tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 26-07-2017

  • Cập nhật : 26/07/2017

IMF hạ dự báo tăng trưởng Mỹ, Anh

Khả năng giảm nới lỏng tài khóa và kết quả quý I chậm lại khiến hai nền kinh tế lớn bị hạ triển vọng tăng trưởng năm nay.

Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo toàn cầu tăng trưởng 3,5% năm nay và 3,6% năm tới. Tốc độ này không thay đổi so với báo cáo tháng 4.

Tuy nhiên, dự báo với Anh và Mỹ lại bị hạ. GDP Mỹ có thể chỉ tăng 2,1% năm nay và năm tới, do hoạt động quý I chậm lại và khả năng chính sách tài khóa kém nới lỏng hơn trước đây. Tương tự, triển vọng tăng trưởng của Anh năm nay là 1,7%, năm tới là 1,5%.Mức giảm này sẽ được bù đắp bằng tốc độ tại khu vực đồng euro. Các nước Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều có kết quả quý I vượt dự báo. Eurozone có thể tăng trưởng 1,9% năm nay.

cac container tai mot cang bien o california (my). anh: reuters

Các container tại một cảng biển ở California (Mỹ). Ảnh: Reuters

Tại châu Á, IMF nâng dự báo cho Trung Quốc lên 6,7%, nhờ kết quả quý I khả quan. Năm 2018, con số này cũng được điều chỉnh tăng, do giới chức Trung Quốc được kỳ vọng duy trì đầu tư công ở mức cao, để đạt mục tiêu năm 2020, tăng trưởng GDP thực sẽ gấp đôi 2010.

Nhóm 5 nước Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam cũng được đánh giá lạc quan, nhờ thương mại toàn cầu tăng và nhu cầu nội địa được cải thiện. GDP nhóm nước này năm nay và năm tới được dự báo tăng 5,1% và 5,2%.

Trong ngắn hạn, IMF nhận định các rủi ro toàn cầu "nhìn chung sẽ được cân bằng". Tuy nhiên, trong trung hạn, các rủi ro sẽ "nghiêng về hướng giảm".

"Khả năng thắt chặt chính sách, hoặc các cú sốc khác có thể châm ngòi cho một đợt điều chỉnh tại các thị trường lớn, đặc biệt với cổ phiếu, đồng thời làm tăng tính biến động", IMF dự báo, "Việc này có thể làm giảm chi tiêu và niềm tin nhà đầu tư, đặc biệt tại các nước dễ tổn thương về tài chính".

Cơ quan này cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên giảm rủi ro trung hạn bằng cách thúc đẩy hợp tác, tăng thương mại tự do toàn cầu. "Một thế giới mở, hoạt động dựa trên các nguyên tắc là đặc biệt cần thiết đối với thịnh vượng toàn cầu. Tuy nhiên, nó phải được hỗ trợ bởi hệ thống chính sách trong nước ủng hộ các thay đổi về thương mại và công nghệ", IMF cho biết. (Vnexpress)
--------------------------

Thái Lan điều tra người nổi tiếng quảng cáo rượu bia

Tờ The Nation hôm qua đưa tin cảnh sát Thái Lan đang điều tra 6 người nổi tiếng đã đăng tải và chia sẻ hình ảnh của họ với thức uống có cồn trên mạng xã hội.

Theo các nguồn tin, những người này bị nghi ngờ quảng bá cho sản phẩm rượu bia, vốn là hoạt động vi phạm điều 32 của đạo luật kiểm soát thức uống có cồn. Cảnh sát sẽ triệu tập đại diện công ty liên quan đến thương hiệu thức uống xuất hiện trên các bài đăng để thẩm vấn nhằm xác định xem 6 nhân vật trên có phạm luật hay không.

Điều luật hiện hành của Thái Lan cấm bất kỳ người nào có hành vi quảng cáo cho thức uống có cồn, bao gồm việc đăng tải nhãn hiệu và logo của sản phẩm. Người vi phạm sẽ phải đối mặt mức án 1 năm tù giam và 500.000 baht (gần 340 triệu đồng).

Tuy nhiên, theo cố vấn cảnh sát trưởng Thái Lan Weerachai Songmetta, những ai lần đầu vi phạm sẽ chỉ bị phạt 50.000 baht, nếu tái phạm sẽ tăng lên thành 200.000 baht. Bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp cảnh sát bắt giữ người vi phạm đạo luật trên sẽ được nhận 1/4 số tiền phạt đó.(Thanhnien)
--------------------------

Thị trường ô tô chững lại

Việc thiếu bản chính Giấy đăng ký ô tô có khả năng bị phạt khiến các hãng xe 'méo mặt' vì thị trường ngưng trệ, ngân hàng thì đang tính chuyện thu hồi tiền vay.

Người khỏi mua, kẻ mất bán

Việc nhiều người lái ô tô bị cảnh sát giao thông xử phạt vì lỗi không có bản chính Giấy đăng ký xe (cà vẹt) khi đi đường khiến thị trường cho vay mua xe ô tô gần như ngưng trệ, các đại lý xe như ngồi trên đống lửa. Giám đốc một đại lý ô tô than từ đầu tháng 7, thời điểm “siết” phải có bản gốc cà vẹt xe, cửa hàng không bán được một chiếc xe nào cho người mua vay ngân hàng (NH).

“Toàn người tới ngắm xe rồi về tay không, không ai dám mua. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến các bên “mất cả chì lẫn chài”: người không mua được, kẻ không bán được, NH thì không cho vay được”, ông than. Chưa kể, ông dự báo tình hình này kéo dài, NH sẽ siết cho vay ô tô ngay, nợ xấu sẽ tăng lên, vì nhiều khả năng khách hàng sẽ bán xe chạy nợ. Việc này đã xảy ra nhiều nên NH mới đòi giữ bản chính giấy tờ.

 

Theo số liệu mới nhất, quy mô thị trường cho vay tiêu dùng hiện xấp xỉ 600.000 tỉ đồng, tương đương 26,5 tỉ USD. Khảo sát của LienvietPostbank về thị trường tài chính tiêu dùng năm 2015 cho thấy, thị phần tài chính tiêu dùng của các nhóm đối thủ ước tính được phân chia như sau: Nhóm NH hiện đang chiếm thị phần 87% tổng tín dụng tiêu dùng cả nước, công ty tài chính chiếm khoảng 12%, công ty tài chính vi mô khoảng 1%. Danh mục cho vay của các NH chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như cho vay mua nhà, mua ô tô.

 

 

Giám đốc một hãng ô tô cũng cho hay, các hãng xe đang lo lắng vì hiện nay người mua xe vay trả góp chiếm đến 70 - 80%, nên thị trường bị ảnh hưởng rất lớn. Những người mua xe trước đó để chạy Uber hay Grab sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc này, do đa số vay trả góp. Còn những người mua xe mới ngại ngần, dừng lại để nghe ngóng thị trường. “Người mua chần chừ, từ đầu tháng đến nay hàng bán chựng lại. Chúng tôi đang mong các bộ ngành có buổi gặp sớm, bắt tay nhau tháo gỡ vướng mắc”, ông nói.

 

Ngân hàng đòi tài sản đảm bảo khác

Trong khi đó, các NH cũng đang lo sốt vó. Lãnh đạo ở một NH cho hay cho vay mua xe đang khựng lại, cũng như NH không có ý định trả bản gốc cà vẹt ra. “Trả thành ra vay tín chấp, không còn tài sản để giữ, người vay chạy mất luôn thì ai chịu trách nhiệm?”, ông đặt vấn đề. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc DongABank, thừa nhận NH đang đối mặt với 2 vấn đề. Thứ nhất, một khi người vay đã thế chấp cà vẹt xe thì NH không thể xuất trả được, bởi đây như một tài sản đảm bảo, giấy tờ có giá. Thứ hai, những người vay mới đang ngại, vì giao nộp bản chính cà vẹt thì không đi đường được. “Quan điểm của tôi đối với khoản tín dụng mới là ai đồng ý cho NH giữ bản chính thì mới cho vay, không thì thôi”, ông cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho hay cách xử lý hiện nay là NH thương lượng, thỏa thuận với người vay. NH vẫn cho vay bình thường nếu khách hàng đồng ý đưa cà vẹt. Còn nếu không, NH sẽ xem xét kỹ khả năng trả nợ, lịch sử tín dụng, nếu tốt sẽ cho vay.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một NH TMCP cho hay khoảng một tháng nay, doanh số vay mua xe giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 10 - 15% so với mức bình thường. “Hiện tại, một số người vay bị phạt thì NH cầm bản chính cà vẹt cùng đến gặp cảnh sát giao thông để hỗ trợ giải quyết, chứ nếu đưa bản chính, khách hàng bán mất xe thì NH gặp rủi ro rất lớn”, ông nói. Hiện nay, NH này đang có hướng xử lý với khoản vay cũ bằng cách yêu cầu người vay bổ sung tài sản thế chấp khác như nhà đất, sổ tiết kiệm… để lấy giấy tờ bản chính ra. Hoặc khách hàng phải rất “xịn”, có thu nhập rất cao, từ 60 triệu đồng/tháng trở lên, lịch sử tín dụng tốt thì mới cho rút giấy tờ ra cho vay tín chấp, nhưng đồng thời cũng điều chỉnh lãi suất cao hơn. Thứ hai, nếu người vay không có đủ tài sản đảm bảo khác, mà buộc phải có bản gốc giấy tờ, thì NH không có cách nào khác, phải yêu cầu khách hàng hợp tác bán xe, thu hồi tiền vay trở về.(Thanhnien)
----------------------

Công ty đào vàng bị đòi gần 200 tỷ USD thuế

Tanzania muốn Acacia Mining nộp khoản thuế tương đương gần 200 năm doanh thu của công ty này.

Acacia Mining có trụ sở tại London (Anh) và hoạt động đào vàng ở Tanzania. Quốc gia châu Phi này cho rằng Acacia nợ tổng cộng 190 tỷ USD tiền thuế và tiền phạt, theo thông báo của công ty hôm qua. Họ bị cáo buộc giấu doanh thu xuất khẩu từ hai mỏ Bulyanhulu và Buzwagi giai đoạn 2000 - 2017.Acacia thì khẳng định họ đã công bố đầy đủ. Dù vậy, cổ phiếu của hãng trên sàn London cũng đã giảm tới 21% hôm qua, xuống thấp nhất từ tháng 1/2016.

acacia mining hoat dong chu yeu o tanzania. anh: resource global network

Acacia Mining hoạt động chủ yếu ở Tanzania. Ảnh: Resource Global Network

Hóa đơn thuế khổng lồ này là bước ngoặt mới nhất trong cuộc chiến giữa Chính phủ Tanzania và Acacia. Hồi tháng 3, nước này đã cấm công ty trên xuất khẩu vàng và đồng thô. Acacia cho biết việc này khiến họ thiệt hại 1 triệu USD doanh thu mỗi ngày.

Căng thẳng leo thang khi Tanzania sau đó cáo buộc công ty này hoạt động bất hợp pháp tại đây và khẳng định hãng khai mỏ trốn thuế. “Công ty đang cân nhắc mọi lựa chọn và sẽ công bố thêm thông tin”, Acacia cho biết trong một thông báo.

Tháng này, giới chức Tanzania đã bắt giữ ít nhất 2 thành viên cấp cao của công ty này để điều tra. Các nhân viên khác cũng bị cảnh sát thẩm vấn. Cuối tuần trước, Acacia cho biết cuộc chiến này đã khiến họ mất gần nửa tiền mặt, từ 318 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 176 triệu USD hiện tại. Họ có thể phải đóng cửa mỏ Bulyanhulu cuối quý này nếu tình hình không tốt lên.

Năm ngoái, doanh thu của Acacia đạt 1,05 tỷ USD. Con số này từ năm 2009 là tổng cộng 7,7 tỷ USD.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục