tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-07-2017

  • Cập nhật : 26/07/2017

'Giữ chân' ngoại tệ

Vừa nỗ lực để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối, đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ thì mỗi năm, người Việt vừa chi 3 tỉ USD mua nhà tại Mỹ...

Làm thế nào để giữ hàng tỉ USD ở lại đầu tư, sinh sôi nảy nở trong nước là bài toán mà nhà quản lý phải tính đến.

Phải giữ chân được doanh nghiệp

Theo Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ, năm 2016 số tiền người Việt bỏ ra mua nhà ở Mỹ lên đến 3 tỉ USD, gấp 3 lần so với năm trước đó. Thực tế từ năm 2007, VN đã là một trong những nước đứng đầu có người mua nhà ở Mỹ. Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định, 3 tỉ USD mới là thống kê ở nước Mỹ, chưa kể lượng tiền người Việt đổ vào mua nhà ở Úc, New Zealand, Canada... 

 

Ngoại tệ chảy vào hay chảy ra phụ thuộc vào niềm tin, vào cơ hội làm ăn, đầu tư của doanh nghiệp. Chắc chắn người nào cũng sẵn sàng tham gia khi có cơ hội lớn tại quê nhà hơn là mua nhà ở nước ngoài
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTP tại TP.HCM

 

 

 

Đây là dấu hiệu cụ thể và rõ ràng chỉ ra môi trường kinh doanh VN chưa làm người ta yên tâm và hài lòng về lâu dài. Nên khi kiếm được ít vốn “lận lưng”, thay vì tiếp tục phát triển cơ nghiệp họ chọn cách an toàn hơn là sang nước ngoài mua nhà, sinh sống. “Các cơ quan quản lý không nên xem nhẹ dấu hiệu này, mà cần xem xét sự lựa chọn này một cách nghiêm túc. Nếu không, chúng ta không chỉ mất lượng lớn ngoại tệ, mà còn mất kinh nghiệm kinh doanh. Bởi khi người nước ngoài tiếp quản thị trường, các mối quan hệ làm ăn... lâu dần lực lượng doanh nghiệp (DN) tư nhân bị teo tóp, kiệt quệ, không lớn nổi”, ông phân tích.

Theo TS Lê Đăng Doanh, để giữ nguồn lực ở lại, môi trường đầu tư, kinh doanh phải thuận lợi, minh bạch. Chính phủ đang cho thấy tư tưởng cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt hỗ trợ DN vừa và nhỏ một cách quyết liệt.

Tuy nhiên, trên thực tế, DN phản ánh những văn bản này có tiến bộ nhưng còn rất chậm, khoảng cách giữa chính sách và thực thi, thực trạng nhũng nhiễu còn rất xa. "Cần hoàn thiện thể chế về công khai, minh bạch trong quản lý hành chính. Phải bảo vệ tài sản và vui mừng trước sự giàu có hợp pháp của DN và người dân, đảm bảo các quyền và lợi ích. Đồng thời kiến tạo nên môi trường chào đón và tiếp nhận những sáng tạo đổi mới thì mới giữ chân được DN”, ông nhấn mạnh và đề xuất VN cần cải thiện dịch vụ chữa bệnh, nâng cao đào tạo, mời trường nước ngoài vào mở chi nhánh tại VN với chương trình giáo dục tương tự như trụ sở chính… sẽ giảm được số ngoại tệ chảy ra nước ngoài.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội lớn mạnh

Theo các chuyên gia, có rất nhiều yếu tố cần làm để giữ dòng tiền ở lại, trong đó việc tạo ra các cơ hội đầu tư là quan trọng. Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTP tại TP.HCM, người thường xuyên tiếp cận những DN còn rất trẻ, năng động, nhiều ý tưởng, hừng hực lửa dấn thân vào thị trường nhưng vấn đề nổi cộm mà ông An cảm nhận ở họ là niềm tin vào độ ổn định của chính sách chưa được đảm bảo.

DN đầu tư thì bao giờ cũng quan sát động thái để tìm kiếm cơ hội. Ví dụ khi DN nhà nước cổ phần hóa, DN tư nhân xem đó là cơ hội và họ sẽ quan sát xem cổ phần hóa tới đâu, họ có được dự phần hay cơ hội đó dành cho “sân sau” của quan chức. Hoặc khi DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào, chính sách có tạo cơ hội cho DN tiếp cận chuỗi gia công sản xuất đó hay không... “Nghĩa là họ mong muốn được đối xử bình đẳng, công bằng trên thị trường, được tham gia cạnh tranh minh bạch”, ông Phạm Bình An nói.

Dẫn báo cáo của VCCI, chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt, từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc, cảnh báo tình trạng tham nhũng gia tăng, môi trường kinh doanh vẫn là nỗi ám ảnh với DN. Có 66% DN phải trả lót tay, chi phí logistics quá cao cộng thêm nhiều chi phí khác khiến họ cạn kiệt nguồn lực; DN càng lớn càng bị thanh tra nhiều, nên nhiều DN không muốn lớn. Tình trạng này phải được chấm dứt để DN yên tâm phát triển.

Ông Phạm Bình An nhấn mạnh: "Ngoại tệ chảy vào hay chảy ra phụ thuộc vào niềm tin, vào cơ hội làm ăn, đầu tư của DN. Chắc chắn người nào cũng sẵn sàng tham gia khi có cơ hội lớn tại quê nhà hơn là mua nhà ở nước ngoài”. (Thanhnien)
------------------

CEO VNG xin công ty gia hạn khoản nợ 250 tỷ đồng

Báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Công ty cổ phần VNG (Vinagame) công bố cho thấy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Hồng Minh vẫn đang nợ công ty số tiền hơn 250 tỷ đồng. Theo hợp đồng ban đầu, đây là khoản vay không có tài sản thế chấp từ tháng 9/2012 và đáo hạn vào tháng 4/2017. 

Tuy nhiên, cuối năm 2016, ông Minh đề nghị gia hạn thời gian trả nợ thêm nửa năm và phía công ty cũng chấp thuận. Khoản vay được phân loại lại từ phải thu về cho vay dài hạn sang phải thu về cho vay ngắn hạn.

Với lãi suất 4,2% một năm, ước tính mỗi năm ông Minh phải trả cho công ty 10,5 tỷ đồng tiền lãi. Tại thời điểm đầu năm 2016, tiền lãi của khoản vay này hơn 20 tỷ đồng và đến cuối năm thì giảm xuống còn 19,6 tỷ. Điều này đồng nghĩa với việc người sáng lập VNG chỉ thanh toán lãi phát sinh mới và tiếp tục nợ tiền lãi hai kỳ trước đó. 

Ông Lê Hồng Minh (sinh năm 1977 tại Hà Nội) đang nắm giữ 17,07% cổ phần VNG, theo thông tin trong báo cáo thường niên của công ty gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. 

Nửa đầu năm nay, VNG ghi nhận 2.102 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 89% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ trò chơi trực tuyến đóng góp xấp xỉ 1.445 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ mảng quảng cáo trực tuyến, dịch vụ tiếp thị, nhạc chờ… nhưng không đáng kể. Lợi nhuận sau thuế tăng lên mức 582 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

VNG đang đầu tư vào 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (Công ty cổ phần Tiki, nắm giữ 38% quyền sở hữu và biểu quyết), phát triển phần mềm, thẻ trò chơi và thẻ điện thoại trả trước. Phần lỗ trong công ty liên kết trong kỳ báo cáo này là 45 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm ngoái. 

Tổng tài sản của công ty vào khoảng 3.788 tỷ đồng. Nguồn tiền của VNG tương đối dồi dào khi công ty đang gửi ngân hàng gần 1.500 tỷ. Phần lớn trong số này có kỳ hạn từ 3 tháng đến một năm. 

Năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 3.960 tỷ và 908 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế đến cuối năm trước lên đến 3.683 tỷ đồng, tuy nhiên công ty đã thông qua nghị quyết không chia cổ tức cho cổ đông do nhu cầu tái đầu tư vào sản phẩm chiến lược.

Sau 13 năm thành lập, từ nhà phát hành game tại Việt Nam, đến nay VNG đã mở rộng nhiều ngành nghề kinh doanh mới như sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, sản xuất thiết bị truyền thông, đồ điện dân dụng; phân phối, bán lẻ vi tính, thiết bị ngoại vi, truyền thông, phần mềm tại các cửa hàng chuyên doanh… Vốn điều lệ của công ty đang có khoảng 331 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư nước ngoài sở hữu gần 45%. Ngoài ra, khoảng 20% vốn do chính doanh nghiệp nắm giữ dưới dạng cổ phiếu quỹ.(Vnexpress)
-----------------------

Ủng hộ VN xuất khẩu tôm tươi, thanh long vào Úc 

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Úc, ngày 25-7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã hội đàm với Quyền Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp và nguồn nước Barnaby Joyce, làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop và Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo. 

pho thu tuong vuong dinh hue gap quyen thu tuong kiem bo truong nong nghiep va nguon nuoc uc barnaby joyce, ngay 25-7 - anh: t.chung

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ gặp Quyền Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp và nguồn nước Úc Barnaby Joyce, ngày 25-7 - Ảnh: T.CHUNG

Tại các cuộc gặp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Quyền Thủ tướng Banarby Joyce cùng các bộ trưởng khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư sâu rộng hơn nữa, nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều (hiện đang đạt khoảng hơn 5 tỉ USD/năm), tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau như nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng cơ sở, công nghệ sáng tạo...

Các bên cũng nhất trí giao các bộ, ngành liên quan của hai nước xây dựng các nội dung cụ thể để thiết lập cơ chế đối thoại ở cấp bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, hướng tới việc hình thành quan hệ đối tác kinh tế trong thời gian tới.

Hai bên cũng nhất trí tham vấn và trao đổi thông tin nhằm từng bước dỡ bỏ rào cản thương mại đối với các sản phẩm nông sản, thủy sản, thúc đẩy liên doanh, liên hết, hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng, tạo ra giá trị gia tăng cao đối với các sản phẩm nông nghiệp, qua đó góp phần vào việc nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân hai nước.

Quyền Thủ tướng Banarby Joyce và Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo khẳng định Úc sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để hỗ trợ các mặt hàng trái cây nhiệt đới, tôm nguyên liệu không qua chế biến đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào Úc.

Tôm là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang thị trường Úc.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tôm (qua chế biến) chiếm khoảng 32,2% thị phần nhập khẩu tôm của Úc, là nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này.

Tuy nhiên, mặt hàng tôm nguyên liệu chưa qua chế biến làm gia tăng giá trị cho doanh nghiệp Việt Nam chưa được phía bạn cấp phép nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá việc Úc khẳng định hỗ trợ tôm tươi nguyên con, các sản phẩm tôm qua chế biến đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào Úc sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp nuôi, chế biến tôm xuất khẩu và bà con nông dân Việt Nam.

Với trái cây, Quyền Thủ tướng Úc và Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng đồng tình với đề nghị của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hỗ trợ trái thanh long của Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu vào Úc  trong năm 2017.

Nếu được cấp phép, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm hiện nay được cấp phép nhập khẩu thanh long vào thị trường Úc.

Ngoài ra, phía Úc cũng bày tỏ quan tâm hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu các loại trái cây là nhãn, vú sữa, chôm chôm và chanh dây trong thời gian tới.

Tại các cuộc làm việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Úc đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy các mối liên kết kinh tế, thương mại ở khu vực thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; nhất trí tăng cường hợp tác với các nước nhằm tìm hướng đi phù hợp cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thúc đẩy sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Úc đánh giá cao vai trò chủ nhà của Việt Nam trong Năm APEC 2017; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.

Thay mặt các lãnh đạo Việt Nam, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã nhận lời mời tham dự Tuần lễ cấp cao APEC.(Tuoitre)
--------------------------

Thêm chỉ số LQ đánh giá năng lực người lao động

Theo ManpowerGroup, có tới 65% công việc mà thế hệ Z (sinh từ 1996 đến 2010) sẽ đảm nhận chưa hề có khái niệm. Do đó nhà tuyển dụng sẽ cần đến LQ (Learnability Quotient) thay vì profile hay CV thông thường để đánh giá năng lực người lao động trong giai đoạn mới.

ManpowerGroup, nhà cung cấp giải pháp nhân lực hàng đầu thế giới, đã xây dựng một hệ thống đánh giá trực quan bằng LQ, cung cấp đánh giá chi tiết về động lực và phong cách học tập của mỗi cá nhân, dựa trên hàng loạt các câu hỏi để người dùng trả lời. Trong khi các chỉ số như IQ và EQ thể hiện trí thông minh và cảm xúc của con người, LQ thể hiện khả năng học hỏi của mỗi cá nhân để tạo động lực phát triển sự nghiệp, giúp cho người lao động lẫn tổ chức thành công.

Theo đó, LQ là phương pháp mới giúp cá nhân đánh giá được khả năng học hỏi của mình và được tư vấn để có thể phát triển bản thân, đồng thời mang đến cho doanh nghiệp những hiểu biết chính xác về khả năng phát triển của lực lượng lao động dựa trên dữ liệu thu thập được. Kết quả từ bài đánh giá được thể hiện qua 3 nhóm tính cách chính: Adventurous (how you self start, cách tự khởi động công việc), Intellectual (how you seek info, cách tìm kiếm thông tin) và Unconventional (how you solve problems, cách giải quyết vấn đề).

Người dùng có thể được xếp loại theo 3 nét tính cách chính. Nhóm Adventurous bao gồm: Thrill-seeker (người thích mạo hiểm), Explorer (người thích khám phá), Planner (chiến lược gia). Nhóm Unconventional bao gồm: Free Spirit (tinh thần tự do), Innovator (nhà cải cách), Traditionalist (người theo truyền thống). Nhóm Intellectual bao gồm: Scholar (học giả), Thinker (nhà nghiên cứu) và Doer (người thực hành). Khi đã phân loại các khả năng học hỏi khác nhau của người dùng, LQ sẽ cho thấy điểm mạnh của họ và cung cấp những hướng dẫn mang tính thực tiễn về cách mỗi cá nhân cần học hỏi để phát triển.

Nghiên cứu này cũng cho thấy khả năng học hỏi không bị ảnh hưởng bởi giới tính, vì cả hai giới đều có sự tò mò, khả năng thích ứng và mức độ khao khát học hỏi như nhau.

Theo ManpowerGroup, lao động Việt nhìn chung thiếu hụt nhiều kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ… Đây là một số điểm yếu chính dẫn tới thực trạng về năng suất lao động của Việt Nam luôn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục