Tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ, ngân hàng nào hưởng lợi?; Asean Deep Value Fund kiện, tòa án yêu cầu Apec Invest dừng nhiều nội dung trong nghị quyết ĐHCĐ; Công bố 9 Nghị quyết của Quốc hội; Tín dụng sẽ không dùng hết "room", cả năm có thể chỉ tăng trưởng 18 - 19%
Tin kinh tế đọc nhanh 12-12-2017
- Cập nhật : 12/12/2017
Làn sóng Việt Kiều Mỹ mua bất động sản tại Việt Nam tăng cao
Bà Liễu Nguyễn – Đại sứ Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, lượng kiều hối ở Việt Nam khá là cao, Việt Kiều Mỹ cũng rất quan tâm đến việc sở hữu bất động sản tại quê nhà.
Tại hội thảo "Thị trường Bất động sản Việt Nam 2017 - 2018: Toàn cảnh & Dự báo" ngày 9/12, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, thị trường bất động sản có sự phát triển tương đối tốt.
Để dẫn chứng, ông Lực cho biết, trong năm số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng mạnh. Trong 11 tháng năm 2017, có 4.500 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập mới, tăng 60% về số doanh nghiệp và số vốn, tăng 18,6% về lao động); 155.300 doanh nghiệp xây dựng thành lập mới (tăng 9% về số vốn và 28% về vốn).
Về quy mô vốn cũng tăng mạnh, từ mức khoảng 20 tỷ đồng/doanh nghiệp trước đây lên đến 68 tỷ đồng/doanh nghiệp trong năm 2017. Mức độ minh bạch thông tin đang cải thiện với số doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng từ 11 doanh nghiệp lên đến gần 60 doanh nghiệp hiện nay.
“Kết quả kinh doanh khả quan. Hết tháng 9/2017, doanh nghiệp bất động niêm yết có doanh thu tăng 40%, lợi nhuận tăng 6%. Thị trường, giá cả tăng từ 5-10% ở các phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ khép kín, căn hộ để bán, mặt bằng bán lẻ...”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
“Tôi cho rằng, thị trường bất động sản năm 2018 có lẽ vẫn tiếp tục đà khả quan”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Cũng đánh giá rất tốt về thị trường BĐS Việt Nam, bà Liễu Nguyễn – Đại sứ Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, lượng kiều hối ở Việt Nam khá là cao, Việt Kiều Mỹ cũng rất quan tâm đến việc sở hữu bất động sản tại quê nhà.
"Tuy nhiên, các vấn đề, quy định về tài chính và luật sở hữu đã gây nhiều khó khăn với việc này. Cụ thể như việc họ phải nhờ một người khác trong nước đứng tên hộ tài sản của mình để dễ dàng sở hữu một căn hộ ở quê hương", Bà Liễu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với bà Liễu, ông Chow Chee Fan - Giám đốc điều hành Gamuda Việt Nam cũng nêu ra các nhận định với tư cách đại diện các chủ đầu tư nước ngoài. Theo ông, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Singapore, Mỹ,… đã có sự quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc.
Ông Chow Chee Fan cũng cho biết thêm các đầu tư ngoại đang e ngại về thị trường Việt Nam bởi hiện nay quy định về luật sở hữu nhà đất ở Việt Nam chưa rõ ràng, chặt chẽ. Ông cho biết, ở các nước khác, luật sở hữu nhà ở được quy định rất rõ ràng và dễ thực thi, tuy nhiên ở Việt Nam thì vẫn còn nhiều bất cập.
Đánh giá về thị trường BĐS năm 2018, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group cho biết trong 2 đến 3 năm tới, thị trường bất động sản sẽ toàn cầu hóa thực sự, người Việt Nam sẽ dễ dàng đi mua nhà ở nước ngoài và ngược lại - người nước ngoài cũng sẽ mua nhà nhiều hơn tại nước ta.
“Việc xuất khẩu bất động sản sẽ diễn ra ngay tại chỗ, doanh nghiệp sẽ thu được ngoại tệ từ chính các khách hàng cá nhân nước ngoài chứ không phải qua hình thức đầu tư FDI nữa”, ông Phạm Thanh Hưng cho hay (Infonet)
-----------------------------
Truy thu thuế của 200 đối tác Grab
Cục Thuế TP Hà Nội vừa yêu cầu Chi cục thuế các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát các doanh nghiệp đối tác của Công ty TNHH Grabtaxi.
Theo đó, Cục Thuế TP Hà Nội nhận được văn bản của Cục Thuế TP.HCM cung cấp thông tin doanh thu chia sẻ Grabcar cho đối tác năm 2015, 2016 của Công ty TNHH Grabtaxi.
Trong đó, tại TP Hà Nội có 200 doanh nghiệp thuộc quản lý của các Chi cục thuế quận, huyện, thị xã. Vì vậy, Cục Thuế TP Hà Nội yêu cầu các Chi cục thuế kiểm tra việc xuất hóa đơn; rà soát, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ thuế (kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN) của 200 doanh nghiệp đối với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Grab taxi.
Bên cạnh đó, rà soát, đôn đốc việc khấu trừ, kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp thay cho cá nhân khi thanh toán thu nhập cho các cá nhân tham gia kinh doanh vận tải theo quy định.(PLO)
-------------------------
Một lượng tiền lớn vừa được Ngân hàng Nhà nước bơm trở lại thị trường
Sau cao điểm hút về cuối tháng 11, trong tuần qua, thị trường ghi nhận dòng tiền khá lớn được Ngân hàng Nhà nước bơm trở lại hệ thống, thông qua kênh tín phiếu.
Cụ thể, trong tuần từ 4-8/12, dù Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục gọi thầu tín phiếu để hút tiền cân đối, nhưng lượng đáo hạn lớn khiến lượng bơm ròng trở lại hệ thống ở mức cao.
Tổng lượng tín phiếu chào thầu tuần qua 29.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, được các tổ chức tín dụng hấp thụ 28.500 tỷ đồng với lãi suất 0,60%/năm. Nhưng trong tuần có tới 55.900 tỷ đồng tín phiếu đến hạn.
Theo đó, tính đến cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tới 34.100 tỷ đồng trên kênh tín phiếu.
Với lượng bơm ròng trên, khối lượng tín phiếu lưu hành để hút bớt tiền về đến cuối tuần qua đã giảm xuống còn 21.800 tỷ đồng.
Trước đó, cao điểm đến ngày 30/11/2017, tổng lượng tiền hút về qua số dư tín phiếu lưu hành từng lên tới 65.200 tỷ đồng - cao nhất kể từ đầu năm.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên sử dụng công cụ tín phiếu, phát hành để hút bớt tiền về, như một trong những biện pháp trung hòa tác động của nguồn tiền đưa ra mua ngoại tệ.
Sau mức mua ròng khoảng 7 tỷ USD từ đầu năm đến trung tuần tháng 11, Ngân hàng Nhà nước vẫn rải rác tiếp tục mua vào thời gian gần đây.
Giá USD giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng tuần qua cũng ở sát mốc 22.710 VND - mốc giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào từ đầu tháng 10/2017 đến nay.(Vneconomy)
------------------------
Xử vụ sàn vàng ảo Khải Thái: Kỷ lục về số bị hại được triệu tập
Sau 3 tháng tạm hoãn để điều tra bổ sung, sáng nay 11/12 TAND TP.Hà Nội xét xử trở lại vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 BLHS với các đối tượng thuộc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái).
Trong vụ án này, bị cáo Hsu Minh Jung (tức Saga, quốc tịch Đài Loan, nguyên TGĐ Công ty Khải Thái cùng 6 đồng phạm gồm: Phan Kiện Trung (SN 1984, trú tại phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội); Nguyễn Mạnh Linh (SN 1987, trú tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, nguyên GĐ Công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái); Đoàn Thị Luyến (SN 1987, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên GĐ phụ trách chi nhánh Charmvit, Công ty Khải Thái); Tăng Hải Nam (SN 1975, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội, nguyên GĐ phụ trách chi nhánh Lotte, Công ty Khải Thái); Đinh Thị Hồng Vinh (SN 1985, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên GĐ phụ trách CN Plaschem Công ty Khải Thái); Trịnh Hoàng Bình (SN1975, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên Kế toán trưởng Công ty Khải Thái).
Các bị cáo (đứng) trong lần xét xử trước đó.
Trước đó, trong các ngày từ 21-23/8/2017, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và đã triệu tập tổng số 717 bị hại đến Tòa. Đây là số lượng bị hại kỷ lục được TAND TP.Hà Nội triệu tập đến phiên tòa. Tuy nhiên, trong quá trình diễn ra xét xử, vẫn có thêm một số bị hại đến trình báo tại Tòa về việc đã bị Công ty Khải Thái lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức huy động vốn thông qua hình thức ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng tài khoản. Đây cũng là lý do khiến HĐXX phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Trong quá trình tiến hành điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã thống kê số bị hại trong vụ án này hiện là 724 người với số tiền mà Hsu Ming Jung (Saga) cùng các đồng phạm chiếm đoạt gần 270 tỷ đồng. Trong thời gian từ tháng 12/2012 - 9/2014 Saga đã chỉ đạo thuộc cấp dùng nhiều hình thức quảng cáo không đúng sự thật để tư vấn cho các khách hàng là người Việt Nam ký hợp đồng ủy thác đầu tư, rồi sau đó chiếm đoạt tiền của họ.
Bằng thủ đoạn nêu trên, công ty đã thu của 1.586 khách hàng với tổng số tiền hơn 501 tỷ đồng, trong đó tiền của khách hàng chơi vàng tài khoản là gần 10,5 tỷ đồng, của khách hàng gửi tiền ủy thác đầu tư là trên 490 tỷ đồng. Công ty Khải Thái đã trả cho khách hàng gần 178 tỷ đồng, còn lại số tiền hơn 323 tỷ đồng.
TAND TP.Hà Nội cho biết đến nay chỉ có 724 bị hại đến trình báo đã ký Hợp đồng ủy thác đầu tư với tổng số tiền trên 287 tỷ đồng. Công ty Khải Thái đã trả lãi cho khách hàng hơn 18 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt của 724 bị hại này là gần 270 tỷ đồng. Trong phiên tòa xét xử này, số khách hàng còn lại chưa đến trình báo sẽ không được xem xét, đảm bảo quyền lợi. Nếu những khách hàng này có yêu cầu bồi thường phát sinh thì sẽ được xem xét theo một trình tự khác.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong khoảng 10 ngày.(Infonet)