tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 12-12-2017

  • Cập nhật : 12/12/2017

Tháng 1-2018: Xử Trầm Bê, Phạm Công Danh và Huyền Như

Được biết trong tháng 1-2018, TAND TP.HCM sẽ đưa hai đại án ngân hàng ra xét xử.

Thứ nhất là vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank Chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ( Huyền Như giai đoạn 2). Thứ hai là vụ Trầm Bê (nguyên phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh). Trầm Bê và 43 bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Phạm Công Danh giai đoạn 2).

Giải quyết hai đại án này là Chánh Tòa Hình sự TAND TP Phạm Lương Toản và Phó Chánh Tòa Hình sự Huỳnh Anh Kiệt. Cả hai vụ án đều do VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố rồi ủy quyền cho VKSND TP.HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

Được biết vụ án Huyền Như sẽ được xét xử trước vào đầu tháng và tiếp theo là vụ Phạm Công Danh công tác chuẩn bị xét xử đang được tiến hành. Dự kiến vụ Phạm Công Danh sẽ xét xử kéo dài đến cận tết Nguyên đán.

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, năm 2014, TAND TP kết luận Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng của nhiều khách hàng và phạt Như tù chung thân về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt 1.300 tỉ đồng của năm công ty vì có dấu hiệu tham ô tài sản.

Đầu năm 2017, TAND TP dự kiến xử giai đoạn 2 đại án này song tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi của Như và đồng phạm có dấu hiệu tham ô tài sản. Đến nay, VKSND Tối cao tiếp tục giữ quan điểm truy tố Như và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

bi cao huyen nhu trong dai an chiem doat 4.000 ti sau do cap phuc tham huy mot phan an de dieu tra xet xu lai

Bị cáo Huyền Như trong đại án chiếm đoạt 4.000 tỉ sau đó cấp phúc thẩm huỷ một phần án để điều tra xét xử lại

Còn trong vụ Trầm Bê và Phạm Công Danh, tháng 9-2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên thành VNCB), Phạm Công Danh đã đưa người vào tiếp quản, điều hành mọi hoạt động của VNCB. Phạm Công Danh còn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống vay vốn để rút tiền sử dụng trong khi VNCB đang bị NHNN đưa vào diện kiểm soát.

bi cao pham cong danh tai dai an 9.000 ti giai doan 1

Bị cáo Phạm Công Danh tại đại án 9.000 tỉ giai đoạn 1

Do có mối quan hệ quen biết, Trầm Bê và thuộc cấp đã giúp sức cho Phạm Công Danh rút tiền của VNCB thông qua tiền gửi của VNCB tại Sacombank để trả nợ thay cho sáu công ty do Phạm Công Danh thành lập, điều hành. Vì sáu công ty của Phạm Công Danh không trả được tiền, Sacombank đã cấn trừ các khoản tiền gửi của VNCB. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỉ đồng.

Cạnh đó, Phạm Công Danh và đồng phạm dùng tiền gửi của VNCB tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) để bảo lãnh, trả nợ thay cho 11 công ty, mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty TNHH MTV Trung Dung do Phạm Công Danh thành lập, điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỉ đồng.

Ngoài ra, Phạm Công Danh còn dùng tiền gửi của VNCB tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để bảo lãnh, trả nợ thay cho 12 công ty do mình thành lập, điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng.

Cần nhắc lại, trong giai đoạn 1 của đại án này, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã xác định Phạm Công Danh chỉ đạo thuộc cấp dùng các công ty do mình thành lập ký hợp đồng khống, rút tiền từ VNCB để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng... Hai cấp tòa đã phạt Phạm Công Danh 30 năm tù về các tội cố ý làm trái…, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. (PLO)
---------------------------------

Ngân hàng cần thêm một lát cắt thân hữu?

Thị trường đang đón loạt giao dịch giảm bớt sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng. Và dù ít được đề cập đến, tín dụng chéo cũng là một dòng chảy đáng chú ý.

Một tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam nóng lên với một phần hiệu ứng từ kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn.

Ở lĩnh vực ngân hàng, hoạt động thoái vốn, giảm sở hữu lẫn nhau cũng bắt đầu sôi động.

Ngay trong tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lần lượt thoái vốn thành công, bán hết 13,2 triệu cổ phần của Ngân hàng Sài gòn Công thương (Saigonbank); bán hết 6,6 triệu cổ phần của Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng.

Theo kế hoạch, dự kiến Vietcombank sẽ tiếp tục lần lượt thoái vốn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Quân đội (MBB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho đến đầu năm 2018.

Ngày 29/11 vừa qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã có bước đi đầu tiên trong yêu cầu phải thoái vốn tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Cụ thể, với giao dịch bán gần 5 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, tỷ lệ sở hữu của Eximbank tại đây đã giảm từ 9,16% xuống 8,887%. Để đảm bảo yêu cầu quy định trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, Eximbank sẽ phải tiếp tục bán thêm lượng lớn cổ phiếu STB thời gian tới.

Eximbank thoái vốn tại Sacombank cũng là một trong hai trường hợp sở hữu chéo còn lại giữa các tổ chức tín dụng, đang tiếp tục được xử lý.

Và tính từ năm 2011, khi bắt đầu quá trình tái cơ cấu hệ thống giai đoạn 1 (2011-2015), đến nay cơ bản tình trạng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, giữa các ngân hàng thương mại đã và đang được cắt gọn (trong đó có những trường hợp xử lý qua sáp nhập, hợp nhất); các trường hợp sở hữu còn lại được xem như đầu tư đơn thuần và dưới giới hạn quy định.

Trong khi đó, một lát cắt thân hữu khác, bên cạnh sở hữu chéo, là tín dụng chéo vẫn chưa được đặt ra một cách cụ thể như một vấn đề đáng chú ý hay không. Ngay cả khái niệm "tín dụng chéo" cũng ít được đề cập đến trong các dòng chảy thông tin thời gian qua.

Đó là, tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có bóng dáng của các ông chủ, bà chủ, trực tiếp và gián tiếp (qua những người, tổ chức có liên quan) có tỷ lệ sở hữu cổ phần lớn. Những ông chủ, bà chủ này lại trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu, làm chủ tại các doanh nghiệp khác (chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản).

Tín dụng chéo được nhìn nhận ở tình huống: những doanh nghiệp đó vay chéo giữa các ngân hàng, như "trao đi - đổi lại" các dự án vay vốn giữa các ông chủ, bà chủ để tránh các quy định về hạn chế ngân hàng cho vay cổ đông nội bộ, người có liên quan.

Tình huống tín dụng chéo ở đây sẽ trở thành vấn đề đáng chú ý, nếu có quan hệ thân hữu, "trao đi - đổi lại" giữa các ông chủ, bà chủ, gắn với rủi ro nới lỏng điều kiện thẩm định và chất lượng tín dụng. Và nếu có tiềm ẩn rủi ro trong tình huống này, lát cắt tương tự như với sở hữu chéo đối với tín dụng chéo cùng cần được đặt ra.

Trong một chuyển động mới, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/11 vừa qua, cũng đã bước đầu tác động đến tình huống trên: nhiều ông chủ, bà chủ tới đây sẽ buộc phải lựa chọn giữa vị trí lãnh đạo, điều hành ngân hàng hoặc doanh nghiệp, thay vì được kiêm nhiệm.

Theo đó, các đầu tàu cá nhân chịu trách nhiệm vay và cho vay trong tín dụng chéo tới đây, dù có thể có phần danh nghĩa, cũng sẽ dần có thay đổi. (Vneconomy)
---------------------------------

5 năm cổ phần hóa 530 doanh nghiệp: Không phản ánh chân thực bức tranh CPH, thoái vốn

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiệu quả, cần hướng tới mục tiêu doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu sở hữu hỗn hợp. Cùng đó, cần chấp nhận giải tỏa những quan ngại của nhà đầu tư về việc sở hữu thực quyền khi cổ phần hóa.

Chưa bán xong đã lo tan thương hiệu

Còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2017, song danh sách các doanh nghiệp nhà nước bán vốn, cổ phần hóa với quy mô lớn vẫn còn khá dài. Cách đây ít ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa tại một loạt công ty con của PVN, trong đó có Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), nhà cung cấp điện lớn thứ hai tại Việt Nam với vốn điều lệ lên đến 21.774 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 33.550 tỷ đồng.

Theo phương án được đưa ra, PVN chỉ còn nắm giữ 51% vốn điều lệ. Số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược chiếm gần 29%. Nếu tính từ đầu năm đến nay, kế hoạch cổ phần hóa của PV Power đã thay đổi rất nhiều. Trong một kế hoạch công bố vào tháng 4/2017, PV Power cho biết, dự kiến bán 4% số cổ phiếu cho công chúng và người lao động, bán 45% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, và thu về 600-700 triệu USD.

Một thương vụ bán vốn đình đám khác thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư chính là việc bán cổ phần tại Sabeco, doanh nghiệp lớn nhất ngành rượu bia Việt Nam vào ngày 18/12 tới đây, số lượng cổ phần chào bán lên tới hơn 343 triệu cổ phần. Số tiền dự kiến sẽ thu về cho nhà nước qua thương vụ này, nếu bán được hết, lên tới gần 110 nghìn tỷ đồng.

Dù việc mua bán chưa diễn ra nhưng đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, việc mua cổ phần của Sabeco chắc chắn giúp các nhà sản xuất bia có tên tuổi của nước ngoài nhanh chóng mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc bán vốn tại Sabeco sẽ đối mặt tình trạng thị trường bị thâu tóm. Lý do là các tỷ phú nước ngoài khi sẵn sàng chi ra hàng tỷ USD thì họ không chỉ thuần túy thâu tóm một doanh nghiệp, một vài doanh nghiệp mà là thâu tóm một thị trường, khống chế một thị trường, chi phối các hệ thống phân phối như trong lĩnh vực bán lẻ, bánh kẹo... Trong thực tế, rất nhiều ngành kinh doanh của Việt Nam đã rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài và nguy cơ các thương hiệu Việt tầm vóc quốc gia sẽ còn tiếp tục biến mất ngày càng rõ nét khi mà yêu cầu thoái vốn bức thiết.

Cần phá “vòng kim cô” của Nghị định 91

Chia sẻ về những bế tắc của việc thoái vốn, cổ phần hóa DNNN tại hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, ông Tony Foster, Luật sư điều hành hãng luật Freshfields Bruckhaus Deringer LLP (có văn phòng tại Việt Nam) cho rằng, cần giải quyết nhiều điểm nút trong cổ phần hóa và thoái vốn thì mới mong thúc đẩy được

tiến trình.

Lý giải việc hàng loạt thương hiệu lớn của nhà nước (như MobiFone, PV Oil, Vinachem, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Vietcombank, Habeco, Vinamilk) chật vật nhiều năm không bán được vốn, theo ông Tony Foster, xuất phát từ những khác biệt quan trọng trong quản trị. Theo đó, các giao dịch bán cổ phần chiến lược của các DNNN không hiệu quả vì giá bán thường quá cao, chưa kể tỷ lệ chào bán nhỏ trong khi quy trình bán bị đánh giá không minh bạch. Đi kèm đó là tài sản và các quyền chưa rõ ràng. Trong đó, trở ngại lớn nhất trong các giao dịch thoái vốn nhà nước chính là quy định về thỏa thuận giá bán của Nghị định 9/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

“Các nhà đầu tư chiến lược thường kỳ vọng sẽ mua được số lượng cổ phần lớn để có tiếng nói quyết định tại DN mà họ bỏ vốn đầu tư. Tuy nhiên, Nghị định 91 lại có những điều khoản hạn chế, ràng buộc về chuyển nhượng cổ phần. Những điểm quan trọng khác như giá niêm yết cao, khối lượng bán ít… chỉ phù hợp với những nhà đầu tư tài chính ngắn hạn”, ông Tony Foster phân tích.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nếu đánh giá về mặt số lượng thì thành tích hơn 530 DN được cổ phần hóa trong 5 năm qua là con số không tồi. Tuy nhiên, thành tích này lại không phản ánh đầy đủ và chân thực bức tranh cổ phần hóa, thoái vốn nhìn từ góc độ tái cơ cấu nền kinh tế. “Với tỷ lệ nắm giữ 8% vốn nhờ cổ phần hóa, các DN tư nhân trên thực tế bị loại khỏi quyền tham gia điều hành chứ chưa nói đến quyền chi phối DN. Đó là lý do giải thích vì sao DN tư nhân ít mặn mà với việc mua DNNN. Sự sôi động của quá trình cổ phần hóa thực chất chỉ nhờ các hoạt động đầu cơ mang tính trục lợi đối với tài sản DNNN được bán ra do việc định giá lỏng lẻo có chủ đích”, ông Thiên phân tích.

Về lo ngại mất thương hiệu nội sau khi bán vốn, dẫn câu chuyện cổ phần hóa một trong những ông lớn ngành bia rượu của Việt Nam là Sabeco, Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương ông Trương Thanh Hoài cho rằng, một trong những điều khiến các nhà đầu tư phải “nát óc” khi tính toán bỏ vốn đầu tư vào Sabeco chính là tỷ lệ sở hữu và vốn đầu tư bị đẩy lên quá cao trong thời gian qua. Với mức giá chốt 320.000 đồng/cổ phần của Sabeco, nhà đầu tư phải bỏ ít nhất với số tiền hơn 6 tỷ đồng để có thể “đặt chân” mua “gói tối thiểu” 20.000 cổ phần vốn nhà nước tại tổng công ty được mệnh danh “con gà đẻ trứng vàng” ngành bia rượu. Còn nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu tới 247.470.409 cổ phần vốn nhà nước (tương ứng 38,59% vốn điều lệ của Sabeco), số tiền cần và đủ lên tới xấp xỉ 80 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền khổng lồ với bất cứ một tập đoàn tài chính nào. (tienphong)
---------------------------

Trung Quốc bắt đầu "dòm ngó" tới hàng may mặc Việt Nam

"Trước đây chúng ta toàn nhập nguyên liệu, sản phẩm may mặc Trung Quốc nhưng năm 2017, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu được sản phẩm may mặc vào thị trường Trung Quốc, dự kiến từ năm 2018 trở đi sẽ xuất được nhiều hơn" – ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – Vitas, cho biết như vậy.

Theo ông Giang, thị trường Trung Quốc bắt đầu tiêu thụ sản phẩm may mặc Việt Nam, bao gồm cả mặt hàng sợi, vải và sản phẩm thành phẩm như áo jacket, sơ mi.

Số liệu của Vitas cho thấy xuất khẩu sang Trung Quốc đang chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may. Trung Quốc đang là thị trường rất tiềm năng, mặt hàng sợi xuất từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc đang được hưởng thuế suất 0% nhờ Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, trong khi sợi từ các thị trường khác như Ấn Độ, Pakistan xuất sang Trung Quốc phải chịu thuế 3% – 5%.

Ngoài ra, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đang đàm phán giữa ASEAN và 6 nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Úc, New Zealand cũng mở ra cơ hội lớn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc vào Việt Nam lớn nhất, do có lợi thế giá rẻ và vị trí địa lý thuận lợi.

 Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng Công ty May Việt Tiến. Ảnh: Tấn Thạnh

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng Công ty May Việt Tiến. Ảnh: Tấn Thạnh

Cũng theo Vitas, mặc dù gặp nhiều thách thức do hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP dừng lại gây ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất nhập khẩu từ cuối năm 2016 đầu năm 2017 nhưng từ quý II/2017 đã có những chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu cả năm toàn ngành dự kiến sẽ đạt trên 31 tỉ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong năm 2017, các doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực mở rộng thị trường, khai thác thêm thị trường mới; nhiều nhà đầu tư, nhà mua hàng không chỉ từ những thị trường truyền thống mà ở những thị trường mới cũng đã xúc tiến làm việc với Vitas, tìm cơ hội hợp tác làm ăn trong lĩnh vực này với doanh nghiệp Việt Nam.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục