Trung Quốc sắp bơm hơn 100 tỷ USD vào nền kinh tế; Lừa châu Phi "bốc hơi" vì Trung Quốc mê da lừa; Úc: Bang Tasmania e ngại dự án 100 triệu USD của Trung Quốc; Người Mỹ, Nhật, Hà Lan chi 780 triệu USD mua túi, ô, dù... từ Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh 25-06-2018
- Cập nhật : 25/06/2018
Đến hết tháng 5/2018, VAMC đã xử lý được hơn 90 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, từ khi thành lập đến ngày 31/5/2018, Công ty này đã phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý nợ đạt 90.648 tỷ đồng bao gồm các biện pháp bán nợ, bán tài sản bảo đảm, bán lại nợ cho tổ chức tín dụng.
Trong đó, riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó), tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2016, vượt 40% so với kế hoạch.
Luỹ kế từ khi thành lập đến hết 31/12/2017, VAMC đã thực hiện mua được 26.270 khoản nợ của 16.840 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng có tổng dư nợ gốc nội bảng là 309.710 tỷ đồng với giá mua nợ là 279.260 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.
Kể từ khi bắt đầu triển khai hoạt động mua nợ theo giá thị trường vào đầu năm 2017, tính đến hết năm 2017, tổng giá trị mua nợ của VAMC là 3.141,07 tỷ đồng, tổng dư nợ gốc là 2.938,6 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch mua nợ thị trường năm 2017 được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trong thời gian tới, để xử lý nợ xấu hiệu quả, VAMC sẽ giảm dần việc mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt, chuyển dần sang hình thức mua đứt bán đoạn hay nói cách khác là mua bán nợ theo giá trị thị trường…(TCTC)
----------------------
Hà Nội: Thu gần 1.300 tỷ đồng từ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại
Lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã phát hiện, xử lý 1.906 vụ vi phạm trong tháng 5/2018, trong đó có 218 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 1.508 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 180 vụ hàng giả.
Lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã phát hiện, xử lý 1.906 vụ vi phạm trong tháng 5/2018. Nguồn: Internet
Qua xử lý vi phạm, lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã thu nộp ngân sách 1.295,173 tỷ đồng, trong đó: Phạt vi phạm hành chính 184,979 tỷ đồng; Phạt bổ sung, truy thu thuế 1.110,55 tỷ đồng; Bán hàng tịch thu 39 triệu đồng; Khởi tố 15 vụ/14 đối tượng.
Có thể kể đến vụ việc điển hình: Ngày 21/4/2018, Đội Quản lý thị trường số 5 - Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Đội 8 thuộc Phòng PC46 - Công an TP. Hà Nội, Cục C46 và Cục C74 - Bộ Công an tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tã quần tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang đóng gói, dán nhãn 177.680 sản phẩm tã quần mang nhãn hiệu Bobby cùng 01 máy nén khí Xin Yuan Fbang QCX2-32 và đầu đẩy sản phẩm vào bao kèm theo; 01 máy hàn miệng túi Tân Thanh dùng để đóng gói sản phẩm; 225kg bao bì sản phẩm nhãn hiệu Bobby; 04 kg tem sản phẩm; 360 kg túi nilong trắng không chữ. Toàn bộ số tã quần trên cơ sở mua trôi nổi trên thị trường về đóng gói, dán nhãn vào bao bì sản phẩm để bán kiếm lời. Ngày 22/4/2018, Cơ quan điều tra - Công an TP. Hà Nội đã ra lệnh bắt giữ khẩn cấp chủ cơ sở để phục vụ công tác điều tra.
Ngày 05/5/2018, Đội Quản lý thị trường số 5 - Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Đội 2 thuộc Phòng 7 - Cục Cảnh sát môi trường và Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 7 thuộc Phòng tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc - Cục Cảnh sát giao thông tiến hành khám 01 xe ô tô đầu kéo và sơ mi rơ moóc. Kết quả khám phát hiện trên xe có 11.500 kg nầm lợn có xuất xứ từ nước ngoài không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, đã bốc mùi, biến đổi màu sắc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngày 07/5/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 thuộc Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội do Đội Quản lý thị trường số 13 – Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Phòng PC49 - Công an Thành phố tiến hành kiểm tra 01 Cơ sở kinh doanh tại Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội; phát hiện một số lượng hàng hoá không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, gồm: 3.230 sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng; 44 kg sữa rửa mặt dạng dung dịch; 180 vỏ lọ thuỷ tinh không nắp; 11 kg nắp vỏ lọ thủy tinh; 60 vỏ lọ sữa rửa mặt bằng nhựa; 49 kg vỏ hộp giấy các loại. (BCD389)
------------------------------
Xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền đang diễn ra rất phức tạp. Thực trạng trên đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.
Để kịp thời khắc phục tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo tuân thủ pháp luật, đặc biệt chú ý các lô hàng theo quy định phải đảm bảo điều kiện kiểm tra chuyên ngành theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới cho thông quan.
Chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào xây dựng cơ chế quản lý đối với các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ động xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh, kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên toàn quốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tăng cường quản lý giám sát về điều kiện hoạt động thương mại điện tử các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các cơ quan chức năng, các chủ thể quyền, xử lý cá nhân, tổ chức sử dụng các trang mạng xã hội kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Đồng thời, nhằm giúp các doanh nghiệp, người dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tác hại của hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Công khai thông tin các tổ chức, cá nhân vi phạm, biểu dương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thông tin đầy đủ về hàng hóa đến các cơ quan quản lý và người tiêu dùng, phải phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, đẩy mạnh liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.(TCTC)