Nhôm ép Việt Nam vẫn bị ADC nói bán phá giá; Đại gia Lê Thanh Thản nói về dấu hiệu trốn thuế: “Tôi chả hiểu gì cả”; Hà Nội cấm xe máy, cơ hội dành cho doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi; Hà Nội thống nhất rút 124 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-06-2017
- Cập nhật : 08/06/2017
Quản lý nợ công: Cơ quan nào vay thì phải có trách nhiệm trả nợ
Hiện nay, còn có nhiều ý kiến băn khoăn trong việc nên giao cơ quan nào quản lý nợ công trong bối cảnh nợ công tăng nhanh. Bên lề kỳ họp, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) về vấn đề này.
Thưa ông, hiện nay, trong dự thảo Luật Quản lý nợ công, nhiều đại biểu đang băn khoăn là có tới 3 cơ quan tham gia quản lý là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN, một số ý kiến cho rằng chỉ nên quy về một đầu mối, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
Luật nợ công 2009 phân công rất rõ nhiệm vụ của ba cơ quan, mỗi cơ quan có chức năng riêng, Bộ Đầu Tư (KHĐT) có chức năng đàm phán các dự án liên quan đến vốn ODA và vay ưu đãi quốc tế. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chịu trách nhiệm dự án vay ngân hàng thế giới, các tổ chức tài chính quốc tế. Bộ Tài chính đảm nhiệm chương trình vay trong nước, phát hành trái phiếu hoặc phát hành trái phiếu quốc tế. Việc phân công đó rất đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi một cơ quan, giúp huy động được nhiều vốn. Chính vì vậy nên giai đoạn năm 2011 – 2015 chúng ta huy động được nhiều vốn vay từ ODA, tổ chức tài chính quốc tế cũng như việc phát hành trái phiếu.
Nếu chúng ta đặt mục tiêu cần huy động nhiều vốn thì rõ ràng phân công trách nhiệm cho 3 cơ quan như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, bất cập trong phân công là chỉ coi trọng nguồn vốn vay về đầu tư thôi còn vấn đề trả nợ như thế nào thì không có cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể chính. Vì vậy nên hiện nay, tình trạng nợ công gần chạm trần và nguồn trả ở đâu, ai chịu trách nhiệm thì chưa rõ ràng.
Đó là vấn đề do chúng ta coi trọng huy động vốn mà chưa coi trọng vấn đề trả vốn. Chính vì vậy mà hiện nay trong dự thảo mới quan điểm của Ủy Ban Tài chính Ngân sách nên tập trung một đầu mối.
Theo ông việc tập trung về một đầu mối này nên thực hiện như thế nào?
Cái dở hiện nay là người đi vay giải ngân xong là xong nhưng không ai trả nợ nên nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nên tập trung thành một đầu mối thống nhất quản lý về nợ công. Theo tôi, một đầu mối thống nhất ở đây không có nghĩa là chỉ một cơ quan đứng ra làm mà một đầu mối duy nhất là cơ quan nào đứng ra huy động nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn vào cái gì thì phải có trách nhiệm hoàn trả nguồn vốn đó. Như vậy thì gắn được trách nhiệm huy động, đầu tư vốn với khả năng trả, nếu làm tốt thì tránh được tình trạng huy động vốn ào ạt không cần biết có hiệu quả hay không, gây ra khủng hoảng nợ công.
Tức là việc đi vay chỉ có 3 đơn vị là Bộ KHĐT, NHNN và Bộ Tài chính thì cho ai vay và vay như thế nào thì phải chịu trách nhiệm về việc đó. Còn một đầu mối quản lý tức là cần có một đơn vị đứng ra xây dựng kế hoạch vay nợ công. Đơn vị đó phải thực hiện trách nhiệm xây dựng kế hoạch vay nợ công, tính toán giai đoạn này vay bao nhiêu, giai đoạn kia vay bao nhiêu. Trong số đó, phân bổ bao nhiêu đầu tư công cho xây dựng hạ tầng, bao nhiêu vay bảo lãnh, bao nhiêu cho vay lại và giao cho các đơn vị thực hiện...
Chính phủ đóng vai trò cao nhất quyết định dựa vào kế hoạch vay, còn các đơn vị vay bao nhiêu thì phải chịu trách nhiệm về khoản vay đó. Ví dụ NHNN đứng ra vay và bảo lãnh cho vay nếu đơn vị được bảo lãnh không trả được thì ngân hàng phải lấy quỹ ngân hàng bù đắp chứ không thể lấy quỹ Chính phủ bù đắp. (Baotintuc)
------------------------
Bổ sung 3 sản phẩm vào Danh mục sản phẩm quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt bổ sung Danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Nông dân thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
Theo đó, tôm nước lợ (gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng); cà phê Việt Nam chất lượng cao; sâm Việt Nam là các sản phẩm được bổ sung vào Danh mục sản phẩm quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngoài các cơ chế chính sách đã được quy định tại Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù của từng sản phẩm quốc gia trên.(TTXVN)
------------------------------
Dầu Tường An sẽ tái cơ cấu và phân phối ra nước ngoài
Dầu Tường An sẽ cơ cấu lại sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng và nhằm đảm bảo lợi nhuận trong thời gian tới.
Sáng nay (7/6), Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (mã TAC) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017.
Năm 2016, sản lượng tiêu thụ của TAC vượt 7,2% kế hoạch khi đạt 182 nghìn tấn. Nhờ đó, công ty đã đạt 3.978 tỷ đồng doanh thu và 84 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt kế hoạch lần lượt là 6% và 3%.
TAC dự kiến chi hơn 54 tỷ đồng để chia cổ tức với tỷ lệ 16% bằng tiền mặt. Mức cổ tức cho năm 2017 dự kiến là 16%.
Kế hoạch năm 2017, TAC đặt mục tiêu đạt doanh thu 4.373 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2016. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 165 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm ngoái. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 16%.
Trả lời thắc mắc của cổ đông về sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu dầu cọ, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT TAC, cho biết lo lắng này không phải vấn đề quan ngại lớn. Theo bà Liễu, mặt hàng dầu có đặc thù về thổ nhưỡng, thời tiết, nên chưa được trồng nhiều ở Việt Nam và Việt Nam cũng chưa chuẩn bị được vùng nguyên liệu dầu. Song nhờ việc nắm giữ cổ phần lớn ở các công ty dầu hàng đầu, tập đoàn KIDO - công ty mẹ của TAC - đang nắm khoảng 35% thị phần dầu tại Việt Nam, công ty đã chi phối được nhà cung cấp và nhờ nắm được quy luật diễn biến giá dầu nên có thể chủ động được nguyên liệu. Hiện nguyên liệu dầu cọ của TAC chủ yếu nhập khẩu từ Malaysia và Ấn Độ.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Thành viên HĐQT TAC, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn doanh thu trong năm nay vì đang trong giai đoạn tái cấu trúc sản phẩm, xem xét tăng tỷ trọng sản phẩm có biên lợi nhuận cao, giảm sản phẩm có lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, công ty cũng liên kết các đối tác và tập trung kiểm soát quy trình theo hệ thống của tập đoàn để phân bổ chi phí hợp lý.
"TAC sẽ cơ cấu lại sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng và nhằm đảm bảo lợi nhuận trong thời gian tới. Sắp tới, TAC sẽ có nhiều sản phẩm cao cấp hơn và hướng tới từng đối tượng cụ thể", bà Liễu nói và cho biết thêm rằng chắc chắn phân phối ra nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Hạnh làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022
Tại Đại hội lần này, TAC cũng tiến hành bầu nhân sự Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022.
Các thành viên trúng cử vào HĐQT, ngoài bốn thành viên cũ gồm có bà Nguyễn Thị Hạnh, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, ông Trần Lệ Nguyên, ông Hà Bình Sơn, còn có một nhân sự đến từ tập đoàn KIDO là ông Kelly Yin Hon Wong. Ban quản trị TAC đã thống nhất bầu bà Nguyễn Thị Hạnh giữ chức Chủ tịch. Trong HĐQT, ông Nguyên vẫn là người chỉ đạo chiến lược, còn bà Hạnh sẽ phụ trách việc thực thi các chiến lược của TAC. Như vậy, trong HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ có bốn thành viên đến từ KIDO.
Các thành viênn trong BKS gồm ông Hồ Minh Sơn, bà Cao Hoài Thu và ông Nguyễn Đức Thuyết.(NCĐT)
-----------------------------
Marvin Goodfriend sẽ là chủ tịch Fed tiếp theo, thay thế bà Yellen ?
Goodfriend là một người có quan điểm khá tương đồng với phái chính thống của Đảng Cộng hòa.
Việc tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét đề cử giáo sư kinh tế Marvin Goodfriend vào Hội đồng Thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã phủ nhận quan điểm rằng Trump là một fan hâm mộ chính sách lãi suất bồ câu (dovish - lãi suất thấp) của chủ tịch Fed hiện nay là bà Janet Yellen.
Steve Stanley, kinh tế gia trưởng tại công ty môi giới Amherst Pierpont, nhắn nhủ tới các khách hàng rằng: "Nhiều người đã hiểu nhầm và cho rằng Trump là một người thích chính sách lãi suất thấp, bởi vì một ông trùm bất động sản như ông đã phải đi vay mượn rất nhiều”.
Stanley viết: “Hãy kỳ vọng rằng tân chủ tịch Fed sẽ là một người giống với Goodfriend ... hơn là Yellen.”
Sau khi chỉ trích Yellen trong lúc còn tranh cử, Trump đã có những lời lẽ tích cực hơn khi nói về bà trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal vào tháng 4 vừa qua. Điều này dẫn đến suy đoán rằng Tổng thống có thể đề cử Yellen tiếp tục làm chủ tịch Fed thêm nhiệm kỳ thứ hai. Nhiệm kỳ hiện tại của Yellen sẽ kết thúc vào đầu năm tới.
Về phía Goodfriend, ông này có hai điểm hấp dẫn các đảng viên Cộng hòa chính thống. Thứ nhất, ông đã thường xuyên phê bình chương trình nới lỏng định lượng của Fed (bằng cách mua lại trái phiếu) trong đợt khủng hoảng tài chính 2008-2009, đặc biệt là việc mua vào tài sản thế chấp. Nhiều đảng viên Cộng hòa đã xem chương trình mua trái phiếu là một hành động quá đà của chính quyền Obama.
Và thứ hai, Goodfriend đã đề nghị Fed nên đưa ra chính sách tiền tệ dựa trên các quy tắc toán học nhiều hơn, như các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đề xuất.
Goodfriend cũng là một thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Bóng tối (Shadow Open Market Committee), một nhóm các nhà kinh tế học bảo thủ theo trường phái thị trường tự do, chuyên theo dõi chặt chẽ các động thái của Fed.
Nhóm này nhìn chung muốn Fed "thực hiện các chức năng bình thường của mình, hạn chế can thiệp bằng các chính sách tiền tệ càng ít càng tốt, và để thị trường tự vận hành" theo ông Robert Brusca, kinh tế gia trưởng tại FAO Economics, cho biết.
Ian Katz, một nhà phân tích của Capital Alpha Partners, cho biết Goodfriend “là một lựa chọn dễ dàng với bất kỳ một ứng viên tổng thống nào của đảng Cộng hòa".
Peter Ireland, giáo sư kinh tế tại Boston College, nói rằng thật dễ dàng để tưởng tượng Goodfriend sẽ được bổ nhiệm là chủ tịch Fed "nếu quay lại thời tổng thống George W. Bush (Bush con)”. Ireland nói thêm: "Trump có lẽ sẽ ghét nghe điều này, nhưng đó là sự thật.”
Krishna Guha, cựu quan chức Fed và bây giờ là phó chủ tịch của Evercore ISI, nói rằng Goodfriend là người thuộc phe diều hâu (muốn nâng lãi suất), và "thoạt nhìn thì điều này không ăn khớp với quan niệm rằng Trump sẽ cố gắng duy trì mức lãi suất thấp và một đồng USD yếu hơn bằng cách chỉ định một người theo trường phái bồ câu làm chủ tịch Fed".
Một động thái khác cho thấy Trump đang đi lại vào con đường của Bush con là việc ông có thể đề cử Randy Quarles, một cựu quan chức Bộ tài chính Mỹ dưới thời Bush con, vào vị trí người phụ trách việc giám sát các ngân hàng của Fed.(NCĐT)