Nước sản xuất hạt điều lớn nhất thế giới ế hàng vì Việt Nam không muốn nhập; Tỉnh Vĩnh Phúc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc; Chặn lỗ ảo của doanh nghiệp FDI
Tin kinh tế đọc nhanh tối 27-07-2018
- Cập nhật : 27/07/2018
Thuế nhôm, thép ảnh hưởng tới lợi nhuận năm 2018 của các nhà sản xuất ô tô
Tình hình căng thẳng thương mại và các mức thuế cao của Mỹ đối với các mặt hàng nhôm thép nhập khẩu đang khiến nhiều nhà sản xuất ô tô, như General Motors (GM) và Ford hạ dự báo lợi nhuận năm 2018.
GM cho biết "sự gia tăng đáng kể trong giá nguyên vật liệu và hàng hóa thời gian gần đây” là lý do khiến họ dự đoán lợi nhuận trong năm 2018 sẽ ở mức 5,14 USD/cổ phiếu, giảm so với con số dự báo 6 USD/cổ phiếu được đưa ra trước đó và cũng thấp hơn dự đoán 6,42 USD/cổ phiếu của giới phân tích.
Ford cũng hạ dự báo lợi nhuận trong cả năm 2018 từ 1,45-1,7 USD/cổ phiếu xuống còn 1,3-1,5 USD/cổ phiếu. Nhà sản xuất ô tô này của Mỹ cũng báo cáo lợi nhuận quý II giảm 47,9% xuống còn 1,1 tỷ USD.
Giám đốc Tài chính (CFO) của Ford Bob Shanks cho biết một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của Ford sụt giảm trong quý vừa rồi là môi trường chính sách bất ổn khiến giá hàng hóa gia tăng, chủ yếu là nhôm và thép.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô có thể lạc quan hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 25/7 đã đồng ý hợp tác cùng nhau loại bỏ thuế quan và các rào cản thương mại, giúp giảm căng thẳng hiện giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) mà có khả năng dẫn đến một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Nhưng thỏa thuận trên giữa hai bên vẫn chưa thật rõ ràng, trong khi chính quyền Washington vẫn tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác.
Nhà sản xuất ô tô Đức Daimler AG hồi tháng trước cũng hạ triển vọng lợi nhuận trong năm 2018, một phần do Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô Mỹ, nơi Daimler tiến hành hoạt động sản xuất.
Doanh nghiệp này dự đoán doanh số của dòng xe thể thao đa dụng (SUV) sẽ giảm, trong khi chi phí của thương hiệu xe Mercedes-Benz sẽ tăng cao hơn dự đoán trước đó do thuế và việc tái phân bổ sản phẩm sang các thị trường khác sẽ không thể bù đắp hoàn toàn tác động này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tháng Năm đã quyết định đánh thuế 25% đối với các mặt hàng thép và 10% với các mặt hàng nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU), khiến chi phí sản xuất ô tô tăng mạnh.
Trong kế hoạch mới nhất của mình, Tổng thống Trump còn đang xem xét đánh thuế đối với mặt hàng ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu, một biện pháp sẽ đẩy giá ô tô tăng lên, làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ở Mỹ và khơi mào các động thái trả đũa từ các nước khác.
Trung tâm nghiên cứu ô tô Mỹ hồi tuần trước dự đoán nếu Washington đánh thuế từ 20-25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô, giá ô tô trung bình sẽ tăng 4.400 USD/chiếc, và số việc làm ở Mỹ cũng sẽ giảm hơn 714.000 việc làm(Bnews)
---------------------------
Việt Nam là điểm đến đầu tư của doanh nghiệp Singapore
Việt Nam được kỳ vọng là một trong 3 điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp (DN) Singapore vào năm 2020 khi thị trường tiêu dùng Việt Nam đang tăng trưởng và môi trường đầu tư cải thiện.
Vốn đầu tư từ Singapore vào Việt Nam ngày càng tăng - NGỌC THẠCH
Đây là kết quả của cuộc khảo sát do Liên đoàn DN Singpore thực hiện theo ủy quyền của HSBC tìm hiểu về nhận định của 1.036 DN tại Singapore về kế hoạch của họ đối với việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài. 86% DN được khảo sát là các DN vừa và nhỏ (DNVVN) với doanh thu hằng năm ở mức 100 triệu USD hoặc có ít hơn 200 nhân viên.
Việt Nam là điểm đến thu hút đối với các DN Singapore. 77% DN Singapore cho rằng họ có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường nước ngoài
Singapore là một trong những thị trường mang lại nguồn vốn đầu tư cao nhất vào thị trường Việt Nam. Vào năm 2016, vốn đầu tư Singapore vào Việt Nam cao thứ ba, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt mức 2,41 tỉ USD, sang năm 2017 hơn 41 tỉ USD.
Hầu hết các DNVVN có trụ sở tại Singapore đang thâm nhập hoặc mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam đều đang hoặc sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam.(Thanhnien)
--------------------------
Qualcomm hỏng thương vụ 44 tỷ USD vì Trung Quốc
Qualcomm đã đợi gần hai năm để mua được hãng chip Hà Lan - NXP, nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến họ phải từ bỏ.
Thương vụ khổng lồ trị giá 44 tỷ USD được công bố tháng 10/2016 và đã được giới chức 8 nền kinh tế chấp thuận, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc. Hạn chót để Trung Quốc đồng ý vụ mua bán này là hôm qua, và Bộ Thương mại Trung Quốc đã không đả động gì đến việc này.
Dù vậy, Qualcomm đã lường trước kết quả này. CEO Steve Mollenkopf hôm qua cho biết trước các nhà đầu tư rằng nếu Trung Quốc không chấp thuận, họ sẽ từ bỏ vụ mua bán với NXP. “Rủi ro hiện tại là khả năng môi trường địa chính trị thay đổi”, ông cho biết. Công ty này giờ sẽ phải trả NXP 2 tỷ USD phí phá vỡ hợp đồng.
Văn phòng Qualcomm tại San Jose (Mỹ). Ảnh: AFP
Vài tháng qua, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của Qualcomm liên tục gặp khó khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. Ngành công nghệ là chiến trường chính trong cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ - Donald Trump chặn thỏa thuận Broadcom mua Qualcomm với 117 tỷ USD. Ông cho rằng việc này có thể giúp Trung Quốc đánh bại Mỹ về phát triển công nghệ 5G.
Một tháng sau, Mỹ lại cấm hãng viễn thông ZTE (Trung Quốc) mua linh kiện cần thiết từ các công ty Mỹ. Lệnh cấm này khiến Qualcomm chịu thiệt gấp đôi các công ty khác. Vì họ là nhà cung cấp chip chủ yếu cho các smartphone của ZTE. Bên cạnh đó, khả năng họ sáp nhập được với NXP còn tùy thuộc vào sự tồn tại của ZTE.
Sau khi Mỹ đạt thỏa thuận với ZTE, cho phép công ty này khôi phục việc kinh doanh với đối tác Mỹ, người ta lại kỳ vọng Bắc Kinh sẽ chấp thuận cho Qualcomm mua NXP. Nhưng tháng trước, Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Mỹ. Trung Quốc cũng trả đũa tương tự. Căng thẳng giữa hai nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
JH Lin - nhà phân tích tại Trend Force nhận định vụ mua bán giữa Qualcomm và NXP có thể giúp Mỹ tăng ảnh hưởng trong ngành chip toàn cầu và “ảnh hưởng tiêu cực lên nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc”. Bên cạnh đó, Qualcomm có thể củng cố công nghệ, “tạo ra thách thức lớn, thậm chí là rủi ro với các hãng chip Trung Quốc và ngành công nghiệp bán dẫn nước này”.(Vnexpress)