tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-08-2018

  • Cập nhật : 22/08/2018

Ai được quyền xuất khẩu gạo theo nghị định mới?

Chính phủ vừa ban hành các điều kiện đối với kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng mở hơn so với quy định Nghị định 109.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế Nghị định 109/2010, Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2018.

Theo đó, điều kiện kinh doanh đối với hoạt động xuất khẩu gạo bao gồm: Thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo khi có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Thương nhân phải có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Điểm quan trọng nhất về quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, Chính phủ đã nới lỏng: Để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thương nhân có thể sở hữu kho và cơ sở xay xát hoặc có thể thuê lại của tổ chức, cá nhân khác.

Ai được quyền xuất khẩu gạo theo nghị định mới? - ảnh 1
Nghị định mới 107/2018 "cởi trói" nhiều điều kiện xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp. 

Đặc biệt, các hợp đồng thuê các cơ sở này phải bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.

Như vậy, Nghị định 107/2018 mà Chính phủ vừa ban hành dựa trên Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu do Bộ Công Thương soạn thảo đã mở hơn so với quy định cũ tại Nghị định 109/2010, trước đó yêu cầu thương nhận phải sở hữu ít nhất 1 kho tối thiểu 5.000 tấn và một cơ sở xay xát công suất 10 tấn thóc/giờ.

Các thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.

Các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương kết quả kiểm tra bằng văn bản.

Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra công tác hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận và việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân.(PLO)
---------------

Malaysia hủy bỏ các dự án nhiều tỷ USD do Trung Quốc tài trợ

Theo Bernama, ông Mahathir đã nói với các phóng viên Malaysia ngày 21/8 - ngày cuối cùng trong chuyến thăm Bắc Kinh, rằng cả Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều đã thấu hiểu lý do đằng sau việc hủy bỏ những dự án này và "đã chấp nhận các lý do đó."


Các dự án nói trên gồm có dự án Đường sắt bờ Biển phía Đông trị giá 20 tỷ USD và 2 đường ống dẫn khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD. Các dự án này đã bị đình chỉ để chờ đàm phán lại.

Chính phủ mới ở Malaysia đã kêu gọi cắt giảm mạnh tay chi phí của các dự án này.(Vietnam+)
-------------------------

Đồng Nai: Một doanh nghiệp đề xuất đầu tư 1.900 tỷ đồng làm dự án du lịch

Theo thông tin của UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian qua đã có doanh nghiệp đề xuất thực hiện dự án du lịch tại tỉnh tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1.900 tỷ VND với tên gọi Dự án du lịch môi trường The Coi.

Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã làm việc về đề xuất của một doanh nghiệp muốn thực hiện dự án du lịch có tên là Dự án du lịch môi trường The Coi với 3 điểm du lịch Đá ba chồng, Bầu nước Sôi và Thác Mai trên địa bàn huyện Định Quán. Chủ dự án đề xuất tỉnh cho thuê gần 100ha đất để triển khai dự án. Trong đó: gần 50ha môi trường rừng để phát triển du lịch dưới tán lá rừng, 17ha khu vực Bầu nước Sôi và gần 33ha khu vực Thác Mai.

Số vốn đầu tư Dự án du lịch môi trường The Coi lên đến 1.900 tỷ đồng. Chủ dự án dự kiến chia làm 2 giai đoạn đầu tư: giao đoạn 1 đầu tư 400 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 1.500 tỷ đồng.

Do mặt bằng liên quan đến đất rừng nên việc thực hiện thủ tục khá khó khăn, kéo dài gần 2 năm. Bước đầu, tỉnh Đồng Nai sẽ cho doanh nghiệp thuê đất dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch, sau đó tiến hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và đấu thầu dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh Đồng Nai đang ưu tiên mời gọi đầu tư lĩnh vực du lịch, vì vậy khi doanh nghiệp đến, các ban ngành phải nhanh chóng hỗ trợ giải quyết thủ tục, vướng mắc để doanh nghiệp triển khai dự án thuận lợi.(NDH)
-----------------------------------

Chi hơn 1,1 tỉ USD nhập 3 triệu tấn sắt thép phế liệu

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy phế liệu sắt thép nhập khẩu tăng mạnh trở lại trong tháng 7-2018.

Sau sự sụt giảm trong quý II-2018, đến tháng 7-2018, sản lượng, kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng sắt thép phế liệu tăng trưởng mạnh trở lại.

Cụ thể, trong tháng 7, cả nước nhập khẩu hơn 480.000 tấn, tổng trị giá kim ngạch đạt gần 174 triệu USD. Kết quả này tăng 25% về sản lượng và tăng 27% về trị giá kim ngach so với tháng 6-2018.

Cập nhật hết tháng 7, cả nước nhập khẩu gần 3 triệu tấn sắt thép phế liệu, tổng trị giá kim ngạch đạt 1,1 tỉ USD, tăng 23% về sản lượng, 57% về trị giá kim ngạch so với cùng kỳ 2017.

Trước đó, mặt hàng sắt thép phế liệu có ba tháng liên tiếp trong quý II-2018 bị sụt giảm về sản lượng (so với tháng liền kề trước đó).

Chi hơn 1,1 tỉ USD nhập 3 triệu tấn sắt thép phế liệu - ảnh 1
Lo tồn đọng "rác" ngoại, nhiều cảng đang siết chặt hàng phế liệu nhập khẩu.

Các thị trường cung cấp sắt thép phế liệu chủ yếu về Việt Nam là: Nhật Bản 836.504 tấn, kim ngạch gần 311 triệu USD; Mỹ 519.672 tấn, 186,3 triệu USD; Hong Kong 341.243 tấn, gần 125 triệu USD…

Như vậy, số lượng nhập khẩu từ ba thị trường trên đã lên đến gần 1,7 triệu tấn, chiếm khoảng 57% tổng sản lượng nhập khẩu của cả nước; tổng trị giá kim ngạch đạt 622 triệu USD, chiếm gần 59% tổng kim ngạch của cả nước.

Được biết trước thực trạng báo động về tồn đọng phế liệu ở các cảng biển quan trọng là TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng…, tháng 7 vừa qua Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 4202/TCHQ-PC chỉ đạo các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý, không để lọt vào nội địa các lô rác thải, đồng thời thông quan nhanh cho các lô hàng đủ điều kiện.

Theo Tổng cục Hải quan, Cục Kiểm định hải quan sẽ tăng cường nhân lực, trang thiết bị đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu và thông báo kết quả cho cộng đồng DN. Đặc biệt, Cục Kiểm định hải quan phải bố trí cán bộ kiểm định thường trực tại cửa khẩu để phối hợp thực hiện lấy mẫu, kiểm tra.

Từ đó giúp doanh nghiệp thông quan nhanh với những lô hàng nhập khẩu đủ điều kiện, không làm ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu, trường hợp có vi phạm cơ quan hải quan sẽ xử lý nghiêm theo quy định.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục