tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-07-2018

  • Cập nhật : 25/07/2018

Ngoại trưởng Đức khẳng định EU không chịu khuất phục Mỹ về thương mại

Liên minh châu Âu (EU) sẽ không khuất phục trước đe dọa của Mỹ trong cuộc tranh chấp thương mại và muốn giải quyết vấn đề này thông qua đàm phán.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đưa ra tuyên bố trên ngày 24/7 trong bối cảnh Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker lên đường đến thủ đô Washington để hội đàm với giới chức Mỹ về vấn đề này. 

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trên một kênh truyền hình của Đức, ông Maas cho biết Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker sẽ có mặt ở Washington vào ngày 25/7 để thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm tìm ra giải pháp cho bất đồng thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức cho rằng EU không đến bàn đàm phán với "khẩu súng chĩa vào ngực" và cho rằng những đe dọa này sẽ khiến các bên không thể tiến gần đến giải pháp. Ông bày tỏ hy vọng EU thành công trong giải quyết vấn đề này thông qua sự đồng thuận. Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức nhấn mạnh EU sẽ không chịu khuất phục và không dễ dàng "nhượng bộ". 

Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch EC diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU gia tăng sau khi Washington áp mức thuế cao lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đầu tháng 7 này, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 20% đối với mọi ô tô lắp ráp tại EU. Đáp lại, EU đã gửi tới Bộ Thương mại Mỹ một tài liệu dài 10 trang, cảnh báo việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ô tô của chính nước Mỹ và Washington có thể đối diện với nhiều biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại trị giá tới 294 tỷ USD (TTXVN)
--------------------------

Về đâu dòng vốn ngoại?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực khi khối ngoại liên tục bán ròng trong thời gian gần đây.

khoi ngoai van dang giao dich mua rong tren thi truong chung khoan viet nam. anh: quy hoa

Khối ngoại vẫn đang giao dịch mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa

Dù nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh trong nhiều phiên và 3 quỹ ETF của VFM, VanEck và Deutsche Bank đã tăng cường rút vốn nhưng tổng kết lại, thời gian qua khối ngoại vẫn đang giao dịch mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vẫn mua ròng

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính từ đầu năm đến giữa tháng 6.2018, giá trị mua ròng trên thị trường chứng khoán của khối ngoại đạt gần 1,5 tỉ USD. Còn theo Tổng cục Thống kê, dù thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm nay diễn biến khó lường nhưng dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) lại tăng mạnh 82,4%, đạt 4,1 tỉ USD.

Lãnh đạo các công ty chứng khoán cùng nhận định, đây là tín hiệu lạc quan cho thị trường chứng khoán. Bởi Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trong số các thị trường mới nổi còn nhận được dòng vốn ròng từ nước ngoài. Dù vậy, VCBS cũng lưu ý, nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận đột biến hay những thương vụ giao dịch cá biệt tại những cổ phiếu như Vincom Retail (VRE), Novaland (NVL) và Vinhomes (VHM) thì diễn biến dòng tiền ngoại chảy vào thị trường Việt Nam cũng không khác biệt nhiều so với xu hướng rút vốn chung.

Số liệu của Bloomberg ghi nhận, từ đầu năm 2018, hơn 19 tỉ USD vốn ngoại đã bị hút khỏi các thị trường mới nổi châu Á. Điều an ủi chăng là mức độ bị hút ròng ở Việt Nam nhỏ hơn đáng kể so với các thị trường như Indonesia, Malaysia hay Philippines. Điều an ủi khác, theo nghiên cứu của VCBS, là bất chấp xu hướng suy giảm chung, dòng tiền tại một số khu vực như Nhật, Hàn Quốc vẫn đổ vào Việt Nam ở mức dương.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta, còn cho rằng, điều khích lệ tinh thần nhà đầu tư là những người rút vốn trong đợi tháo chạy vừa qua là các quỹ ETF; một số quỹ quy mô 100-200 triệu USD hoặc những quỹ từng đầu tư vào các cổ phiếu như HSG, CTD... Dưới đà rơi của những cổ phiếu này, một số quỹ đầu tư đã phải buộc bán đi, cơ cấu lại danh mục. Riêng các quỹ quy mô lớn hơn như Dragon Capital, VinaCapital thì vẫn giữ được điềm tĩnh và hoạt động bình thường.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khối Khách hàng Doanh nghiệp, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại nhiều khi không xuất phát từ nội tại ở Việt Nam mà chỉ là vấn để chiến lược của chính tổ chức đầu tư.

Đó là các diễn biến của thị trường chứng khoán trong 2 quý đầu năm nay. Còn bước sang quý III/2018, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khai hỏa (6.7), cộng thêm động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã khiến các thị trường chứng khoán mới nổi trở nên kém hấp dẫn. Nhà đầu tư lại càng có lý do lo âu.

Trên thực tế, dù khối ngoại chỉ chiếm khoảng 15-18% giá trị giao dịch toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng như bà Hoàng Việt Phương chia sẻ, các động thái từ dòng vốn ngoại lại có tác động tâm lý lớn đối với giới đầu tư, nhất là trong bối cảnh xuất hiện những rủi ro mới từ bên ngoài. Người ta đã thấy, hàng loạt thị trường chứng khoán trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Á...  đều lao đao. Riêng chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến một số phiên giao dịch hoảng loạn. Trong đó, đáng chú ý là phiên ngày 3.7, chỉ số VN-Index bị thổi bay hơn 41 điểm, xóa sạch mọi hy vọng phục hồi của thị trường.

Dòng tiền nào cho thị trường sắp tới?

Sau những phiên điều chỉnh và sụt giảm mạnh, tính từ tháng 4 trở lại đây, chỉ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) của thị trường chứng khoán Việt Nam đã về khoảng 16 lần, tương đương mức trung bình giữa năm 2017. Theo Công ty Chứng khoán Rồng  Việt (VDSC), thị trường đang trở nên hấp dẫn hơn khi so với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường (khoảng 24% trong quý I/2018). VDSC tiếp tục tin vào xu hướng giảm của VN-Index trong vài tháng tới, hứa hẹn mở ra cơ hội mua tốt hơn cho nhà đầu tư.

Tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị được giới phân tích xem là những lợi thế giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, vì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ bên ngoài, nên VDSC cho rằng, dòng tiền nóng từ các quỹ đầu tư có thể còn ngoài cuộc hoặc rút đi.

Ve dau dong von ngoai?

 

Trong ngắn hạn, theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), diễn biến tỉ giá là một yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần theo dõi vì có khả năng tác động đến triển vọng tăng trưởng của các công ty niêm yết.  Đồng thời, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng có thể có những tác động khó lường trước. 

 

“Khi những lo ngại của nhà đầu tư được làm rõ, đồng thời các chính sách cải cách của Viet Nam được đẩy mạnh theo lộ trình, lúc đó thị trường sẽ có cơ sở để lạc quan hơn”, bà Hoàng Việt Phương nhấn mạnh.

Theo đa số chuyên gia, với bối cảnh mới, cùng nhiều rủi ro như đã đề cập, sẽ khó có nhóm cổ phiếu mới, nổi bật nào dẫn dắt thị trường. Cơ hội sẽ chỉ đến với một số cổ phiếu đơn lẻ, có khả năng tạo đột biến kinh doanh. Đặc biệt, nhà đầu tư ngoại sẽ tập trung nhiều hơn ở những thương vụ IPO, bán cho đối tác chiến lược, thoái vốn, giảm tỉ trọng nắm giữ của Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, đầu ngành.

Nói như ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, niềm hy vọng thu hút dòng tiền ngoại hiện nay của thị trường đến từ giá trị các công ty niêm yết Việt Nam đang rẻ và hấp dẫn. Ngoài ra, việc chứng khoán Việt Nam gia tăng quy mô vốn hóa thị trường cũng rất ý nghĩa. Theo ghi nhận từ ông Dominic, vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng từ 70 tỉ USD tăng lên thành 200 tỉ USD. Còn tổng vốn được huy động cho các nhà phát hành trong nước từ 5-10 tỉ USD/năm thì 6 tháng đầu năm nay đã huy động trên 4 tỉ USD.

Dòng vốn ngoại cũng đang tìm đường thâm nhập vào kênh chứng khoán phái sinh. Theo phân tích của ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế của Công ty Chứng khoán MB, trong một thị trường chứng khoán cơ sở đang giảm mạnh, nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán phái sinh. Chỉ tính riêng tháng 6, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã bằng 1/3 con số của 6 tháng đầu năm (NCĐT)
--------------

Đường là hàng hóa giảm giá nhiều nhất từ đầu năm 2018

Lượng đường tiêu thụ vẫn tăng trên toàn thế giới – trung bình 1,4%, cao hơn các năm trước. Tuy nhiên, lượng cầu giảm trong những năm gần đây khi ngày càng nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với đường.

Trong khi đó, sản lượng đường vẫn tăng. Sản xuất đường đặt mục tiêu cao kỷ lục trong mùa vụ này, khiến lượng hàng dự trữ toàn thế giới cho mùa sau lại tăng thêm.

Brazil, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, cung cấp 25% sản lượng đường thế giới, có sản lượng 35 triệu tấn mùa vụ trước. Nhà sản xuất lớn thứ hai là Ấn Độ. Năm nay, quốc gia này dự kiến sản xuất 32 triệu tấn đường, tăng 58% so với năm ngoái.

Giá đường trên sàn giao dịch tương lai New York đã giảm 25% từ đầu năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, thời tiết có thể khiến giá đường thay đổi. Một vài vụ thu hoạch ở Brazil đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn, do đó sản lượng có thể giảm.

Khoảng 80% sản lượng đường thế giới được sản xuất từ mía, và 20% còn lại từ củ cải đường. Củ cải đường chủ yếu được trồng tại Tây Bắc châu Âu, mía được trồng tại châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Australia.

Mùa vụ 2016/2017, gần 174 triệu tấn đường được sản xuất trên toàn cầu. Sản lượng đường dự kiến đạt 192 triệu tấn trong mùa vụ 2017/2018.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục