Bắt buộc dùng hóa đơn điện tử từ 2018; Kinh doanh lữ hành: Doanh thu lớn, lãi “bèo bọt”; Kinh doanh sa sút, nhà máy lọc dầu 3 tỷ USD mời 15 quỹ mua cổ phần; Chi nghìn tỷ thâu tóm, Khách sạn Kim Liên của Bầu Thụy vẫn lỗ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-05-2017
- Cập nhật : 10/05/2017
Kiểm soát chặt việc nhập các mặt hàng trong nước sản xuất được
Các mặt hàng trong nước sản xuất được, mặt hàng đã được đưa vào diện áp dụng các biện pháp tự vệ… sẽ được kiểm soát chặt trong thời gian tới đây.
Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, nhất là các mặt hàng đã được Bộ Công Thương đưa vào diện áp dụng các biện pháp tự vệ (thuế tự vệ); các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đồng thời, kiểm soát các mặt hàng được các bộ quản lý chuyên ngành đưa vào diện quản lý bằng giấy phép nhập khẩu hoặc phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu.
Trong văn bản ban hành ngày 5/5 vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trái phép hàng hóa. Nhất là tại khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các tuyến đường bộ, đường sắt liên vận, đường hàng không, đường biển... sau đó tìm cách thẩm lậu vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ.
Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ma túy... Phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định để doanh nghiệp hoạt động, phát triển.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường... chia sẻ thông tin, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, sẽ “kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho buôn lậu diễn ra trên tuyến, địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách”.
Trong trả lời mới đây, trước câu hỏi trong khi nhiều sản phẩm trong nước không tiêu thụ được như thịt lợn, thuỷ sản, rau củ-quả, thì vẫn có một lượng lớn hàng nhập khẩu cùng chủng loại tiêu thụ trong nước Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, qua đó có nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. "Nếu chúng ta phát triển xuất khẩu, thì nhiều nước cũng sẽ có điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam", ông Hải nói.(Bizlive)
-------------------------------
Bêu tên một loạt doanh nghiệp “chây ì” đóng bảo hiểm xã hội
Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết một loạt công ty có số nợ bảo hiểm tương đối dài, như công ty CP xe khách Phương Trang (TP. HCM) nợ 28 tỷ đồng, công ty TNHH Nam Phương (TP. HCM) nợ hơn 20 tỷ đồng, Công ty CP Lilama 3 (Hà Nội) nợ hơn 25 tỷ đồng…
Tại tọa đàm “Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội” ngày 8/5, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) tương đối phức tạp, số nợ những tháng gần đây có xu hướng gia tăng.
Cụ thể, số doanh nghiệp tham gia BHXH là trên 235.000 doanh nghiệp, trong khi đó dữ liệu do cơ quan thuế quản lý khoảng gần 500.000 doanh nghiệp, như vậy gần 50% doanh nghiệp hiện nay chưa tham gia BHXH, có thể gọi là trốn đóng BHXH.
"Về nợ đóng BHXH, tính đến cuối năm 2015 số nợ gần 10.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 4,88% của số phải thu. Đến cuối năm 2016 số nợ BHXH có giảm khoảng 7.500 tỷ đồng bằng khoảng 3,3% số phải thu. Quý 1/2017, tình hình số nợ tăng thêm gần bằng 4,5% số phải thu, bằng gần 14.000 tỷ đồng, tăng hơn so với 2016", ông Đào Việt Anh cho biết.
Cũng theo ông Đào Việt Anh, hiện nay nợ đóng BHXH diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, ở tất cả các khối cơ quan tham gia BHXH.
Theo thống kê, nợ đọng BHXH tập trung chủ yếu là ở khối cơ quan ngoài quốc doanh. Riêng quý I/2017, có nhiều doanh nghiệp phải tham gia, nợ BHXH tương đối dài.
"Đơn cử như Công ty CP xe khách Phương Trang (TP HCM) nợ 28 tỷ đồng, công ty TNHH Nam Phương (TP HCM) nợ hơn 20 tỷ đồng, Công ty CP Lilama 3 (Hà Nội) nợ hơn 25 tỷ đồng…
Trong số nợ đóng BHXH có 1.400 tỷ đồng là nợ BHXH kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 1.900 lao động tham gia BHXH", ông Đào Việt Anh cho hay.
Cũng theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hơn 1.400 ttỷ đồng nợ có khả năng mất trắng do một bộ phận doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có khả năng đóng hoặc đã phá sản.
Để xử lý khoản “nợ xấu” này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết cơ quan này đã xin ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động, xin kiến nghị với Chính phủ một phương án giải quyết.
Theo đó, số nợ đọng này có giữ lại thì chỉ làm cho tỷ lệ nợ đọng của chúng ta cao lên mà không có khả năng thu hồi vì doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.
"Nếu không xử lý vấn đề này, hàng trăm nghìn người lao động của chúng ta không được xử lý quyền lợi khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Xuất phát từ tình hình đó, khi làm Luật BHXH, khoản 7 điều 10, chúng tôi đã ghi Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chính phủ các trường hợp tồn đọng như thế này, với mục tiêu giải quyết quyền lợi cho người lao động", ông Bùi Sỹ Lợi nói.(Bizlive)
----------------------------
Hệ thống bảo hiểm xã hội: Tiêu hơn 10 ngàn tỷ/năm
Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế ước thực hiện năm 2016 là 10.467,3 tỷ đồng. Trong đó riêng chi cho bộ máy các cấp là hơn 4.100 tỷ đồng.
Theo một báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, Chính phủ cho biết: Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế ước thực hiện năm 2016 là hơn 10.400 tỷ đồng (bao gồm cả chi đầu tư xây dựng cơ bản), tăng hơn so với năm 2015.
Riêng chi "nuôi" bộ máy quản lý bảo hiểm xã hội các cấp là hơn 4.100 tỷ
Trong đó chi phí cho quản lý bảo hiểm xã hội chiếm nhiều nhất với hơn 6.400 tỷ đồng, tiếp đến là chi cho quản lý bảo hiểm y tế hơn 3.500 tỷ đồng, thấp nhất là chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp hơn 427 tỷ đồng.
Trong tổng số hơn 10.400 tỷ chi quản lý bảo hiểm xã hội, chi cho bộ máy quản lý chiếm nhiều nhất.
Cụ thể, chi hoạt động bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, các đơn vị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được giao thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm là hơn 4.100 tỷ đồng chiếm 39,6% tổng chi. Trong đó, chi cho lương, phụ cấp cho công nhân viên chức, người lao động làm công tác bảo hiểm chiếm phần lớn với gần 2.300 tỷ đồng.
Năm 2016 Bảo hiểm xã hội cũng đã chi hơn 900 tỷ đồng cho hoạt động chi không thường xuyên. Số tiền này dùng để thực hiện một số nhiệm vụ như: Đào tạo, nghiên cứu khoa học; đóng niên liễm, tinh giản biên chế, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức, thuê trụ sở làm việc; chi hiện đại hóa cơ sở vật chất trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác.
Trong tổng số chi cho quản lý là hơn 10.400 tỷ, chi hoạt động đặc thù phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia và hưởng chính sách, tổ chức thu chi là khoảng 3.590 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng số chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế . Những khoản chi trong hạng mục này đều tăng so với năm 2015.
Trong đó, chi tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật ước là 350 tỷ đồng, tăng 50 tỷ so với năm 2015; Chi cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử tăng để rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết là 277 tỷ đồng, tăng 41,9 tỷ đồng so với năm 2015; Chi hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế tăng do mức chi hỗ trợ tăng từ 1.500 đồng/người lên 5.000 đồng/người. ..
Trong tổng số hơn 10.400 tỷ chi quản lý bảo hiểm xã hội, số chi dành cho ứng dụng công nghệ thông tin là hơn 1.200 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển là 1.500 tỷ đồng.
“Như vậy, số chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế năm 2016 tăng so với năm 2015 chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, hiện đại hóa hệ thống quản lý và phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Năm 2017, dự kiến chi phí quản lý cho bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam lên tới 11.688 tỷ đồng. Trong đó, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội là 7.246 tỷ đồng, chi phí quản lý bảo hiểm y tế là 3.947 tỷ đồng và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp là 495 tỷ đồng.(Vietnamnet)
---------------------------------
Moody’s cảnh báo ngân hàng Việt tiếp tục thiếu vốn
Moody’s ước tính, toàn bộ hệ thống ngân hàng bị thiếu hụt vốn khoảng 9,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2016, tương đương 4,6% GDP.
Moody’s Investors Service vừa ra báo cáo cho biết ngân hàng Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu vốn trong vòng 12-18 tháng tới, và tình trạng này vẫn tiếp tục là một gánh nặng tín dụng chủ yếu đối với ngành ngân hàng.
Moody’s định nghĩa khoản hụt vốn này là lượng vốn bên ngoài ngân hàng cần để đưa các tỷ lệ vốn cấp 1 về mức 8% sau khi các ngân hàng sử dụng nguồn dự phòng cho lỗ và nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng cho tất cả lượng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Ước tính này của Moody’s dựa trên các ngân hàng được cơ quan này xếp hạng tín nhiệm, chiếm 53% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng tính đến cuối năm 2016.
“Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh của các ngân hàng sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng hụt vốn, dựa trên kịch bản cơ sở của chúng tôi cho tăng trưởng kinh tế mạnh của Việt Nam trong vòng 12 đến 18 tháng tới”, Daphne Cheng, chuyên gia phân tích tại Moody’s, cho biết.
Moody’s dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam ở mức 6,4% trong năm nay và năm 2018, so với mức 6,2% trong năm 2016. Trong khi đó, tín dụng được dự báo tăng trưởng 26% trong năm 2017 và 2018.
Moody’s ước tính, toàn bộ hệ thống ngân hàng bị thiếu hụt vốn khoảng 9,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2016, tương đương 4,6% GDP.
Moody’s cũng cho biết thêm, hệ thống ngân hàng sẽ chịu một lượng thiếu vốn ước tính từ 5,1 đến 6,1 tỷ USD tính đến cuối năm nay, tương đương 2,5%-3,0% GDP, nếu không có đột biến nào trong tỷ lệ nợ xấu và thu nhập lõi của ngân hàng.
Chuyên gia Cheng của Moody’s nhận định rằng khả năng tạo vốn của ngân hàng Việt vẫn yếu, do tỷ suất NIM thấp, thu nhập từ phí thấp, và gánh nặng trích lập lớn. “Trong bối cảnh này, phải mất nhiều năm thì hệ thống ngân hàng mới có thể lấp khoảng thiếu hụt vốn thông qua việc tự tạo vốn”.
Cuối tháng trước, Moody’s ra thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao và xếp hạng nhà phát hành của Việt Nam ở mức B1, đồng thời điều chỉnh triển vọng xếp hạng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.(Bizlive)