Ai được quyền xuất khẩu gạo theo nghị định mới?; Malaysia hủy bỏ các dự án nhiều tỷ USD do Trung Quốc tài trợ; Đồng Nai: Một doanh nghiệp đề xuất đầu tư 1.900 tỷ đồng làm dự án du lịch; Chi hơn 1,1 tỉ USD nhập 3 triệu tấn sắt thép phế liệu
Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-08-2018
- Cập nhật : 20/08/2018
Chiến thuật làm cho đồng tiền lên giá
Tuần rồi trên tờ The Wall Street Journal có bài phân tích cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã sử dụng công cụ phái sinh hoán đổi ngoại hối (FX swap) làm đồng nhân dân tệ (NDT) lên giá.
Đây không phải lần đầu tiên họ làm điều này. Bây giờ để hiểu chiến thuật của PBoC trước hết ta cần hiểu thế nào là FX swap.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã sử dụng công cụ phái sinh hoán đổi ngoại hối (FX swap) làm đồng nhân dân tệ lên giá. Ảnh: Internet
Nói đơn giản, có hai chân đứng trong một giao dịch FX swap điển hình. Chân thứ nhất bán (hoặc mua) một đồng tiền với tỷ giá thị trường hiện tại (tỷ giá giao ngay). Chân thứ hai đồng thời thực hiện giao dịch ngược lại là mua (hoặc bán) đồng tiền đó với tỷ giá thỏa thuận cho một thời kỳ nhất định (tỷ giá kỳ hạn).
Đồng NDT hiện đang mất giá quá nhanh nhưng vấn đề là PBoC lại không muốn chúng biến động vượt khỏi tầm kiểm soát, trong khi lại không muốn mất đô la dự trữ để mua vào đồng NDT, PBoC vì vậy đã thực hiện các giao dịch FX swap. PBoC đã làm gì?
Theo đó, PBoC mua đô la từ các định chế tài chính trong nước với tỷ giá giao ngay (được điều khiển thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước), đồng thời PBoC cam kết bán hợp đồng kỳ hạn đồng đô la cho các ngân hàng thương mại này. Việc PBoC cam kết bán với số lượng lớn đồng đô la trên các hợp đồng kỳ hạn có tác dụng làm cho cung đô la kỳ hạn tăng lên và do đó làm cho tỷ giá giao ngay tương lai của đồng đô la yếu đi. Lưu ý là không có đồng dự trữ ngoại hối nào mất đi trong FX swap. Đó là hiệu ứng xuôi làm cho NDT mạnh lên.
Hiệu ứng ngược là kỳ vọng về NDT mạnh lên trong tương lai sẽ tác động trở lại vào tỷ giá giao ngay hiện thời. Nó làm cho niềm tin vào NDT tăng lên, hay chí ít cũng không làm NDT mất giá quá mức ngoài tầm kiểm soát. FX swap theo cách này đã làm cho NDT mạnh lên thay cho việc PBoC phải tăng lãi suất hoặc/và bán ra dự trữ ngoại hối. FX swap còn phát đi tín hiệu đến những ai bán khống NDT, rằng họ phải trả giá nếu như sau đó NDT lên giá. Nếu thuyết phục thị trường tin vào điều này, phải chăng PBoC đang phát đi tín hiệu NDT sẽ không bị mất giá nhiều hơn nữa từ nay đến cuối năm?
Công cụ hữu hiệu của các ngân hàng trung ương
Thiết nghĩ đã đến lúc
Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc để xem FX swap như là một công cụ mới của chính sách tiền tệ, ít nhất là ở giai đoạn căng thẳng trên thị trường ngoại hối hiện nay.
Ngoài ra, đối với các quốc gia theo cơ chế tỷ giá linh hoạt, FX swap chẳng những là một thành tố không thể thiếu của cơ chế tỷ giá hướng về thị trường mà còn là công cụ hữu hiệu giúp các NHTƯ bảo vệ dự trữ ngoại hối, giảm tính bất ổn cao của tỷ giá, duy trì sự ổn định hệ thống tài chính.Trong những giai đoạn khủng hoảng, nhiều ngân hàng trung ương (NHTƯ) cố tình bán đô la với tỷ giá kỳ hạn “mềm”, tức bán rẻ hơn giá trị hợp lý của nó là chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền. Việc bán đô la kỳ hạn có tính toán này với chủ đích làm tăng tỷ suất sinh lợi thực như là phần thưởng cho những ai dám bán giao ngay ngoại tệ cho NHTƯ và gửi tiền vào các ngân hàng thương mại hoặc đầu tư vào trái phiếu chính phủ. FX swap theo cách này rõ ràng có tác dụng khuyến khích các định chế tài chính có nguồn thu bằng đô la (hoặc vay đô la ở nước ngoài) bán lại để nhận đồng nội tệ và đầu tư trở lại vào nền kinh tế.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm cách tháo vốn ra nước ngoài, FX swap còn giúp cải thiện tính thanh khoản của thị trường tiền tệ, NHTƯ các nước vì vậy đã dùng FX swap như là một công cụ của chính sách tiền tệ để hãm đà mất giá quá mức của đồng nội tệ, nhất là trong thời điểm chiến tranh thương mại căng thẳng như hiện nay. Trong số đó, cách làm của NHTƯ Brazil có thể là bài học quý để chúng ta học tập.
Họ thỉnh thoảng đem bán đấu giá số lượng lên đến hàng chục tỉ đô la kỳ hạn trên thị trường (mỗi hợp đồng có giá trị khái toán 50.000 đô la và tất cả được chi trả bằng đồng nội tệ) thông qua FX swap với các định chế tài chính. Trong nhiều trường hợp, FX swap của NHTƯ Brazil đã làm cho tỷ giá đồng real/đô la chuyển động đúng theo mục tiêu của họ trong điều hành tỷ giá hướng về điểm cân bằng. Những thành công này khiến cho NHTƯ Brazil liên tục thực hiện FX swap kể từ khi triển khai giao dịch này vào năm 2011 đến nay. Từ kinh nghiệm của Brazil, ngày càng có nhiều NHTƯ các nền kinh tế mới nổi Thái Lan, Malaysia, Indonesia...cũng đã triển khai các FX swap trong những giai đoạn thị trường tài chính có những xáo động mạnh.
Ngân hàng Nhà nước nên có thêm công cụ FX swap
Thời gian qua đã có nhiều quan điểm tranh luận về chính sách tỷ giá của Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng và đồng NDT mất giá mạnh. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên phá giá tiền đồng? Nhân câu chuyện trên tờ The Wall Street Journal và việc ngày càng có nhiều NHTƯ ở các nền kinh tế mới nổi sử dụng FX swap, ta thử xem xét vấn đề này ở Việt Nam.
Với những lợi ích hiển nhiên mà NHTƯ các nước sử dụng FX swap mang lại cho nền kinh tế, thiết nghĩ đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên cân nhắc để xem FX swap như là một công cụ mới của chính sách tiền tệ. Ít nhất ở giai đoạn căng thẳng trên thị trường ngoại hối hiện nay, nếu như NHNN có sẵn công cụ FX swap, đó có thể là một lựa chọn chính sách khả dĩ để làm giảm sức ép tỷ giá tiền đồng/đô la và đã không phải sử dụng quá nhiều dự trữ ngoại hối hoặc làm cho lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng lên đáng kể thời gian gần đây.
Tuy nhiên sử dụng FX swap cũng phải chú ý đến những hệ lụy không mong muốn mà nó mang lại. Trước hết, đó là quy mô và tần suất của các lần can thiệp phải vừa đủ và đúng lúc. Nếu sử dụng FX swap quá mức và nhiều lần, thị trường sẽ giảm dần niềm tin vào các cam kết bán ngoại hối kỳ hạn của NHNN. FX swap thường chỉ hiệu quả cho các kỳ hạn ngắn từ 3-9 tháng hơn là các kỳ hạn dài. Mặc dù vậy, thường thì các NHTƯ có khả năng sử dụng các kỹ thuật luân chuyển liên tục các hợp đồng FX swap để giãn các hợp đồng FX swap cho các kỳ hạn dài hơn.
Tiếp đến là tính độc lập và uy tín của NHNN. Nếu công chúng và nhà đầu tư tin tưởng vào uy tín và tính độc lập của NHNN, tỷ giá tương lai (futures exchange rate) sẽ đóng vai trò gần như thay thế cho tỷ giá hiện tại. Hoán đổi FX thực ra cũng chính là phép “hoán đổi thời gian”. Các nhà đầu tư nhìn vào dáng đi của tỷ giá trong tương lai sẽ đoán định được lập trường chính sách mà NHNN muốn phát tín hiệu đến “hiện tại” là tỷ giá giao ngay.
Hiện tại tỷ giá tuy đang có nhiều xáo trộn nhưng “tương lai” sẽ ổn nếu thị trường vẫn đặt giả thuyết vài tháng đến mọi điều sẽ trở lại bình thường (đó có thể là cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư, dòng vốn quốc tế chảy vào nhiều chẳng hạn). Trong trường hợp này, các giao dịch FX swap dễ thành công và thị trường sẽ nhìn vào sự ổn định của tỷ giá thị trường kỳ hạn, họ cũng xem đó giống như một cam kết ngầm định của NHNN về sự ổn định trong kinh doanh của họ trong tương lai vậy. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu NHTƯ không đủ độc lập và uy tín, càng giao dịch FX swap càng làm cho tỷ giá giao ngay tăng vọt vượt mức.
Thời gian qua NHNN vẫn không thay đổi chính sách lãi suất đô la bằng 0, sự kiên định này đã phần nào cho thấy có tác dụng tích cực làm giảm hiện tượng đô la hóa và những bất ổn trong tỷ giá. Nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ ngày càng lan rộng và không biết khi nào đến hồi kết, ngoài các công cụ truyền thống như bán đô la dự trữ can thiệp hay tăng lãi suất để bảo vệ tiền đồng trước nguy cơ bị phá giá, NHNN cũng phải thật nhanh chóng sớm kết thúc quan hệ vay mượn ngoại tệ, đồng thời tạo khung pháp lý cho FX swap (và nhiều công cụ phái sinh tỷ giá khác như FX option giữa hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp) tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên FX swap chỉ là chiến thuật ngắn hạn làm dịu đi các bất ổn trong tỷ giá chứ không phải chiến lược căn cơ dài hạn. Dù vậy, các can thiệp trực tiếp như bán dự trữ ngoại hối và can thiệp gián tiếp như tăng lãi suất hay FX swap giống như các tuyến phòng thủ lớp lớp đan xen dựa vào nhau phía trước để bảo vệ đồng tiền không bị mất giá mạnh. Nhưng nếu như tuyến phòng thủ cuối cùng là lạm phát mục tiêu ở phía sau bị vỡ trận, cho dù có triển khai bao nhiêu công cụ và có muốn nói gì thì cũng không vì thế mà niềm tin vào tiền đồng tự động tăng lên.(TBKTSG)
-------------------------
Hai nhà lãnh đạo Đức và Nga sẽ tập trung thảo luận về dự án vận chuyển khí đốt
Ngày 18/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc họp báo chung nhằm cung cấp cho báo giới các chủ đề chính trong chương trình nghị sự cuộc gặp lần này
Ngày 18/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp kéo dài 3 giờ ở thủ đô Berlin. Trong cuộc gặp tại cung điện Schloss Meseberg, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, từ Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, tới các vấn đề Syria và Ukraine. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 18/8, trước khi diễn ra các cuộc thảo luận chính thức tại Lâu đài Meseberg ở khu vực ngoại ô cách thủ đô Berlin khoảng 70 km về phía Bắc, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc họp báo chung nhằm cung cấp cho báo giới các chủ đề chính trong chương trình nghị sự cuộc gặp lần này.
Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Nga Putin cho biết hai bên sẽ cùng nhau thảo luận và trao đổi các vấn đề liên quan đến tình hình ở Syria, Ukraine và Iran cũng như về Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết theo quan điểm của bà, các vấn đề gây tranh chỉ có thể được giải quyết trong đối thoại và thông qua đối thoại.
Đề cập đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức, Thủ tướng Merkel cho rằng Ukraine cần phải tiếp tục đóng vai trò là điểm trung chuyển khí đốt tới châu Âu nếu dự án này đi vào hoạt động. Bà cũng hoan nghênh việc khởi động các cuộc thảo luận về vấn đề này giữa Liên minh châu Âu (EU), Ukraine và Nga.
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin cũng cho rằng điều quan trọng là vai trò trung chuyển của Ukraine sẽ đáp ứng được mọi nhu cầu kinh tế, đồng thời nhấn mạnh dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" đơn thuần chỉ là một dự án kinh tế.
Dự án đường ống dẫn khí đốt này đã vấp phải sự phản đối từ Mỹ và Ukraine. Trong khi phía Mỹ tin rằng "Dòng chảy phương Bắc 2" sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc năng lượng của Đức vào Nga thì Ukraine lo ngại rằng đường ống này sẽ cho phép Moskva loại bỏ Kiev khỏi vai trò trung chuyển.
Cũng trong cuộc họp báo, nhà lãnh đạo Nga cũng lên tiếng kêu gọi các nước châu Âu đóng góp tài chính hỗ trợ công cuộc tái thiết Syria, đồng thời tăng cường viện trợ nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này để cho hàng triệu người tị nạn có thể sớm quay trở về nhà.
Tổng thống Putin cũng cảnh báo rằng hiện đang có khoảng 5 triệu người tị nạn ở ba nước Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ và đây sẽ là một gánh nặng lớn đối với châu Âu. Đó cũng là lý do vì sao cả hai nhà lãnh đạo Đức và Nga sẽ cố tìm mọi cách để có thể đưa những người tị nạn này trờ về nhà.
Trong khi đó theo Thủ tướng Đức Merkel, điều trước tiên cần phải làm là ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Idlib, Syria và các khu vực xung quanh.
Người đứng đầu Chính phủ Đức khẳng định bà và Tổng thống Nga Putin cũng đã thảo luận với nhau về vấn đề cải cách hiến pháp và khả năng tiến hành bầu cử trong cuộc gặp trước đó tại thành phố Sochi (Nga) hồi tháng Năm vừa qua.
Về tình hình Iran, Tổng thống Putin cho biết ông sẽ thảo luận với Thủ tướng Merkel về việc ủng hộ và tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran được quốc gia Hồi giáo này ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015.(TTXVN)
------------------------------
Trung Quốc chuẩn bị cho 'Chiến tranh lạnh mới' với Mỹ
Trung Quốc nhận thấy có động cơ ẩn sau cuộc chiến thương mại nhằm ngăn Bắc Kinh trỗi dậy của Mỹ và sẵn sàng đối phó một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới nếu nó xảy ra.
Có lẽ không nơi nào ngoài Mỹ nhận được nhiều quan tâm từ Tổng thống Donald Trump bằng Trung Quốc. Đã có rất nhiều tranh luận về động cơ thực sự của Washington đằng sau việc đẩy mạnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc - một chiến lược to lớn, được sắp đặt và dẫn đầu bởi Trump.
“Chính quyền Trump đã cho thấy rõ lý do sâu thẳm đằng sau các đạo luật thuế quan là nhằm kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc", He Weiwen, cựu quan chức trong Bộ Thương mại và đang làm cho Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa – một nhóm nghiên cứu độc lập gồm các thành viên từng là quan chức chính phủ Trung Quốc, nói.
Quan điểm trên nhận được sự đồng thuận từ hơn 20 quan chức chính phủ, cựu quan chức, nhà kinh doanh, các doanh nghiệp nghiên cứu thuộc nhà nước, chính trị gia và biên tập viên tại các tờ báo chính phủ, theo khảo sát của Bloomberg.
Các cuộc phỏng vấn đều có một điểm chung – họ nghi ngờ thuế quan chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch của Trump nhằm ngăn không cho Trung Quốc chiếm lấy vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một vài người còn bày tỏ quan ngại hai quốc gia có thể đối đầu nhau lâu dài để nắm quyền thống lĩnh thế giới, gợi nhớ lại cuộc chiến giữa Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ trước.
An Gang, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Pangoal, cho biết: “Chiến tranh thương mại đã khơi dậy ở Trung Quốc suy nghĩ khi nào một cuộc chiến tranh lạnh sẽ diễn ra”.
Tình hình bi quan hiện tại thay đổi đáng kể suy nghĩ trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, nhiều người từng rất hoan nghênh sự trỗi dậy của Donald Trump, cho rằng ông là người theo chủ nghĩa thực dụng. Họ kỳ vọng Trump sẽ thu hẹp thâm hụt thương mại - lên tới 375 tỷ USD - bằng những bản hợp đồng hợp lý.
Tuy nhiên, với chính sách thuế quan hiện hành, 25% với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và khoảng 216 tỷ USD khác đang chờ triển khai, đa số đã thấy một tương lai mờ mịt trong việc giải quyết vấn đề đang làm giới lãnh đạo Trung Quốc nhức đầu.
‘Người đàm phán thông minh’
Một sự kiện quan trọng thay đổi cục diện xảy ra vài tháng trước, khi Trump dừng thỏa thuận mua hàng hóa năng lượng và nông nghiệp từ Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại. Điều đó khiến Trung Quốc kết luận rằng Trump sẽ không dừng lại cho đến khi ngăn chặn hoàn toàn sự trỗi dậy của nước này.
Theo Wang Huiyao, cố vấn chính phủ Trung Quốc,người sáng lập Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa, “Donald Trump là một nhà đàm phán thông minh do có nhiều kinh nghiệm đúc kết từ hoạt động kinh doanh suốt nhiều năm trời”.
Wang cho biết Trung Quốc sẵn lòng đàm phán và những chiến lược gây áp lực của Trump chỉ khơi dậy chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, gâyphản tác dụng.
Chiến tranh thương mại đang khiến một số thành phần ở Bắc Kinh phải cân nhắc thận trọng. Những cuộc thảo luận đa số hướng tới ổn định của nền kinh tế, do chính phủ điều hành, và sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một bản ghi nhớ hồi tháng 3. Ảnh: Bloomberg.
Chỉ trích Tập Cận Bình
Đã có nhiều tranh cãi xung quanh mục tiêu của ông Tập là tăng trưởng nhanh và quyết định tuyên bố với thế giới tham vọng của Trung Quốc. Đây là một bước chuyển đổi lớn từ câu nói nổi tiếng của cố chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: “Che giấu sức mạnh, đợi chờ thời cơ".
Những người chỉ trích ông Tập nhận định các chính sách như ‘Made in China 2025’ và Vành đai - Con đường đã khiến phương Tây cảnh giác, buộc Mỹ phải ngăn chặn Trung Quốc trước khi họ có thể xây dựng được những công nghệ quan trọng.
Một ví dụ điển hình là chính quyền Trump đã nhanh chóng hạ bệ tập đoàn ZTE, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc. Tháng 4, Mỹ đã cấm công ty này mua những thiết bị then chốt từ các nhà cung cấp Mỹ vì họ vi phạm luật cấm bán công nghệ Mỹ cho Iran. Động thái trên buộc ZTE phải ngừng gần hết các hoạt động sản xuất cho tới khi Trump vào cuộc và giúp thiết lập một giao kèo.
Tuy nhiên các quan chức Mỹ lại nói họ không hề muốn ngăn cản Trung Quốc phát triển, họ chỉ muốn ngăn Trung Quốc vi phạm luật và ăn cắp sở hữu trí tuệ - những cáo buộc mà phía Bắc Kinh liên tục phủ nhận.
‘Những khoản tiền mờ ám’
Lầu Năm Góc gần đây nhận định Trung Quốc và Nga là 2 đối thủ đang chủ động “nắm lấy hoặc thay thế trật tự thế giới mở và tự do đã đem lại an ninh toàn cầu và thịnh vượng từ Thế Chiến II”.
Tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã công kích Trung Quốc vì cố lấy lòng các quốc gia đang phát triển bằng những gói cho vay giá rẻ, các dự án về cơ sở hạ tầng và cho biết Mỹ tin vào “đối tác chiến lược chứ không phải lệ thuộc chiến lược”.
Pompeo nói: “Đối với doanh nghiệp Mỹ, mọi người trên thế giới đều biết rằng những gì bạn thấy là những gì bạn có được: hợp đồng rõ ràng đi kèm các điều khoản trung thực và không có chỗ cho những khoản tiền mờ ám".
Tại Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng đất nước này cần phải mở cửa hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài cùng với những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn và tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp hơn.
Theo Shi, Đại học Nhân dân, Trung Quốc đang đối mặt với một tình thế mới không ổn định và họ cần phải xem xét cũng như thay đổi. “Chúng tôi không quan tâm đến cảm nghĩ của quốc gia khác trong chiến lược đại nhảy vọt”.
Tuy nhiên những tư tưởng như trên đang trở nên phai nhạt vì sự lưỡng lự của Trung Quốc được xem như đang chiều theo ý Trump. Vài người cho biết ban đầu họ xem chính sách thuế quan không mấy nghiêm trọng nếu chúng có thể khiến chính phủ điều chỉnh những chính sách hợp tác với phương Tây. Khi chiến tranh thương mại và khẩu chiến bị đẩy lên cao, nhiều người đã quay sang phản đối Mỹ và cho biết Trung Quốc sẽ không chịu thua.
Bắc Kinh tỏ ra thiện chí khi muốn thỏa thuận với Mỹ nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại nhưng các chuyên gia tư vấn chính sách không thấy nhiều cơ hội trong việc đáp ứng yêu cầu của Trump, gồm chấm dứt hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược, dừng ép buộc chuyển giao công nghệ và tạo ra nhiều cạnh tranh hơn trong các doanh nghiệp nhà nước.
Trung Quốc cũng đã bóng gió về những cách đối phó với áp lực từ phía Mỹ nếu cần thiết. Áp thuế lên ôtô, chất bán dẫn và máy bay Boeing đang được cân nhắc, theo Wei Jianguo, cựu quan chức Bộ Thương mại.
Trong khi Trung Quốc đang phụ thuộc vào Mỹ để sản xuất những thiết bị di động cao cấp và không thể hoàn toàn cắt đứt mối làm ăn với Boeing, Trung Quốc cũngđang là thị trường lớn thứ hai cho ôtô Mỹ. Wei nói: “Nếu bạn muốn Trump đau, hãy đánh ông ta một cú thật mạnh và ông ta sẽ luôn nhớ tới nó”.
‘Thời kỳ nguy hiểm nhất’
Hầu hết những người được phỏng vấn ở Bắc Kinh đều đang trông đợi đợt bầu cử giữa kỳ sắp tới ở Mỹ, xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ngân hàng Standard Bank hôm 15/8 dự đoán Trump sẽ tham gia một thỏa thuận nhằm đưa thị trường chứng khoán đi lên. Luồng quan điểm ở Trung Quốc lại cho thấy cơ hội sẽ mở ra cho Trung Quốc nếu đảng Cộng hòa thất thế.Trung Quốchôm 16/8 thông báo những cuộc thảo luận cấp thấp sẽ diễn ra vào cuối tháng.
Trong một buổi họp nội các, Trump phát biểu: “Chúng tôi đang đàm phán với Trung Quốc và họ cũng rất muốn vậy. Họ chỉ không thể đưa ra được thỏa thuận nào hợp lý với chúng tôi cả, thế nên khi nào Mỹ nhận được điều gì đó công bằng, chúng tôi sẽ ngồi lại vào bàn đàm phán”.
Sẽ chẳng có ai nghĩ ra cách nào nhanh chóng để giải quyết vấn đề này. Khi Trump có thể thay đổi cục diện bất cứ lúc nào – như cách mà ông đã áp dụng với NAFTA, Liên minh Châu Âu và Triều Tiên – thì đối với Trung Quốc, Trump luôn bỏ qua các cơ hội giảm căng thẳng.
Theo Lu Xiang, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc đang ở vào "thời kỳ nguy hiểm nhất" và nếu Trump có "kề dao vào cổ chúng tôi, chúng tôi cũng cương quyết không đầu hàng".(NDH)