Nga bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ làm gì?; 1,5 triệu người Singapore, bao gồm Thủ tướng Lý Hiển Long vừa bị đánh cắp thông tin cá nhân; Chiến tranh tiền tệ quy mô toàn cầu thực sự bắt đầu?; Năm 2017, kinh tế Triều Tiên suy giảm tồi tệ khi chịu trừng phạt từ Mỹ?
Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-07-2018
- Cập nhật : 20/07/2018
EU cảnh báo sẵn sàng đáp trả thuế ô tô của Mỹ
Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom khẳng định EU sẽ có biện pháp đáp trả nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối với ô tô của khối này.
Phát biểu tại một hội nghị do Quỹ German Marshall của Mỹ tổ chức ở Brussels, Bỉ, bà Malmstrom nhấn mạnh giới chức EU đang chuẩn bị một danh sách gồm các biện pháp áp thuế đáp trả đối với ô tô của Mỹ, tương xứng với các mức thuế mà Washington đang xem xét đưa ra nhằm vào mặt hàng tương tự của EU.
Bà nhấn mạnh biện pháp này sẽ được thực hiện giống như với các sản phẩm nhôm và thép.
Quan chức châu Âu này cho rằng không thể phủ nhận tình trạng dư thừa thép trên thế giới, song việc hai bên có chính sách áp thuế lẫn nhau là một "thảm họa".
Ủy viên EU nhấn mạnh các biện pháp thuế đối với ôtô là điều không mong muốn mà cũng không được đảm bảo. Giải pháp này sẽ chỉ mang lại các rắc rối cho cả hai bên và điều tồi tệ nhất là đây là động thái phi pháp nhằm gây tác động đến các cuộc đối thoại thương mại.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean Claude Juncker và bà Malmstrom sẽ tới Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump vào ngày 25/7 tới nhằm thuyết phục ông chủ Nhà Trắng dỡ bỏ các mức thuế đối với thép và ngừng áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ EU.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU gia tăng sau khi Washington áp mức thuế cao lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đầu tháng này, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 20% đối với mọi ô tô lắp ráp tại EU. Đáp lại, EU đã gửi tới Bộ Thương mại Mỹ một tài liệu dài 10 trang, cảnh báo việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ô tô của chính nước Mỹ và Washington có thể đối diện với nhiều biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại trị giá tới 294 tỷ USD.
Không chỉ đe dọa áp thuế, Mỹ còn cảnh báo trừng phạt các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran trong bối cảnh Tổng thống Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhà nước Hồi giáo này sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký hồi năm 2015 (TTXVN)
------------------------
Ngành điều gặp khó dù thị trường vẫn tốt
Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu điều diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp điều lại lâm vào tình cảnh khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Gặp khó vì công suất tăng nóng
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) ngành điều đã xuất khẩu (XK) được 175.078 tấn nhân điều, đạt giá trị 1,698 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhân điều XK tăng 16,1% và giá trị tăng 15,8%. Đánh giá của các doanh nhân ngành điều cho thấy trong nửa đầu năm nay, đầu ra XK của hạt điều đang rất thuận lợi. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, XK nhân điều vẫn tốt, khi mà nhu cầu tiêu thụ vẫn tăng trên toàn cầu và giá hạt điều đang khá cạnh tranh so với các loại hạt, quả khô khác.
Tuy nhiên, trái ngược với tình hình XK, các DN điều lại đang lâm vào tình cảnh khó khăn trầm trọng khi hàng loạt nhà máy đã phải đóng cửa. Theo ước tính của ông Tạ Quang Huyên, PCT Hiệp hội Điều Việt Nam, khoảng 80% nhà máy điều ở Bình Phước đã phải ngừng hoạt động. Long An có 33 nhà máy điều thì chỉ 12 nhà máy đang hoạt động.
Thiếu nguyên liệu trầm trọng được cho là nguyên nhân chính khiến cho phần lớn nhà máy điều phải đóng cửa. Nhưng theo một số doanh nhân kỳ cựu trong ngành điều, nguyên nhân sâu xa lại bắt nguồn từ việc tổng công suất chế biến điều đã được nâng lên quá nhanh, quá nhiều trong mấy năm qua, mà phần lớn lại là những nhà máy nhỏ.
Ông Hồ Ngọc Cầm, GĐ Cty TNHH Phương Minh (Bình Phước) cho biết, chỉ cần từ 3-5 tỷ đồng, người ta đã có thể xây dựng được một nhà máy chế biến điều với công suất 1.000 tấn nguyên liệu/năm. Chính vì thế, trên địa bàn của 1 xã nọ, có tới 250 nhà máy chế biến điều. Các nhà máy nhỏ mọc lên như nấm trong mấy năm qua khiến cho việc mua bán điều thô, nhân điều trở nên phức tạp, rối ren, khó kiểm soát được giá cả, gây ra nguy cơ rủi ro lớn cho cả ngành điều. Mặt khác, những nhà máy này tuy đã sản xuất tới tận nhân điều thành phẩm, nhưng việc xây dựng nhà máy lại không tuân thủ các quy định về ATTP, nên làm ảnh hưởng chung tới chất lượng hạt điều Việt Nam.
Công suất chế biến điều tăng mạnh trong khi diện tích và sản lượng điều trong nước không những không tăng mà lại giảm. Chính vì vậy, ngành điều đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn điều nguyên liệu nhập khẩu (NK). Do lượng nhập ngày càng nhiều, nên giá điều NK ngày càng tăng.
Theo ông Cầm, trước đây, điều thô NK từ châu Phi chỉ khoảng 500-600 USD/tấn. Cách đây 3-4 năm đã lên mức 1.200-1.300 USD/tấn. Năm nay có thời điểm lên tới 2.000-2.200 USD/tấn. Hiện tại giá điều thô NK đã giảm xuống còn khoảng 1.700 USD/tấn, nhưng rõ ràng vẫn đang ở mức quá cao và chưa mang lại lợi nhuận cho các nhà máy.
Thiếu vốn trầm trọng
Công suất chế biến tăng mạnh, cộng với giá điều thô NK đã tăng lên quá cao, khiến cho nhu cầu về vốn lưu động của cả ngành điều ngày càng lớn. Một nhà máy nhỏ, công suất 1.000 tấn nguyên liệu/năm, cũng đã phải có khoản vốn lưu động mỗi năm vào khoảng 50 tỷ đồng. Một số doanh nhân ngành điều cho hay đa số các nhà máy chỉ chủ động được 20-30% vốn lưu động, còn lại phải đi vay ngân hàng. Với các nhà máy nhỏ, phần lớn phải dựa vào nguồn vốn vay tư nhân với lãi suất cao nên rủi ro càng lớn.
Ngành điều thiếu vốn trầm trọng tới mức, mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam đã phải tổ chức một cuộc họp đề nghị ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn tín dụng tới 800 triệu USD để các nhà máy có tiền nhằm giải phóng 500 ngàn tấn điều nguyên liệu NK đang trên đường về kho ngoại quan. Qua đó, các nhà máy mới có nguyên liệu để tiếp tục chế biến, đáp ứng cho các đơn hàng XK.
Do quá thiếu vốn, nên trong ngành điều đang xảy ra tình trạng các nhà máy đua nhau hạ giá bán nhân điều xuống nhằm bán được hàng để có vốn quay vòng sản xuất. Đây là nguyên nhân khiến cho giá nhân điều XK của Việt Nam bị giảm mạnh trong mấy tháng qua, trong khi nhu cầu của thị trường vẫn tốt, và gần như không có chuyện ép giá từ các nhà NK.
Năm ngoái, giá nhân điều XK loại W320 có lúc đạt tới 5,1-5,3 USD/pound. Năm nay đã giảm mạnh xuống tới mức có thời điểm chỉ còn 3,7-3,9 USD/pound. Đầu tuần này, giá nhân điều loại W320 ở mức 4,05-4,1 USD/pound, tức là vẫn đang thấp hơn so với mức giá mà các nhà máy có thể chịu đựng được là 4,3 USD/pound. Như vậy, có thể thấy, với giá XK như hiện nay, hầu hết các nhà máy đang bị thua lỗ.
Đây là một nghịch lý lớn của ngành điều. Theo ông Hồ Ngọc Cầm, trong mấy năm qua, dù kim ngạch XK điều luôn tăng trưởng tốt, giá trị XK đã đạt hơn 3,6 tỷ USD vào năm 2017, nhưng tỷ suất lợi nhuận của ngành điều lại không tốt do chi phí sản xuất ngày càng bị đội lên nhiều, mà chủ yếu là vì giá điều nguyên liệu quá cao.
Năm ngoái, giá điều thô nhập kho của các nhà máy đã ở mức bình quân là 50 triệu đ/tấn. Để có được 1 tấn nhân điều, cần sử dụng 4 tấn điều thô, tương đương với 200 triệu đồng. Cộng với chi phí nhân công và các chi phí khác, tổng chi phí đầu tư cho 1 tấn nhân điều là 220 triệu đồng, tương đương với khoảng 10.000 USD. Trong khi đó, giá XK bình quân cũng vào khoảng 10.000 USD/tấn. Như vậy, các nhà máy hầu như không có lợi nhuận.
Năm nay, XK nhân điều lại càng thê thảm hơn nữa. Với giá bán đã bị kéo giảm xuống quá nhiều, một tấn nhân bán ra trong thời điểm này lỗ khoảng 2.000 USD.(Baonongnghiep)
----------------------
Hải Phòng kết nối đầu tư, kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản
Chiều ngày 19/7, thành phố Hải Phòng đã tổ chức sự kiện "Kết nối đầu tư, kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản".
Chiều 19/7/2018, tại thành phố Hải Phòng, Tổ công tác Nhật Bản phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức Chương trình kết nối đầu tư – Kinh doanh Nhật Bản – Việt Nam. Ảnh: An Đăng – TTXVN
Sự kiện có hơn 30 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các thành viên của Tổ công tác Nhật Bản đại diện cho các sở, ngành của thành phố, đại diện các Tổ công tác Saitama Desk, Aichi Desk, Kansai Desk, chuyên gia JICA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI tại Hải Phòng và một số Công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp tham gia.
Sự kiện là mô hình thử nghiệm cho các hoạt động sau này, để chủ doanh nghiệp và nhà điều hành Nhật Bản và Việt Nam tiếp cận đúng đối tác, khách hàng tiềm năng thông qua mạng lưới các doanh nghiệp uy tín; tìm thấy các mối quan hệ và nhà đầu tư chất lượng; tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian cho các doanh nghiệp, từ đó mở rộng và gia tăng cơ hội kinh doanh, góp phần làm tăng năng lực sản xuất, quản lý của doanh nghiệp trong nước tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là cơ sở bước đầu cho các hoạt động hợp tác trong thời gian tới của doanh nghiệp hai nước.
Các thành viên của Tổ công tác Nhật Bản sẽ sẵn sàng lắng nghe những kiến nghị, đề xuất và trả lời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ cung cấp các giải pháp tài chính hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành phát biểu. Ảnh: An Đăng – TTXVN
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành khẳng định: Hải Phòng nằm trong vùng năng động nhất của Việt Nam hiện nay. Hải Phòng có nhiều lợi thế vượt trội trong hội nhập quốc tế, là đầu mối giao thông (hàng hải, hàng không, đường sắt, đường ô tô cao tốc, đường thủy nội địa), giao lưu thuận lợi với tất cả các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Do vậy, Hải Phòng từ lâu đã là địa chỉ hấp dẫn, quen thuộc đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hải Phòng luôn nằm trong top đầu các địa phương của Việt Nam có kết quả thu hút tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 553 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 15,7 tỷ USD. Các dự án tập trung trong các lĩnh vực: công nghiệp (76,49%), cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản (18,22%), thương mại (2,8%), dịch vụ (2,17%), các lĩnh vực khác (0,38%).
Trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại thành phố, FDI Nhật Bản đứng đầu về số dự án và đứng thứ hai về số vốn đầu tư (sau Hàn Quốc) với 137 dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản, tổng số vốn đầu tư 4,6 tỷ USD (24,77% số dự án và 29,29% tổng vốn đầu tư còn hiệu lực).
Dự án FDI Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp với 101 dự án, vốn đầu tư 3,63 tỷ USD, chiếm 73,7% số dự án và 79,08% số vốn đầu tư FDI Nhật Bản. Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Nhật Bản luôn được đánh giá cao, nghiêm túc trong chấp hành chính sách pháp luật về đầu tư, môi trường, phòng chống cháy nổ, dự án đầu tư có chất lượng tốt, góp phần nâng cao ý thức làm việc và chất lượng lao động của thành phố.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm và hỗ trợ thành phố Hải Phòng trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (cầu, đường, cải tạo cảng Hải Phòng, thoát nước mưa, nước thải, quản lý chất thải rắn) thông qua việc cung cấp nguồn vốn ODA.
Hải Phòng hiện có hơn 500 chuyên gia Nhật Bản sinh sống và làm việc, cùng hàng nghìn lượt chuyên gia thường xuyên qua lại và công tác tại thành phố. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực sự trở thành một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế thành phố Cảng.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam tại Hải Phòng cũng đã có những kết quả đáng ghi nhận. Hải Phòng đã thu hút đươc những dự án lớn từ các tập đoàn lớn, có uy tín trong nước như: Vingroup, Him lam, Sungroup, FLC, Flamigo đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng xã hội, đánh thức tiềm năng về phát triển du lịch mà lâu nay là điểm hạn chế của Hải Phòng như: các khu vui chơi giải trí cao cấp, các khu nhà ở thương mại cao cấp, các khách sạn 5 sao, bệnh viện và trường học tiêu chuẩn quốc tế, dự án nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện Vinfast của tập đoàn Vingroup - một dự án không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội của thành phố mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với nền sản xuất công nghiệp ô tô nội địa của Việt Nam.(TTXVN)
-------------------
Ngành thịt heo Trung Quốc, Mỹ sẽ chống chọi ra sao trong cuộc chiến thương mại?
Trong cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế thế giới, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang loay hoay tìm đường lui để giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất thịt heo trong nước.
Lựa chọn nào cho ngành thịt heo Mỹ?
Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bùng nổ, các doanh nghiệp chế biến thịt heo tại Mỹ thường xuất khẩu 9/10 phần chân và đầu heo sang Trung Quốc và Hong Kong với mức giá cao hơn tất cả thị trường khác. Đầu, chân, tim, lưỡi, dạ dày và ruột heo vốn là những bộ phận mà người dân Mỹ không ăn nhưng lại có một vai trò đặc biệt trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc.
Ví dụ điển hình là chân heo. Bộ phận này gần như vô giá trị ở bất cứ đâu và cũng thể bán đi đâu. Tuy nhiên, nếu được xuất khẩu qua Trung Quốc, đây lại là mặt hàng có giá trị rất lớn, chuyên gia kinh tế nông nghiệp Dermot Hayes tại Đại học Iowa cho biết.
Rõ ràng, đây là một nguồn thu lợi nhuận không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thịt heo Mỹ.
“Điều mà bạn sẽ thường nghe là chính những sản phẩm đó giúp các nhà máy tiếp tục hoạt động”, chuyên gia phân tích Erin Borror tại Hiệp hội Xuất khẩu thịt Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, công việc béo bở ấy nhanh chóng gặp ngõ cụt sau khi Trung Quốc áp thuế tới 50% đối với mặt hàng thịt heo Mỹ. Các doanh nghiệp chế biến thịt của Mỹ buộc phải bán rẻ cho các công ty sản xuất thức ăn cho vật nuôi và gia súc gia cầm.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu các phụ phẩm heo nằm trong danh sách bị Trung Quốc áp thuế giảm khoảng 1/3 trong cả tháng 4 và tháng 5. Trung Quốc lần đầu áp thuế 25% đối với thịt heo Mỹ hồi tháng 4, và tiếp tục tăng thuế thêm 25% vào ngày 6/7.
Xuất khẩu phụ phẩm heo sang Trung Quốc trở thành công việc hái ra tiền đối với doanh nghiệp Mỹ bởi người tiêu dùng tại đây rất thích hương vị của chúng. Ví dụ, móng heo hầm với đậu đỗ là một món ăn nổi tiếng của tỉnh Tứ Xuyên.
Vì vậy, có thể nói chính những doanh nghiệp chế biến lớn của Mỹ như WH Group, Smithfield Foods, Seaboard Foods, JBS USA, mới là người chịu trận trong cuộc chiến thương mại. Những công ty này từng “hốt” về hơn 1,1 tỷ USD trong năm 2017 nhờ bán phụ phẩm heo. Đến tháng trước, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến thịt heo Mỹ giảm xuống thấp nhất ba năm vì tác động của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Năm 2017, giá xuất khẩu trung bình của các phụ phẩm heo từ Mỹ sang Trung Quốc đạt khoảng 76 cent/pound, theo số liệu của Hiệp hội xuất khẩu thịt Mỹ. Nếu không thể xuất khẩu, số phụ phẩm heo này sẽ được tiêu thụ tại Mỹ với giá trị 18 cent/pound, đồng nghĩa là các doanh nghiệp chế biến sẽ mất 1,55 USD/đầu heo.
Hiệp hội ước tính ngành thịt heo của Mỹ sẽ thiệt hại 860 triệu USD trong năm 2019 vì chiến tranh thương mại. Trên thực tế, nông dân mới là người chịu thiệt hại khi các doanh nghiệp chế biến có thể viện vào cớ đó để hạ giá thu mua heo hơi, ông Hayes cho hay.
Để giảm thiểu thiệt hại, các doanh nghiệp chế biến có thể dùng phụ phẩm heo để làm thức ăn cho động vật, theo hiệp hội. Tuy nhiên, giá cả cũng sẽ chịu áp lực vì sẽ có nhiều doanh nghiệp chen chân vào thị trường này. Công ty JH Routh Packing hiện bán phần lớn phụ phẩm heo làm thức ăn cho động vật với giá chưa tới 20 cent/pound.
Các công ty thức ăn cho thú cưng có thể sử dụng nhiều phụ phẩm hơn trong quá trình sản xuất vì nguồn cung trên thị trường tăng, Chủ tịch Dana Brooks của Viện Thức ăn Thú cưng dự báo. “Những bộ phận mà chúng ta không ăn lại có giá trị dinh dưỡng cao đối với thú cưng”, bà Brooks nói.
Trung Quốc sẽ tìm nguồn cung thay thế từ đâu?
Theo giới phân tích, Trung Quốc có thể sẽ gặp chút rắc rối trong việc tìm nguồn cung phụ phẩm thịt heo thay thế Mỹ.
Tuy nhiên, trước khi chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng phần nào bớt phụ thuộc vào thịt heo Mỹ vì sản lượng heo trong nước tăng mạnh, dẫn tới dư thừa quá lớn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể tăng nhập khẩu từ châu Âu, là nơi mà giá heo hiện đang ở đáy của ít nhất hai năm qua, giới phân tích dự đoán.
Trên thực tế, Chile hay châu Âu hay bất kỳ nước nào cũng sẽ sẵn sàng bán các phụ phẩm heo như dạ dày, gan hay chân,… mà họ không dùng tới cho Trung Quốc. Vì vậy, người Trung Quốc sẽ không bị thiệt hại trong cuộc chiến thịt heo này, Chủ tịch Ken Maschhoff của Tập đoàn sản xuất thịt heo lớn nhất nước Mỹ Maschhoffs cho hay.(NDH)