tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-07-2018

  • Cập nhật : 26/07/2018

Thương vụ thâu tóm lớn nhất tại VN gần 10 năm qua

"Thái Lan đang dẫn đầu các cuộc thâu tóm công ty Việt" là đánh giá của nhóm nghiên cứu của Diễn đàn mua bán, sáp nhập Việt Nam (MAF).

Theo MAF, những năm gần đây, các doanh nghiệp Thái Lan liên tục mua lại những doanh nghiệp lớn, đầu ngành của Việt Nam tại những lĩnh vực tiềm năng như bán lẻ (Big C, Metro, Nguyễn Kim...), vật liệu xây dựng (Prime Group, VCM, Xi măng Holcim...), nhựa (Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong), bia (Sabeco)…

Cũng theo nhóm nghiên cứu MAF, trong giai đoạn 2009-2018 có 4.353 thương vụ được thực hiện, với tổng giá trị mua bán, sáp nhập đạt 48,8 tỉ USD. Riêng năm 2017, quy mô thị trường tăng 10 lần so với năm 2009.

Có sự đột biến này là nhờ thương vụ 4,8 tỉ USD của tỉ phú Thái Lan mua 53,59% cổ phần Sabeco, chiếm gần 50% tổng giá trị mua bán, sáp nhập cả năm 2017 (10,2 tỉ USD). Đây cũng được xem là thương vụ mua bán, sáp nhập lớn nhất trong thời gian qua.

"Tuy nhiên quy mô thị trường mua bán, sáp nhập Việt Nam vẫn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Ngay với năm ghi nhận đột biến 2017, giá trị mua bán, sáp nhập của Việt Nam cũng chỉ tương đương với các thị trường Malaysia (11,73 tỉ USD), Indonesia (10,76 tỉ USD)..., và còn cách xa so với Singapore (78,6 tỉ USD)", MAF cho biết.(PLO)
-----------------

Các nước BRICS cần đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ

Ngày 25/7, Trung Quốc và Nam Phi đã hối thúc chính phủ các nước thành viên BRICS đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại toàn cầu đa phương.

Chỉ ít giờ trước khi chính thức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn hàng đầu thế giới (BRICS) ở thành phố Johannesburg (Nam Phi), ngày 25/7, Trung Quốc và Nam Phi đã hối thúc chính phủ các nước thành viên BRICS đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ, và thúc đẩy thương mại toàn cầu đa phương, trong bối cảnh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế thương mại đang đe dọa thương mại toàn cầu. 

Phát biểu tại hội nghị các nước thành viên BRICS, ông Trương Thiếu Cương, Vụ trưởng Vụ Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho rằng: “Trách nhiệm chân thành của chúng tôi là bày tỏ cam kết của chúng tôi đối với hệ thống thương mại đa phương, bảo vệ sự tồn tại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cũng thể hiện lập trường phản đối rõ ràng và mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào cũng như chủ nghĩa bảo hộ.

Hợp tác thương mại và đầu tư là lực đẩy cho hợp tác BRICS toàn diện. Chúng ta cần biến sự hợp tác của chúng ta thiết thực hơn và mang tính thể chế hóa”. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Nam Phi Rob Davies nhận xét nền kinh tế công nghiệp hóa nhất của châu Phi này đang bị "vạ lây" từ cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ông Davies nói: “Tất cả chúng ta trong BRICS đều nhất trí rằng thời điểm hiện tại trong nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi chúng ta tăng cường mối quan hệ đối tác”. 

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 BRICS chính thức được Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố khai mạc vào hồi 20 giờ ngày 25/7 giờ Hà Nội.

Các lãnh đạo BRICS khác, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng sẽ có bài phát biểu tại hội nghị. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới Nam Phi tham dự hội nghị vào ngày mai 26/7. 

Đây là hội nghị đầu tiên của BRICS kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump phát động chiến dịch tái cân bằng chủ nghĩa đa phương thương mại, mà theo ông Trump là không công bằng. (TTXVN)
-----------------------

Bảy tháng, giải ngân dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 9%

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7 vừa qua, có 1.656 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới 13,2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng thời điểm này có 627 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,95 tỷ USD, bằng 84,2%.

Cả nước có 3.331 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp gần 4,79 tỷ USD, tăng 53,3%.

Tính chung trong 7 tháng qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 20/7/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 7 tháng qua, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 95,13 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước đó và chiếm gần 71,2% kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 93,36 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 69,8% kim ngạch xuất khẩu.

Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 9,63 tỷ USD, chiếm 41,95% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,69 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đối tác đầu tư, 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam; trong đó Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,88 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư.

Hàn Quốc đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore đứng thứ ba, với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,73 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư.

Cục đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố; trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, với tổng số vốn đăng ký 6,17 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 4,12 tỷ USD, chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư.

Bà Rịa-Vũng Tàu đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,15 tỷ USD chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư (Vietnam+)
---------------------------

Vốn đầu tư vào dầu mỏ toàn cầu ước đạt 400 tỷ USD trong năm nay

Giá dầu thô trên thị trường thế giới trong thời gian qua tăng khá mạnh đem về lợi nhuận lớn cho các công ty dầu mỏ.

Tuy nhiên, nghịch lý là số tiền rót vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu mỏ lại giảm mạnh.

Giá dầu tăng từ mức 27 USD/thùng hồi tháng 1/2016 lên 57 USD/thùng cuối năm 2017.

Tháng Năm vừa qua, giá dầu thô thậm chí tăng cao hơn và đạt 80 USD/thùng.

Giá dầu thô được đẩy lên nhờ thỏa thuận cắt giảm khai thác dầu mỏ mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ký kết với 10 quốc gia ngoài OPEC; trong đó có Nga, hồi tháng 12/2016.

Trong báo cáo kinh doanh quý 2 vừa qua, hầu hết các công ty dầu mỏ đều cho thấy lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn lo ngại về sự biến động của giá dầu do sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ vẫn tăng và nguồn cung dầu bị gián đoạn tại các nước Libya, Venezuela và Iran.

Bên cạnh đó, cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani cuối tuần qua lại làm thị trường dầu mỏ lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Trong khi đó, chuyên gia Spencer Welch thuộc doanh nghiệp nghiên cứu thị trường IHS Markit nhận định các công ty dầu mỏ đang rất thận trọng khi xem xét liệu các dự án của họ có khả thi không với giá dầu dưới 50 USD/thùng hoặc thậm chí 40 USD/thùng trước khi phê duyệt dự án.

Theo chuyên gia này, hoạt động đầu tư vào thăm dò và sản xuất dầu mỏ hiện vẫn yếu kém, thấp hơn khoảng 50% so với giai đoạn 2011-2014.

Chỉ có Mỹ là nước có mức đầu tư tăng khi việc khai thác dầu khí đá phiến biến nước này một lần nữa trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới.

Số liệu của IFPEN cho thấy vốn đầu tư đổ vào hoạt động sản xuất và thăm dò dầu mỏ toàn cầu đạt 700 tỷ USD năm 2014 trước khi sụt giảm cùng với giá dầu.

Dự báo, tổng mức đầu tư này sẽ đạt khoảng 400 tỷ USD trong năm nay ngay cả khi đầu tư vào lĩnh vực này có mức tăng khiêm tốn.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung dầu mỏ nhiều khả năng sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu gia tăng trong những năm tới. (Vietnamplus)

Trở về

Bài cùng chuyên mục