Chỉ số tự do kinh tế 2016 Việt Nam tăng ấn tượng
Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam và Lào
Giảm thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Lào
Chuyên gia Lê Đăng Doanh: "Doanh nghiệp Việt cố ý bé và không muốn lớn lên"
Toyota ở Mỹ đối xử phân biệt với khách hàng da đen và châu Á
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-08-2018
- Cập nhật : 22/08/2018
Ô tô Thái Lan, Indonesia 'tung hoành' thị trường Việt Nam
Ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung qua hai khu vực cảng biển lớn là TP.HCM và Hải Phòng.
Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan, trong tuần qua (từ ngày 10 đến 16-8) số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu tăng mạnh so với lượng nhập khẩu trong tuần trước và lập kỷ lục kể từ đầu năm.
Cụ thể, lượng nhập khẩu trong tuần đạt 3.723 chiếc, tương ứng tổng trị giá đạt hơn 89 triệu USD (tuần liền kề trước đó chỉ là 1.287 chiếc với tổng trị giá là 31,3 triệu USD). Đáng chú ý, số lượng ô tô nhập về tuần vừa qua là kỷ lục từ đầu năm 2018 đến nay. Bởi bình quân trước đó, tuần cao điểm cả nước cũng chỉ nhập trên 2.000 xe. Thậm chí số lượng ô tô vừa được nhập tuần vừa rồi còn lớn hơn tổng lượng xe nhập về mỗi tháng của hầu hết bảy tháng trước đó (trừ tháng 7).
93% số ô tô nhập khẩu đến từ Thái Lan và Indonesia.
Ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 2.965 chiếc và Indonesia với 497 chiếc. Tính chung ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ hai thị trường này chiếm tới 93% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tuần.
Xe ô tô từ chín chỗ ngồi trở xuống, có 1.858 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu với trị giá đạt 39,5 triệu USD, chiếm 49,9% lượng ô tô nguyên chiếc các loại.
Xe ô tô nguyên chiếc từ chín chỗ ngồi trở xuống được đăng ký nhập khẩu chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan với 1.228 chiếc, chiếm tỉ trọng 66%. Tiếp theo là xe xuất xứ Indonesia với 428 chiếc, xe Đức, Nhật Bản, Anh...
Xe ô tô tải các loại, có 1.840 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu với trị giá đạt 43 triệu USD, tăng mạnh so với con số 209 chiếc của tuần trước. Trong đó 1.737 chiếc xuất xứ Thái Lan (chiếm 94%), 69 chiếc xuất xứ từ Indonesia, 30 chiếc từ Belarus và bốn chiếc xuất xứ Trung Quốc.
Ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung qua hai khu vực cảng biển lớn là TP.HCM và Hải Phòng.
Trong tuần cả nước chi 60,9 triệu USD nhập linh kiện và phụ tùng ô tô các loại. Xuất xứ mặt hàng này đa dạng thị trường: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…(PLO)
-------------------
Làm cách nào để huy động được 60 tỷ USD nhàn rỗi trong dân?
Chuyên gia WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong dân mà chưa được huy động hết.
Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, một trong những giải pháp giúp mở rộng thị trường vốn của Việt Nam, đặc biệt là vốn dài hạn chính là tiền nhàn rỗi trong dân. Nếu kêu gọi được nguồn lực này thì sẽ giải quyết được bài toán về vốn cho cá nhân, doanh nghiệp.
60 tỷ USD tiền nhàn rỗi
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra sáng 21/8, ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn Ngân hàng Thế giới cho biết, cơ cấu tài sản tài chính cơ bản của Việt Nam hiện bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và vốn hóa thị trường chứng khoán.
"Trong đó, thị trường chứng khoán và trái phiếu của Việt Nam hoạt động tốt hơn những thị trường khác tại Châu Á trong những năm vừa qua", ông Ketut Kusuma đánh giá.
Mặc dù đạt được một số thành tựu, nhưng vị chuyên gia này cho rằng, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nhiều, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khả năng tăng trưởng, đặc biệt là thị trường tư nhân chưa được khai thác hết.
Điểm hạn chế ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay chính là tính minh bạch hạn chế, thông tin về nhà phát hành và thị trường không có sẵn đối với phần đông các nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức phi ngân hàng.
Chính sự hạn chế này đã dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt không huy động được các nguồn vốn dài hạn và làm thị trường vốn Việt Nam mất cân bằng, với 70% nguồn vốn hiện nay là vốn ngắn hạn.
Từ đó, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, phát triển thị trường chứng khoán, thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp chính là giải pháp để Việt Nam huy động được nguồn vốn dài hạn.
Cụ thể, ông Alwaleed Fareed Alatabani, Chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho rằng, có hai vấn đề cần giải quyết để khuyến khích thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.
Thứ nhất là làm cách nào để Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút, ví như nhiều nhà đầu tư trên thế giới hiện rất quan tâm đến quỹ đầu tư cho người về hưu ở Việt Nam.
Thứ hai là phát triển tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Ông Alatabani cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong dân mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn.
"Khi đầu tư dài hạn, cần nghĩ xem làm cách nào để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, đồng thời, tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu chứng khoán của Việt Nam phát triển", ông Alatabani nói.
Cũng nhấn mạnh đến tiềm năng của nguồn vốn nhàn rỗi, ông Ketut Kusuma cho biết, danh sách các nhà đầu tư tổ chức trong nước có số lượng ít với quy mô nhỏ, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ bảo hiểm xã hội chỉ chiếm 16%.
Theo ông Ketut Kusuma, nếu nhìn vào từng nhà đầu tư, có thể thấy doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư gián tiếp, trực tiếp, có chứng khoán doanh nghiệp, có trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh... "Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng...", ông Ketut Kusuma nói và cho rằng, các nguồn tích lũy tiết kiệm cần được đầu tư vào đâu là câu hỏi cần được quan tâm.
"Khi chúng ta huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng hiệu quả, đầy đủ, chúng ta sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của người dân", ông nói thêm.
Chú trọng phát triển nhà đầu tư cá nhân
Bày tỏ quan điểm về thị trường vốn trong sự liên hệ mật thiết với thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thị trường vốn cần có chính sách để cân bằng thị trường tín dụng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu.
Theo ông, hiện nay, Việt Nam chỉ có khoảng 2.000 nhà đầu tư cổ phiếu, một con số khiêm tốn so với các nước khu vực, nên bài toán đặt ra là làm sao để phát triển nhà đầu tư có tổ chức.
Bên cạnh đó, vấn đề ít được nhắc đến nhưng không kém phần quan trọng là phát triển nhà đầu tư cá nhân. Để phát triển, Việt Nam phải có sản phẩm, phát triển các loại quỹ đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành gợi mở, nên chăng Việt Nam cần có thị trường cổ phiếu riêng cho các nhà đầu tư tổ chức, quan tâm hơn đến các nhà đầu tư cá nhân?
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia tỏ ra tâm đắc với đề xuất này của ông Võ Trí Thành và khẳng định đây là đề xuất hay.
Ông Warrick Cleine cho biết, hiện Việt Nam mới có 2 triệu nhà đầu tư, trong khi dân số có đến 90 triệu người. Phần lớn các nhà đầu tư tại Việt Nam đều tiềm năng và tuân thủ chính sách.
"Họ có thể mở rộng lĩnh vực, đầu tư như tích lũy, tiết kiệm thay vì bất động sản như hiện nay", ông gợi ý.(Vneconomy)
---------------------------
JICA Việt Nam: Thị trường vốn Việt còn nhiều tiềm năng
Trưởng đại diện JICA Việt Nam khẳng định thị trường tài chính trong nước cần công bằng và minh bạch hơn để thu hút nhà đầu tư.
Trong bối cảnh Diễn đàn chuyên đề thị trường Vốn - Tài chính diễn ra ngày 21/8, ôngKonaka Tetsuo, Trưởng đại diện văn phòngCơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam chia sẻ với VnExpressnhiều đánh giá và nhận định về thị trường vốn, tài chính Việt Nam.
Qua đó, JICA bày tỏsẵn lòng hợp tác với Việt Nam thông qua nhiều phương thức để phát triển vốn và tiếp cận tài chính tốt hơn cho phát triển khu vực tư nhân.
- Ông có nhận định như thế nào về những thách thức thị trường vốn- tài chính Việt Nam hiện nay đang đối mặt, đặc biệt là các khoản vốn trung và dài hạn dành cho khu vực kinh tế tư nhân?
- Là một trong những đối tác phát triển với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi nhìn ra một loạt thách thức còn tồn tại trong việc phát triển thị trường vốn và tài chính. Hiện tại, thị trường tài chính của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các khoản vay ngắn hạn từ hệ thống ngân hàng thương mại để cấp vốn, chứ chưa dựa vào thị trường vốn với nguồn tài chính dài hạn hơn.
Xét cả về số lượng lẫn chất lượng, thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển. Mặc dù, vốn hóa của thị trường chứng khoán trong nước đạt được mức trên 70% GDP nhờ những nỗ lực, tiến bộ lớn gần đây trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quy mô thị trường này vẫn chưa đủ lớn để đáp ứng các nhu cầu về vốn ngày càng cao của khối kinh tế tư nhân.
Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư chiến lược và các tổ chức nắm giữ cổ phiếu lâu dài, theo đuổi doanh thu dài hạn vẫn còn ít. Việc nhiều nhà đầu tư chỉ tham gia thị trường để lướt sóng kiếm lợi nhuận ngắn hạn có thể làm hạn chế khả năng các doanh nghiệp tiếp cận nguồn đầu tư dài hạn để tăng trưởng kinh doanh.
Điều này dẫn đến suy giảm khả năng cạnh tranh tiềm năng của các doanh nghiệp.Bên cạnh đó, kênh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy được đánh giá quan trọng để huy động vốn dài hạn thì hiện mới ở giai đoạn phát triển ban đầu.
Ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam cho biết cơ quan này sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước để cải thiện thị trường vốn- tài chính Việt Nam trong thời gian tới - VnExpress.
- Theo ông, những việc quan trọng nhất Việt Nam cần làm ngay là gì để cơ cấu lại thị trường vốn?
- Một trong những kinh nghiệm phát triển thị trường chứng khoán là Nhật Bản luôn cố gắng duy trì một thị trường công bằng, minh bạch và hiệu quả để phục vụ nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp.
Để làm được điều này, các bên cần tăng cường quản trị doanh nghiệp tốt và công bố thông tin, hiện đại hoá tiêu chuẩn báo cáo tài chính, đa dạng hóa các công cụ tài chính (phân loại cổ phiếu, ETF, phái sinh,...), thiết kế cơ cấu thị trường tốt hơn (phân bảng đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư).
Bên cạnh đó, các bên cũng cần tăng cường giám sát thị trường, nuôi dưỡng lực lượng trung gian thị trường (các công ty chứng khoán), thúc đẩy và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư gồm những nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, xây dựng mạng lưới an toàn cho các nhà đầu tư...Các giải pháp kể trên giúp cho vốn hóa thị trường chứng khoán Nhật Bản đạt mức 124% GDP, xếp hạng thứ 2 trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Mặc dù Việt Nam có bối cảnh phát triển không giống với Nhật Bản, điều quan trọng vẫn là việc tạo nên một thị trường lành mạnh, thân thiện, minh bạch để thu hút thêm nhà đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính đang tăng cao. Ở quốc gia nào, thị trường nào thì các giá trị công bằng, minh bạch và hiệu quả của thị trường vẫn luôn cần thiết cho mục tiêu trên
- Trong tương lai, JICA sẽ có những dự án, kế hoạch gì nữa để hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng thị trường vốn - tài chính?
- Trong bối cảnh thị trường vốn - tài chính của Việt Nam hiện nay, JICA sẽ sớm cho ra mắt dự án kéo dài ba năm với tên gọi "Dự án Nâng cao năng lực để cải thiện tính Công bằng và Minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam".
Đây là dự án chúng tôi hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Dự án này hướng đến hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch Chứng khoán đẩy mạnh năng lực,cải thiện các yếu tố công bằng, minh bạch của thị trường.
Dự án bao gồm bốn cấu phần chính là Giám sát thị trường, Giám sát các trung gian thị trường, IPO và quản lý niêm yết, Nâng cao nhận thức của đơn vị phát hành cổ phiếu về bảo vệ nhà đầu tư.
Dự án này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu chiến lược dài hạn của Chính phủ về phát triển thị trường chứng khoán (Quyết định số 252) và định hướng Luật Chứng khoán sửa đổi sắp tới. Thông qua chương trình này, JICA tin rằng thị trường cổ phiếu của Việt Nam sẽ được cải thiện theo hướng minh bạch và công bằng. Từ đó, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn trong thời gian tới.(Vnexpress)