Lượng xi măng xuất khẩu tăng 35%; Năm 2020, hoàn thành việc xử lý 12 'đại dự án' thua lỗ; Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD vốn ODA sau 25 năm; Tập đoàn Lotte muốn tham gia nhiều dự án đầu tư tại Tp. Hồ Chí Minh
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-07-2018
- Cập nhật : 25/07/2018
Trump: Thuế là tuyệt nhất!
Hôm 24/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thuế quan là biện pháp "tuyệt nhất" để đấu lại những quốc gia có hoạt động thương mại không công bằng và đang "cướp bóc" nước này.
"Thuế quan là tuyệt nhất! Một nước từng đối xử với Mỹ không công bằng trong thương mại phải đưa ra một thỏa thuận công bằng hoặc sẽ bị đánh thuế", ông viết trên trang cá nhân.
Bình luận được đưa ra trước khi ông Trump gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong tuần này để bàn về các vấn đề thương mại.
Trong những tháng gần đây, nhà lãnh đạo Mỹ đang tập trung vào thương mại quốc tế như một phần trong nỗ lực để cân bằng quan hệ thương mại toàn cầu và tạo ra những điều kiện có lợi cho nước này. Những đòn tấn công của ông Trump cho đến nay vẫn nhắm vào đồng minh và đối tác lâu năm như Canada, Mexico, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Những lệnh thuế khiến mối quan hệ giữa ông Trump và các lãnh đạo thế giới ngày càng xấu đi, dẫn đến không khí căng thẳng ở nhiều hội nghị quốc tế gần đây như G7 (7 nước công nghiệp phát triển) ở Canada hay NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ở Bỉ.
Tất nhiên, mục tiêu lớn nhất của Tổng thống Mỹ trong vấn đề thương mại vẫn là Trung Quốc. Ông đã áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa của nước này vì cáo buộc Bắc Kinh hoạt động thương mại không công bằng và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Tuần trước, ông dọa đưa tất cả hàng nhập khẩu từ quốc gia châu Á với giá trị lên tới 500 tỷ USD vào tầm ngắm.(NDH)
------------------------
Brazil trở thành điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn đầu tư Trung Quốc
Trong lúc Trung Quốc và Mỹ bước vào cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh đang “để mắt” và đổ tiền ngày một nhiều vào một danh mục đầu tư đa dạng tại Brazil nhằm mở rộng nguồn cung hàng hóa cho nước này.
Giao dịch đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Trước năm 2010, các dòng vốn từ Trung Quốc chảy vào Brazil chủ yếu tập trung nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng cho nền kinh tế lớn nhất châu Á. Nhưng sang những năm gần đây, chiến lược đó đã được mở rộng và bao gồm các lĩnh vực như viễn thông, ô tô, năng lượng tái tạo và dịch vụ tài chính.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Brazil, trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 6/2018, các công ty Trung Quốc đã đầu tư gần 54 tỷ USD vào khoảng 100 dự án ở nước này. Chỉ tính riêng năm 2017, con số này đã đạt gần 11 tỷ USD.
Đây có thể là một tin tức lạc quan cho Brazil. Nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh này vẫn đang phục hồi khá chậm chạp kể từ cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này hồi năm 2015-2016, với nợ công ở mức cao và đang ngày càng gia tăng. Số liệu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) cho thấy từ năm 2005 đến năm 2017, Brazil đã nhận khoảng 55% trên tổng số tất cả các khoản đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào khu vực Mỹ Latinh. Và số tiền đầu tư đang ngày càng trải rộng trên nhiều lĩnh vực
Một trong những ví dụ điển hình nhất của sự đa dạng hóa nguồn đầu tư của Trung Quốc là việc “ông lớn” ngành gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing hồi tháng 1/2018 thông báo sẽ chi 297 triệu USD để mua lại ứng dụng gọi taxi của Brazil có tên 99.
Sang đến tháng Ba năm nay, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) cũng đã bắt đầu hoạt động xây dựng cảng Sao Luis nằm ở phía Đông Bắc Brazil, với 70% nguồn tài chính đến từ Ngân hàng Công Thương Trung Quốc.
Theo ông Luiz Augusto de Castro Neves, Chủ tịch Hội đồng Hợp tác kinh doanh Trung Quốc-Brazil, Trung Quốc có thể đóng một vai trò rất quan trọng để giúp nền kinh tế Brazil phục hồi sau một giai đoạn trì trệ.
Song ông Castro Neves cho rằng một điều đáng tiếc là Brazil thiếu một chiến lược rộng lớn hơn để hưởng lợi từ dòng vốn khổng lồ này. Theo ông Castro Neves, Trung Quốc biết họ cần gì khi đầu tư vào Brazil, trong khi quốc gia Mỹ Latinh này chưa xác định được điều họ mong muốn từ nền kinh tế châu Á ngoài việc xuất khẩu nhiều hơn.
Mặc dù vẫn có những thách thức kinh tế, Brazil vẫn duy trì một cán cân thương mại khá thuận lợi với Trung Quốc, nhờ vào thặng dư kỷ lục vượt 20 tỷ USD vào năm 2017. Theo số liệu chính thức, hoạt động xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc đã tăng từ mức chỉ chiếm 2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu hồi năm 2000 lên tới 26% trong quý đầu tiên của năm 2018.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã chỉ ra sự mất cân bằng mạnh mẽ trong hoạt động thương mại của Brazil khi nguyên liệu thô gồm sắt và đậu tương chiếm tới 86% kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Các chuyên gia cho rằng đối với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đang nhắm đến việc xây dựng một mô hình dựa trên thương mại, đầu tư và tài chính, với sáu lĩnh vực ưu tiên gồm cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, văn hóa, công nghiệp, năng lượng và đổi mới khoa học.
Và trong lúc Trung Quốc đang bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang với Mỹ, Bắc Kinh còn nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc xích lại gần hơn với Brazil cũng như các đối tác khác trong nhóm Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS là Nga, Ấn Độ, và Nam Phi.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm BRICS sắp diễn ra vào hai ngày 25 - 27/7, đầu tư nhiều khả năng sẽ là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của khối này.(Bnews)
----------------------
G20 không thuyết phục được Mỹ bỏ thuế ôtô
Lãnh đạo tài chính của các nền kinh tế lớn nhất thế giới không thể thuyết phục Mỹ giảm thuế nhập khẩu trong các cuộc đàm phán của G20 - diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn - cuối tuần qua.
Các đối tác thương mại dường như đã thất bại trong việc cố gắng đàm phán. Mỹ áp đợt thuế đầu tiên đối với hàng hóa Trung Quốc hồi đầu tháng và 2 bên thậm chí không tổ chức đàm phán trong hội nghị thượng đỉnh Buenos Aires, Argentina.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đổ lỗi cho các quốc gia khác. Ông kêu gọi đối tác bỏ tất cả các mức thuế, rào cản và trợ cấp chính phủ nếu muốn có thương mại tự do. Ông cho rằng mức thuế ôtô cao của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng như thuế của Nhật Bản với các sản phẩm nông nghiệp là không công bằng.
Ông Mnuchin (giữa, phải) gặp các quan chức Argentina tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires. (Nguồn: Reuters)
Trong bối cảnh ông Trump dọa áp thuế bổ sung lên ôtô nhập khẩu, EU đã bắt đầu tìm cách đáp trả, bao gồm việc giảm thuế xe, nhưng chưa có tiến bộ rõ ràng.
Trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 25/7, các nhà chức trách trong khối ngày càng bi quan về triển vọng ngăn nước này tăng thuế xe. Một số thậm chí dự đoán rằng lệnh thuế sẽ được đưa ra vào ngày 3/9.
Nhật Bản cũng đang chuẩn bị tinh thần đón thuế xe cao hơn. Nếu không thể tránh khỏi, các cuộc đàm phán "sẽ không còn thân thiện như trước", một nguồn tin trong phái đoàn G20 của Tokyo nói.(NDH)
-----------------
Fed có thể báo hiệu điều gì trong cuộc họp tuần sau?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chưa tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới nhưng sẽ đưa ra thêm dấu hiệu cho thị trường.
Fed ít có khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp bàn chính sách tuần tới. Có hai lý do để dự đoán cuộc họp này sẽ không đưa ra những dấu hiệu khiến thị trường thay đổi đáng kể: Báo cáo nửa năm trình quốc hội Mỹ về chính sách tiền tệ của chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước và cuộc họp ngày 31/7 - 1/8 sẽ không tổ chức họp báo để công bố kế hoạch kinh tế cùng chính sách mới (bao gồm cả biểu đồ dự kiến lãi suất).
Các quan chức Fed phải đưa ra với một loạt các phán quyết nội bộ về nền kinh tế và lộ trình chính sách cho cả lãi suất và bảng cân đối kế toán. Họ phải ra quyết định liệu có điều chỉnh dấu hiệu thị trường trước đây về 4 vấn đề cụ thể.
- Mặc dù tăng trưởng và lãi suất của Mỹ đúng như kỳ vọng của Fed, môi trường vận hành kinh tế và tài chính nói chung vẫn còn nhiều bất ổn. Thị trường tài chính xáo trộn: Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ 2 và 10 năm chỉ chênh lệch 30 điểm cơ bản - dấu hiệu của suy giảm kinh tế.
- Chính sách thương mại bất thường, Mỹ và các đối tác thương mại lớn liên tục áp thuế quan lẫn nhau.
- Dù có thêm nhiều việc làm mới, tăng trưởng tiền lương giảm tốc trong tháng 6.
- Dù tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, sự tăng lên trong lực lượng lao động cho thấy thị trường việc làm vẫn bất ổn.
Các nhà kinh tế tiếp tục đau đầu về vấn đề năng suất. Chưa thể xác định liệu dữ liệu chậm chạp liên tục có phải do đo lường sai và khác nhau về ước lượng thời gian hay yếu tố dài hạn giảm dần.
Cuối cùng, động lực tăng trưởng bên ngoài nước Mỹ đang mất dần, dẫn đến nguy cơ bất ổn kinh tế và tài chính.
Thành viên Ủy ban Thị trường Mở sẽ phải cân nhắc tất cả các yếu tố trên khi đánh giá cơ sở chính sách kinh tế và tài chính của họ, và quyết định ra hiệu cho thị trường thế nào. Tuần trước, Chủ tịch Fed đã thêm cụm từ “cho đến hiện tại” vào cụm từ chỉ ý định “tăng dần lãi suất” của Fed trong báo cáo gửi các nhà lập pháp hôm 17/7. Động thái này dẫn đến các dự đoán về điều chỉnh của Fed.
Người giao dịch trên thị trường chứng khoán tin rằng sự điều chỉnh này là dấu hiệu của "chính sách bồ câu" – thiên về cắt giảm lãi suất - trong ý định của Fed. Lúc này, Fed phải ra quyết định liệu có nên xác nhận niềm tin này hay không, bằng những động thái sau:
- Lấy cơ sở cho tổng số lần tăng lãi suất năm 2018 quay về 3 từ mức 4, do ít điều kiện quốc tế phù hợp
- Giảm khả năng tăng lãi suất lần tiếp theo vào tháng 9
- Đề xuất thời điểm kết thúc sớm hơn cho quá trình giảm quy mô bảng cân đối kế toán.
- Củng cố quan điểm rằng lãi suất trung hòa biến động theo thời gian và sẽ quay trở lại mức cao hơn và nhất quán hơn.
Ủy ban Thị trường Mở đứng đầu bởi người tiền nhiệm của Powell, Janet Yellen, đã muốn báo hiệu cả 4 dấu hiệu trên, do môi trưởng kinh tế không ổn định. Rất có thể Ủy ban dưới thời Powell sẵn lòng báo hiệu hai dấu hiệu đầu ở giai đoạn này.(NDH)