tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 04-12-2017

  • Cập nhật : 04/12/2017

13/13 chỉ tiêu Quốc hội đưa ra đều đã đạt và vượt kế hoạch

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2017 của Chính phủ diễn ra ngày 1/12/2017, các thành viên Chính phủ đã tập trung phân tích diễn biến tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2017 cũng như đề ra các biện pháp chỉ đạo điều hành trọng tâm trong tháng 12 và năm 2018.

thu tuong nguyen xuan phuc chu tri phien hop chinh phu thuong ky thang 11/2017. anh: vgp/quang hieu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong 11 tháng qua, đã có nhiều sự kiện lớn của đất nước diễn ra, trong đó, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII thành công với sự tham gia chủ động của các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Năm APEC 2017 với trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao diễn ra từ ngày 5-11/11/2017 tại Đà Nẵng, được nhiều đại biểu từ các nền kinh tế đánh giá cao.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế - xã hội đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, 13/13 chỉ tiêu mà Quốc hội đưa ra đều đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định; Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,13%, bình quân tăng 3,61%; Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao, 11 tháng tăng 9,3%; Vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh; Sau 11 tháng, có 116.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 41,9%...

Mặc dù, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2017, tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ không được chủ quan; Tiếp tục tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn diện mục tiêu đề ra. “Các bộ, ngành liên quan xem xét, chốt lại các vấn đề quan trọng trong điều hành để thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện kế hoạch, nhất là thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội đề ra.” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu thực hiện nghiêm lộ trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong đó có thoái vốn của Sabeco, Habeco và một số doanh nghiệp nhà nước lớn khác…); Chủ động nắm bắt thông tin, nhất là sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu để có phản ứng, đối sách kịp thời.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh; Chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh tình trạng cắt giảm bớt các điều kinh doanh nhưng lại “mọc giấy phép con”; Tiếp tục triển khai các dịch vụ hành chính điện tử, giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh. 

Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Tại phiên họp, Thủ tướng cũng định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết 01 năm 2018 với mục tiêu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2018 theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng…(TCTC)
----------------------------

Việt Nam trúng thầu xuất khẩu hơn 11 ngàn tấn gạo sang Hàn Quốc

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, TCty Nông thủy sản và Thương mại Thực phẩm Hàn Quốc vừa tổ chức mở thầu mua 118.889 tấn gạo lứt. 4 quốc gia trúng thầu gồm Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ và Úc.

Theo đó, Việt Nam được trao thầu 11.111 tấn gạo lứt hạt ngắn; Trung Quốc 80.000 tấn gạo lứt hạt ngắn; Úc 10.000 tấn gạo lứt hạt trung bình; Mỹ 17.778 tấn gạo lứt hạt trung bình. Hàn Quốc đang dự tính mua nhiều hơn do thu hoạch giảm.(NN)
------------------------------------

Xác định mức tăng trưởng cho TPHCM trong năm 2018

Sáng 2/12, các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường.

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp liên quan đến việc tăng trưởng kinh tế TP năm 2018; đồng thời thảo luận các vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.Gắn việc tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức với việc tinh giản biên chế

dien mao tphcm ngay cang phat trien hien dai. (anh: quoc thanh).

Diện mạo TPHCM ngày càng phát triển hiện đại. (Ảnh: Quốc Thanh).

Theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, HĐND TP được quyền quyết định bố trí ngân sách TP chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP do HĐND TP quy định.

Trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề xuất TPHCM cần nghiên cứu sớm để tập trung thực hiện ngay cơ chế tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức. Để việc triển khai một cách đồng bộ và khả thi cần gắn việc tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức với việc tinh giản biên chế.

Theo Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM Lê Nguyễn Minh Quang, chủ trương tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức đã tạo được sự phấn khởi, kỳ vọng và đây là bước đột phá của TP trong tổ chức nhân sự. Đồng thời cũng là cơ hội để TP nhìn lại quy trình, quy chế về tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá các cán bộ, công chức.

Một số ý kiến cho rằng, quy trình đánh giá cán bộ hiện nay vẫn chưa tạo được động lực, phát huy năng lực cũng như nhiệt huyết làm việc của cán bộ, công chức cũng như chưa thu hút được nhân tài. TP cần sớm có một chuyên đề đánh giá về tổ chức tuyển dụng và đánh giá cán bộ.

Cũng về công tác này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP cho rằng, ngoài vấn đề chuyên môn nghiệp vụ thì đạo đức công vụ cũng là rất quan trọng, vì vậy cần chú trọng rèn luyện đạo đức công vụ để có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ có phẩm chất, làm việc hiệu quả.

xac dinh muc tang truong cho tphcm trong nam 2018

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Lê Trung).

Phân tích kỹ để xác định chỉ tiêu tăng trưởng

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của TP trong năm 2018. Nhiều ý kiến thống nhất với mức tăng trưởng 8,3% - 8,5% trong năm 2018 được Ban cán sự Đảng UBND TP trình lên hội nghị xem xét, thảo luận. PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, mức tăng trưởng của TP khoảng 8,3% - 8,5% trong năm 2018 là hợp lý vì khi quy mô kinh tế lớn thì việc tăng trưởng được 1% là điều rất khó khăn. Để đạt mức độ tăng trưởng tốt TP phải rà soát quy hoạch đô thị, xóa đi những bất hợp lý; đồng thời triển khai nhiều giải pháp khác.

Cho rằng năm 2017 tốc độ tăng trưởng kinh tế TP đạt mức 8,25% (năm 2016 là 8,05) là một nỗ lực đáng ghi nhận, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải đề xuất mức tăng trưởng cho năm tới là 8,4% - 8,6%. “Có nhiều cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng này, trong đó có chỉ số chứng khoán tăng cao nhất từ 2008 tới nay và TP đang thực hiện tiếp Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020” - đồng chí Phạm Đức Hải khẳng định.

Bàn về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của TP, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Lê Nguyễn Minh Quang nhìn nhận: Chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2017 từ 8,4-8,7% là rất cao. Khi xác định chỉ tiêu tăng trưởng phải xác định “ngư trường” nào là trọng tâm. Nếu 2018, TP xác định mức tăng trưởng là 8,3-8,5% phải xác định được những trọng tâm, dư địa những lĩnh vực nào cần tập trung thực hiện thì mới có thể đạt được mục tiêu đưa ra.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, con số tăng trưởng 8,3% hay 8,5% là rất quan trọng, phải tính toán một cách cụ thể không thể nói chung chung. Ngoài yếu tố vốn, lao động, công nghệ thì vai trò của quản lý rất quan trọng trong quyết định sự tăng trưởng. “Cần phân tích kỹ để xác định chỉ tiêu tăng trưởng vì chỉ tiêu được Hội nghị Thành ủy quyết định là rất quan trọng để UBND cố gắng thực hiện. Chúng ta không tuyệt đối hóa chỉ số GRDP nhưng chỉ tiêu này có tính định hướng cho công tác lãnh đạo, điều hành của UBND TP” – đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.(VOH)
------------------------

Ngân hàng Nga tăng tuyệt đối dự trữ vàng

Nỗ lực đạt mục tiêu chính trị của Tổng thống Putin, Ngân hàng Nga tăng dự trữ vàng ở mức tuyệt đối.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đang tăng trữ lượng vàng của nước này để đạt được mục tiêu mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra nhằm hạn chế các rủi ro về địa chính trị, theo RT.

Phó Chủ tịch Thứ nhất của CBR - ông Sergey Shvetsov khẳng định thông tin này trong một hội nghị về kim loại quý ở Moscow.

muc du tru vang tang lien tiep cua nga cho toi thang 11/2017.

Mức dự trữ vàng tăng liên tiếp của Nga cho tới tháng 11/2017.

"Dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Putin, Ngân hàng Nga đã tăng dự trữ vàng lên mức tuyệt đối trong chương trình dự trữ vàng và tiền tệ nhiều năm qua" - ông Sergey Shvetsov nói.

Tới tháng 11/2017, Nga đã có 1.801 tấn vàng dự trữ, chiếm 17,3% tổng trữ lượng vàng trên cả nước. Nga hiện là chủ sở hữu vàng lớn thứ 6 trên thế giới, sau Mỹ, Đức, Ý, Pháp và Trung Quốc.

Thông báo của Ngân hàng Trung ương Nga dự trữ số lượng vàng có giá trị 73,6 tỷ USD, trong khi con số năm ngoái là 65,6 tỷ USD.

Mức dự trữ đã liên tục tăng. Từ tháng 1-9/2017, Nga đã mua vào 130.634 kg vàng trị giá 5 tỷ USD, cao gấp 15% so với lượng mua cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu của Gold.org cho thấy, kể từ khi ông Putin nắm giữ chức vị Tổng thống, trữ lượng vàng của Nga đã tăng đáng kể, tăng hơn 500% so với mức 343 tấn ở thời điểm chuyển giao quyền lực.

Sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea trong quý I năm 2014, Nga đã tăng dự trữ vàng lên gần 75% trong quý sau.

Mua vàng làm cho một quốc gia ít bị tổn thương trước các ý định địa chính trị.

Ông Shvetsov cho biết: "Tôi sẽ không phải lo lắng về tình hình địa chính trị, mọi người thông minh đều hiểu được giá trị vàng trong việc đảm bảo an ninh tài chính và kinh tế của đất nước".

Matthew Turner, chuyên gia phân tích kim loại của Tập đoàn Macquarie tại London cho hay: "Vàng là một tài sản độc lập với bất kỳ chính phủ nào, và có hiệu lực với những gì thường được dự trữ trong bất kỳ chính phủ phương Tây nào".

"Điều này sẽ giúp Nga phản kháng lại các biện pháp trừng phạt tài chính" - ông Turner nói.

Ông Gabriel Rubinstein, chuyên viên tư vấn tài chính, cựu đại diện Ngân hàng Trung ương Argentina và cựu Giám đốc điều hành Sở Giao dịch chứng khoán của Buenos Aires phân tích chiến lược của Tổng thống Putin trước nỗ lực dự trữ vàng.

"Một đất nước bắt đầu tích lũy vàng được hình thành dựa trên sự hình dung của nhà lãnh đạo về chiến lược và phòng thủ, phòng ngừa trước trường hợp nếu mâu thuẫn khó giải quyết giữa các quốc gia, khi đồng tiền có thể bị mất giá trị bản thể của nó" - chuyên gia Gabriel Rubinstein giải thích.

"Nga cho rằng trữ vàng tốt hơn là trữ USD. Giả sử Nga tích rất nhiều USD, và Mỹ muốn gây thiệt hại cho Nga thì người Mỹ chỉ việc dùng đồng USD làm phương tiện thao túng và chi phối hành động của những nước dùng đồng tiền đó" - vị chuyên gia lấy ví dụ.

neu quan he giua my va nga tot dep, thi toc do mua vang cua nga se cham lai.

Nếu quan hệ giữa Mỹ và Nga tốt đẹp, thì tốc độ mua vàng của Nga sẽ chậm lại.

Do đó, tốt hơn hết, hãy cứ chọn vàng - thứ sẽ tạo thành cơ sở của bất kỳ loại tiền tệ hoặc bất kỳ vật có giá trị tài sản nào khác trong tương lai.

"Đây là nguồn lực tài chính vĩnh cửu có giá trị hiện thực hơn khi so sánh với những tài sản được dự trữ khác" - ông Gabriel nhận định.

Ông Anton Tabakh, Giáo sư Đại học Kinh tế Quốc gia Nga nhận xét: “Nếu quan hệ giữa Mỹ và Nga tốt đẹp, thì tốc độ mua vàng của Nga sẽ chậm lại. Tuy nhiên, nếu quan hệ giữa 2 quốc gia ngày càng xấu đi, thì Nga sẽ đẩy mạnh mua vàng để phòng ngừa rủi ro”.

Giới chuyên gia dự báo đến năm 2020, dự trữ vàng của Nga sẽ đạt mức khoảng 2.103 tấn.

“Với tốc độ mua vàng như hiện nay, chỉ trong khoảng 4- 5 năm nữa, Nga sẽ sở hữu lượng vàng dự trữ vượt xa Pháp và Italia, trở thành quốc gia có dự trữ vàng lớn thứ 4 hoặc thứ 5 thế giới” - ông David Marsh, Chuyên gia của MarketWatch, nhận định.(Baodatviet)

Trở về

Bài cùng chuyên mục