tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 26-06-2018

  • Cập nhật : 26/06/2018

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị chỉnh sửa 9 luật

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã kiến nghị chỉnh sửa các quy định tại 9 luật và các văn bản hướng dẫn nhằm bãi bỏ 37 rào cản cho doanh nghiệp.

nha may san xuat hang dien tu o viet nam - anh: tl

Nhà máy sản xuất hàng điện tử ở Việt Nam - Ảnh: TL

Trong tờ trình gửi đến Thủ tướng, Tổ tư vấn khẳng định 37 khó khăn, vướng mắc trên đang gây nhiều phiền hà, tốn kém về thời gian và tiền bạc, làm mất cơ hội kinh doanh và có thể giảm tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Cải cách làm một số bộ, ngành mất quyền lực

Thực hiện chương trình công tác năm 2018, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 16 thành viên, đã tiến hành rà soát 9 luật.

Kết quả cho thấy các quy định hiện hành trong 9 luật và các văn bản dưới luật đang gây ra 37 vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư.

Cụ thể có 6 vướng mắc do chồng chéo giữa các quy định, 16 vướng mắc do những mâu thuẫn hoặc không tương thích giữa các quy định, 8 vướng mắc do quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể, và 7 vướng mắc do quy định bất hợp lý.

Theo tổ tư vấn kinh tế, có 3 nguyên nhân cơ bản gây ra 37 rào cản trên.

Thứ nhất là thủ tục đầu tư, xây dựng đối với một dự án đầu tư được quy định phân tán tại nhiều văn bản luật, được thực hiện bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau từ trung ương đến địa phương.

Thứ hai, không có sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư.

Do đó không thể có sự phối hợp hay nỗ lực chung của các bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu, nhà ở, trong nhiều năm qua.

Thứ ba, những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực này liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan liên quan và các thủ tục hành chính do chính họ thực hiện.

Chính vì thế, mỗi cải cách, thay đổi đều làm cho một hay một số cơ quan có liên quan mất, hoặc giảm dần quyền lực, tác động bất lợi đến quyền và lợi ích của các cơ quan đó.

Thậm chí những cơ quan, tổ chức bị mất quyền, mất lợi luôn chống lại những cải cách cần thiết. Ngay cả những cơ quan không bị mất quyền lợi cũng không muốn cải cách, thay đổi.

Đề nghị sửa đổi 9 luật liên quan

Hàng loạt các vướng mắc trong 9 luật đã được Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng liệt kê trong tờ trình gửi đến Thủ tướng.

Chẳng hạn đó là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư, Luật Nhà ở chồng chéo.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn trong quy định về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư trong đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật kinh doanh bất động sản và Luật đất đai.

Thêm nữa, xung đột về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai.

Một điều nữa là sự không rõ ràng và có sự khác biệt lớn về trình tự thủ tục đầu tư dự án quy mô trên 5.000 tỉ đồng giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật về quản lý vốn nhà nước…

Tổ tư vấn đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định nói trên và xem xét đề xuất chỉnh sửa trong tháng 6-2018.

Bình luận về vấn đề này, ông Lê Đăng Doanh - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, đánh giá rằng việc rà soát, phát hiện 37 rào cản, vướng mắc, thuộc 9 luật là bước khởi đầu quan trọng để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo ông Doanh, khi đã xác định rõ các rào cản thì không nên câu nệ, ngại ngần, phải kiên trì, cầu thị để sửa đổi.

Hơn nữa, theo ông Doanh, Việt Nam đã tham Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có rất nhiều cam kết trong CPTPP không phù hợp với luật hiện hành, trước sau Việt Nam cũng phải sửa.

Vị cựu Viện trưởng Viện CIEM cho rằng để bãi bỏ tất cả 37 rào cản này cần phải làm rõ, chứng minh, và đưa ra nghị quyết của Chính phủ, hoặc kiến nghị Quốc hội ra một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bãi bỏ những điều này, sửa đổi điều kia.

Theo ông Doanh, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cần tổ chức đối thoại với các bộ đã dự thảo ra các luật đó.

Sau khi đối thoại, các bộ có thể đồng ý sửa đổi luật; còn trong trường hợp không đồng ý, cần báo cáo trực tiếp Thủ tướng xem xét, giải quyết.

"Tôi thấy rằng, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng hiện nay cũng có vai trò tương tự như Tổ công tác của Thủ tướng về thực hiện Luật Doanh nghiệp trước đây. Đó là điều thuận lợi để có thể hoạt động độc lập, hiệu quả được. Mặt khác, tổ tư vấn nghiên cứu của Thủ tướng hiện nay hoạt động hiệu quả hơn vì có một bộ máy nghiên cứu đứng sau. Nếu tổ tư vấn chỉ đi công tác, nghe chỗ này, chỗ kia biết thế thôi, khó mà phát hiện, quy trách nhiệm", ông Doanh nói.

9 luật được đề nghị chỉnh sửa bao gồm: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Dân sự, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng đề nghị sửa đổi một số văn bản dưới luật điều chỉnh công tác chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư.

Để phát hiện ra 37 vướng mắc, khó khăn trong thực hiện dự án đầu tư, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) mất nhiều tháng rà soát, nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan, khảo sát thực tiễn ở địa phương, khảo sát và tham vấn hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia.

---------------------------------

Trump dọa đối tác thương mại: Từ bỏ rào cản bảo hộ hoặc đối mặt biện pháp đáp trả

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ tới các đối tác thương mại, kêu gọi họ chấm dứt mọi rào cản bảo hộ hoặc đối mặt với loạt biện pháp đáp trả mới.

“Mỹ nhấn mạnh rằng mọi quốc gia đã lập rào cản thương mại và thuế quan với hàng hóa nhập khẩu vào nước họ cần phải loại bỏ chúng ngay hoặc đối mặt với loạt biện pháp đáp trả từ Mỹ. Thương mại phải bình đẳng và không còn là một chiều nữa”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter ngày 24/6.

Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Mỹ và các đối tác thương mại đã áp thuế đáp trả lẫn nhau lên nhiều loại hàng hóa. Mỹ đã áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ Canada, Mexico, hai đối tác trong hiệp định NAFTA, và Liên minh châu Âu (EU). Những diễn biến trên làm dấy lên nghi ngờ về quen hệ giữa Mỹ và những đồng minh thân cận.

Tuần trước, thị trường bị ảnh hưởng mạnh, nhiều cổ phiếu giảm mạnh, bởi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Trump áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, động thái khiến Bắc Kinh phải nới lỏng tín dụng để giảm bớt ảnh hưởng.

Tờ Wall Streel Journal ngày 24/6 đưa tn Mỹ còn đang chuẩn bị cấm nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào các công ty công nghệ Mỹ, cấm xuất khẩu công nghệ của Washington cho Bắc Kinh.

“Một cuộc chiến tranh thương mại chưa đủ để đẩy nền kinh tế vào suy thoái nhưng nó khiến đà giảm, mà chúng tôi dư đoán diễn ra trong năm sau, mạnh hơn”, Capital Economics cho biết trong báo cáo nghiên cứu gửi khách hàng. Công ty này cũng nhắc đến rủi ro từ việc giá cả tăng cao do thuế sẽ được chuyển sang người tiêu dùng khi hàng hóa đi vào nền kinh tế.(NDH)
--------------------------

Triều Tiên có thể chọn mô hình kinh tế nào trong tương lai?

Singapore hay Việt Nam có thể là những nước Kim Jong-un nhìn vào để học hỏi khi ông tìm cách thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Kể từ khi lên nắm quyền, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hứa hẹn với người dân về một tương lai thoát khỏi nghèo đói. Phát triển kinh tế cũng là chủ đề mà Kim Jong-un luôn nhấn mạnh trong các bài phát biểu năm mới. Trong chuyến thăm Trung Quốc tuần này, ông Kim và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tập trung thảo luận việc Triều Tiên có thể phát triển kinh tế như thế nào.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên gần đây sản xuất phim tài liệu dài một giờ về chuyến đi Singapore của Kim Jong-un trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bộ phim chú ý nhiều đến những ánh sáng rực rỡ của thành phố hiện đại này.

Theo CNN, Singapore là mô hình kinh tế lý tưởng với Kim. Sau khi tách khỏi Liên bang Malaysia năm 1965, Singapore gặp khó khăn về mặt tài chính và chính trị. Họ đã bắt tay vào những cải cách xã hội và kinh tế lớn, được lãnh đạo bởi Thủ tướng đầu tiên của đất nước là Lý Quang Diệu và đảng Hành động Nhân dân.

Ông Lý đã duy trì quyền kiểm soát nghiêm ngặt đối với hầu hết mọi khía cạnh của thành phố. Các đối thủ chính trị bị kiện vì tội phỉ báng, kẹo cao su bị cấm và truyền thông "hoạt động sao cho tính toàn vẹn của Singapore được đảm bảo", ông Lý nói trước khi qua đời vào năm 2015.

"Khi Kim đến Singapore, ông ấy sẽ suy nghĩ về đất nước mình. Trong khi Kim đã có thể tự đưa Triều Tiên thành nước sở hữu vũ khí hạt nhân, ông ấy đang phải tìm cách biến đổi xã hội của mình", Joseph Siracusa, giáo sư an ninh và ngoại giao quốc tế tại Đại học RMIT ở Australia, nói.

Lý Quang Diệu "chưa bao giờ nhận viện trợ nước ngoài, ông ấy nhận đầu tư nước ngoài", Siracusa chỉ ra và cho rằng điều này có thể khiến Kim Jong-un phải suy nghĩ.

Kim Jong-un đã làm người Singapore và du khách ngạc nhiên khi ông đi tham quan thành phố một ngày trước cuộc gặp với Trump. Ông đã đến công viên Gardens by the Bay, nơi được truyền thông Triều Tiên nhấn mạnh là trồng những loài cây "vốn không mọc ở Singapore". Ông Kim cũng ngắm nhìn thành phố Singapore từ trên cao tại tầng thượng của khách sạn Marina Bay Sands.

Lãnh đạo Triều Tiên còn đến thăm cảng của Singapore, người đọc lời dẫn trong phim tài liệu nhấn mạnh đây là cảng nhộn nhịp nhất thế giới. "Khi lãnh đạo tối cao nhìn quanh cảng, ông nói rằng ông có thể hiểu rõ tiềm năng và sự phát triển của nền kinh tế Singapore. Ông có ấn tượng tốt về đất nước", bà nói.

Ông Kim có thể mang những ấn tượng tốt đẹp đó về Bình Nhưỡng. Kim Jong-un "sẽ rất ấn tượng khi nhìn vào một nơi chuyển mình từ vũng ao tù thành cảnh quan hàng đầu thế giới như vậy và tự hỏi tại sao họ có thể làm được điều đó", Siracusa nói.

Khi họp với Trump ngày 12/6, Kim Jong-un nói rằng nhiều người không tin sự kiện này có thể diễn ra và cuộc gặp ngỡ như là chỉ xuất hiện trong phim viễn tưởng.

"Khi Kim nói ông ấy trong một bộ phim khoa học viễn tưởng với Trump, ông ấy đang nhìn vào tương lai. Ông ấy nghĩ đến những nguồn vốn từ nước ngoài. Ông ấy thực sự nghĩ Triều Tiên có thể là một điểm đến du lịch", Siracusa đánh giá. Tháng trước, ngay sau khi Triều Tiên cho phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Wonsan, Kim Jong-un đã đi thị sát một khu du lịch gần đó mà ông hy vọng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, có ít bằng chứng cho thấy "Singapore sẽ là mô hình Kim Jong-un nhất thiết phải đi theo", Andrew O'Neil, nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Griffith ở Australia, nói.

"Tuy những thành tựu kinh tế của Singapore là phi thường, họ chủ yếu dựa vào sự phát triển tư bản nhà nước giống với Hàn Quốc. Vị trí địa lý của Singapore - nơi các tàu thuyền phải đi qua khi vào khu vực - cũng một điểm mấu chốt dẫn đến mức tăng trưởng hàng đầu thế giới cho nước này. Trong khi đó, tình hình của Triều Tiên rất khác", O'Neil nhận định.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh, ông Kim đã cùng ông Tập đi thăm nhiều cơ sở triển lãm phát triển, bao gồm Trung tâm Kiểm soát Giao thông Đường bộ Thành phố Bắc Kinh và Viện Cải tiến Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Quốc gia.

"Thành thật mà nói, người Trung Quốc đang cố gắng thu hút lãnh đạo Triều Tiên theo đuổi các cải cách thị trường giống Trung Quốc và mở cửa các lĩnh vực then chốt của kinh tế Triều Tiên", O'Neil nói.

Đối với một số nhà quan sát, hình mẫu mà ông Kim nhiều khả năng đi theo nhất là Việt Nam - từ cựu thù trở thành đối tác thương mại và an ninh của Mỹ. Công cuộc Đổi Mới được Việt Nam thực hiện vào giữa những năm 1980 đã thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp xuất khẩu tăng 70%. Vào đầu những năm 1990, Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ. Mỹ mở sứ quán ở Hà Nội và các nhà đầu tư Mỹ tiến vào thị trường Việt Nam.

Sau cuộc gặp đầu tiên giữa Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Moon Jae-in tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), hai bên đã thảo luận về việc tạo ra các khu kinh tế và mở lại tuyến đường sắt nối hai miền bán đảo.

Ông Moon đưa cho ông Kim một chiếc USB chứa gợi ý về ba "vành đai phát triển" bao gồm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, giao thông, hậu cần, công nghiệp và môi trường, du lịch.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết Mỹ muốn phối hợp với các đồng minh như Nhật và Hàn Quốchỗ trợ Triều Tiên phát triển nền kinh tế.Họ "sẽ giúp đỡ hiện đại hóa lưới điện ở Triều Tiên, mở rộng ngành công nghiệp khai khoáng và khoáng sản, phục hồi ngành nông nghiệp với mục tiêu tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực", báo cáo của trung tâm có đoạn.

Tuy nhiên, vẫn còn chuyên gia hoài nghi liệu Kim Jong-un có thật sự muốn cải cách và phát triển kinh tế, hay Triều Tiên vẫn sẽ giữ lấy vũ khí hạt nhân để đòi các nước khác nhượng bộ kinh tế.

"Tôi cho rằng mục đích của bộ phim về chuyến đi Singapore của Kim Jong-un là để thể hiện Kim được quốc tế công nhận. Họ muốn phô trương điều đó với người dân trong nước", David Maxwell, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn, đánh giá.

"Họ muốn thể hiện rằng dù quốc gia khác có giàu có thế nào thì họ cũng rất tôn trọng Kim Jong-un", ông nói thêm.(Vnexpress)
------------------------

Ngân hàng siết vốn bất động sản, giảm lãi suất huy động

 Nhiều ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn theo mặt bằng chung do thừa vốn từ việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản.

Ngân hàng siết vốn bất động sản, giảm lãi suất huy động - Ảnh 1.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết vốn tín dụng vào bất động sản, các ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất huy động do thừa vốn - Ảnh: Q.ĐỊNH

Techcombank vừa giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn với mức giảm 0,2 - 0,3%/năm.

Sau khi giảm, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này chỉ còn 4,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng còn 4,6%/năm.

Các kỳ hạn 6-11 tháng sau khi giảm lãi suất huy động còn 5,5%/năm, thay vì mức 5,8%/năm như trước đó. Trong tháng 4-2018, Techcombank đã ba lần điều chỉnh lãi suất huy động.

Sacombank cũng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn 2 tháng có dự thưởng về mức 5,2%/năm. Trước đó, BIDV cũng giảm lãi suất huy động một số kỳ hạn.

Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại BIDV hiện chỉ còn 4,1%/năm, trong khi nhiều ngân hàng cổ phần lớn khác trả mức lãi suất 4,8 - 5,1%/năm, thậm chí kịch trần 5,5%/năm.

Kỳ hạn 3 tháng BIDV cũng chỉ trả lãi suất 4,6%/năm, kỳ hạn huy động 6 tháng lãi suất là 5,1%/năm.

Trao đổi với chúng tôi, một số ngân hàng thừa nhận tín dụng đang có xu hướng tăng chậm lại sau khi Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản do lo ngại rủi ro.

Giám đốc kinh doanh một ngân hàng thừa nhận nhiều ngân hàng thương mại đang thừa vốn nên buộc phải giảm bớt lãi suất huy động.

"Việc giảm lãi suất huy động cũng nhằm cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn theo hướng khuyến khích người dân gửi kỳ hạn dài, thay vì tập trung vào các kỳ hạn ngắn như trước" - vị này nói.

Huy động vốn tăng mạnh

Theo thống kê 5 tháng đầu năm, huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 7,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2017.

Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại đã có mức tăng tín dụng 7 - 8%, thậm chí có ngân hàng tăng hơn 9%, nên giảm lãi suất đầu vào là giải pháp cần thiết để giảm chi phí.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục