Vingroup báo lãi trước thuế quý I hơn 1.200 tỷ đồng; Vinasun giảm mạnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2017; Thêm 1 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng Tư; Hãng lốp xe Trung Quốc muốn mở nhà máy 242 triệu USD tại Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-04-2017
- Cập nhật : 29/04/2017
Ninh Thuận khởi công nhà máy điện gió Đầm Nại 1.523 tỉ đồng
Nhà máy điện gió Đầm Nại quy mô 9,6ha tại vùng tứ giác xã Bắc Sơn, Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) và xã Tân Hải, Phương Hải (huyện Ninh Hải) có vốn đầu tư 1.523 tỉ đồng.
Sáng 28-4, tại xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, UBND tỉnh Ninh Thuận, Vụ Năng lượng tái tạo Bộ Công thương và Liên doanh chủ đầu tư Công ty cổ phần TSV (TP.HCM) và Công ty The Blue Circle (Singapore) cùng tổ chức lễ khởi công dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại với tổng vốn đầu tư trên 1.523 tỉ đồng.
Theo ông Đỗ Văn Điện, đại diện chủ đầu tư, Nhà máy điện gió Đầm Nại có quy mô 9,6ha tại vùng tứ giác xã Bắc Sơn, Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) và xã Tân Hải, Phương Hải (huyện Ninh Hải), có tổng công suất 40 MW, gồm 16 trụ turbine của hãng Gamesa (mỗi turbine công suất 2,6 MW, đường kính cánh quạt 114m, là loại turbine gió lớn nhất Việt Nam hiện nay).
Dự kiến khoảng tháng 10-2018, toàn bộ 16 turbine của nhà máy điện gió Đầm Nại sẽ đi vào hoạt động.
Tại lễ khởi công, ông Lưu Xuân Vĩnh, chủ tịch UBND tỉnh cho biết Ninh Thuận ít có bão, lượng gió thổi đều suốt 10 tháng trong năm với tốc độ qua khảo sát đo được từ 6,4m/s - 9,6m/s đảm bảo cho turbine gió phát điện.
Hiện Ninh Thuận là địa phương được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời”- ông Vĩnh nói.
Dịp này, chủ đầu tư trao 60 triệu đồng cho quỹ người nghèo, hội khuyến học hai huyện Thuận Bắc và Ninh Hải, mỗi huyện 30 triệu đồng.(Tuoitre)
----------------------------------
Rót 60.000 tỉ, 12 dự án thua lỗ vẫn mắc nợ trên 50.000 tỉ
Bộ Công Thương vừa có thông tin về tình hình xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém với nhiều con số đáng giật mình về vốn đầu tư, số lỗ, nợ mà các dự án này để lại.
Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là 43.673 tỉ đồng nhưng sau đó được điều chỉnh tăng lên 63.610 tỉ đồng, tức tăng 45,65%. Trong số này vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 22,56%, còn lại là vốn vay lên tới 47.451 tỉ đồng (chiếm tới 74,6%) và các nguồn khác.
Bộ Công Thương cũng cho biết tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31-12-2016 là 16.126 tỉ đồng, trong khi tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại chỉ là 3.985 tỉ đồng.
Các nhà máy này có tổng tài sản là 57.679 tỉ đồng nhưng tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỉ đồng.
Tổng vốn đã giải ngân của các dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.614 tỉ đồng trong khi tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.066 tỉ đồng.
Để khắc phục tình trạng yếu kém, thua lỗ của các dự án này, Chính phủ đã lập ban chỉ đạo, trực tiếp làm việc tại các dự án và có nhiều văn bản chỉ đạo để xử lý.
Trong đó tập trung rà soát, đánh giá, làm rõ thực trạng và nguyên nhân các vướng mắc, khó khăn để đề xuất phương án. Tập trung cụ thể vào công tác quản trị doanh nghiệp, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, đồng thời tập trung điều tra, thanh tra, kiểm toán để làm rõ những sai phạm, vi phạm.
Theo Bộ Công thương, mục tiêu xử lý là phải sớm chấm dứt tình trạng thua lỗ hoặc hạn chế tối đa thiệt hại cho nhà nước.
Cụ thể, trong năm 2017, hoàn thành được phương án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức triển khai, tạo chuyển biến về hoạt động và tài chính. Phấn đấu đến hết năm 2018 tạo được chuyển biến căn bản trong xử lý tồn tại, yếu kém.
Đồng thời xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, vận hành, khai thác, từ đó hoàn thiện các chính sách.
Bộ khẳng định kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; nhà nước không tiếp tục cấp thêm tiền. Tập trung thực hiện tái cơ cấu, ưu tiên các phuơng án bán,chuyển nhượng, thoái vốn, xem xét thực hiện phá sản, giải thể dự án không có khả năng phục hồi.
Việc xử lý trên cơ sở tránh để lại hệ lụy cho nền kinh tế, trên nguyên tắc thận trọng, đúng qui định, bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước, người lao động, an sinh - xã hội, an ninh - quốc phòng, môi trường, công khai, minh bạch.
Bộ Công thương cũng khẳng định sẽ rà soát dự án có nguy cơ kém hiệu quả khác, từ đó có giải pháp phù hợp, kịp thời để tránh thiệt hại cho Nhà nước.(Tuoitre)
-----------------------------------
Lùi thời điểm áp dụng tăng giá viện phí để tránh lạm phát
Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (gọi tắt là Thông tư số 02).
Theo lộ trình tính giá dịch vụ công gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, áp dụng đối với người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế; dịch vụ ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế.
Đại diện Bộ Y tế cho hay, mức giá của các dịch vụ tại Thông tư số 02 là mức giá tối đa; Thông tư 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017 nhưng không phải là đến ngày 1/6/2017 tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này.
Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các Bộ, ngành quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các Bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phải bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương dự kiến mức giá và thời điểm thực hiện (vào một trong các tháng 7,8,10,12 năm 2017) gửi về Bộ Y tế để phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tính toán mức tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh thời điểm thực hiện cho phù hợp với mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng của Chính phủ.
Việc ban hành Thông tư 02 là để bình đẳng giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và không có thẻ bảo hiểm y tế trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh vì nguyên tắc 2 đối tượng này phải chi trả cho bệnh viện như nhau, chỉ khác nguồn trả: người có thẻ bảo hiểm y tế do bảo hiểm y tế chi trả, người không có thẻ bảo hiểm y tế phải tự chi trả.
Luật Bảo hiểm y tế quy định bảo hiểm y tế là bắt buộc, tuy nhiên hiện nay vẫn còn gần 20% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, trong số này có rất nhiều người cận nghèo, người có thu nhập trung bình nhà nước đã có chính sách hỗ trợ từ 30-70% mức đóng nhưng vẫn chưa tham gia bảo hiểm y tế.
Vì vậy, việc thực hiện Thông tư 02 sẽ khuyến khích người chưa có thẻ bảo hiểm y tế tham gia bảo hiểm y tế, thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc thu và quản lý nguồn thu, các bệnh viện có kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đặc biệt, Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Nguyên nhân là do người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo, các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế và được Bảo hiểm Xã hội thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật(Vietnam+)
---------------------------
Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực
Moody's Investors Service vừa ra thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao và xếp hạng nhà phát hành của Việt Nam ở mức B1, đồng thời điều chỉnh triển vọng xếp hạng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.
Đồng thời, Moody’s cũng nâng trần xếp hạng trái phiếu và tiền gửi bằng đồng nội tệ của Việt Nam lên mức Baa3 từ mức Ba1.
Trong khi đó, trần xếp hạng trái phiếu và tiền gửi bằng ngoại tệ được giữ nguyên ở mức tương ứng là Ba2 và B2. Ngoài ra, hãng này duy trì trần xếp hạng đối với trái phiếu và tiền gửi bằng ngoại tệ ngắn hạn ở mức “Đầu tư không tốt” (Not Prime).
Việc nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam do Moody’s kì vọng: (1) dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục mạnh, được khuyến khích bởi đà cải cách kinh tế, sẽ tiếp tục đa dạng hóa nền kinh tế, (2) ổn định vĩ mô được duy trì, và (3) tăng trưởng kinh tế mạnh và môi trường vĩ mô ổn định sẽ giúp nợ chính phủ giữ quanh mức hiện nay.
Xếp hạng B1 phản ánh các thế mạnh tín nhiệm của Việt Nam, bao gồm quy mô và sự đa dạng của nền kinh tế và kết quả tăng trưởng mạnh so với các nước cùng mức tín nhiệm. Ngoài ra, mức xếp hạng còn phản ảnh chất lượng thể chế trong những năm gần đây.
Moody’s nhận xét dòng vốn FDI cao sẽ giúp Việt Nam duy trì được tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với các quốc gia khác, đồng thời đa dạng hóa nền kinh tế và tăng thị phần thương mại quốc tế.
Sự cải thiện về sức cạnh tranh và đà cải cách đã giúp dòng vốn FDI đạt mức trung bình 5,2% GDP trong giai đoạn từ 2014 đến 2016, cao hơn mức trung bình là 3,6% của các nước có cùng xếp hạng B1.
Cơ quan này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở quanh mức 6,3% từ nay đến năm 2019, cao gần gấp đôi mức trung bình 3,3% của các nước cùng hạng.
Lạm phát trong năm nay được dự báo dưới ngưỡng mục tiêu 5% do áp lực tăng giá của các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý giảm. Lạm phát vừa phải hỗ trợ sức mua của người tiêu dùng và kiềm chế chi phí đi vay bằng đồng nội tệ của Chính phủ.
Trước đó, tháng 7/2014 Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B2 lên B1 với triển vọng ổn định, lần đầu tiên sau gần 10 năm giữ mức xếp hạng B2.
Theo phân loại xếp hạng của Moody’s, mức tín nhiệm B1 vẫn được xếp trong nhóm đầu cơ cao, không khuyến khích đầu tư.(Bizlive)