------------------
Việt Nam có hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ
Hiện nay Việt Nam có hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ thì kênh truyền thống là lớn nhất cả về số lượng và đóng góp doanh thu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết kết quả khảo sát mới nhất cho thấy chỉ số niềm tin các nhà bán lẻ (RCI) truyền thống Việt Nam trong quý I-2018 còn 68 điểm, giảm một điểm so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ truyền thống cũng bày tỏ mối quan tâm lớn về sức mua hàng, lưu lượng đến cửa tiệm của người tiêu dùng (NTD) và sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ khác.
Cụ thể, có 45% nhà bán lẻ truyền thống thể hiện sự lo ngại của họ về sức mua của NTD, sự lo ngại này tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến, có 28% nhà bán lẻ lo ngại về số lượng người đến mua hàng giảm so với trước đây, 14% lo lắng về sự canh tranh giữa các nhà bán lẻ khác.
Đặc biệt, khi hỏi các cửa hàng bán lẻ có đồng ý với việc NTD đang chuyển dần sang mua sắm ở cửa hàng tiện ích, siêu thị mini hay siêu thị trong tết vừa rồi so với tết năm 2017 hay không thì có đến 70% trong số họ đồng ý.
Điều này cho thấy các chủ cửa hàng bán lẻ truyền thống đã cảm nhận rõ ràng hành vi thay đổi mua sắm của NTD.
Vì vậy, các nhà sản xuất nên hiểu rõ mối lo ngại và cần hỗ trợ nhiều hơn để giúp tăng sức ủng hộ của NTD tại cửa tiệm. Đồng thời giúp nhà bán lẻ phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực phân phối sản phẩm.
Chủ các cửa hàng bán lẻ truyền thống cảm nhận rõ sự thay đổi mua sắm của người tiêu dùng sang kênh hiện đại
Theo Nielsen, hiện nay Việt Nam có hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ thì kênh truyền thống là lớn nhất cả về số lượng và đóng góp doanh thu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Ở thành thị, kênh bán lẻ truyền thống đóng góp khoảng 83% tổng doanh thu, tương đương gần 10 tỉ USD trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Qua đó cho thấy vai trò quan trọng của kênh thương mại này trong thị trường đầy cạnh tranh như Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả RCI quý I-2018 cho thấy kênh bán lẻ truyền thống đang gặp khó khăn cạnh tranh với kênh hiện đại.
Báo cáo từ Nielsen chỉ ra chi tiêu của NTD hiện đang ưu tiên rót vào những khoản lớn hơn như du lịch, xe máy, điện thoại, đồ gia dụng… những khoản này có sự tăng trưởng mạnh mẽ.(PLO)
--------------------