tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-12-2017

  • Cập nhật : 12/12/2017

Bitcoin vào danh sách những rủi ro thị trường lớn nhất năm 2018

Cơn sốt Bitcoin ngày càng nóng có thể đặt ra một rủi ro thực sự đối với thị trường tài chính toàn cầu trong năm 2018, theo một cảnh báo vừa được nhà băng hàng đầu châu Âu Deutsche Bank đưa ra.

Trang CNBC cho biết, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách toàn cầu của Deutsche Bank, ông Torsten Slok, đã gửi tới khách hàng một bản danh sách 30 rủi ro lớn nhất đối với thị trường tài chính trong năm 2018. Trong danh sách này có lạm phát gia tăng tại Mỹ, căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, và khả năng giá Bitcoin lao dốc.

Bitcoin đã trở thành một hiện tượng tài chính của năm 2017, khi giá của đồng tiền kỹ thuật số này thường xuyên tăng, giảm hàng nghìn USD trong vài giờ đồng hồ những ngày gần đây.

Với mức tăng giá của Bitcoin từ đầu năm đến nay là hơn 16 lần, ông Slok nói mức giá hiện nay của đồng tiền ảo này cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa lường hết được ảnh hưởng mà Bitcoin có thể có đối với thị trường tài chính.

"Tôi cho rằng đến lúc này thị trường tài chính vẫn cho đây là chuyện nhỏ", vị chuyên gia nói trong một cuộc trao đổi với CNBC. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng những cú tăng giảm chóng mặt của giá Bitcoin sẽ trở nên "hệ thống hơn" trong năm tới.

Nhiều nhà phê bình khác cũng lên tiếng về biến động giá Bitcoin trong những ngày gần đây.

Tuần trước, người dân chương trình Jim Cramer của "Mad Money" đã so sánh việc giao dịch Bitcoin với "một canh bạc khó hiểu ở casino, dường như chỉ có người thắng mà không có người thua. Các bạn thích điều đó ư? Nhưng tôi cho rằng điều đó sẽ thay đổi", ông Cramer nói.

Ông Slok nhấn mạnh rằng hiện đang có rất nhiều câu hỏi còn tồn tại xung quanh vấn đề quy chế giám sát Bitcoin và sự minh bạch về chính xác lượng Bitcoin mà các nhà đầu tư đang nắm giữ.(Vneconomy)
-------------------------------

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị kiềm chế tăng chi cho quỹ lương

Nguồn thu ngân sách ngày càng hạn hẹp nhưng chi tiêu công vẫn ở mức cao. Tổng chi tiêu công giai đoạn 2011 - 2015 chiếm 29,2% GDP, trong khi thu ngân sách trên GDP chỉ là 23,8%. Nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn tiếp tục như hiện nay thì nợ công của Việt Nam sẽ vượt trần (65% GDP) trong những năm tới.

Thông tin này được đưa ra tại buổi công bố báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, sáng ngày 11/12 do Ngân hàng Thế giới tổ chức.

Nguồn thu ngân sách tính trên tỉ trọng GDP suy giảm mặc dù số tuyệt đối vẫn tăng. Thu ngân sách trên GDP là 23,8%, tăng nhẹ so với vài năm trước, nhưng con số này vẫn thấp hơn mức trước khủng hoảng. Tỉ lệ huy động thu từ GDP cho Ngân sách Nhà nước giảm từ 26,4% giai đoạn 2006 – 2010 xuống 23,4% giai đoạn 2011 – 2015.

Nguồn thu giảm là do thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thuế đất và thu từ dầu thô giảm. Việc mở cửa và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới dẫn đến nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm. Nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng như cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất cũng tác động đến số thu trước mắt. Ngoài ra, giá dầu thế giới và sản lượng khai thác dầu thế giới giảm khiến giảm thu từ dầu thô.

Trong bối cảnh nguồn thu ngày càng hạn hẹp thì chi tiêu công tính trên GDP vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước và so với các nước trong khu vực. Tổng chi tiêu công của Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2015 chiếm đến 29,2% GDP, tăng nhẹ so với mức 28,9% trong giai đoạn 2006 – 2010. Tuy nhiên, tốc độ tăng chi của ngân sách nhà nước (theo giá thực tế bình quân) là 14,7% vào giai đoạn 2011 – 2015, giảm so với tốc độ 21,7% giai đoạn 2006 – 2010.

Xét về cơ cấu của chi tiêu công, tỉ trọng chi đầu tư suy giảm trong khi đó chi thường xuyên tăng. Chi thường xuyên chiếm khoảng 70% tổng chi trong thời kỳ 2011 – 2015, so với 63% thời kỳ trước đó. Tỉ trọng chi thường xuyên tăng đồng nghĩa với quỹ ngân sách cho chi đầu tư ngày càng thu hẹp.

Trong chi thường xuyên, Nhà nước đẩy mạnh chi cho an sinh xã hội. Tốc độ tăng chi an sinh xã hội (không kể tiền lương) tăng bình quân 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng thu và chi ngân sách. World Bank ghi nhận các quỹ an sinh xã hội đóng góp đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo. Tổng lợi ích mà người nghèo nhận được gồm các dịch vụ y tế, giáo dục và hưởng lợi từ các chương trình an sinh xã hội khác nhiều hơn số thuế mà họ phải nộp.

Ngoài ra, chi lương cho cả khối hành chính và sự nghiệp cũng đóng góp đáng kể vào tăng chi thường xuyên. Quỹ lương chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách. Trong giai đoạn 2009 – 2012, tỷ trọng chi lương so với GDP tăng từ 6,2% năm 2009 lên 7,3% năm 2012. Quỹ lương tăng nhanh cho hai yếu tố là biên chế và lương cơ sở.

Cho đến nay, lương cơ sở được điều chỉnh 8 lần do trượt giá và Chính phủ muốn tăng thu nhập cho khu vực công. Lương cơ sở và phụ cấp tăng khoảng 12%/năm.Biên chế của Việt Nam vẫn tăng nhanh và quy mô chưa tinh gọn, có năm số biên chế tăng đến 20% do các các địa phương đưa cán bộ xã và giáo viên mầm non vào biên chế. Tốc độ tăng biên chế còn cao hơn tốc độ tăng dân số (1,1%).

Mặc dù so sánh với quốc tế cho thấy tỷ lệ chi lương trong tổng chi của Việt Nam chưa quá cao nhưng xu hướng chi lương tăng nhanh cho thấy phải cẩn trọng. Ngân hàng Thế giới khuyến nghị kiềm chế tăng chi thường xuyên, đặc biệt là quỹ lương.

Chi đầu tư vẫn duy trì ở mức cao trong khu vực và trên thế giới, mặc dù giảm tỉ trọng trong tổng chi tiêu Chính phủ. Chi đầu tư từ ngân sách tăng từ 28,4% giai đoạn 2006 – 2010 lên 29,1% giai đoạn 2011 – 2015. Tỷ lệ chi đầu tư từ NSNN trên GDP là 9% cao hơn đáng kể so với Indonesia (3,3%), Hàn Quốc (4,2%) và Singapore (6,1%). Ngân sách Nhà nước chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp lớn vào đầu tư hạ tầng công cộng.

Mức độ phân cấp chi đầu tư từ trung ương xuống địa phương ở mức cao nhất thế giới. Cụ thể, chi đầu tư của địa phương chiếm khoảng 70% tổng chi đầu tư công. Mức phân cấp cao có thể biến các địa phương thành đầu tàu tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mức phân cấp quá nhanh có thể khiến nguồn lực bị dàn trải khi công tác phối hợp giữa các địa phương còn hạn chế. Các dự án ở địa phương hiện có quy mô khá nhỏ, trung bình khoảng 5 tỷ đồng.

Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank cho biết: "Nếu địa phương nào cũng muốn có sân bay, cảng hàng không, khu công nghiệp... và tính chất phối hợp giữa các địa phương còn yếu dẫn đến nguồn lực bị dàn trải, chưa đạt được hiệu quả tối đa của toàn thể quốc gia."

Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Việt Nam nên duy trì mức độ chi đầu tư để phục vụ tăng trưởng và phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng cần chú trọng tăng hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực này. (CafeF)
-------------------------

Facebook, Google đè quảng cáo truyền thống: Nộp thuế nhỏ giọt, xử lý thế nào?

Facebook, Google đè quảng cáo truyền thống: Nộp thuế nhỏ giọt, xử lý thế nào?

Ngành quảng cáo truyền thống tại Việt Nam đang có xu hướng “teo tóp” trước sự lấn sân của Facebook và Google, trong khi việc thu thuế của cả hai tập đoàn này vẫn còn là câu hỏi khó của cơ quan chức năng.

Mới trong giai đoạn khởi động

Hiện nay, không khó nhận ra mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn của Facebook, Google tới thị trường quảng cáo và kinh doanh qua mạng. Trong khi đó, việc thu thuế kinh doanh qua mạng hay thu thuế hoạt động truyền thông của các tập đoàn này mới ở giai đoạn khởi động bởi theo quy định, do Google và Facebook là tổ chức nước ngoài có nguồn thu nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam nên tổ chức chi trả có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế nhà thầu cho các đối tượng này.

Tuy nhiên, Google, Facebook quy định các khoản thu là sau thuế nên đã đẩy trách nhiệm nộp thuế sang các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam và khi thanh toán thông qua các đại lý, nếu muốn lấy chứng từ để đưa vào chi phí, các DN phải trả thêm một khoản thuế nhà thầu (gồm thuế thu nhập DN và thuế GTGT) khoảng 10% cho việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Google, Facebook tại VN. Do đó, không phải tất cả tổ chức đều nộp khoản thuế này, thay vào đó là hợp thức bằng chi phí khác.

Để ứng phó, trong lĩnh vực bán hàng online, vài tháng trước, ngành thuế đã vào cuộc để hướng dẫn hàng chục nghìn chủ tài khoản bán hàng trên Facebook đăng kí và kê khai thuế. Tuy nhiên, biện pháp này có vẻ chưa hiệu quả, bởi ngay sau khi nhận được yêu cầu từ cơ quan thuế, nhiều chủ shop online trên Facebook ngay lập tức chuyển hình thức kinh doanh sang Instagram, shoppee, zalo, youtube… và nhiều ứng dụng khác.

Ngay cả các trang hiện đang kinh doanh trên Facebook không niêm yết giá sản phẩm công khai mà chỉ cài chế độ trả lời “private” hoặc inbox riêng khi có khách hỏi. Thậm chí, một số shop từ chối không cho khách đến xem hàng tại nhà nữa mà khách nào ưng mua thì thuê shipper giao hàng cho khách chứ chủ shop cũng không lộ diện. Chính vì thế, cán bộ thuế cũng khó lòng kiểm tra được doanh thu để tính thuế.

Trong lĩnh vực quảng cáo truyền thông, việc quản lý thuế còn mông lung hơn.

Cần chế tài, tăng kiểm soát

Để thay đổi tình hình, tháng 11 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó có nêu nội dung đề nghị nhà cung cấp nước ngoài (như Google, Facebook,…) khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua 2 phương thức: Qua các đại lý tại Việt Nam và mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, các DN trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu, nhưng ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Khi thanh - kiểm tra thuế, cơ quan chức năng khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.

Bộ Tài chính thừa nhận, xác định doanh thu khi mà việc thanh toán dựa vào số lần nhấp chuột trả tiền không dễ dàng vì phải đối chiếu thông tin giữa 2 ngân hàng (của người mua/người bán) tham gia thanh toán trong điều kiện họ không phải là đối tượng nộp thuế trực tiếp và ngân hàng của công ty mạng cũng ở nước ngoài. Người mua dịch vụ của các tổ chức nước ngoài là cá nhân nên khó có cơ sở đề nghị khấu trừ thuế nhà thầu của tổ chức nước ngoài khi mua dịch vụ. Do đó, để quản lý thuế cần sửa đổi Luật Quản lý thuế để các bộ, ngành có cơ sở cùng vào cuộc.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa để cơ quan thuế có cơ sở kiểm soát doanh thu của các dịch vụ này, từ đó đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Một số chuyên gia cho rằng, động thái của Bộ Tài chính là cần thiết và thậm chí cần làm sớm hơn. Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn nhận định, muốn quản lý thuế các tập đoàn trên, trước hết phải sửa luật. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, việc thuyết phục các tổ chức này thanh toán qua cổng thanh toán nội địa sẽ không dễ dàng khi mà Facebook và Google chưa thành lập pháp nhân tại Việt Nam.

Còn TS, Luật sư Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight - cho rằng, ngoài việc điều chỉnh quy định hiện hành, Việt Nam còn cần đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” đã được Chính phủ phê duyệt, vì chỉ có thanh toán qua tài khoản ngân hàng thì các giao dịch mới có thể kiểm soát, từ đó chi cục thuế mới có cơ sở để kiểm tra.

Theo một số thống kê, doanh thu của Facebook tại thị trường Việt Nam hiện có thể lên đến 150 triệu USD/năm, tương đương hơn 3.000 tỉ đồng. Google đứng thứ 2 với 2.200 tỉ đồng (khoảng 100 triệu USD). Hai đơn vị này được nhận định đã chiếm khoảng 73% thị phần quảng cáo trực tuyến tại VN. (Laodong)
--------------------------

World Bank thay đổi quan điểm về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2017

Cầu trong nước, các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến đạt kết quả tốt tạo động lực tăng trưởng GDP, dự kiến đạt 6,7% trong năm 2017. Mức này cao hơn 0,4 điểm phần trăm mà Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi đầu tháng 10, sáu ngày sau báo cáo lạc quan của Tổng cục Thống kê.

Thông tin này được đưa ra tại Công bố báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, sáng ngày 11/12 do Ngân hàng Thế giới tổ chức.

Theo World Bank, sức cầu trong nước mạnh hơn, các ngành chế biến chế tạo và chế biến định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp đang từng bước phục hồi, là các yếu tố tạo động lực mới cho nền kinh tế Viện Nam tăng trưởng 6,4% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến chế tạo và dịch vụ lần lượt tăng trưởng 7,3% và 12,8% so với cùng kỳ.

World Bank dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt được 6,7% trong năm nay. Về trung hạn, tăng trưởng được dự báo ổn định ở mức 6,5%, lạm phát dự kiến vẫn ở mức thấp.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank cho biết: “Đà tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn được đẩy mạnh và thương mại toàn cầu đang hồi phục trong năm 2017”. Nguyên nhân là thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống. Theo đó, kinh tế Việt Nam có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định.

Lạm phát thấp và mức lương thực tế tăng giúp duy trì sức cầu trong nước và tiêu dùng ở mức cao. Đồng thời, kinh tế toàn cầu khởi sắc cùng trợ lực cho ngành nông nghiệp, các ngành chế tạo định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Số liệu của World Bank ghi nhận việc làm đã tăng với 1,6 triệu việc làm được tạo ra ở các khu vực công nghiệp chế biến chế tạo trong 3 năm qua. Bên cạnh đó, các khu vực khác như ngành xây dựng, bán lẻ, dịch vụ cũng góp 700.000 việc làm mới. Nhu cầu lao động tăng kéo theo lương tăng nhanh với mức 15% từ năm 2014 – 2016.

World Bank cũng nhấn mạnh ngành ngân hàng Việt Nam đã có nhiều tiến triển trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn tồn tại, ví dụ như tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng chưa được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh tín dụng cao.

Bên cạnh đó, tình hình tài khoá đang được thắt chặt hơn, dẫn đến bội chi ngân sách giảm và tốc độ tăng nợ công được kiềm chế. Tuy nhiên, cắt giảm đầu tư công xuống còn 16% tổng chi trong 6 tháng đầu năm 2017 khiến cho World Bank lo ngại sẽ ảnh hưởng về dài hạn khi Việt Nam vẫn cần nhiều đầu tư cho hạ tầng.

Ngoài ra, cải cách cơ cấu chậm cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi hiện nay, nhất là khi tốc độ tăng đầu tư đang yếu đi. Theo World Bank, tăng khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu là hướng đi để nâng cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank cho biết cải cách cơ cấu vẫn là ưu tiên trọng tâm của Việt Nam trong điều kiện tăng trưởng năng suất chưa cao. Theo ông, trên cơ sở những tiến triển đạt được, Việt Nam có thể tiếp tục nâng tốc độ tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng và hạ tầng cần có, đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và DNNN.

Trước đó, hồi tháng 10, World Bank cũng đưa ra nhận định tương tự ADB, cho rằng kinh tế Việt Nam chỉ đạt được mức là 6,3%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với kỳ vọng phía Việt Nam.

Về trung hạn, World Bank nhận định tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định quanh mức 6,4% trong giai đoạn 2018–2019 đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô nói chung, thấp hơn báo cáo ngày hôm nay 0,1 điểm phần trăm.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục