IMF: Thế giới sẽ đón nhiều cú sốc kinh tế mới từ Trung Quốc
Lộ diện các ngân hàng lớn “góp mặt” trong Tài liệu Panama
Thu giữ hàng chục nghìn hộp sữa bột Similac giả tại Trung Quốc
Mạng 5G sắp được thương mại hóa
LG Display sẽ xây dựng dự án 1,5 tỷ USD tại KCN Tràng Duệ
Tin kinh tế đọc nhanh 20-08-2018
- Cập nhật : 20/08/2018
Mỹ đe dọa trừng phạt Trung Quốc vì mua dầu Iran
Thẳng thừng từ chối yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc tiếp tục mua dầu của Iran khiến Washington cảnh báo sẽ trừng phạt.
Ngày 17/8, Sputnik News dẫn lời ông Brian Hook, đại diện đặc biệt về Iran của Mỹ phát biểu trên tờ Wall Street Journal, cho biết, Washington đang chuẩn bị trừng phạt những quốc gia tiếp tục mua dầu từ Iran sau thời hạn tháng 11, kể cả Trung Quốc.
"Mỹ hy vọng các quốc gia sẽ tuân thủ đầy đủ, không mạo hiểm với mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ nếu họ tiếp tục các giao dịch đó", ông Hook nói.
Tuy nhiên, đại diện đặc biệt về Iran của Mỹ cũng nói thêm rằng, Washington sẽ miễn trừ lệnh trừng phạt cho các nước giảm mua lượng dầu thô của Iran.
Trước đó, sau khi quyết định rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/8 đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định chính sách của Mỹ là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm xuống bằng 0 vào ngày 4/11.
Ông Donald Trump tuyên bố các công ty giao thương với Iran sẽ bị cấm giao dịch với Mỹ khi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran có hiệu lực. Washington cũng cảnh báo các quốc gia không ủng hộ chính sách của mình sẽ đối mặt với sự trừng phạt của Mỹ, ngay cả khi họ là đồng minh của Mỹ.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu và Nga đã lên tiếng chống lại yêu cầu ngừng kinh doanh với Iran của Mỹ. Các bộ trưởng từ Anh, Pháp, Đức và EU đã viết thư cho các quan chức Nhà Trắng hàng đầu, trong đó yêu cầu Mỹ không trừng phạt các ngành công nghiệp châu Âu trong các giao dịch với Iran.
Về phía Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu mỏ lớn của Iran, cho đến nay vẫn phản đối yêu cầu chấm dứt mua dầu thô Iran của Washington, đồng thời cho rằng sự hợp tác của Trung Quốc với Tehran không làm hại đến lợi ích của bất kỳ ai khác.
Đầu tháng 8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa khẳng định, quan hệ thương mại của Bắc Kinh với Iran là "hợp lý và đầy đủ, phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".
Vào tháng 7/2018, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Wall Street Journal rằng, rất có khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường mua dầu của Iran khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được áp dụng đầy đủ.
Hiện tại, Mỹ đang gia tăng sức ép với Iran khi công bố thành lập một nhóm cấp cao mới mang tên "Nhóm hành động Iran" vào ngày 17/8. Nhóm này sẽ thúc đẩy chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ với Iran, trong đó có việc xử phạt các quốc gia khác có giao dịch với Iran.(ĐVO)
------------------------------
Khuyến mại 100%: Doanh nghiệp nội chịu được bao lăm?
Doanh nghiệp nội liệu có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại có tiềm lực tài chính lớn mạnh đang tham gia thị trường Việt Nam?
Nghị định 81 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại vừa có hiệu lực từ ngày 15/7, cho phép doanh nghiệp được khuyến mại đến 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ thay vì mức trần 50% như trước.
Theo thông tin trên báo Người lao động, nhiều doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị cho sự bùng nổ trong dịp lễ 2/9. Các doanh nghiệp bán lẻ tổng hợp lẫn chuyên ngành ở TP.HCM đều cho biết sẽ dành nhiều bất ngờ cho khách hàng trong lần đầu tiên được khuyến mại kịch trần. Tuy nhiên, cũng do lần đầu nên các doanh nghiệp sẽ thận trọng, vừa làm vừa thăm dò thị trường và phản ứng của khách hàng.
Các hệ thống bán lẻ trực thuộc Saigon Co.op sẽ tập trung giảm giá sâu một số mặt hàng chiến lược. Saigon Co.op sẽ hợp tác với một số đơn vị cung cấp những mặt hàng đang tiêu thụ mạnh để chủ động có chính sách giá tốt nhất. Trong khi đó, hệ thống Big C, Lotte Mart, Aeon… cũng đã có sự chuẩn bị.
Doanh nghiệp nội sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp ngoại trong cuộc đua khuyến mại 100% . Ảnh: Zing
Việc nới trần khuyến mại lên 100% dù giới hạn trong một số thời điểm, sự kiện nhưng được kỳ vọng sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và gia tăng lợi ích cho khách hàng.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lo ngại, ngân sách cho khuyến mại sẽ đội lên do có thêm áp lực cạnh tranh từ những đợt giảm giá tập trung cũng như tác động từ mặt trái của công cụ này. Các doanh nghiệp vốn lớn, muốn thâu tóm thị trường có thể tận dụng những cơ hội xả hàng 100% để lôi kéo người tiêu dùng.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op nhận định: "Doanh nghiệp có thể khuyến mại đến 100% nhưng nếu bán dưới giá vốn sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Quan trọng là cơ quan chức năng phải kiểm soát được giá đầu vào của đơn vị bán hàng và có chế tài đủ sức răn đe".
Cũng theo ông Huy, trong ngắn hạn, cuộc chiến bán lẻ sẽ không có nhiều thay đổi nhưng về lâu dài, công cụ khuyến mại 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ sẽ góp thêm nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp vốn lớn.
Lo lắng của Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op hoàn toàn có cơ sở khi các doanh nghiệp ngoại đang chia nhau miếng bánh thị phần bán lẻ Việt Nam. Các doanh nghiệp bán lẻ Việt có năng lực như Saigon Coop, VinGroup… chưa nhiều nên đây là phân khúc thị trường màu mỡ cho các nhà bán lẻ nước ngoài đến đầu tư.
Hội Siêu thị Hà Nội (nay đã giải thể - PV) từng ước tính, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài nhưng theo một số chuyên gia, trên thực tế, con số này được ước lượng cao hơn.
Ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp nước ngoài còn mở rộng sang các loại hình kinh doanh hiện đại khác như cửa hàng tự chọn, cửa hàng mở 24/24...
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết, tính về số lượng, mỗi điểm bán trong chuỗi bán lẻ của các doanh nghiệp ngoại có doanh số gấp 5-7 lần siêu thị của Việt Nam.
Vì lẽ đó, trong cuộc cạnh tranh khuyến mại 100%, sức ép từ các doanh nghiệp ngoại đối với doanh nghiệp nội là rất lớn.(Baodatviet)
------------------------------
Vinachem thừa nhận không bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước
Vinachem đang ôm 4 dự án thua lỗ gồm: Đạm Ninh Bình, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, DAP – Vinachem và DAP số 2 – Vinachem.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa có buổi làm việc với Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vào ngày 7/8 về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem Nguyễn Phú Cường cho biết, Tập đoàn đã xây dựng, báo cáo bổ sung và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020, báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngày 5/1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020.
Căn cứ Văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, ngày 23/5, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã ban hành Quyết định về Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020.
Đề án quan trọng trên gồm: Kế hoạch thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ Vinachem; Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam và Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn giai đoạn 2017-2020 được xác định tại Quyết định số 16/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất; sản xuất, kinh doanh phân bón chứa lân; sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành hóa chất; công nghiệp cao su; sản xuất hóa chất tiêu dùng; sản xuất phân bón tổng hợp; hóa dược.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho thấy đến ngày 31/12/2017, tổng tài sản của Vinachem là 57.202 tỷ đồng, nợ phải trả lên tới 38.061,1 tỷ đồng, tăng gần 492 tỷ đồng so với cuối năm 2016.
Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ tiến hành thực hiện các quy định của Nhà nước về định giá đất đai, tài sản hữu hình, tài sản vô hình khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn và các Công ty thành viên; tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và nghiêm túc thực hiện quyết định của cơ quan Kiểm toán nhà nước khi cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn và các Công ty thành viên theo Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đánh giá thực trạng tài chính của Tập đoàn, mức độ hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn Nhà nước của Tập đoànnăm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Phú Cường cho biết, hệ số bảo toàn vốn của Tập đoàn năm 2017 là 0,99 lần; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 1,0 lần; Vốn chủ sở hữu năm 2017 là 13.559 tỷ đồng; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 13.625 tỷ đồng; Tổng Tài sản năm 2017 là 20.797 tỷ đồng; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 20.581 tỷ đồng; Lợi nhuận năm 2017 là 287 tỷ đồng; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 70 tỷ đồng.
Về tình hình hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, ông Nguyễn Phú Cường thừa nhận năm 2017, Vinachem không bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại Tập đoàn, nguyên nhân do Công ty mẹ hoạt động kinh doanh lỗ, chưa bảo toàn và phát triển được vốn do trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính của 4 Công ty thua lỗ (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty CP DAP – Vinachem; Công ty CP DAP số 2 – Vinachem), và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Về kết quả thực hiện cơ cấu lại, đổi mới DNNN, đã hoàn thành thoái vốn, bán bớt vốn tại 13/17 doanh nghiệp năm 2016, 2017; Năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 15 doanh nghiệp; Năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 14 doanh nghiệp; Năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 04 doanh nghiệp. Năm 2018, Tập đoàn đang tổ chức xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn tại 15 doanh nghiệp; Thoái hết vốn tại các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn, hoặc không cần nắm giữ vốn để tạo nguồn thu cơ cấu lại tài chính Tập đoàn tại 19 doanh nghiệp; 07 doanh nghiệp Tập đoàn nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 09 doanh nghiệp Tập đoàn nắm giữ 36% vốn điều lệ.
“Trong số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, hoạt động kém hiệu quả thuộc Ngành Công Thương, Vinachem có 4 doanh nghiệp đó là: Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP - Vinachem, Công ty cổ phần DAP số 2 – Vinachem. Nhưng trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị đều duy trì thời gian chạy máy tốt; sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng cao; số lỗ các đơn vị giảm mạnh. Riêng Công ty cổ phần DAP - Vinachem năm 2017 lãi 15 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2018 lãi 115 tỷ đồng”, ông Nguyến Phú Cường thông tin.
Trong giai đoạn tới, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp, tập trung: Hoàn thiện thể chế quản lý; Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán; Quản lý sử dụng lao động hiệu quả, cải cách cơ chế tiền lương; Phát triển, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công nhân kỹ thuật ngành hóa chất; Tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn và chỉ đạo của Tập đoàn đối với Người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp thành viên.(Baodatviet)