tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-07-2018

  • Cập nhật : 27/07/2018

Mỹ và EU nhất trí giảm căng thẳng thương mại

Rạng sáng nay 26/7 theo giờ Việt Nam, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí giảm rào cản thương mại giữa hai bên.

tong thong my donald trump (phai) va chu tich uy ban chau au jean-claude juncker (trai) tai nha trang. anh: theguardian.com

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) tại Nhà Trắng. Ảnh: theguardian.com

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tại Nhà Trắng.

Phát biểu họp báo sau cuộc gặp, Tổng thống Trump cho biết hai bên đã nhất trí một "giai đoạn mới" trong quan hệ song phương cũng như phối hợp hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động. Hai bên cũng nhất trí phối hợp để tăng cường thương mại trong các lĩnh vực dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu tương. Theo đó, EU sẽ bắt đầu mua đậu tương từ Mỹ.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ khẳng định 2 bên sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến thuế nhôm thép và các biện pháp trả đũa song phương hiện nay.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho biết tại cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ với Tổng thống Trump, hai bên đã xác định một số lĩnh vực hợp tác hướng tới việc không thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp. Hai bên cũng nhất trí củng cổ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. EU nhập khẩu thêm khí đốt hóa lỏng từ Mỹ. Ngoài ra, Brussels và Washington nhất trí đối thoại về các tiêu chuẩn.

Đức cùng ngày đã ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh "bước đột phá mới" trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trên trang Twitter cá nhân, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nhấn mạnh kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu có thể được coi là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế toàn cầu.(TTXVN)
-------------------------

Hàng Trung Quốc tìm cách “khoác áo” hàng Việt né thuế

Chính phủ và bộ, ngành Việt Nam cần có chính sách quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tránh bị đánh thuế oan.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng trở nên căng thẳng. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia lo ngại hàng hóa từ Trung Quốc không chỉ tràn vào Việt Nam để tiêu thụ với giá rẻ mà còn tìm cách đội lốt xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác.

Khi đó nhiều khả năng hàng hóa Việt Nam sẽ hứng chịu đòn trừng phạt thuế rất cao của Mỹ.

Bài học “nóng hổi”

Nhiều sản phẩm thép Việt Nam đã bị vạ lây từ hàng Trung Quốc. Theo đó Mỹ đã quyết định áp thuế chống bán phá giá mức cao ngất ngưởng 199,76% và thuế đặc biệt lên tới 256,44% với thép Việt. Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế cao trên lên sản phẩm thép từ Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc sau khi kết luận rằng “những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ”.

Không chỉ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết định điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng thép Việt Nam do nghi ngờ chúng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng đây là mức thuế vô cùng cao, gây cản trở doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Mỹ. Ông Sưa khẳng định thực tế, thời gian gần đây Việt Nam không có hiện tượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ. Việt Nam có thể chứng minh xuất xứ thép Việt không phải từ Trung Quốc.

“Hiệp hội khuyến cáo các công ty nên sử dụng thép cuộn cán nóng trong nước để sản xuất thép cuộn cán nguội và tôn sơn phủ màu nhằm dễ dàng chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ để làm rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, quy trình sản xuất thép tại Việt Nam”, ông Sưa nói thêm.

Mặt hàng gỗ cũng đang đứng trước nguy cơ bị vạ lây từ hàng Trung Quốc tràn vào với giá rẻ, núp bóng xuất xứ Việt Nam để né thuế. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, thông tin: Hiện nay có nhiều công ty Trung Quốc đầu tư sản xuất đồ gỗ tại các tỉnh phía Nam. Nếu các công ty Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam nhằm thay đổi xuất xứ, chứng từ để xuất khẩu sẽ là mối nguy lớn cho hàng Việt.

“Với sự tham gia của các nhà sản xuất Trung Quốc, xuất khẩu đồ gỗ xuất xứ Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng đột biến gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất đồ gỗ tại Mỹ. Nếu tình trạng này xảy ra, phía Mỹ sẽ chú ý đến mặt hàng gỗ và dẫn đến bị áp thuế chống bán phá giá, gây thiệt hại lớn cho chúng ta”, ông Hạnh cảnh báo.

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM Phạm Xuân Hồng lo lắng các nhà đầu tư ngành dệt may, da giày Trung Quốc sẽ đổ sang Việt Nam. Bên cạnh những nhà đầu tư thật sẽ có những công ty chỉ mượn Việt Nam làm nơi trung chuyển, nghĩa là chỉ đặt nhà máy ở nước ta, nhập hàng bán thành phẩm vào và chỉ thêm vài công đoạn cuối gắn xuất xứ made in Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.

Cân nhắc thành lập khu thương mại chung

Theo South China Morning Post, mới đây các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề xuất thành lập bảy khu vực thương mại xuyên biên giới với Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), một chuyên gia am hiểu về thị trường Trung Quốc nói ông “kịch liệt phản đối việc thành lập khu vực thương mại xuyên biên giới” với Việt Nam.

Lý do, theo ông Thành, các khu vực thương mại xuyên biên giới này có thể cung cấp nơi trú ẩn cho các hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế. Bởi các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được dán nhãn có xuất xứ từ Việt Nam hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.

“Khi đó các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ cố gắng chuyển các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc sẽ bị đánh thuế khi xuất trực tiếp tới Mỹ sang “khoác áo” các nước thành viên ASEAN. Hàng hóa Việt Nam sẽ bị vạ lây khi Mỹ đánh thuế vì có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc”, ông Thành cảnh báo.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng không cần thiết phải thành lập các khu kinh tế hợp tác xuyên biên giới. Điều quan trọng là hai nước hợp tác giải quyết các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu làm khó doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa luân chuyển thông thoáng. Hơn nữa, thành lập khu kinh tế hợp tác liên quốc gia tốn thêm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý…

“Các khu kinh tế hợp tác xuyên biên giới mà Trung Quốc đề xuất rủi ro rất cao vì hàng hóa trong khu vực này nguy cơ bị đánh tráo xuất xứ. Hàng Trung Quốc có thể dán mác Việt Nam, Việt Nam có thể trở thành nơi trung chuyển cho hàng Trung Quốc né thuế. Chính phủ và bộ, ngành Việt Nam cần có chính sách quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tránh bị đánh thuế oan”, ông Hiếu phân tích.(PLO)
------------------

Giá sữa tăng nhưng thị trường vẫn ổn định

Ngày 1/8 tới, hàng loạt sản phẩm sữa bột trẻ em Optimum Gold 1, Optimum Gold 2, Optimum Gold 3, Optimum Gold 4 sẽ tăng giá từ 10.000 đồng đến khoảng 20.000 đồng/hộp.

Khách hàng chọn mua sữa tại Siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Lan Phương/TTXVN

Nhân viên tại cửa hàng sữa Vinamilk trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, ngày 1/8 tới đây hàng loạt sữa bột trẻ em Optimum Gold 1, Optimum Gold 2, Optimum Gold 3, Optimum Gold 4 sẽ tăng giá mỗi sản phẩm từ 10.000 đồng đến khoảng 20.000 đồng/hộp. 

Chị Cẩm Nhung, có hai cháu nhỏ trong độ tuổi từ 1đến 4 tuổi tại phố Ngọc lâm, Gia Lâm cho biết, thời gian gần đây tôi mua sữa cho hai con thấy giá sữa tăng lên, nhưng mức tăng không cao lắm (khoảng 10.000 đồng/hộp) nên có thể chập nhận được. Do vậy, tôi vẫn tiếp tục mua sữa cho bọn trẻ. Chị cho biết thêm, nếu giá sữa tăng nữa thì tôi phải cân nhắc bởi mức thu nhập của gia đình có hạn. 

Dao quanh các cửa hàng đại lý sữa trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhều đại lý sữa cho biết, các hãng sữa đã tăng từ 3 - 5% trong đợt điều chỉnh. Chị Liên, chủ cửa hàng sữa trên phố Bạch Mai cho biết, từ tháng 6, hầu hết các loại sữa bột trẻ em từ 0 - 3 tuổi đều tăng từ 3 - 5%. Cụ thể như: Similac 3.900 gram trước kia có giá 410.000 đồng thì nay tăng thêm 20.000 đồng. Nan 3 tăng 20.000 đồng lên 410.000 đồng/hộp 900 gram. Dielac grow plus 2 loại 1,5 kg có giá lên tới 440.000 đồng, tăng 20.000 đồng. 

Nhân viên cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm cho biết, một số dòng sản phẩm sữa thay đổi bao bì và cho thêm chất mới nên giá tăng cao. Mỗi hộp tăng thêm khoảng 20.000 đồng tùy loại và trọng lượng. 

Chủ cửa hàng sữa này cho biết thêm, giá nhập từ hãng cũng tăng nên bắt buộc giá bán đến tay người tiêu buộc phải tăng, nhưng vẫn giảm lãi hơn trước dù đã tăng giá bán lẻ. 

Theo các cửa hàng sữa, giá nguyên liệu đầu vào tăng nên các nhà sản xuất cũng tăng giá theo. Ngoài ra, chi phi tăng nên nhiều đại lý dựa vào để tăng thêm khiến giá sữa càng đi lên. 

Trước đó, hồi tháng 5, Công ty TNHH Nestle Việt Nam cũng đã thông báo tăng giá trong phạm vi 5% đối với 11 sản phẩm sữa bột dành cho trẻ với một số dòng. Đây là đợt tăng thứ hai của hãng này từ cuối tháng 3/2017. Cuối tháng 10/2017, Nestle Việt Nam đã tăng giá dưới 5% đối với 7 sản phẩm là các loại bột ăn dặm như: Nestle Cerelac yến mạch măng tây; Nestle Cerelac cá và rau xanh… dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. 

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay đã có một số doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất sữa điều chỉnh tăng giá bán trong phạm vi 5% so với giá kê khai liền kề trước đó như: Công ty TNHH FrieslandCampina, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). 

Một số doanh nghiệp có sản phẩm mới bổ sung thêm vi chất (HMO, IQ...) bán ra trên thị trường như: Công ty TNHH FrieslandCampina, Công ty TNHH dinh dưỡng 3A Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam... có mức tăng từ 3-7%. 

Theo đánh của các chuyên gia, từ đầu năm đến nay tuy giá sữu thế gới tăng, nhưng thị trường sữa trong nước vẫn ổn định, dù một số đơn vị nhập khẩu, sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi điều chỉnh mức giá bán sản phẩm. 

Trong trường hợp doanh nghiệp tăng giá vẫn phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26/6/2017, gửi hồ sơ Thông báo điều chỉnh giá bán đối với những sản phẩm tăng giá trong phạm vi 5%, trường hợp lũy kế các lần thông báo điều chỉnh vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai hoặc thông báo lần liền kề trước đó, thương nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định; gửi hồ sơ kê khai giá đối với những sản phẩm mới về cho cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi và giám sát. 

Để bình ổn thị trường trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện quản lý giá sữa trong nước theo quy định tại Thông tư 08 về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện và tiếp nhận hồ sơ kê khai giá sữa theo quy định tại Thông tư này. Đồng thời tổng hợp ý kiến của Sở Công thương các địa phương về tình hình triển khai Thông tư 08 để có căn cứ đánh giá, triển khai công tác quản lý giá sữa trong thời gian tới. 

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá của một số đơn vị sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục