tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 30-04-2017

  • Cập nhật : 30/04/2017

KIDO chi hơn 920 tỉ đồng để chi phối Vocarimex

Từ ngày 4.5 - 2.6, Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC) đăng ký mua thỏa thuận hơn 32,886 triệu cổ phiếu (CP) của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), tương đương 27% vốn.

kido dang so huu lon o nhieu cong ty dau an tai viet nam anh: gia khiem

KIDO đang sở hữu lớn ở nhiều công ty dầu ăn tại Việt Nam ẢNH: GIA KHIÊM

Với mức giá đang giao dịch trên sàn UPCoM là 28.000 đồng/CP, KDC sẽ chi ra hơn 920 tỉ đồng để mua số lượng CP nêu trên. Nếu giao dịch thực hiện thành công, KDC sẽ nâng sở hữu tại Vocarimex lên 62,11 triệu CP, tương đương 51% vốn. Khi đó, KDC sẽ có quyền chi phối hoạt động của Vocarimex.

Hiện nay, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT của KDC cũng là Chủ tịch HĐQT của Vocarimex. Bên cạnh đó, còn có ông Trần Lệ Nguyên và bà Nguyễn Thị Xuân Liễu - hai thành viên của KDC nằm trong HĐQT của Vocarimex.

Bản thân công ty Vocarimex đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 với sản lượng 260.000 tấn dầu, doanh thu thuần 4.500 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 180 tỉ đồng. Cổ tức dự kiến 12%.

Trong số các công ty con và công ty liên kết của Vocarimex, đáng chú ý có Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (24% vốn), Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè (49% vốn), Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (27%), Công ty cổ phần Dầu thực vật Tân Bình (17,8%)…

Với việc chi phối Vocarimex, KDC sẽ có tiếng nói mạnh trong ngành dầu ăn tại Việt Nam sau khi đã bỏ ra 1.000 tỉ đồng để mua lại 65% cổ phần của Dầu ăn Tường An trong năm 2016.(Thanhnien)
-------------------------------------------------------

Vinalines sắp chào bán 550 triệu USD vốn điều lệ

Cổ phiếu của ông lớn ngành vận tải biển dự kiến được chào bán vào cuối năm nay, theo đúng lộ trình cổ phần hoá phê duyệt trước đó.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết đã hoàn tất khâu thẩm định giá trị doanh nghiệp theo lộ trình cổ phần hoá doanh nghiệp. Dự kiến trong tháng 11 năm nay sẽ phê duyệt phương án cổ phần hoá và chính thức đấu giá cổ phiếu lần đầu ra bên ngoài sau đó một tháng. Tổng vốn điều lệ dự kiến trong đợt chào bán này lên đến 550 triệu USD.

Trước đó, Thủ tướng đã quyết định Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều tại công ty mẹ Vinalines sau khi cổ phần hoá, đồng thời cho phép công ty nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các cảng biển lớn như cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng… Các nhà đầu tư chiến lược có cơ hội nắm giữ 17,25% vốn điều lệ.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, Tổng công ty sẽ nắm giữ vốn tại một số doanh nghiệp dịch vụ hàng hải và logistics quy mô lớn và khả năng cạnh tranh cao, đồng thời, thoái vốn hoặc giải thể các doanh nghiệp không phục vụ ngành nghề sản xuất kinh doanh chính.

Từ nay đến năm 2020, Vinalines tập trung khai thác hiệu quả các cảng biển hiện nắm giữ nằm ở những vị trí chiến lược và phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển, đội tàu biển và cơ sở hạ tầng logistics nhằm tạo chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Năm 2016, hoạt động kinh doanh khởi sắc của khối cảng biển và dịch vụ đã gánh đỡ các khoản thua lỗ của mảng vận tải biển, giúp Tổng công ty cân bằng thu chi. Cụ thể, khối cảng biển và dịch vụ lần lượt ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 923 tỷ và 1.140 tỷ đồng. Trong khi đó, sự lao dốc của thị trường vận tải biển phản ánh qua BDI (chỉ số thuê tàu hàng khô) đã khiến mảng kinh doanh này chịu lỗ 1.980 tỷ đồng. Dự kiến trong 3 năm tới, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt đạt mức 17.200 tỷ và 1.720 tỷ đồng.(Vnexpress)
-----------------------

Bộ trưởng Y tế đề xuất cấm bán rượu trong quán karaoke

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề xuất như vậy tại phiên họp toàn thể Ủy ban về các vấn đề xã hội lần thứ 6 tại TP.HCM sáng 28-4.

Đây là một trong những vấn đề được thảo luận trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Theo đó, dự thảo đề xuất các giải pháp như cấm bán rượu tại quán karaoke, không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, người đã có biểu hiện say và phụ nữ đang mang thai.

Đồng thời cấm cán bộ, công chức và người lao động sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc, nghỉ giữa giờ, giữa các ca.

“Điều này sẽ góp phần hạn chế tỷ lệ người dân sử dụng rượu bia, đặc biệt là thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động uống rượu bia trong thời gian làm việc, hạn chế tình trạng say rượu, bia. Đồng thời hạn chế luôn khả năng tiếp cận sản phẩm rượu, bia của người dân” - bộ trưởng Tiến nói.

Đánh giá mặt hạn chế của đề xuất này, bà Tiến cho rằng các doanh nghiệp không được hưởng lợi từ các giải pháp đó. Tuy nhiên, với các chính sách cụ thể về kiểm soát rượu, bia, Nhà nước sẽ tạo môi trường pháp lý ổn định cho doanh nghiệp phát triển.

“Luật phòng, chống rượu bia hiện hành chủ yếu quy định về sản xuất, kinh doanh rượu bia mà chưa đề cập nhiều về phòng, chống tác hại của nó. Do vậy cần thiết phải thay đổi thói quen sử dụng rượu bia của người dân” - bà Tiến khẳng định.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất tăng cường quản lý rượu thủ công từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ.

Bộ trưởng Y tế cũng đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng từ nguồn thu đóng góp bắt buộc của người sử dụng và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu rượu, bia.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3 - 12% GDP quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả thường cao hơn chi phí trực tiếp.

Bộ trưởng Tiến lấy ví dụ ở Việt Nam năm 2012, nếu phí tổn do rượu, bia ở mức 1,3% GDP thì sẽ gây thiệt hại đến 60.000 tỷ đồng. Trong thời gian đó, đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu, bia, nước giải khát ở nước ta lại chỉ có 19.000 tỷ đồng.

Dự kiến, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2018.(Tuoitre)
--------------------------------

Trung Quốc xử lý mạnh tay đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc (MEP) cho biết các cơ quan bảo vệ môi trường của nước này trong Quý I/2017 đã tiến hành xử phạt đối với gần 5.000 trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2016, với tổng số tiền phạt lên tới 264 triệu Nhân dân tệ (khoảng 38,3 triệu USD).

 

khoi boc len tu mot nha may o tinh lieu ninh. anh: thx/ttxvn

Khói bốc lên từ một nhà máy ở tỉnh Liêu Ninh. Ảnh: THX/TTXVN

 

Trong số những trường hợp nói trên, có 224 doanh nghiệp bị xử phạt với số tiền từ 10.000 đến 100.000 Nhân dân tệ cho mỗi ngày vượt quá giới hạn về thời gian khắc phục theo quy định của MEP. 

Một doanh nghiệp xử lý rác thải của ở tỉnh Tứ Xuyên đã bị phát hiện gây ô nhiễm đất bằng kim loại nặng trong quá trình thu hồi và dỡ bỏ các loại ắc-quy, hiện hồ sơ vi phạm của doanh nghiệp này đã được chuyển sang cơ quan cảnh sát để tiến hành điều tra làm rõ. 

Trong khi đó, một nhà máy dệt nhuộm ở tỉnh Chiết Giang cũng đã bị phát hiện giả mạo dữ liệu giám sát chất lượng nước sau khi xả nước thải chưa qua xử lý. 

8 người chịu trách nhiệm về vụ việc này đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như triệu tập thẩm vấn, buộc phải đóng tiền bảo lãnh để được tại ngoại, giám sát nơi ở, tạm giữ và bắt giam.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục