Myanmar “ngóng” sóng đầu tư; Kinh tế thế giới trả giá như thế nào cho ‘nước Mỹ trước tiên’ của Trump; Thế giới ngoảnh mặt với tiền của người Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh 22-08-2018
- Cập nhật : 22/08/2018
Các doanh nghiệp chi khoảng 3 tỉ USD cho quảng cáo
Nghiên cứu cho thấy người TP.HCM dành thời gian cho nhiều kênh truyền thống hơn, trong khi người Hà Nội lại dành thời gian nhiều hơn cho kênh trực tuyến. So với người TP.HCM, người Hà Nội dành nhiều thời gian trong ngày để lên các trang báo mạng, mạng xã hội và các ứng dụng tin nhắn.
Báo cáo thói quen sử dụng truyền thông của người tiêu dùng Việt và cách tiếp cận hiệu quả do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vừa công bố cho thấy: Dự kiến đến cuối năm 2018 tổng đầu tư cho quảng cáo truyền thông tại Việt Nam ước đạt 68.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 3 tỉ USD.
Với mức đầu tư này, không khó hiểu vì sao các công ty truyền thông hay sở hữu các phương tiện truyền thông tìm mọi cách để hiểu rõ hơn hiệu suất đầu tư (ROI) từ số tiền bỏ ra. Và các nhà sản xuất ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng không là ngoại lệ, khi đóng góp một phần lớn trong khoản chi khổng lồ này.
Nghiên cứu cho biết trong tổng số người quan tâm đến quảng cáo của một thương hiệu, có hơn 1/3 sẽ trở thành người mua mới của thương hiệu đó. Hiệu quả trung bình từ một chiến dịch truyền thông, đóng góp 4,5% tổng doanh số trong suốt chiến dịch.
Theo các chuyên gia Kantar Worldpanel ngành truyền thông ở Việt Nam giống như phần lớn thế giới, đang thay đổi nhanh chóng cùng với sự phát triển kỹ thuật số. Đến nay, ti vi vẫn là kênh truyền thông quan trọng nhất đối với người mua sắm FMCG ở thành thị bốn thành phố chính (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và nông thôn Việt Nam.
Ở thành thị, thời gian dành cho ti vi của người dân cao hơn 17% so với kênh lớn thứ hai là kênh trực tuyến.
Trong khi đó, ở nông thôn, dù việc sở hữu điện thoại thông minh ngày càng nhiều, tỉ lệ hộ gia đình kết nối internet nhiều hơn nhưng độ phủ của kênh trực tuyến vẫn thấp hơn một nửa so với tivi. Điều này gây “tranh cãi” nhiều nhất đối với các nhà quảng cáo luôn cân nhắc giữa hai kênh này. Họ cũng “đau đầu” về việc nên chuyển bao nhiêu từ ti vi sang kênh trực tuyến.
Thực tế cho thấy kênh trực tuyến đang chiếm 43% tổng thời lượng sử dụng của người quyết định mua sắm chính ở thành thị và 27% ở nông thôn.
Báo cáo cho thấy năm 2018 quảng cáo trên ti vi chiếm khoảng 66% so với tổng chi phí cho truyền thông ở Việt Nam. Đây vẫn là kênh có độ phủ cao nhưng cũng đang giảm dần. Trong khi kênh trực tuyến có thể tăng lên đến 30% - vẫn thấp hơn so với tỉ lệ thời lượng sử dụng kênh này.
Những người quyết định mua chính đều sử dụng kênh trực tuyến để mua sắm
Theo các chuyên gia Kantar Worldpanel với đa dạng các phương tiện truyền thông, việc phân khúc đối tượng tiếp thị trở thành một bước quan trọng quyết định việc đầu tư có hiệu quả hay không.
Vì văn hóa và hành vi mua sắm ở mỗi vùng miền có thể khác nhau do sự khác nhau về lịch sử và địa lý. Do đó, thói quen sử dụng các kênh truyền thông cũng có thể có những khác biệt tương tự.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy người TP.HCM dành thời gian cho nhiều kênh truyền thống hơn. Trong khi người Hà Nội lại dành thời gian nhiều hơn cho kênh trực tuyến. So với người TP.HCM, người Hà Nội dành nhiều thời gian trong ngày để lên các trang báo mạng, mạng xã hội và các ứng dụng tin nhắn.
Bên cạnh đó, TP.HCM là khu vưc có tỉ lệ sử dụng báo giấy và tạp chí nhiều nhất, lần lượt là 1/3 và 1/5 trong tổng số hộ gia đình ở khu vực này. Nếu chỉ nhìn vào nhóm có độ tuổi cao hơn, hay khá giả hơn thì con số này có thể lên đến 40% hoặc hơn.
Ở nông thôn, miền Nam là khu vực có tỉ lệ thời lượng sử dụng kênh trực tuyến cao nhất. Đây cũng là nơi duy nhất mà thời gian trung bình trong một ngày dành cho kênh trực tuyến cao hơn cả tivi.
Theo Kantar Worldpanel ngành hàng FMCG với độ phủ hơn 95% và là nhu cầu thiết yếu của mọi nhà. Nên có thể xem tất cả những người quyết định mua sắm chính, đều là mục tiêu của bất kỳ thương hiệu nào trong ngành hàng này.
Vì vậy, các thương hiệu cần tăng cường đầu tư, tập trung tiếp cận càng nhiều người càng tốt.
Đồng thời cần hiểu rõ những loại hình web nào mà đối tượng mục tiêu hay ghé thăm thì cần tập trung vào một số trang chính yếu. Mặt khác, nếu DN cắt giảm đầu tư cho tivi để chuyển sang đầu tư những kênh truyền thông khác cần cân nhắc những kênh tivi và khung giờ nào có thể cắt giảm nhưng vẫn giữ được những khung giờ vàng.(PLO)
----------------------------------
Lãi suất huy động tăng đạt đỉnh 8,7%/năm
Trong vài tháng qua, lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng tạm thời “nghỉ ngơi”. Đó là một trong các biện pháp ngân hàng thương mại thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, trong khoảng thời gian cuối tháng 7 và đầu tháng 8, lãi suất huy động bất ngờ rục rịch tăng trở lại. Trong đó, mức lãi suất cao nhất trên thị trường được ghi nhận là 8,7%/năm ở Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank).
Cụ thể, theo biểu niêm yết mới, mức lãi suất cao nhất tại Viet Capital Bank tăng 0,1% lên 8,6% ở 4 kỳ hạn dài: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Với kỳ hạn 18 tháng, khách hàng được hưởng mức lãi khá cao là 8,5%/năm. Ngoài ra, Viet Capital Bank còn khá nhiều kỳ hạn khác có mức lãi cao như kỳ hạn 15 tháng (8,3%/năm), 12 tháng và 13 tháng (8%/năm).
Đây là biểu niêm yết được công bố chính thức trên website của Viet Capital Bank. Thế nhưng, tại một số chi nhánh, phòng giao dịch Viet Capital Bank, mức lãi suất cao nhất được “quảng cáo” ở mức 8,7%/năm thay vì 8,6%/năm như trong biểu niêm yết.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) duy trì lãi suất cao nhất ở mức 7,5%/năm (kỳ hạn 24 tháng). Còn ở các kỳ hạn ngắn, nhà băng này tăng khoảng 0,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng 0,2%/năm lên 4,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,3%/năm lên 4,9%/năm.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thay đổi biểu lãi suất từ 16/7/2018. Theo đó, mức cao nhất tại ngân hàng này duy trì ở mức 7,4%/năm. Lãi suất chỉ tăng ở các kỳ hạn ngắn với mức tăng 0,2%/năm. Lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng dao động từ 7,2-7,4%/năm.
Một số ngân hàng khác chưa “chạy theo” cơn sốt này nhưng mức lãi suất cao nhất vẫn được neo ở mức cao. Mức lãi suất cao nhất tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Hà Nội Sài Gòn (SHB) và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đều đang là 8,2%/năm.
Các ngân hàng đang điều chỉnh tăng lãi suất huy động, động thái này đang gây áp lực trong việc giảm lãi suất cho vay.
Lãi cao cho nhà giàu
Có thể thấy, Viet Capital Bank, MBBank hay VPBank áp dụng chính sách tăng lãi suất cho tất cả khách hàng. Thế nhưng, một số ngân hàng khác tham gia "cuộc đua" bằng cách riêng của mình. Đó là nhắm tới giới nhà giàu, mức lãi suất cao chỉ dành cho đối tượng khách hàng gửi tiết kiệm rất nhiều tiền. Còn với khách hàng gửi ít tiền, lãi suất gần như không thay đổi.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thay đổi biểu lãi suất kể từ 4/7/2018. Khác với các ngân hàng kể trên, ACB tăng lãi suất theo… tiền gửi của khách hàng. Cùng là kỳ hạn 18 tháng nhưng khách hàng sẽ nhận được lãi 6,9%/năm cho khoản tiền gửi trị giá 200 triệu đồng, hưởng 7%/năm cho khoản tiền gửi trị giá từ 200 triệu tới 1 tỷ đồng và 7,2%/năm cho số tiết kiệm trị giá trên 10 tỷ đồng. Cũng với khoản tiền trên 10 tỷ đồng, khách sẽ được hưởng lãi suất 7,3%/năm nếu lựa chọn hình thức “Tiết kiệm Phúc An Lộc” ở kỳ hạn 18 tháng.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng dành lãi cao cho nhà giàu. Theo biểu lãi suất được áp dụng từ 15/8/2018, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này được duy trì ở mức 8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Thế nhưng, khách hàng gửi tiết kiệm nhiều tiền sẽ được ưu ái hơn. Cụ thể, ở kỳ hạn 13 tháng, khách hàng mới gửi tiết kiệm trị giá trên 500 tỷ đồng sẽ được trả lãi suất 7,5%/năm. Còn với trường hợp tái tục, khách hàng có sổ tiết kiệm trị giá thấp hơn 500 tỷ đồng chỉ được nhận lãi 6,2%/năm.
Động thái tăng lãi suất huy động đang gây áp lực giảm lãi suất cho vay. Không rõ, từ bây giờ đến cuối năm, các ngân hàng kể trên sẽ làm gì để thực hiện chỉ đạo giảm lãi suất cho vay của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nếu lãi suất huy động cứ tăng như vậy.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn lại “làm ngơ” trước đợt tăng lãi suất này. Mức lãi suất cao nhất tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn cố định ở mức 6,5%/năm. Lãi suất ở các kỳ hạn ngắn vẫn dao động từ 4,1-5,1%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất cao diễn biến tương tự. Lãi suất cao nhất tại BIDV và VietinBank vẫn chỉ là 6,9%/năm và 7%/năm. Ở các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất của 2 ông lớn ngân hàng cũng không thay đổi.(NTD)
---------------------------
Tín dụng đen chiếm 60% vốn của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt, cho biết một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có tới 60% tổng số vốn tham gia sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Chuyên đề thị trường vốn, tài chính được tổ chức sáng nay 21-8 ở Hà Nội, ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt, đã tiết lộ con số khiến nhiều người giật mình về tỉ lệ nguồn vốn không chính thức, hay còn gọi là tín dụng đen trong hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
Theo ông Hùng, đơn vị của ông đã tham gia tái cấu trúc nhiều doanh nghiệp nên nhận thấy nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt nhóm này không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về thị trường vốn, tài chính nên việc tiếp cận ngân hàng gặp khá nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Kim Hùng cho biết nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải sử dụng nguồn vốn khá lớn từ tín dụng đen
"Trung bình vốn doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ khoảng 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, số vốn thực có của chủ sở hữu chỉ khoảng 20%-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là "tín dụng đen""- ông Hùng nêu.
Giám đốc Công ty Cổ phần Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt dẫn chứng về việc lên mạng internet tìm kiếm cụm từ "cho vay vốn" thì ngày lập tức xuất hiện hàng chục triệu kết quả với những loại hình cho vay rất đa dạng. Theo ông, đây là vấn đề khá nhạy cảm khi đề cập nhưng trên thị trường hiện diện khá rõ ràng, do đó đã đến thời điểm cơ quan quản lý cần có cái nhìn thực tế hơn.
"Thậm chí những doanh nghiệp vừa và nhỏ có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là từ tín dụng đen" - ông Nguyễn Kim Hùng nói.
Đối với vốn từ tín dụng đen, ông Hùng cho biết việc tìm kiếm vốn vay nhanh, thậm chí vay vốn giao tận nhà nhưng chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi suất lại rất cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với sự có mặt của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại diễn đàn, ông Nguyễn Kim Hùng mong muốn Chính phủ có thể tạo ra khung pháp lý để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn này một cách hợp lệ. Bởi theo lý giải của ông Hùng, chi phí sử dụng vốn không chính thức (vốn tín dụng đen) này lên đến trên 10% nhưng chưa được hoạch định vào chi phí hợp lệ.
Trước những khó khăn của việc tiếp cận nguồn vốn, quỹ, công ty tài chính, ông Nguyễn Kim Hùng mong rằng với biện pháp nào đó, Chính phủ tạo ra hành lang pháp lý để hợp thức hóa vốn tín dụng đen để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phân tích thêm về nguyên nhân khiến hoạt động của tín dụng đen phát triển mạnh thời gian qua, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng đầu tiên là nằm ở nhu cầu thực tế đang lớn. Bên cạnh đó là thủ tục vay nhanh gọn của tín dụng so với các tổ chức tín dụng khác.
Cũng theo ông Tuấn, do nhu cầu vay tín dụng đen để trả nợ ngân hàng, dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin khiến việc tiếp cận vốn tín dụng đen dễ dàng hơn, thủ tục thuận tiện hơn. Nguyên nhân cuối cùng được ông Tuấn chỉ ra là những người có nguồn tài chính không muốn gửi vào ngân hàng vì cho vay ngoài sẽ hưởng lã suất cao hơn.(NLĐ)