Thu hút nhà đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Tín dụng 11 tháng tăng 15,3%, cho vay tiêu dùng tiếp tục "nóng"; Tencent 'bao vây' các hãng công nghệ lớn của Mỹ; TP.HCM: Xem xét tăng thuế rượu, bia, thuốc lá
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 04-12-2017
- Cập nhật : 04/12/2017
3 hình thức vay nợ của chính quyền địa phương
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 đã làm rõ hơn các điều kiện chính quyền địa phương được vay trong nước, vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) nêu rõ, chính quyền địa phương được vay nợ để bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).
Tuy nhiên, vay cho bù đắp bội chi của ngân sách địa phương chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Mức dư nợ vay của chính quyền địa phương được đảm bảo theo quy định của pháp luật về NSNN. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được trực tiếp vay nước ngoài.
Chính quyền địa phương có thể vay qua 3 hình thức: Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước; Vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; Và vay từ các nguồn tài chính khác trong nước theo quy định của pháp luật về NSNN.
So với Luật Quản lý nợ công năm 2009, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã làm rõ hơn các điều kiện vay của chính quyền địa phương. Cụ thể, vay trong nước để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, thuộc danh mục đầu tư công trung hạn của chính quyền địa phương đã được cấp có thẩm quyền quyết định;
Thứ hai, có kế hoạch vay theo từng nguồn vốn để đầu tư theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công;
Thứ ba, trường hợp vay thông qua phát hành trái phiếu, Đề án phát hành trái phiếu phải được lập và thẩm định theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu;
Thứ tư, trị giá khoản vay, khoản phát hành trái phiếu phải trong mức dư nợ vay và bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về NSNN.
Để được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, chính quyền địa phương phải đáp ứng các điều kiện: Có chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; Chương trình, dự án đầu tư có sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; Không có nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài quá hạn trên 180 ngày.
Bên cạnh đó, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm đề nghị vay lại không vượt quá mức dư nợ vay của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về NSNN; Ngân sách địa phương cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn.(TCTC)
-----------------
Việc làm liên quan đến bitcoin tăng gấp 9 lần
Bloomberg trích dữ liệu từ các trang mạng xã hội định hướng nghề nghiệp cho biết phần trăm các bài đăng tải tuyển việc làm liên quan đến bitcoin trên trang LinkedIn tăng hơn chín lần trong ngành dịch vụ tài chính, và tăng hơn 4,6 lần trong ngành công nghiệp phần mềm ba năm qua. Dù số việc làm liên quan đến tiền ảo trong ngành dịch vụ tài chính tăng mạnh hơn, 70% việc làm có liên quan đến tiền ảo vẫn gắn chặt với ngành phát triển phần mềm.
Giá bitcoin tăng đến 11 lần trong năm nay, đi từ đam mê của nhóm người yêu thích công nghệ sang chủ đề nóng trong dịp lễ Tạ ơn vừa qua, khi giá tăng chóng mặt. Ngày càng có nhiều người liệt kê “tiền ảo” là một kỹ năng trên trang LinkedIn. Hiện tại, số hồ sơ liệt kê kỹ năng này tăng 28 lần so với cách đây bốn năm. Dù vậy, người lao động không liệt kê cụ thể kỹ năng về tiền ảo mà họ có.
Xu hướng này thể hiện rõ tại hội nghị tiền ảo đầu tiên dành cho nhà đầu tư tổ chức diễn ra vào tuần này ở Manhattan, thành phố New York (Mỹ). Nhiều nhà tài chính và phân tích quy tụ về khách sạn nơi diễn ra sự kiện để thảo luận về tương lai tiền ảo. Dù chịu nhiều chỉ trích và hoài nghi nhưng bitcoin đang trở thành nguồn lợi nhuận lớn đến mức Phố Wall khó lòng bỏ qua.
James Schneider, nhà phân tích của Goldman Sachs, cho biết trong thông báo gửi đến khách hàng sau khi tham dự hội nghị trên, rằng tiền ảo đã đi từ sở thích của những nhà công nghệ sang chủ đề của những người giàu, các hãng đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư nhỏ lẻ.
“Một số nhà quản lý quỹ đầu tư dự báo rằng nguồn tiền và các nhà đầu tư tổ chức truyền thống có thể bắt đầu tham gia vào thị trường trong hai năm tới, song lưu ý rằng thị trường có nhiều thách thức đáng kể liên quan đến cơ cấu và quy định cần phải vượt qua”, ông Schneider viết.(Thanhnien)
------------------------
Phó TGĐ Petrolimex làm Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại
Sau gần một năm rưỡi đảm nhiệm vị trí Phó tổng Giám đốc Petrolimex, ông Vũ Bá Phú được giao công tác tại Cục Xúc tiến thương mại ở vị trí Cục trưởng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX-HoSE) mới đây đã có thông báo về việc Bộ Công Thương bổ nhiệm có thời hạn đối với ông Vũ Bá Phú, Đại diện phần vốn Nhà nước, Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Petrolimex.
Theo đó, ông Phú sẽ đảm nhận vị trí Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại. Ông Vũ Bá Phú được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính, xếp bậc 3/8, hệ số lương 5,08 với thời gian xét nâng bậc lương được tính kể từ 1/3/2016. Ngoài ra, ông được hưởng lương phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 1.0.
Trước khi đảm nhận vị trí Phó Tổng giám đốc Petrolimex từ ngày 1/7/2016, ông Vũ Bá Phú cũng đã đảm nhận nhiều vị trí tại các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương.
Cụ thể, từ năm 2000-2007, ông là chuyên viên và sau đó là Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương. Từ tháng 10/2007 đến tháng 09/2012, ông chuyển sang Cục Quản lý cạnh tranh với vị trí Phó Cục trưởng. Sau khoảng thời gian làm Vụ trưởng - Tham tán Công sứ, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại EU - Bỉ, ông trở lại Vụ Kế hoạch đảm nhận vị trí Vụ trưởng từ tháng 12/2015 đến tháng 6/2016.
Nhiều thay đổi đã diễn ra tại các vị trí lãnh đạo cấp cao Petrolimex thời gian gần đây. Cuối tháng 10 vừa qua, tập đoàn này đã bổ nhiệm ông Phạm Đức Thắng - đại diện vốn nhà nước, ủy viên HĐQT, Phó tổng Giám đốc - làm Tổng giám đốc. Ông Đào Nam Hải cũng mới được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc tập đoàn từ ngày 1/10.(NDH)
----------------------
Việt Nam có nên mua điện có điều kiện từ Lào và Campuchia?
Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho năng lượng tái tạo trong nước để không phải hao phí về đường truyền tải, tạo an ninh năng lượng không bị phụ thuộc nước ngoài.
Ngày 2/11, tại thành phố Cần Thơ, Chương trình Kết nối lưu vực Mekong bao gồm Trung tâm Stimson phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Việt Nam, Trường đại học California Benkeley và Học viện Ngoại giao đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề "Vai trò tiềm năng của quy hoạch nước và năng lượng ở cấp độ hệ thống trong việc gìn giữ Đồng bằng sông Cửu Long."
Vấn đề được các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế quan tâm thảo luận nhiều nhất tại buổi tọa đàm đó là Việt Nam có nên mua điện có điều kiện từ Lào và Campuchia như theo đề xuất của các tổ chức quốc tế.
(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)
Theo gợi ý của ông Brian Eyler, của Trung tâm Stimson, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Lào và Campuchia để thúc đẩy lập kế hoạch cấp khu vực đầu tư vào năng lượng tái tạo và mua bán điện xuyên biên giới.
Việt Nam cần tăng cường mua điện từ Lào và Campuchia để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam, giảm phát thải cácbon nhờ giảm nhu cầu xây dựng thêm các nhà máy điện than, tăng cường cơ hội đầu tư của Việt Nam tại Lào và Campuchia, tăng cơ hội việc làm và hợp tác quốc tế.
Việc đầu tư mua điện từ Lào và Campuchia sẽ làm giảm số lượng các đập thủy điện sẽ phát triển trong tương lai tại khu vực sông Mekong, giảm đáng kể các nguy cơ về sinh thái, xã hội và chính trị đối với Việt Nam và giảm sức ép lên Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo ông Brian Eyler, vì nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng hàng năm từ 10-12% và lượng điện tiêu thụ đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay, Việt Nam là quốc gia hạ nguồn không còn khả năng phát triển thủy điện.
Việt Nam cần phải đầu tư vào Lào và Campuchia với tỷ trọng tương đương như Thái Lan và Trung Quốc và cần tận dụng cơ hội này để nổi lên như quốc gia đi đầu khu vực về phát triển bền vững....
Gợi ý của ông Brian Eyler đã vấp phải sự phản ứng của các nhà khoa học, nghiên cứu của Việt Nam.
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội giảm sử dụng năng lượng rất nhiều nếu như được cải tạo cơ sở hạ tầng đường truyền tải điện đang bị lạc hậu sẽ tạo ra nguồn năng lượng rất lớn.
Đồng thời, hiện nay Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế xanh nhiều hơn là nền kinh tế "bêtông cốt thép" như trước đây, đặc biệt là sau hội nghị của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững vào cuối tháng 9 vừa qua tại Cần Thơ theo định hướng phát triển xanh thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời Chính phủ cũng đang chỉ đạo triển khai lắp đặt thí điểm hệ thống điện năng lượng mặt trời ở một số địa phương cho thấy rất có hiệu quả.
Thay vì mua điện từ Lào, theo ông Thiện, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho năng lượng tái tạo trong nước để không phải hao phí về đường truyền tải, tạo an ninh năng lượng không bị phụ thuộc nước ngoài.
Và sắp tới Việt Nam vẫn phải tiếp tục đi theo con đường của thế giới là tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo vì đây sẽ là nguồn năng lượng chính của nhân loại trong thế kỷ 21.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, giá bán điện của Lào cho Việt Nam không hề rẻ hơn giá bán điện cho Thái Lan hiện nay, trong khi ước tính chi phí làm đường dây truyền tải điện từ Lào về Việt Nam là từ 10.000 đến 15.000 USD/km đường dây.
Ở những vùng hiểm trở thuộc dãy Trường Sơn thì chi phí này còn cao hơn. Ngoài ra, để làm đường dây tải điện từ Lào về Việt Nam thì nhiều cánh rừng sẽ tiếp tục bị tàn phá và việc bảo dưỡng cho đường truyền tải sẽ rất tốn kém, rủi ro rất lớn.
Theo ông Tuấn, Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều điều kiện, triển vọng để phát triển khai thác nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối để giảm bớt tác động, phục vụ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, thủy sản của vùng...(Vietnam+)