tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 10-05-2017

  • Cập nhật : 10/05/2017

Giàn Thỏ Trắng 3 khai thác dòng dầu đầu tiên

Chiều 8/5, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cho biết, vào lúc 7 giờ ngày 7/5, giàn Thỏ Trắng 3 (ThTC-3) đã chính thức khai thác dòng dầu đầu tiên tại giếng khoan 37P, lưu lượng 164 tấn/ngày, sớm hơn 13 ngày so với kế hoạch.

Mỏ Thỏ Trắng nằm trong bể Cửu Long thuộc thềm lục địa Việt Nam. 

Giàn Thỏ Trắng 3 được các nhà thầu trong nước thực hiện, hoàn chỉnh từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt và chạy thử. Giàn được thiết kế cho 12 giếng với 12 lỗ khoan, công suất thiết kế để khai thác 3.000 tấn chất lỏng và 1,5 triệu m3 khí/ngày. 

Công trình Thỏ Trắng 3 mỏ Thỏ Trắng thuộc lô 09-1 ở độ sâu 47m do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro khởi công chế tạo từ ngày 1/6/2016. 

Để đảm bảo kế hoạch khai thác đạt 5 triệu tấn dầu trong năm 2017 và duy trì sản lượng khai thác ở các năm tiếp theo, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã tích cực tìm kiếm gia tăng trữ lượng. 

Theo đó, đơn vị khẩn trương xây dựng và đưa vào khai thác các công trình mới, trong đó có giàn Thỏ Trắng 3 dự kiến đưa vào khai thác ngày 20/5/2017. 

Theo tính toán, giàn Thỏ Trắng 3 đưa vào khai thác sớm sẽ làm tăng sản lượng khai thác cho Vietsovpetro tổng cộng hơn 7.000 tấn trong năm 2017, góp phần quan trọng để đơn vị phấn đấu hoàn thành kế hoạch khai thác 5 triệu tấn dầu năm 2017.(Baotintuc)
--------------------------------------------

Tập đoàn Thoresen muốn đầu tư vào cảng biển tại Cần Thơ

Ngày 8/5, tại TP Cần Thơ, lãnh đạo Tập đoàn Thoresen do ông Sigmund Stroemme, Giám đốc điều hành Tập đoàn dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo UBND và các sở, ban, ngành thành phố về việc mong muốn được đầu tư cảng biển và hệ thống logistics tại Cần Thơ cũng như Trung tâm logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

toan canh buoi lam viec.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, việc phát triển logistics hiện nay là một trong những hoạt động trọng tâm cuả thành phố. Trong quy hoạch phát triển hệ thống logistics Việt Nam, Cần Thơ đã chọn được địa điểm phát triển Trung tâm logictics vùng ĐBSCL tại quận Cái Răng, khu vực cảng Cái Cui.

Ông Nam cho biết thêm, Cần Thơ hiện có cảng Hoàng Diệu nằm ở quận Bình Thủy và cảng Cái Cui nằm ở quận Cái Răng. Hai cảng trên hoạt động tương đối độc lập. Khu logictics Trung tâm vùng ĐBSCL được Chính phủ cho phép thành lập với 242 ha, nằm ở khu vực cảng Cái Cui, thành phố Cần Thơ. Bên cạnh cảng Cái Cui là Tân cảng Sài Gòn có cầu tàu 180m và cảng Vinaline Cái Cui có cầu tàu 360m. 

Hiện thành phố Cần Thơ đang kiến nghị nhập 3 khu vực này gồm: Tân cảng Cái Cui, Vinaline Cái Cui và cảng Cái Cui để tạo thành cảng lớn nhất khu vực ĐBSCL với cầu cảng có thể kéo dài khoảng 1.200m. Thành phố cũng đang trình Chính phủ các phương án liên doanh, nhất là thành phố tập trung hỗ trợ cho các công ty kinh doanh cảng tiến hành các hoạt động mở rộng mạng lưới phân phối của mình. Khu vực thành lập Trung tâm logistics vùng ĐBSCL đã được thành phố Cần Thơ giải phóng mặt bằng được khoảng 30 ha và đang có khá nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. 

Đối với Tập đoàn Thoresen, theo ông Nam sẽ có 3 sự lựa chọn như: mua lại cổ phần của Vinaline, tham gia vào dự án liên doanh và nhập các cảng lớn này lại với nhau. Phương án thứ hai có thể đầu tư xây dựng cảng mới ở nơi khác nằm trên tuyến sông Hậu. Phương án cuối cùng là đầu tư vào các kho và hệ thống vận tải có sẵn tại khu vực cảng Cái Cui mà không cần phải đầu tư xây dựng cảng mới... 

Theo ông Sigmund Stroemme, Giám đốc điều hành Tập đoàn Thoresen, tại khu vực ĐBSCL, Tập đoàn mong muốn đầu tư lĩnh vực cảng biển và hệ thống logistics tại Cần Thơ. Trong đó Cần Thơ là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển logistics vì nơi đây có vị trí rất thuận lợi về giao thông thủy bộ và trên địa bàn cũng đã hình thành các cảng, kho, bãi. 

Hiện nay, Tập đoàn Thoresen ở Việt Nam hoạt động đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực phân bón, vận chuyển kho bãi, hậu cần và cảng biển tại tỉnh Bà rịa-Vũng tàu. Nếu được đầu tư cảng biển và hệ thống logistics tại Cần Thơ, Tập đoàn Thoresen sẽ có cơ hội cùng với thành phố Cần Thơ nâng cao công tác quản lý hoạt động, mở rộng dịch vụ vận chuyển, tăng kho lưu hàng và kết hợp phân phối hàng hóa bằng đường sông và đường biển bao gồm dịch vụ trung chuyển container đến Phnôm Pênh và Singapore; đồng thời tăng cường phối hợp hoạt động logistics ở Bà rịa -Vũng tàu cũng như vận chuyển phân phối các sản phẩm vào vùng ĐBSCL. 

Ngay sau buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Cần Thơ và Tập đoàn Thoresen đã tiến hành khảo sát thực tế tại khu vực cảng Cái Cui trước khi đưa ra quyết định chính thức về việc đầu tư cảng và hệ thống logistics tại Cần Thơ.(TTXVN)
-----------------------------------------

DOC hủy bỏ rà soát thuế chống bán phá giá với sản phẩm mắc áo thép của Việt Nam

Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa đăng công báo liên bang về việc hủy bỏ điều tra rà soát hành chính thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mắc áo thép của Việt Nam trong giai đoạn từ 1/2/2016 - 31/1/2017.

Trước đó, ngày 10/4/2017, căn cứ trên yêu cầu rà soát của Công ty M&B Metal Products Company, Inc (nguyên đơn), DOC đã đăng thông báo về việc tiến hành rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nói trên. Yêu cầu rà soát bao gồm 66 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. 

Ngày 24/4/2017, nguyên đơn đã rút yêu cầu rà soát hành chính đối với 66 doanh nghiệp liệt kê trong Thông báo khởi xướng điều tra. Căn cứ quy định 19 CFR 351.213, DOC sẽ hủy bỏ điều tra rà soát hành chính nếu bên liên quan rút yêu cầu đúng thời hạn 90 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng điều tra rà soát. 

Trong vụ việc này, nguyên đơn đã xin rút yêu cầu rà soát đúng hạn, thêm vào đó, không có bên liên quan nào khác yêu cầu rà soát nên DOC sẽ hủy bỏ rà soát hành chính đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam cho giai đoạn 1/2/2016 - 31/1/2017. 

Do DOC hủy bỏ rà soát, nên thuế chống bán phá giá đối với những lô hàng nhập khẩu trong giai đoạn nói trên sẽ được thu tương đương với mức tiền đặt cọc thuế tạm tính tại thời điểm nhập khẩu hoặc xuất kho để tiêu thụ. 

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam đã bị DOC áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2013 với mức tương ứng: 157% - 220,68% và 31,58% - 90,42%.(TTXVN)
-------------------------------

Bộc lộ yếu kém của EU trong lĩnh vực ngân hàng

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit có thể khiến hoạt động của Trung tâm tài chính London chững lại trong thời gian tới trong bối cảnh hoạt động ngân hàng ở "lục địa già" vẫn bị đánh giá là tương đối yếu so với các khu vực khác trên thế giới.

Nhận xét chung lâu nay của các giám đốc ngân hàng toàn cầu là châu Âu không chỉ yếu hơn xét về mặt kinh tế mà khu vực này còn quá cạnh tranh. Phân tích của tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) hồi năm ngoái cho hay phí giao dịch ngân hàng trong lĩnh vực đầu tư ở Mỹ trung bình cao hơn 22% so với châu Âu. 

Theo một nghiên cứu của trường Saïd Business School, phí chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ tương đương khoảng 7% số tiền huy động, trong khi tỷ lệ này tại châu Âu là xấp xỉ 3%.

JP Morgan, một ngân hàng đầu tư hàng đầu tại châu Âu, được coi là minh chứng tiêu biểu nhất. Hiện nay, chỉ có khoảng 15% hoạt động của ngân hàng đầu tư này liên quan tới châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Giới chuyên gia cho rằng có khả năng các công ty tài chính và ngân hàng toàn cầu sẽ lấy lý do Brexit hay nhân cơ hội này để cắt giảm hoạt động kinh doanh mà họ từ lâu đã đánh giá là không hấp dẫn khi so với cơ hội kinh doanh tại các thị trường khác, đơn cử như Mỹ. Đây là lý do nhiều nhân vật trong giới ngân hàng và chính trị gia, gần đây nhất là Bộ trưởng tài chính Anh Philip Hammond, từng nhận định rằng New York có thể sẽ là thành phố được lợi lớn từ Brexit.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hậu Brexit, kinh tế Anh có thể bị thiệt hại khoảng 3 điểm phần trăm GDP vào năm 2020 trong khi kinh tế EU thiệt hại 1 điểm phần trăm. Trả lời phỏng vấn hồi tuần trước, Giám đốc Goldman Sachs Lloyd Blankfein cảnh báo hoạt động của Trung tâm tài chính London nhiều khả năng sẽ chững lại khi Anh "chia tay" EU. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) từng tuyên bố sẽ chuyển hoạt động thanh toán bù trừ bằng đồng euro - một nghiệp vụ ngân hàng mang lại lợi nhuận “vàng” cho London - ra khỏi trung tâm tài chính này.

Việc Anh rời Thị trường chung châu Âu có thể mang lại những thiệt hại rất lớn. Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể khả quan nếu hai bên đạt được một thỏa thuận có lợi tạo điều kiện để các ngân hàng và công ty tài chính toàn cầu duy trì hoạt động tại London.(Baotintuc)
-------------------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục