Doanh nghiệp mất tiền tỷ vì những chi phí “râu ria”; Gỡ khó cho doanh nghiệp vào TP HCM; WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết thách thức đô thị hóa nhanh; Tăng lương cho giáo viên: Tính khả thi rất thấp
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 11-12-2017
- Cập nhật : 11/12/2017
Cắt lỗ tới nửa tỷ đồng vẫn chưa bán được nhà
Chủ đầu tư mạnh tay giảm một phần tư giá nhà khiến nhiều nhà đầu tư thứ cấp chấp nhận cắt lỗ mà cũng không bán được nhà.
Ở nhiều dự án, chủ đầu tư tung các chương trình khuyến mại, giảm giá lớn khiến nhà đầu tư thứ cấp phải bán cắt lỗ.
Anh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) mua một căn hộ ở dự án tại Bắc Từ Liêm hồi giữa năm ngoái để đầu tư, chờ đến khi bàn giao sẽ bán chốt lời. Tuy nhiên, càng gần đến ngày bàn giao, chủ đầu tư lại tung các chương trình bán hàng khuyến mại khủng khiến anh khó chốt lời.
"Chủ đầu tư chiết khấu có căn tới hơn 23% giá bán, tặng vàng, khuyến mại phí dịch vụ, tiện ích, cùng với đó là chương trình trúng ôtô trị giá vài trăm triệu, sổ tiết kiệm ... Điều đó khiến những nhà đầu tư thứ cấp dù muốn bán bằng giá lúc mua cũng khó chứ chưa nói gì đến lãi", anh Tuấn nói. Với mức chiết khấu trừ thẳng vào giá bán, tương đương với mỗi căn hộ, chủ đầu tư phải giảm giá gần một phần tư so với mức giá dự kiến.
Anh còn cho biết, cũng đầu tư căn hộ giống như của anh, một số nhà đầu tư đang phải rao bán mức cắt lỗ từ 100-200 triệu đồng nhưng cũng khó cạnh tranh được với chính sách bán hàng và giá bán của chủ đầu tư. Chính vì thế, một số nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ tới 300-500 triệu với những căn diện tích rộng trên 100m2.
Đang là giai đoạn thị trường sôi động nhất trong năm, song do nguồn cung trên thị trường hiện khá dồi dào nên thanh khoản ở một số dự án căn hộ cũng kém. Tại dự án anh Đức đang "ôm" hàng, chủ đầu tư đã vừa phải chuyển nhượng toàn bộ một tòa cho đơn vị thứ cấp.
Khi mới ra mắt thị trường cuối năm 2016, một dự án trên đường Lê Văn Lương được ấn định giá bán từ 26 đến 32 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, dự án có vị trí xấu nên thanh khoản kém. Có thời điểm, trong một tháng chỉ có khoảng 10 căn hộ được giao dịch. Một thời gian sau, giá bán được chủ đầu tư giảm từ 4-5 triệu đồng mỗi m2, tương đương mỗi căn hộ giảm từ 300-400 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện thanh khoản của dự án vẫn không được cải thiện trong bối cảnh thị trường cuối năm sản phẩm mới dồn dập được tung ra thị trường.
Chủ đầu tư giảm mạnh giá khiến những nhà đầu tư thứ cấp với mục đích lướt sóng gặp nhiều khó khăn trong chốt lời, thậm chí có trường hợp phải bán lỗ. Cụm từ "bán cắt lỗ" được rao nhiều cùng với các dự án sắp bàn giao. Trong số này, có những căn hộ người bán đăng tin nhiều lần với mức giá liên tục giảm.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EZ Việt Nam cho biết, so với những giai đoạn khác trong năm, quý IV vẫn là thời điểm thanh khoản tốt nhất và năm nay cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo ông, so với cùng kỳ năm ngoái, giao dịch năm nay có dấu hiệu giảm nhẹ khoảng 15%.
Ông cũng cho hay, thị trường có sự phân hóa, chuyển dịch rõ rệt giữa phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân. Nếu như năm ngoái, cuối năm, nhiều dự án cao cấp vẫn được chủ đầu tư tung ra thị trường thì năm nay, số lượng dự án trong phân khúc này giảm đáng kể và thực tế thanh khoản cũng giảm. Trong khi đó, số dự án có giá dưới 25 triệu đồng mỗi m2, vị trí tốt giao dịch khả quan và người mua thường là có nhu cầu thực.
Chính vì thế, lãnh đạo EZ Việt Nam cũng cho hay, tình trạng cắt lỗ của nhà đầu tư thứ cấp xuất hiện chủ yếu ở những dự án cao cấp và số ít là trung cấp nếu tòa nhà nằm ở vị trí xấu, hoặc chủ đầu tư ấn định giá bán chưa chính xác. Ông Toản nhận định thị trường những tháng cuối năm tình trạng này vẫn tiếp diễn bởi để bán hàng ở giai đoạn cao điểm, các chủ đầu tư sẵn sàng áp dụng những chính sách khuyến mại lớn mà nhà đầu tư thứ cấp không làm được. (Vnexpress)
-------------------------
Gần 24.000 tỷ đồng vốn đầu tư cam kết vào Đồng Tháp
Đó là thông tin do ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp chia sẻ trong chương trình Xúc tiến đầu tư và thương mại của tỉnh Đồng Tháp được tổ chức ngày 9/12 tại TP.HCM.
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đề ra danh mục dự án kêu gọi đầu tư gồm 33 dự án trên các lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, dự án phát triển hạ tầng thương mại…
“Dự kiến sẽ có 21 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư và 16 dự án ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 23.885 tỷ đồng”, ông Châu nói và cho biết, các hoạt động này sẽ là điểm nhấn quan trọng của “Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đồng Tháp 2017” sẽ được tổ chức ngày 19/12 tới đây.
.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Online – baodautu.vn, ông Châu cho biết, đây là “trái ngọt” của sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh Đồng Tháp từ đầu năm đến nay trong thu hút đầu tư. Trong số các dự án sẽ được trao quyết định chủ trương đầu tư tới đây, đáng chú ý là các dự án: Dự án trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup; Dự án chế biến các sản phẩm từ thịt của nhà đầu tư Austraylia; Dự án chế biến sâu sản phẩm từ xoài Đồng Tháp của nhà đầu tư Đài Loan…
Trước đó, ngày 4/12, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư phát triển điện mặt trời trên diện tích mặt nước tại huyện Tam Nông của Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng (có trụ sở tại Hà Nội). Dự án này sử dụng diện tích 18,85 ha với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, công suất thiết kế là 13 MW, tổng vốn đầu tư 312 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động từ quý 3/2019.
Nhân dịp này, từ ngày 9 đến 11/12 đã diễn ra chương trình Xúc tiến đầu tư và thương mại tỉnh Đồng Tháp tại TP.HCM với các hoạt động: Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm khởi nghiệp của Đồng Tháp; giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư và các dự án kêu gọi đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp; đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp với các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, du lịch, logistics; gặp gỡ giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp TP.HCM và các doanh nghiệp khởi nghiệp Đồng Tháp …(Baodautu)
---------------------------
Tiêu thụ ô tô khó đạt mức tăng trưởng 10%
Với doanh số bán hàng 11 tháng qua đạt 244.670 xe các loại, dự báo sức tiêu thụ toàn thị trường ô tô Việt Nam năm 2017 không bằng năm 2016 chứ chưa nói đến việc tăng trưởng ít nhất 10% như dự báo ban đầu.
Ngày 9/12, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô trong tháng 11 vừa qua đạt 24.752 xe, tăng 13% so với tháng trước sau nhiều tháng sụt giảm doanh số.
Trong tổng doanh số bán hàng trên, có 12.774 xe du lịch, tăng 6%; 10.310 xe thương mại, tăng 15% và 1.465 xe chuyên dụng, tăng 65% so với tháng trước.
Xét về xuất xứ xe, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 17.697 xe, tăng 14% và sản lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.055 xe, tăng 10% so với tháng trước.
Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh ở cả ba phân khúc xe du lịch, thương mại và chuyên dụng trong tháng qua, nhưng vẫn chưa thể giúp thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng hơn so với các năm trước.
Tính chung tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô 11 tháng của năm 2017 chỉ đạt tổng cộng 244.670 xe các loại, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, phân khúc xe du lịch giảm 12%, xe thương mại giảm 5% và xe chuyên dụng giảm 15%.
Cũng xét về xuất xứ xe, trong 11 tháng qua doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 19% trong khi xe nhập khẩu tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giới chuyên doanh, mặc dù trong tháng 11 các hãng đồng loạt giảm giá bán xe, có những mẫu xe giảm giá đến vài trăm triệu đồng đã phát huy tác dụng kích cầu.
Tuy nhiên, so với dự báo của VAMA sức tiêu thụ của thị trường ô tô năm 2017 sẽ tăng ít nhất 10% so với năm 2016 là hoàn toàn bất khả thi.
Kết thúc năm 2016 với tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 304.427 xe ô tô các loại, tăng 24% so với năm 2015 và đã xác lập kỷ lục doanh số mới trong 20 năm qua, VAMA dự báo doanh số năm 2017 sẽ tăng ít nhất 10% so với năm 2016.
Thế nhưng, thời gian gian còn lại của năm 2017 chỉ còn tính bằng ngày nên doanh số bán trong cả tháng 12 này dù là bước vào mùa mua sắm cao điểm cuối năm nhưng cũng khó có thể đạt được doanh số của năm 2016 chứ chưa nói đến dự báo của VAMA.
Đặc biệt, từ tháng 11 vừa qua đến nay, nhiều hãng xe đã điều chỉnh giá bán xe theo hướng có lợi hơn cho người tiêu dùng, đồng thời công bố bảng giá xe cho năm 2018 cũng tạo điều kiện cho khách hàng lựa chọn thời điểm mua xe có lợi nhất.
Điển hình trong việc điều chỉnh giá này là đầu tháng 11 Toyota Việt Nam công bố giá bán lẻ mới cho năm 2018 với các mẫu xe lắp ráp trong nước và áp dụng luôn trong tháng.
Theo đó, mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam là Vios có mức giảm cao nhất đến 58 triệu đồng, dòng xe đa dụng bán chạy nhất của Toyota tại Việt Nam là Innova cũng được giảm đến 50 triệu đồng; dòng sedan Corolla cũng có mức giảm từ 24 triệu đến 31 triệu đồng, tùy từng phiên bản.
Sau Toyota Việt Nam, ngày 21/11, Hyundai Thành Công cũng công bố giá bán lẻ mới và giảm từ 20 triệu đến 40 triệu đồng cho mẫu bán chạy nhất của hãng là Grand i10 đồng thời áp dụng luôn bảng giá này cho năm 2018. Không dừng lại ở đó, đầu tháng 12 này, Hyundai Thành Công tiếp tục công bố giá bán lẻ mới cho cả 3 phiên bản Elantra với mức giảm từ 66 đến 80 triệu đồng, giá xe chỉ còn từ 549 triệu đồng (đã bao gồm thuế VAT).
Không nằm ngoài cuộc chơi, Nissan Việt Nam cũng vừa điều chỉnh giá bán hai dòng xe lắp ráp trong nước là X-Trail và Sunny với mức giảm đến 127 triệu đồng và áp dụng bảng giá cho năm tiếp theo để khách hàng có thể lựa chọn thời điểm mua xe hợp lý. Việc giảm giá này ít nhiều cũng đã giúp khách hàng mua xe ngay được hưởng lợi...
Không như Toyota và Hyundai Thành Công hay Nissan, từ tháng 11 vừa qua, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) giảm giá bán gần như hầu hết các dòng xe Kia và Mazda đến hết năm 2017, đồng thời công bố giá bán năm 2018 với mức giảm thêm tương đương.
Cụ thể, Thaco giảm giá cho hàng loạt mẫu xe “ăn khách” là Kia Morning, Kia Rio, Kia Cerato với mức giảm từ 5 triệu đến 25 triệu đồng, sang năm 2018 cũng có mức giảm tương đương. Tương tự, các mẫu xe Mazda2, Mazda3, Mazda6 và BT-50 cũng có mức giảm từ 10 triệu đến 25 triệu đồng kể từ ngày công bố và từ năm 2018 cũng có mức giảm gần tương đương, tùy vào mẫu xe và phiên bản...
Theo giới chuyên doanh, sau nhiều tháng liên tiếp trồi sụt, doanh số tiêu thụ của toàn thị trường ô tô tháng vừa qua tăng 13% so với tháng trước một phần do chính sách liên quan đến ô tô đã được thể hiện rõ hơn nên người tiêu dùng đã có thể quyết định thời điểm mua xe không còn chờ đợi chính sách như trước đây.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất và phân phối cũng đã mạnh tay giảm giá bán xe đến hàng trăm triệu đồng để chạy doanh số cuối năm, đồng thời công bố giá xe năm 2018, nhiều người tiêu dùng đã chớp cơ hội này mua luôn xe cũng giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, với việc doanh nghiệp công bố giảm giá bán xe trong năm nay và giá cho cả năm 2018 theo xu hướng giảm thêm cũng khiến khách hàng điều kiện kinh tế chưa thật dôi dư chờ đợi sau ngày 1/1/2018 mới quyết định mua xe cũng góp phần giảm doanh số nhẹ ở một số mẫu xe giảm giá này...
Sau 11 tháng, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô đạt 244.670 xe các loại. So với doanh số bán hàng của cả năm 2016 là 304.427 xe và tính theo chu kỳ báo cáo bán hàng hàng, thời gian còn lại của năm 2017 chỉ còn một tháng nữa là kết thúc nhưng vẫn còn thiếu tới gần 60.000 xe mới bằng doanh số của năm trước.
---------------------------------
Reuters: Việt Nam đang dần trở thành nước nhập khẩu ròng dầu thô
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil đã ký hợp đồng với 2 công ty thương mại phương Tây để mua dầu thô, các quan chức BSR cho biết vào ngày 8.12.
SOCRAR Trading sẽ cung cấp 3 triệu thùng dầu thô Azeri Light và 2 triệu thùng các loại dầu thô khác một tháng cho nhà máy lọc dầu Dung Quất của BSR trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2021.
Glencore Singapore sẽ cung cấp 2 triệu thùng dầu mỗi tháng cho Dung Quất trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2021, và cho biết thêm rằng nguồn cung có thể tăng lên 3 triệu thùng/tháng trong giai đoạn 2021-2025.
Đây là khối lượng tối đa mà 2 công ty sẽ cung cấp cho các nhà máy lọc dầu của Việt Nam, Giám đốc Điều hành BSR của ông Trần Ngọc Nguyên nói với Reuters.
Ông Quek Chin Thean, Giám đốc Điều hành Glencore Singapore, cho biết trong lễ kýkết thỏa thuận rằng nhu cầu dầu thô đang tăng mạnh ở châu Á, và đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Reuters nhận định Việt Nam đang dần trở thành nước nhập khẩu dầu thô ròng khi sản lượng giảm và công suất lọc dầu của nước ta tăng lên.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị BSR, ông Nguyễn Hoài Giang, nói với các phóng viên Reuters bên lề lễ ký kết rằng: "Việc ký kết các thỏa thuận sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai nhằm bù đắp cho sự sụt giảm của sản lượng dầu thô nội địa.”
Sản lượng dầu thô của Việt Nam đã giảm 10,6% trong 11 tháng đầu tiên của năm nay xuống khoảng 273.000 thùng/ngày (bpd). Việt Nam đã đặt mục tiêu sản xuất hơn 290.000 thùng/ngày.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang lọc khoảng 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, hay 130.000 thùng /ngày. Tuy nhiên, các quan chức cho biết công suất sản xuất sẽ tăng lên 8,5 -9 triệu tấn/năm vào năm 2021, hay 170.000 - 180.000 thùng/ngày.
Theo dữ liệu của Thomson Reuters, Việt Nam đã nhập khẩu 4 triệu thùng dầu thô Azeri từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, thì từ đầu năm tới hết tháng 11.2017, Việt Nam nhập khẩu 1,18 triệu tấn dầu thô (tăng 171% so với cùng kì năm ngoái) và xuất khẩu 6,26 triệu tấn dầu thô (giảm 1% so với cùng kì năm ngoái).
Công ty Lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP), nhà máy lọc dầu thứ hai của Việt Nam, dự kiến sẽ khởi công tại khu phức hợp có thể lọc 200.000 thùng /ngày vào năm 2018.(NCĐT)
-------------------------