tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-08-2017

  • Cập nhật : 02/08/2017

PMI Việt Nam giảm còn 51,7 điểm trong tháng 7

muc cai thien yeu hon so voi cuoi quy ii.nguon anh: tgvn.com.vn

Mức cải thiện yếu hơn so với cuối quý II.Nguồn ảnh: tgvn.com.vn

Theo Nikkei, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã giảm từ mức 52,5 điểm trong tháng 6 xuống còn 51,7 điểm trong tháng 7.

Như vậy, sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam đã ta ở mức vừa phải trong tháng vừa qua, và đây là mức cải thiện yếu hơn so với cuối quý II, khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng chậm hơn.

Mức tăng sản lượng trong tháng 7 là yếu nhất trong 9 tháng qua. Tuy vậy, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng liên tục kể từ tháng 12/2015 và tăng mạnh trong tháng 7. Tình trạng tương tự được ghi nhận đối với số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài.

PMI Viet Nam giam con 51,7 diem trong thang 7

Với việc số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn sản lượng, lượng công việc tồn đọng đã tăng và tồn kho hàng thành phẩm giảm khi hàng lưu kho được sử dụng để đáp ứng các đơn đặt hàng mới.

Trong khi đó, tốc độ tạo thêm việc làm chỉ thay đổi một chút so với tháng 6. Chi phí đã tăng chậm lại thành mức yếu nhất trong hơn một năm, trong khi các thành viên nhóm khảo sát đã giảm giá cả đầu ra tháng thứ ba liên tiếp.(NCĐT)
-------------------------------

“Tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau”

Với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn có sự liên kết, chia sẻ cơ hội và giới thiệu cho nhau những nhà đầu tư mà tỉnh bạn có lợi thế, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau...

“Tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gõ búa thể hiện sự đoàn kết thống nhất cao tại Diễn đàn VPSF 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết như vậy khi phát biểu kết luận tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2017 ngày 31/7.

Tại Diễn đàn do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe các ý kiến cũng như trực tiếp đối thoại, trả lời những vấn đề doanh nghiệp quan tâm trong ba lĩnh vực về kinh tế số, nông nghiệp và du lịch.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho rằng, những kết quả khảo sát niềm tin của doanh nhân lần đầu tiên được Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam thực hiện trong phiên họp này đã cho thấy những tín hiệu khả quan khi niềm tin của nhà đầu tư đang dần được cải thiện rõ nét.

Trước 1.000 doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ đối với các bạn”.

Thủ tướng cho rằng, Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. Doanh nghiệp tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50–60% GDP.

Doanh nghiệp nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới, từ đó, tập trung sản xuất, hoạt động trong các lĩnh vực mà thế giới có nhu cầu lớn và thường xuyên như nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, du lịch… thay vì tình trạng phổ biến hiện nay là chỉ chú trọng phục vụ các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp.

Doanh nghiệp cần mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa, tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu ở các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài…

Nhắc lại câu nói của người xưa rằng “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy cùng đi”, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các tác nhân liên quan. Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với các khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam; giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn; luôn đồng hành với doanh nghiệp, xem những khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của bộ, ngành mình. “Phải có cả tâm lẫn tài. Tâm thôi không đủ mà cần phải nâng cao năng lực để bắt nhịp và thích ứng với đòi hỏi của kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu, công tác quản lý phải đi kịp sự phát triển, nhất là trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước hết là thể chế chính sách phải phù hợp, phải sửa đổi kịp thời hơn.

Với các địa phương, Thủ tướng mong muốn cần liên kết, chia sẻ cơ hội và giới thiệu cho nhau những nhà đầu tư mà tỉnh bạn có lợi thế, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau, không phát huy được lợi thế so sánh đặc thù của địa phương mình. Tạo dựng sẵn các nguồn lực như đất đai, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách đặc thù… để nhà đầu tư không phải chờ đợi.

Các địa phương cần thu hồi những dự án, đất đai, tài nguyên và cả cơ chế chính sách đối với những nhà đầu tư yếu kém để trao cho những nhà đầu tư mới có năng lực, cam kết dài hạn và đồng hành cùng địa phương và cùng với Chính phủ.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắn nhủ ngành ngân hàng cần nhận thức việc doanh nghiệp khó khăn tiếp cận nguồn vốn có phần trách nhiệm của mình. Các doanh nghiệp làm ăn được mới có dòng tiền về ngân hàng, ngân hàng cùng doanh nghiệp phát triển. Hơn lúc nào hết, ngành ngân hàng cần hiểu rõ, thấu đáo các quy trình sản xuất, khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp. Cần phải tư duy theo hướng này và cụ thể hóa bằng những cơ chế cho vay linh hoạt.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, cần liên kết, gắn kết, cùng phát huy thế mạnh, lợi thế của nhau, xác định các mũi nhọn cụ thể, tránh phong trào, dàn hàng ngang; nắm rõ thị trường, hiểu thị trường; lường trước những rủi ro, khó khăn; đổi mới sáng tạo, năng động, tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.

“Ở Việt Nam thường có câu, ‘Cây đa dựa thần, thần dựa cây đa’. Chính các bạn, các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp sẽ là tiền đề quan trọng để đất nước phát triển như các tiêu chí mà chúng ta đã đưa ra hôm nay”, Thủ tướng nói và khẳng định các bộ, ngành, các cơ quan liên quan, các địa phương trong cả nước sẽ tiếp tục cải cách, đổi mới theo định hướng mà Đảng, Nhà nước đã đề ra với những nhiệm vụ chính như cải cách hành chính tốt hơn nữa.

“Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiếp tục có các biện pháp giảm chi phí kinh doanh, bảo vệ các lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, Thủ tướng khẳng định.

Để thực hiện điều đó, ngoài những nỗ lực của bộ máy hành chính, Chính phủ rất cần sự hỗ trợ, đóng góp công sức, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân trên tinh thần chia sẻ công–tư.(Bizlive)
-----------------------------------

Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ Sacombank khi cần thiết 

"Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang không còn điều hành tại Sacombank, do đó có thể nói việc hai cá nhân này bị bắt không ảnh hưởng gì đến hoạt động tại Sacombank". 

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 1-8, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết sau khi có thông tin bắt ông Trầm Bê, nguyên thành viên HĐQT và ông Phan Huy Khang - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank, Ngân hàng Nhà nước TP đã có mặt tại Hội sở Ngân hàng Sacombank từ trưa cùng ngày và nắm bắt tình hình hoạt động tại Sacombank.

Ông Minh khẳng định tình hình tại Sacombank khá tốt và đến hôm nay, ngân hàng này vẫn đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Qua hơn một tháng sau khi đại hội cổ đông, Sacombank cũng đã tăng trưởng về huy động, tín dụng và lợi nhuận.

“Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang không còn điều hành tại Sacombank, do đó có thể nói việc hai cá nhân này bị bắt không ảnh hưởng gì đến hoạt động tại Sacombank. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu và cùng với Sacombank xây dựng các phương án xử lý dự phòng để đảm bảo thanh khoản khi cần thiết. Hiện phương án dự phòng đã chuẩn bị xong”, ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, chiều 1-8, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo tình hình tại Sacombank cũng như các phương án dự phòng để hỗ trợ ngân hàng này lên UBND TP.HCM. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là hỗ trợ nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của Sacombank nói riêng và an toàn của hệ thống ngân hàng nói chung, đồng thời đảm bảo an toàn cho người gửi tiền.

Trước đó trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng cho rằng do ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang không còn lãnh đạo Sacombank nữa nên việc bắt giữ hai cá nhân này sẽ không tác động đến ngân hàng này. Tuy nhiên ông Thanh cũng khẳng định dù hiện nay thanh khoản tại Sacombank khá tốt nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết.(Tuoitre)
---------------------------

“Ông lớn” phân phối gas của Nhật đổ hơn 1.100 tỷ mua cổ phần doanh nghiệp Việt

Việt Nam là nước thứ hai sau Malaysia mà Tokyo Gas mua cổ phần doanh nghiệp để tham gia phân phối khí gas.

“Ông lớn” phân phối gas của Nhật đổ hơn 1.100 tỷ mua cổ phần doanh nghiệp Việt

Tàu chở khí hỏa lỏng (LNG) Energy Horizon của Tokyo Gas. Ảnh: Kyodo

Công ty Tokyo Gas, hãng phân phối gas lớn nhất Nhật Bản, vừa ra thông báo đã mua xong 24,9% cổ phần của CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (mã PGD), Reuters đưa tin.

Nguồn tin của Tokyo Gas cho biết số cổ phần có giá trị khoảng 49 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng) tính theo giá trị thị trường, nhưng từ chối tiết lộ giá trị chính xác do điều khoản giữ bí mật.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, Tokyo Gas sẽ đóng góp công nghệ và kinh nghiệm của mình để mở rộng mạng lưới bán hàng của PGD sang khách hàng sử dụng khí gas tự nhiên công nghiệp.

Việt Nam là nước thứ hai sau Malaysia mà Tokyo Gas mua cổ phần doanh nghiệp để tham gia phân phối khí gas.

Theo dữ liệu giao dịch, trong phiên ngày 25/7, khối ngoại đã mua thỏa thuận 22,4 triệu cổ phiếu PGD, tương đương 25% khối lượng cổ phiếu lưu hành của công ty này, với tổng giá trị 1.268 tỷ đồng. Giá trị này tương ứng mức giá 56.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn với mức giá đóng cửa 50.800 đồng/cp của PGD phiên hôm đó.

Như vậy, nhiều khả năng Tokyo Gas chính là bên mua số cổ phiếu trị giá nghìn tỷ của PGD trong phiên 25/7.

Tháng 8/2016, Công ty Tokyo Gas Asia, công ty 100% vốn chủ sở hữu của Tokyo Gas, cùng với PetroVietnam Gas (GAS), Tập đoàn Bitexco thành lập công ty có tên LNG Vietnam có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nhằm phân phối khí hỏa lỏng cho các khách hàng lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).(Bizlive)
-----------------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục