Dòng vốn lại tháo chạy khỏi Trung Quốc
Xuất khẩu giảm sút, Hàn Quốc thúc đẩy tiêu dùng nội địa
Sẽ có làn sóng ‘ngoại’ đổ vào lĩnh vực logistics
Bịt ‘lỗ hổng’ cho vay tiêu dùng: Cần sớm có khung pháp lý riêng
BIDV đón đầu xu hướng đầu tư từ Đài Bắc
Tin kinh tế đọc nhanh 27-07-2018
- Cập nhật : 27/07/2018
Lượng xi măng xuất khẩu tăng 35%
Bộ Xây dựng cho biết, thị trường vật liệu xây dựng những tháng đầu năm diễn biến cơ bản ổn định.
Các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu như xi măng, gốm, sứ, kính xây dựng... đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ, bảo đảm cân đối cung - cầu và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sản phẩm xi măng tiêu thụ tháng 6/2018 ước đạt khoảng 8,71 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, lượng xi măng tiêu thụ trong 2 quý đầu năm đạt khoảng 6,91 triệu tấn, tăng 29% với cùng kỳ 2017; trong đó, riêng Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ đạt khoảng 2,18 triệu tấn. Điểm nổi bật của thị trường xi măng chính là lượng xuất khẩu tăng vượt trội.
Lượng xi măng xuất khẩu trong 2 quý đạt khoảng 1,8 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017 với mức giá cũng được cải thiện.
Cùng với sản xuất, hành lang pháp lý cho lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng được chú trọng. Ngành xây dựng đã hoàn thành cơ bản việc nghiên cứu 2 quy hoạch quan trọng.
Đó là Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Cùng đó, Bộ Xây dựng cho biết đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”. Sau khi được Chính phủ phê duyệt sẽ triển khai thực hiện sớm.
Bên cạnh đó, Đề án phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” cũng đang được nghiên cứu xây dựng.
Hiện Bộ Xây dựng tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung và Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công (Bnews)
-------------------
Năm 2020, hoàn thành việc xử lý 12 'đại dự án' thua lỗ
Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, sau hơn một năm triển khai xử lý, một số dự án thua lỗ ngành công thương đã bắt đầu có lãi như Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, Dự án nhà máy thép Việt Trung….
Sáng 25/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp giao Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
Đề cập đến xiệc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Ban Chỉ đạo cho biết, sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung.
4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của Nhà máy là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ.
Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, các dự án đi vào hoạt động ổn định và các dự án vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.
Đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra. Ban Chỉ đạo đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án.(Tienphong)
-----------------------
Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD vốn ODA sau 25 năm
Kể từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết thông tin trên tại buổi làm việc sáng ngày 25/7 giữa Đoàn giám sát của UBTVQH và Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giao đoạn 2011-2016.
Tham dự buổi làm việc, về phía Chính phủ còn có lãnh đạo các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hải Minh
Trong tổng số 80 tỷ USD, 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2%, và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại.
Kết quả trên thể hiện nỗ lực và sự chủ động của Việt Nam trong việc tìm kiếm, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các nhà tài trợ đều có chung đánh giá Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay. Đó cũng là một trong những lý do các nhà tài trợ vẫn tiếp tục cam kết dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong những năm qua.
Bên cạnh những đánh giá độc lập của các nhà tài trợ, Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với các ý kiến cho rằng cần có những đánh giá sâu hơn về hiệu quả của các dự án và nguồn vốn vay từ phía Việt Nam để có cái nhìn tổng thể, toàn diện.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ cũng nhìn nhận còn có những dự án chưa thật hiệu quả và đã chỉ đạo một số địa phương tập trung khắc phục.
Xác định đây là nguồn vốn có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư lớn như hiện nay, trong khuôn khổ các chuyến thăm, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đều đề nghị các nước tiếp tục dành cho Việt Nam nguồn vốn vay ưu đãi.
Về định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã qua giai đoạn tiếp nhận các nguồn vốn với lãi suất thấp và chuyển sang giai đoạn tiến cận các ngồn vốn kém ưu đãi hơn, do đó cần có những thay đổi về định hướng thu hút, sử dụng nhằm bảo đảm yêu cầu kép là hiệu quả và khả năng trả nợ.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá kỹ, so sánh các nguồn vốn vay nước ngoài và trái phiếu để có bước đi thích hợp.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 97/2018/NĐ-CP quy định kể từ ngày 1/7/2018,Chính phủ cho các địa phương vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi với các mức từ 30% đến 100% tùy khả năng trả nợ của các địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của các đia phương trong việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Ảnh: VGP/Hải Minh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong giai đoạn 2011-2016 về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đồng bộ, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao góp phần nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Việt Nam đạt tỉ lệ cao về số lượng dự án hoàn thành và đạt kết quả phát triển và đạt các mục tiêu đề ra. Theo báo cáo đánh giá kết quả các dự án JICA (Nhật Bản), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), các dự án của cả 3 nhà tài trợ này tại Việt Nam đạt kết quả cao hơn, tốt hơn các quốc gia khác (Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Sri Lanka) trên cơ sở hệ thống tiêu chí của các nhà tài trợ này.
Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Nhiều công trình, dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Các nguồn vốn vay còn hỗ trợ đẩy mạnh quá trình chuyển giao công nghệ và tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới, tạo ra việc làm.
Tuy nhiên trong quá trình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA còn tồn tại một số bất cập hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như tiến độ thực hiện, giải ngân các chương trình dự án chưa đáp ứng được yêu cầu và cam kết trong hiệp định ký kết với các nhà tài trợ...
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu và nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung báo cáo, trong đó chú trọng đánh giá tình hình thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, chỉ rõ những tồn tại bất cập và đưa ra những kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới.(VGP)
------------------
Tập đoàn Lotte muốn tham gia nhiều dự án đầu tư tại Tp. Hồ Chí Minh
Chiều 25/7, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp ông Hwang Kag Gyu, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cùng lãnh đạo các công ty thành viên đang động tại Việt Nam.
Tòa nhà Lotte tại ngã tư Kim Mã-Nguyễn Chí Thanh-Liễu Giai, Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Tại buổi tiếp, ông Hwang Kag Gyu cho biết, Tập đoàn Lotte bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1996, đến nay Lotte đã có 16 công ty thành viên đầu tư tại Việt Nam. Ý tưởng đầu tư tại khu vực Thủ Thiêm (Tp. Hồ Chí Minh) đã được Lotte quan tâm từ những năm 1994, 1995.
Trong tháng 7/2017, lãnh đạo Tập đoàn Lotte đã đến và ký kết hợp đồng với Tp. Hồ Chí Minh thực hiện Dự án tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo Phó Chủ tịch Tập đoàn Lotte Hwang Kag Gyu, dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dự án trọng điểm được Tập đoàn theo đuổi hơn 23 năm và mong nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh để nhanh chóng thực hiện.
Mục tiêu dự án là xây dựng một mô hình Khu đô thị sinh thái và thông minh, tạo môi trường sống tốt nhất cho người dân. Hiện dự án đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Tập đoàn mong nhận được sự hỗ trợ của thành phố để sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định, Lotte sẽ nhanh chóng khởi công dự án.
Ông Hwang Kag Gyu cho biết thêm, hiện các công ty thành viên của Tập đoàn Lotte cũng muốn tham gia vào các dự án đường sắt đô thị tại Tp. Hồ Chí Minh và đang chuẩn bị tham gia đấu thầu; tham gia các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải… Tập đoàn Lotte mong muốn được tạo điều kiện để đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Hoan nghênh Lotte đã triển khai các dự án tại Việt Nam; trong đó, có Tp. Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các dự án này đã góp phần hiện thực hóa quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, dự án Khu đô thị sinh thái tại Thủ Thiêm có trị giá 900 triệu USD là một dự án có quy mô đầu tư nước ngoài lớn. Hiện tiến trình dự án đang thực hiện tốt và thành phố sẽ tạo điều kiện để dự án sớm được triển khai, khi hoàn thành sẽ trở thành điểm nhấn tại khu vực.
Đối với các dự án khác tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau khi quy hoạch các phân khu chức năng, thành phố còn nhiều dự án để Lotte có thể tham gia.
Tại khu số 1, theo quy hoạch sẽ có Trung tâm tài chính quốc tế, đang được thành phố triển khai các bước để thực hiện, hướng tới mục tiêu đưa Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính trong khu vực Đông Nam Á.
Do vậy, các tòa nhà khu số 1 sẽ cần các chức năng cần thiết để trở thành một trung tâm tài chính. Khi Thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng các tòa nhà, Lotte có thể tham gia đấu thầu thực hiện các dự án đó.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ thêm, hiện Thành phố đang xây dựng Đề án và quy hoạch lại khu vực quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 trở thành Khu đô thị sáng tạo, với mật độ khoa học công nghệ cao nhất.
Đây là khu "hạt nhân" của thành phố để thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đối với vấn đề xử lý nước thải, hiện thành phố đang chuyển từ xây dựng nhà máy xử lý nước thải sang mua dịch vụ xử lý nước thải do các doanh nghiệp đầu tư. Đây là những vấn đề Lotte có thể quan tìm hiểu, đầu tư(TTXVN)