tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-12-2017

  • Cập nhật : 04/12/2017

“Bitcoin có thể đe dọa ổn định tài chính”

Nhận xét trên của ông Randal Quarles, Thống đốc đồng thời cũng là người mới được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đưa ra khi Bitcoin đã có những phiên giao dịch đầy biến động trong tuần qua.

thong doc fed, ong randal quarles

Thống đốc Fed, ông Randal Quarles

 

Bitcoin ngày càng trở nên phổ biến và dần được chấp nhận tại Phố Wall, với các kế hoạch cung cấp giao dịch tương lai cho đồng tiền này. Tuy nhiên, ông Quarles mới đây đã cảnh báo rằng các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin có thể đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính khi chúng được sử dụng rộng rãi hơn.

Cụ thể theo AFP, trong bài phát biểu về hệ thống thanh toán, ông Quarles nói rằng trong thời điểm khủng hoảng, nhu cầu thanh khoản của người gửi tiền ngân hàng thường tăng mạnh, khiến các tổ chức tài chính lớn bị căng thẳng. Trong khi đó, các loại tiền tệ số phi phân cấp như Bitcoin hoạt động như một hệ thống thanh toán không có ngân hàng trung ương, thay vào đó chỉ được trao đổi dựa trên nhu cầu trực tiếp giữa người mua và người bán. Vì vậy, sẽ không rõ tiền kỹ thuật số diễn biến ra sao trong những tình huống khủng hoảng tương tự.

“Mặc dù các loại tiền kỹ thuật số có thể không gây ra mối lo ngại quá lớn ở mức sử dụng hiện tại nhưng sẽ có nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan đến việc ổn định tài chính nếu chúng được sử dụng rộng rãi. Hệ thống tiền tệ số hiện không được hỗ trợ bởi các loại tài sản đảm bảo khác, không có giá trị nội tại, không được điều chỉnh bởi quy định pháp lý của tổ chức ngân hàng và thậm chí cũng không thuộc phạm vi chịu trách nhiệm của bất kỳ tổ chức nào”, ông Quarles nói.

Sau khi đạt ngưỡng cao kỷ lục 11.388,33 USD, bitcoin đã giảm mạnh xuống còn 9.670,85 USD trong vòng chưa đầy 24 giờ vào hôm 29/11. Giữa lúc giá cả biến động hỗn loạn, Nhà Trắng cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Bossert đã phải theo dõi tình hình và đưa vấn đề ra thảo luận trong một cuộc họp trong tuần qua.

Giữa lúc thị trường đang nóng lên bởi thông tin sàn giao dịch chứng khoán Mỹ Nasdaq đang có kế hoạch đưa ra thị trường kỳ hạn bitcoin vào năm tới, Adena Friedman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Nasdaq cho biết vẫn đang tiếp tục xem xét động thái này.

“Chúng tôi thực sự đã không công bố bất cứ điều gì. Tôi chỉ nói rằng chúng tôi đã có cuộc đối thoại tích cực với rất nhiều khách hàng và đối tác về những gì có thể xảy ra trong thời gian tới”, Friedman nói với CNBC hôm 30/11.(Thanhnien)
-----------------------

Đất nền Phủ Lý: Cẩn trọng khi đón sóng quy hoạch

Việc nhiều nhà đầu tư bất động sản mải mê đón sóng quy hoạch, chạy theo tin đồn dễ dẫn đến tình trạng bị đọng vốn, thậm chí chết chìm theo những dự án.

 

dat nen phu ly dang thu hut su quan tam cua nhieu nha dau tu. anh: nguyen thanh

Đất nền Phủ Lý đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Nguyễn Thành

 

Cẩn thận vết xe đổ!

Theo ghi nhận của phóng viên, những diễn biến sôi động của thị trường đất nền ở Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đang tạo nên hiệu ứng khá mạnh mẽ. Từ anh lái xe ôm, anh chạy taxi, khi hỏi về đất, ai cũng bị quay cuồng và đưa ra những thông tin nhiễu loạn hoặc thiếu kiểm chứng từ thị trường.

Một lái xe taxi cho phóng viên biết: “Trong hai khu đô thị ăn theo dự án bệnh viện là Lam Hạ và Liêm Chính, thì Lam Hạ có mức giá cao ngất ngưởng. Những lô đất đẹp có mức giá lên đến mấy chục triệu đồng mối mét vuông”.

Hiện, TP. Phủ Lý đang đón nhận hai dự án lớn là Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Việc xuất hiện hai trung tâm y tế mới đã kéo theo những biến động mạnh về giá đất nền tại hai khu đô thị này. Giá đất tăng chóng mặt, tiềm ẩn theo nó cũng là những rủi ro không nhỏ.

Theo quy hoạch chung, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Phủ Lý sẽ tập trung phát triển theo hướng Bắc, hướng Đông, hình thành 7 phân khu chức năng, Trong quy hoạch này cũng chỉ rõ, vùng phát triển đô thị mới của Phủ Lý nằm ở phía Đông thành phố, dọc theo trục đường 68, Quốc lộ 21 mới với trọng tâm là trung tâm động lực về y tế, tài chính ngân hàng.

Trước quy hoạch và định hướng phát triển như vậy, việc nhiều nhà đầu tư dồn tiền mua đất tại Lam Hạ, Liêm Chính là điều dễ hiểu, khi mà hai khu đô thị này đang được kỳ vọng là trung tâm y tế không chỉ của Phủ Lý mà của cả một số tỉnh lân cận.

Theo ghi nhận của phóng viên, hai khu đô thị này đều cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trong đó, khu Liêm Chính hiện đang tiếp tục được hoàn thiện mặt bằng, công tác san lô, san nền, làm đường tiếp tục được đẩy mạnh, còn khu Lam Hạ, phần lớn các lô đất đã có chủ, trong đó, tỷ lệ lớn là các biệt thự hạng sang.

Đón quy hoạch bệnh viện, nhà đầu tư cần trường vốn

Lý giải về cơn sốt này, một môi giới cho biết: “Do hai bệnh viện lớn là Việt Đức và Bạch Mai sắp đi vào hoạt động nên đã khiến cho giá đất có sự tăng mạnh. Tâm lý đón đầu quy hoạch đã khiến hai khu đô thị này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Trong đó, có một tỷ lệ nhất định có nhu cầu sử dụng thật”.

Đại diện Sàn Giao dịch Bất động sản Viễn Đông cho biết: “Trong khoảng 3 năm gần đây, chưa khi nào giá đất có dấu hiệu dừng lại. Nếu cách đây khoảng hơn một năm, giá đất mặt đường 42 chỉ dao động khoảng 22 - 25 triệu đồng/m2, thì đến nay, giá đất nền đã tăng lên trên 35 triệu đồng/m2”.

Khu đô thị Lam Hạ có hai khu vực riêng biệt, đất dự án dành cho hoạt động tái định cư và đất đấu giá. Trong đó, đất đấu giá hiện có mức giá khoảng trên 20 triệu đồng/m2. Còn đất khu tái định cư hiện có giá khoảng 12 - 13 triệu đồng/m2 (đất mặt đường), đất phía trong thì rẻ hơn, dao động trong khoảng 6 - 8 triệu đồng/m2.

Điều đáng nói, mặc dù tạo được sức nóng trên thị trường, nhưng nhiều lô đất được giao dịch vẫn chưa hề có sổ đỏ. Điển hình nhất là khu biệt thự tại Lam Hạ. Điều này mang đến nguy cơ không nhỏ cho các nhà đầu tư thứ cấp khi pháp lý chưa ổn. Đặc biệt, với việc nhiều nhà đầu tư chủ động gom từ 2 - 3 lô đất, gộp lại thành 1 lô để đem bán, phục vụ nhu cầu xây biệt thự, nhà vườn càng khiến cho quy hoạch chung bị phá vỡ và khiến lô đất vướng phải nhiều vấn đề về pháp lý. Việc cấp sổ đỏ cho các lô đất như thế này (khá phổ biến ở Lam Hạ) chắc chắn sẽ rất khó khăn do sai quy hoạch chung.

Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên, các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2 vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, ít nhất cũng mất vài năm hoàn thiện và vận hành một cách trơn chu. Trường hợp các nhà đầu tư vốn mỏng tham gia vào canh bạc đón sóng quy hoạch sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Việc các chủ đầu tư đón đầu quy hoạch và chủ động phát triển các dự án tại vùng ven là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khách hàng cần quan tâm nhiều hơn đến tính pháp lý của các dự án, nhất là các dự án mới, vừa để tránh những vướng mắc không đáng có, vừa để tránh việc mua phải các dự án theo kiểu ốc đảo, khả năng kết nối kém hoặc tiền mất, tật mang do chạy theo phong trào”.(ĐTBĐS)
----------------------------------

Khởi nghiệp với robot gieo hạt xuất khẩu đi 14 nước

Hàng trăm cái máy gieo hạt đã được bán ra thị trường Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều nước. Phạm Văn Hát - ông chủ của chiếc máy này đã qua được cái đận gian khó của một người nông dân giỏi sáng chế và không ngừng nỗ lực thương mại hóa sản phẩm của mình. 

 

da co nhieu loi de nghi hop tac song anh hat van do du vi "van chua tim duoc tieng noi chung".

Đã có nhiều lời đề nghị hợp tác song anh Hát vẫn do dự vì "vẫn chưa tìm được tiếng nói chung".

 

"Vì muốn công việc nhà nông đơn giản, thuận tiện hơn nên tôi nghĩ nhiều cách làm khác nhau, những chiếc máy của tôi được quốc gia hiện đại về nông nghiệp như Israel sử dụng thì tại sao không sản xuất cho chính người nông dân Việt Nam? Đó là suy nghĩ đầu tiên của tôi khi tìm đường về nước sau những tháng ngày lao động vất vả tại Israel", anh Hát kể lại lý do mình về nước. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời doanh nhân của một nông dân như anh.

Làm lớn khi thị trường chưa đủ lớn

Lớn lên ở vùng đất Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, Phạm Văn Hát vốn là một nông dân luôn tìm cách sáng tạo trong công việc đồng áng của mình. Trong những ngày tháng nông nhàn, anh Hát đi làm thuê cho một xưởng cơ khí và học được cách sửa chữa máy nổ, dựng khung thành cho công nông đầu ngang. Sau gần hai năm làm việc, với sự cần cù chăm chỉ nên anh đã cơ bản nắm được các nguyên lý hoạt động của máy nổ và thành thạo nhiều công việc khác của ngành cơ khí.

Không dừng lại ở việc làm thuê và canh tác đơn giản trên mảnh đất của mình, năm 2007 anh Hát quyết định đổ tất cả số tiền dành dụm được hơn 1 tỷ đồng để mua thêm đất và mở trang trại trồng rau an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. 

"Tôi gần như là người đầu tiên của tỉnh Hải Dương đầu tư sản xuất rau an toàn, là chủ của doanh nghiệp đầu tiên được cấp các loại giấy chứng nhận, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan đều khen ngợi và khuyến khích nên mở rộng quy mô. Tôi đã cố gắng làm nhưng tôi đã thất bại cay đắng", anh Hát chia sẻ. "Sai lầm của tôi là làm ăn lớn khi thị trường chưa đủ lớn. Tôi đã đi trước đón đầu quá sớm khi đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao như nhà lưới, nhà màn, nhà phủ... Đến khi phá sản, những tài sản mua hàng chục triệu đồng chỉ đem bán lại được vài chục nghìn để bà con quây chuồng gà". 

Lần thua cuộc này khiến anh Hát mất trắng số vốn đầu tư ban đầu và ôm một đống nợ mà mãi đến mấy năm sau mới trả được.

Để trả được số nợ lớn như vậy, anh Hát quyết định đi xuất khẩu lao động ở Israel với số tiền bỏ ra cũng lên đến 200 triệu đồng vào năm 2010. 

"Tôi quyết định tìm con đường của mình từ đất nước Israel để vừa lao động vừa tìm hiểu tại sao mình thua", anh Hát kể. "Sang đó tôi mới thấy, mặc dù là quốc gia công nghệ nông nghiệp cao nhưng có rất nhiều phần công việc vẫn chỉ dựa hoàn toàn vào sức người. Điều quan trọng là họ có cơ chế hoạt động, điều tiết để không xảy ra tình trạng được mùa mất giá, sản xuất rất hiệu quả".

Thời gian đầu ở Israel, công việc chính của anh Hát là rải phân trên ruộng đất đã xử lý và đã cấy vi sinh. Dưới cái nóng 47-48OC của mùa hè Israel, việc rải phân một cách rất thủ công nhanh chóng làm người nông dân kiệt sức. 

Không chịu nổi sự vất vả đó, anh Hát đề nghị chủ trang trại Israel cho anh được nghỉ làm việc để chế tạo máy với cam kết sẽ sản xuất được chiếc máy có khả năng thay thế cho 15 con người.

2 ngày sau, chiếc máy được chế tạo thành công và bắt đầu áp dụng trên đồng ruộng Israel. Mặc dù đã nhìn thấy kết quả từ chiếc máy này, người chủ trang trại Israel vẫn muốn anh Hát tiếp tục cải tiến để hoàn thiện hơn khả năng làm việc của chiếc máy này. Máy rải phân đời thứ 2 và đời thứ 3 tiếp tục ra đời ngay sau đó. Anh Hát được thưởng số tiền tương ứng 200 triệu đồng và nâng lương.

Sau chiếc máy rải phân tự động, anh Hát đã cải tiến và sáng chế ra một số loại máy móc, công cụ lao động như: máy rải phân tự động, máy cắt rau tự động, máy dọn rau sau thu hoạch và bộ dao cắt hành tiện dụng.

Cũng từ thành công này, anh Hát bắt đầu tính đến việc trở về Việt Nam và quay trở lại con đường khởi nghiệp ngay trên quê hương mình. 

"Quyết định về của tôi cũng không dễ dàng vì phía Israel vẫn muốn giữ tôi làm việc, nâng thu nhập cùng nhiều ưu đãi khác. Ở Việt Nam, tôi vẫn còn nợ đến 3 tỷ đồng trong khi trong túi vẫn chưa tích luỹ được vì mới đi xuất khẩu lao động một thời gian ngắn. Tiếng xấu vỡ nợ vẫn còn sẽ gây khó khăn trong việc làm ăn. Nhưng tôi vẫn muốn về. Tôi đã từng làm chủ doanh nghiệp và tôi hiểu lần này tôi có thể làm được với ngành dọc là sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp Việt Nam", anh Hát chia sẻ.

Không ngừng sáng tạo

Đầu năm 2012, anh quyết định quay trở về nước và mở lại xưởng cơ khí. Anh đã tiếp tục tập trung nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực cơ khí nông nghiệp. Từ sự đam mê nghề nghiệp kết hợp với những kiến thức, kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình lao động tại Israel - một nước có nền nông nghiệp hiện đại, anh đã chế tạo ra bộ ép luống soi rạch trồng rau các loại và bộ ép luống chuyên dùng cho cà rốt. Đồng thời còn cải tiến một số bộ phận của máy làm đất như: chế tạo cày 02 lưỡi thay thế cho cày 01 lưỡi, cày 4 lưỡi thay thế cho cày 3 lưỡi mà công suất không thay đổi.

Thấy rõ hiệu quả, anh Hát đã tập trung vào sản xuất rồi cung ứng ra thị trường hàng trăm sản phẩm mỗi năm và được nông dân các tỉnh tin dùng. Từ hiệu quả của cày 2 lưỡi và cày 4 lưỡi đã giúp người nông dân đỡ vất vả, đồng thời nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sau đó, anh Hát tiếp tục nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy gieo hạt. Năm 2014, chiếc máy gieo hạt của anh lần đầu xuất hiện trên thị trường và lập tức được nhiều người tìm đến đặt mua. Anh gọi sản phẩm của mình là "Robot đặt hạt". 

Ưu điểm của máy là có thể điều chỉnh đặt hạt chính xác theo cự ly định sẵn. Một "Robot đặt hạt" của anh thay thế được cho 40 người làm việc. Vì thế, nếu có máy, gia đình không phải lo thuê lao động đặt hạt cho kịp thời vụ, mà còn chủ động thời gian gieo hạt, trồng trọt.

Sau hai năm nghiên cứu, chế tạo và hoàn thiện sản phẩm, đến nay, khoảng 200 robot đặt hạt thương hiệu "Phạm Văn Hát" đã được bán trên toàn quốc và 50 chiếc được xuất khẩu sang 14 nước với giá 2.500 USD/chiếc. Thương hiệu này cũng gắn với khoảng 30 loại máy nông nghiệp các loại khác.

"Với bà con nông dân Việt Nam, máy phun thuốc sâu và máy trồng đậu đỗ tự động là được bán nhiều nhất. Năm ngoái tôi đã trả hết nợ và mở rộng xưởng ra 200 mét vuông. Tôi đã qua được giai đoạn khó khăn nhất của mình rồi", anh Hát chia sẻ.

Tuy nhiên, không dừng lại ở thành quả này, nhà sáng chế Phạm Văn Hát muốn được mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa để có thể sản xuất hàng nghìn cái, đẩy mạnh các thị trường tiêu thụ thay vì chỉ ngồi chờ khách đến đặt hàng và làm theo yêu cầu. "Tôi muốn tìm được đối tác để cùng hợp tác đầu tư. Khi đó, chúng tôi có thể sản xuất hàng loạt, nhờ đó giá bán máy sẽ rẻ hơn và vừa túi tiền với bà con hơn", anh Hát bộc bạch. 

"Song không dễ tìm được đối tác có cùng chí hướng. Một số người đã gặp tôi và họ tính giá trị của doanh nghiệp tôi là 3 tỷ đồng tất tần tật mà không tính giá trị sáng chế, thương hiệu sản phẩm của tôi. Như vậy chưa hợp lý lắm nên tôi chưa đồng ý. Đây cũng là điểm yếu của người nông dân, tôi chưa biết làm như thế nào để định giá được sản phẩm và doanh nghiệp của mình. Rất cần có người chung tiếng nói để cùng đưa sản phẩm đến đông đảo bà con nông dân nước mình và tiếp tục cải tiến, sáng chế thêm nhiều máy móc mới hỗ trợ tốt hơn cho công việc đồng áng", anh Hát tâm sự.(Vneconomy)
--------------------------

Xử phạt 40 triệu đồng với Công ty Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 239/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên.

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 239/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên,cụ thể như sau:

 Phạt tiền 40 triệu đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 12 tháng.

Trước khi xử phạt CTCP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên, UBCK cũng ban hành các quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Kim Bài 85 triệu đồng, Công ty cổ phần chứng khoán Quốc tế Việt Nam 150 triệu đồng, Công ty cổ phần Kho vận Miền Nam 70 triệu đồng,...(Bizlive)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục