tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-10-2017

  • Cập nhật : 04/10/2017

Moody's: Việt Nam dễ bị ảnh hưởng tín nhiệm vì căng thẳng Triều Tiên

Trong báo cáo vừa công bố, Moody's Investors Service nhận xét khả năng xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên đang tăng. Ngoài Hàn Quốc, thì Nhật Bản và Việt Nam là những nước có khả năng chịu ảnh hưởng lớn nhất về xếp hạng tín nhiệm nếu việc này xảy ra.

Hiện xếp hạng nợ của Việt Nam là B1, triển vọng tích cực. Còn Nhật Bản là A1, triển vọng ổn định.

Với Việt Nam, xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm và chuỗi cung ứng gián đoạn sẽ khiến tín nhiệm quốc gia yếu đi. Trong bối cảnh gánh nặng nợ đang tăng (52,6% GDP), Chính phủ Việt Nam khó hấp thụ được cú sốc kinh tế này mà không làm yếu tài khóa.

Trong khi đó, tăng trưởng của Nhật Bản có thể giảm đi đáng kể. Việc này sẽ đe dọa quá trình bình ổn nợ công tại đây.

Hiện xếp hạng nợ của Việt Nam ở B1 với triển vọng tích cực. Ảnh: Reuters

Trái lại, các nền kinh tế như Mỹ và Trung Quốc lại chỉ chịu tác động khá hạn chế. Hiện xếp hạng của Mỹ ở mức Aaa với triển vọng ổn định. Còn Trung Quốc là A1, cũng có triển vọng ổn định. Singapore, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) cũng chịu tác động nhỏ, do có đủ bộ đệm tài chính để đối phó khi xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm.

Báo cáo của Moody’s tập trung vào tác động lên xếp hạng tín nhiệm nếu xung đột xảy ra trên quy mô lớn và kéo dài. Trong trường hợp quy mô nhỏ, thời gian ngắn, những ảnh hưởng này có thể sẽ bị hạn chế.

Báo cáo nghiên cứu về ảnh hưởng lên kinh tế của các nước dựa trên rủi ro giảm xuất khẩu sang Hàn Quốc, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá dầu và khí thiên nhiên hóa lỏng thấp kéo dài và áp lực thanh khoản tăng vì biến động trên thị trường tài chính. Trước đó, Moody’s đã có bản phân tích chi tiết về tác động của xung đột lên Hàn Quốc.

Xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Hàn Quốc hiện là nước nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng nhiều nhì thế giới. Nếu giá dầu và giá khí giảm, áp lực lên các nước sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng này sẽ tăng.

Bên cạnh đó, xung đột còn có thể khiến dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi rủi ro cao, làm tăng rủi ro thanh khoản với các nước này. Tuy nhiên, nước nào sẽ chịu ảnh hưởng còn phụ thuộc vào thời điểm xung đột và thời điểm nợ của họ đáo hạn.(Vnexpress)
-----------------------------

Bài học đắt giá cho hải sản xuất khẩu Việt Nam

Nhiều người không ý thức được rằng con sâu làm rầu nồi canh, nếu một DN vi phạm thì EU sẽ áp dụng chung chế tài đối với cả ngành hải sản xuất khẩu Việt Nam. 

Ngày 30-9 vừa qua là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hải sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) phải đáp ứng được yêu cầu về chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU). Đáng tiếc là đến thời điểm trên hải sản Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được điều kiện này.

Nước đến chân vẫn… chưa nhảy

Lý giải về sự chậm trễ trên, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thừa nhận quy định về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp của EU đã được đưa ra cách đây 6-7 năm và Việt Nam cũng đã tổ chức các hoạt động liên quan đến vấn đề trên nhưng “làm không tới nơi tới chốn”.

Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn thờ ơ, trong khi Nhà nước lại không làm chỉn chu như quản lý hệ thống tàu thuyền đánh bắt cá, truy xuất nguồn gốc, đào tạo cho các chủ tàu hiểu biết như thế nào là đánh bắt bất hợp pháp... Hệ quả là đến nay hải sản xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ các điều kiện về IUU.

Thậm chí tại hội nghị cam kết chống khai thác IUU do VASEP vừa tổ chức, mới chỉ có hơn 50 đơn vị tham gia cam kết không tham gia khai thác hải sản bất hợp pháp. Điều đó cho thấy nhiều DN vẫn chưa quan tâm tới quy định này.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Ngô Viết Hoài thì lý giải: Tàu đánh bắt của nước ta quá nhiều và phần lớn là tàu nhỏ, do vậy rất khó kiểm soát, cộng thêm chi phí trang bị hệ thống định vị trên các tàu rất lớn. Điều này khiến DN xuất khẩu bị ảnh hưởng gián tiếp vì DN chỉ thu mua lại hải sản, không quản lý được đội tàu.

“Gắn hệ thống định vị cho các tàu khai thác hải sản là trách nhiệm của chủ tàu và cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là các chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương. Nhưng khâu quản lý đội tàu lại đang rất lỏng lẻo” - ông Hoài nhấn mạnh.

Bài học đắt giá cho hải sản xuất khẩu Việt Nam - ảnh 1
Thủy hải sản Việt phải có nguồn gốc rõ ràng để tạo uy tín với thị trường nước ngoài. Ảnh: QUANG HUY

Con sâu làm rầu nồi canh

Đại diện một công ty xuất khẩu hải sản than phiền rằng nhiều DN vẫn như người ngoài cuộc vì họ nghĩ mình không xuất khẩu vào EU hoặc DN của họ nhỏ, xuất khẩu ít nên mọi việc cứ để mấy DN lớn lo.

“Thế nhưng họ không ý thức được rằng con sâu làm rầu nồi canh, nếu một DN vi phạm thì EU sẽ áp dụng chung chế tài đối với cả ngành hải sản xuất khẩu Việt Nam. Tức phía EU không chỉ đánh giá dựa trên một vài DN mà đánh giá trên cả cộng đồng gồm nhiều DN nhỏ khác. Đây là bài học đắt giá cho các DN thiếu tinh thần cộng đồng” - đại diện công ty trên bức xúc.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam gặp khó khăn do sự thờ ơ và chủ quan. Những tháng đầu năm 2017 sáu thị trường gồm Úc, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Trung Quốc, Brazil và Mexico đã yêu cầu các lô hàng tôm của Việt Nam phải xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh. Nếu không đáp ứng yêu cầu này thì từng lô phải có chứng nhận sạch bệnh đối với sản phẩm tôm chưa nấu chín. Khi bị kiểm tra từng lô hàng thì chi phí đội lên, khó cạnh tranh với đối tác các nước.

Tuy nhiên, theo Cục Thú y, đơn vị này đã nhiều lần cảnh báo về các quy định từ phía nước ngoài để phối hợp ứng phó nhưng các DN vẫn ít chú ý. Ngay như hội nghị mới đây được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn về vấn đề này, Cục Thú y mời gần 40 DN để triển khai nhưng chỉ có… ba DN tham dự.

Trong trường hợp EU phạt thẻ vàng thì Việt Nam phải sớm thoát ra và coi đây là cơ hội lập lại trật tự, tổ chức lại sản xuất để xây dựng nghề cá có trách nhiệm.

Ông VŨ VĂN TÁMThứ trưởng Bộ NN&PTNT

Không còn lựa chọn nào khác

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhấn mạnh để đáp ứng các điều kiện, quy định mà các nước nhập khẩu đưa ra đòi hỏi Nhà nước phải quyết liệt. Nhưng bản thân các DN cũng phải có trách nhiệm đồng lòng tham gia.

“Đơn cử như quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp, Nhà nước phải có luật lệ rõ ràng về hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với tàu thuyền. Hệ thống hồ sơ của DN khi xuất khẩu cũng phải ghi chú rõ ràng về truy xuất nguồn gốc. Đã đến lúc lập lại trật tự, củng cố hệ thống đánh bắt cho hoàn chỉnh hơn. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác” - bà Sắc nói.

Ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay nếu Nhà nước không có chính sách quản lý tốt đội tàu thuyền, có thể chế pháp lý rõ ràng thì xuất khẩu chịu thiệt hại lớn.

“Nhà nước cần quyết liệt như đưa các quy định về thời gian khai thác hải sản vào dự luật sửa đổi Luật Thủy sản để phù hợp với các quy định của EU và công ước quốc tế không thể cho đánh bắt 365 ngày; có quy định về mắt lưới, thiết bị đánh bắt để chống khai thác kiểu tận diệt…” - ông Hoài chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, DN phải làm theo chuỗi liên kết mới có thể đáp ứng được các quy định về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, minh bạch hoạt động từ nguồn nguyên liệu tới quá trình chế biến; thực hiện nghiêm túc quy định như không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, khai thác bằng ngư cụ bị cấm… Qua đó nhằm tạo uy tín, thương hiệu của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.(PLO)
---------------------------

Không giảm bội chi ngân sách, nợ công có thể vượt trần 65% GDP

Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 3/10 có nêu: Chi tiêu của Chính phủ so với GDP vẫn duy trì ở mức cao.

Chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn

 

Theo đó, tổng chi Ngân sách Nhà nước (NSNN), bao gồm cả chi từ nguồn trái phiếu bình quân chiếm 29,2% GDP trong giai đoạn 2011 - 2015 (giai đoạn trước con số này là 28,9%) - là mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: CTV.

Bản báo cáo được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng dư địa tài khóa bị thu hẹp, bội chi ngân sách kéo dài ở mức cao có ảnh hưởng đến khả năng bền vững tài khóa trong trung hạn. Từ đó, giúp Chính phủ có thêm căn cứ để xây dựng chính sách cũng như chương trình hành động đúng đắn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt là xử lý tốt hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với giảm nghèo và hội nhập quốc tế.

Theo thống kê, tốc độ tăng thu trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015 (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá), tuy vẫn tích cực, nhưng đã chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ thu từ NSNN so GDP đã giảm từ 26,4% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống 23,4% trong giai đoạn 2011 - 2015. Nguyên nhân chủ yếu là do giảm thu từ dầu thô (từ 4,8% xuống 3%), từ hoạt động xuất nhập khẩu (5,5% xuống 4,2%) và các khoản thu về đất (2,5% xuống còn 1,7%).

Báo cáo cũng chỉ ra, cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư là khoảng 70:30 trong thời kỳ 2011 - 2015, cao hơn so với tỷ lệ 63:37 của thời kỳ 2006 - 2010. Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp và chi trả lãi các khoản vay.

Chi đầu tư, mặc dù giảm tỷ trọng trong tổng chi tiêu NSNN, nhưng vẫn được duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới. Nếu so với tổng đầu tư toàn xã hội, chi đầu tư từ NSNN chiếm 29,1% trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng nhẹ so với mức 28,4% của thời kỳ 2006 - 2010.


"Hiến kế" quản lý nợ công hiệu quả

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Nhằm đảm bảo bền vững về tài khóa, Quốc hội Việt Nam đã có nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và đưa mức bội chi ngân sách cho cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP; phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5% GDP.

“Để đạt được những mục tiêu này, cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tăng cường huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, quản lý nợ công và giám sát rủi ro tài khóa một cách chủ động hơn, cả ở cấp trung ương và cấp địa phương. Báo cáo đã đưa ra được các khuyến nghị cụ thể về các lựa chọn chính sách để thực hiện mục tiêu này”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Văn phòng WB tại Việt Nam, đánh giá này được thực hiện vào thời điểm Việt Nam đang đứng trước những sự lựa chọn về chính sách tài khóa quan trọng. Ông cũng hy vọng báo cáo sẽ cung cấp những phân tích thiết thực cho Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cân nhắc các kế hoạch, chính sách phát triển, tài chính và ngân sách trung hạn trong thời gian tới.

Đến cuối năm 2016, quy mô nợ công đã vượt mức 60% GDP và tiệm cận giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP, trong khi đó nợ Chính phủ đã phá mức “trần” 50% GDP. Vì vậy nhiều chuyên gia lo ngại: Nếu không có biện pháp quản lý vay và sử dụng nợ vay có hiệu quả thì dự báo về quy mô nợ công có thể giảm tỷ lệ so với GDP sau khi đạt đỉnh vào năm 2017 - 2018 vẫn có thể cách xa thực tế.
 

TS. Vũ Đình Ánh cho hay: Để quản lý nợ công có hiệu quả thì cần có một hệ thống luật pháp đồng bộ, hữu hiệu nhằm đảm bảo hiệu quả từ việc xây dựng kế hoạch vay trả nợ, đàm phán đến phân bổ, sử dụng nợ và và thanh toán nghĩa vụ nợ, cả nợ gốc cũng như nợ lãi vay. Trong đó, quan trọng và cấp bách nhất là hoàn thiện thể chế để quản lý nợ công.

“Tất cả quy trình quản lý nợ công trên đều thực hiện theo sự phân công, phân nhiệm của Chính phủ và sẽ thông suốt khi Chính phủ thực hiện tốt vai trò thống nhất quản lý đối với nợ công và phối hợp đồng bộ hoạt động của các bộ, ngành có liên quan tới nợ công”. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại xuất hiện hiện tượng cắt khúc, thiếu phối kết hợp trong quản lý, đùn đẩy trong quản lý và sử dụng nợ công. Tình trạng thiếu thống nhất giữa vay nợ, sử dụng khoản nợ vay và trả nợ vay diễn ra cả trong hạch toán sổ sách, hệ thống thông tin quản lý nợ công lẫn đánh giá giám sát hiệu quả sử dụng từng khoản nợ vay và bố trí nguồn trả nợ vay hợp lý”, TS Ánh nói.

Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Chính phủ nên giao toàn bộ trách nhiệm quản lý nợ công về một đầu mối là Bộ Tài chính; giao quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Khi đó, sẽ nâng cao được vai trò, trách nhiệm và có cơ sở truy cứu đến cùng việc quản lý nợ công.

Nhà nước cần mạnh dạn đổi mới cách thức quản lý nợ công với những giải pháp hữu hiệu, thì nợ công sẽ trở thành lực đẩy cần thiết mang tính nền tảng để hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng nước ta hoàn chỉnh; đồng thời, sẽ có tác động tích cực đến việc lành mạnh hóa NSNN và đảm bảo cấu trúc an ninh tài chính Quốc gia.

Liên quan tới vấn đề này, TS. Trần Ngọc Hoàng (Đại học Lạc Hồng) hiến kế: Để đảm bảo chỉ số nợ công và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không vượt quá 25% tổng thu NSNN hàng năm, từng bước giảm dần quy mô nợ công khoảng 60% GDP vào năm 2030 (theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV), cần đổi mới nợ công trước tiên phải gắn liền với tái cơ cấu NSNN theo hướng lành mạnh hóa và ổn định, đó là: giảm dần bội chi NSNN đến năm 2020 về dưới 4% GDP; cơ cấu lại chi NSNN theo hướng giảm và tiết kiệm chi thường xuyên, bằng cách cương quyết tinh giảm biên chế trong bộ máy nhà nước, mạnh dạn chuyển đổi từ chế độ biên chế sang hợp đồng đối với các đơn vị sự nghiệp công, đầy mạnh dịch vụ sự nghiệp công, qua đó, thu hẹp phạm vi và giảm bớt gánh nặng chi thường xuyên cho NSNN.(TTXVN)
--------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục