Công ty Nhật đang dần rời bỏ Trung Quốc; Bùng nổ xuất khẩu trái cây; Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo; 15 doanh nghiệp trúng thầu gần 90.000 tấn đường nhập khẩu
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-06-2017
- Cập nhật : 24/06/2017
Cuộc chiến ngành nhôm Mỹ - Trung đến khi nào mới kết thúc?
Nhôm nhập khẩu từ nước ngoài đe dọa tới toàn bộ nền công nghiệp Mỹ vốn đang trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi giá nhôm liên tục giảm trong một khoảng thời gian dài.
Hôm thứ 5, Trung Quốc phản bác lại cáo buộc của công đoàn lao động và sản xuất Mỹ rằng nước này đã làm "tràn ngập" thị trường Mỹ bằng nhôm giá rẻ, khiến các nhà sản xuất trong nước phải điêu đứng.
Công đoàn lao động và sản xuất Mỹ cho rằng không nên chỉ áp dụng những biện pháp trừng phạt thương mại đơn phương để cố gắng khắc phục tình trạng thừa nhôm.
Trong phiên điều trần trước Chính phủ Mỹ, ông Li Xie, Giám đốc bộ phận xuất khẩu của Bộ thương mại Trung Quốc kêu gọi Chính quyền ông Trump nên bình tĩnh trước khi áp đặt các lệnh hạn chế nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc.
Ông Li cho biết: "Sản phẩm nhôm Trung Quốc hầu hết được sử dụng cho mục đích dân dụng như đóng gói, biển báo giao thông... do vậy không thể coi đây là mối hiểm họa đe dọa tới an ninh nước Mỹ".
Thế nhưng, hồi tháng 3/2017, các nhà sản xuất Mỹ đã từng gửi đơn khởi kiện yêu cầu điều tra vụ việc 230 công ty Trung Quốc bán phá giá khối lượng lớn giấy bạc trị giá gần 400 triệu USD. Ngay sau đó, Mỹ mở cuộc điều tra thăm dò để quyết định xem có nên áp dụng mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng giấy bạc nhập khẩu từ Trung Quốc hay không.
Hồi giữa tháng 6, các nhà sản xuất Mỹ kỳ vọng Chính phủ sẽ áp đặt thuế và hạn ngạch nhập khẩu đối với nhôm và thép nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tìm được bằng chứng thép nhập khẩu đe dọa đến an ninh quốc gia, Tổng thống sẽ được đơn phương "điều chỉnh nhập khẩu", trong đó có thể bao gồm hạn chế lượng thép nhập khẩu. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer, sau khi kết quả cuộc điều tra được công bố, một số kiến nghị sẽ được trình lên Quốc hội để giải quyết các vấn đề liên quan đến chống bán phá giá đối với thép, nhôm và các mặt hàng khác.
Ông Li cho hay không có một doanh nghiệp Trung Quốc nào được mời tới dự phiên điều trần và cho rằng hình phạt đơn phương Mỹ áp đặt lên Trung Quốc không phải là giải pháp tốt để giải quyết vấn đề toàn cầu. Theo ông Li cho biết Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng thừa nhôm trong nước và sẽ sớm nộp bản báo cáo về việc áp dụng biện pháp này.
Trung Quốc đã công bố bản kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí Bắc Kinh - Thiên Tân -Hà Bắc năm 2017 trong bối cảnh đang nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường và chi phí nhiên liệu. Theo báo cáo của Công ty Morgan Stanley cho thấy những chính sách môi trường mới cùng với điều kiện về tài chính sẽ khiến hoạt động sản xuất nhôm ở Trung Quốc giảm mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khai khoáng trên toàn thế giới.
Theo bản báo cáo, do ngành nhôm Trung Quốc không chỉ hoạt động không hiệu quá, không đem lại lợi nhuận cao mà còn gây ô nhiễm không khí nặng nề nên Chính phủ buộc phải hành động. Vì vậy, động thái giảm bớt các nhà máy sản xuất nhôm của Trung Quốc được xem là một phần của kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí mùa đông 2017.
Hội đồng Nhà nước cho biết: "Các công ty tại 28 thành phố cần phải cắt giảm hơn 30% công suất sản xuất nhôm. Còn tại một số thành phố lớn của tỉnh Hà Bắc như Shijiazhuang và Tangshan - nơi được cho là thủ phủ ngành sản xuất thép của Trung Quốc, cũng phải cắt giảm sản lượng thép và sắt xuống còn một nửa".
Tuy nhiên, Công đoàn lao động và sản xuất Mỹ cho rằng ngành công nghiệp nhôm trong nước bị hủy hoại nghiêm trọng bởi chính sách bóp méo thị trường ở Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế thuộc Học viện Chính sách Kinh tế, ông Robert Scott khẳng định nhôm nhập khẩu từ nước ngoài đe dọa tới toàn bộ nền công nghiệp Mỹ vốn đang trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi giá nhôm liên tục giảm trong một khoảng thời gian dài.
Mối hiểm họa gây ra bởi tình trạng thừa sản lượng nhôm ở Trung Quốc khi tăng tới 1.500% trong vòng 17 năm từ năm 2000 đến năm 2017.
Dữ liệu chính thức cho thấy chỉ có 6% lượng nhôm từ Mỹ xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Trung Quốc lại cho rằng việc mở rộng công suất có thể dẫn tới nhôm trên toàn thế giới phải hứng đợt giảm giá mạnh.
Theo ông Michael Bless, Chủ tịch công ty sản xuất nhôm Century Aluminum Company cho rằng ngành nhôm nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn bởi tình trạng thừa sản lượng. Chỉ trong vòng 4 năm qua, số lượng lao động và hoạt động sản xuất ngành giảm tới gần 60%.
"Trung Quốc không có lợi thế cạnh tranh tự nhiên. Chi phí sản xuất của các nhà máy luyện kim của nước này cao nhất thế giới, họ đang bị thua lỗ nhưng vẫn tiếp tục mở rộng", ông cho biết thêm. (NDH)
------------------------------------
Nhiều dấu hiệu gian lận trong kinh doanh đường
Theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hoạt động kinh doanh, phân phối, vận chuyển, tiêu thụ đường trên thị trường hiện nay có rất nhiều dấu hiệu gian lận thương mại, tiếp tay cho đường lậu.
Thứ nhất, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể gian lận bằng cách dùng bao bì, nhãn mác của các nhà máy sản xuất đường trong nước để tiêu thụ. Kiểu gian lận này khi tiêu thụ thường không có chứng từ, hoặc nếu có chứng từ nguồn gốc là các hóa đơn bán hàng của các nhà máy đường trong nước nhưng sử dụng quay vòng nhiều lần, thậm chí có hóa đơn đã sử dụng 3 năm chủ hàng vẫn đem ra xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra. Kiểu gian lận này nếu trót lọt thì một hóa đơn ban đầu mua đường của các nhà máy với số lượng không nhiều, nhưng có thể giải cứu cho nhiều lần vận chuyển đường lậu, kể cả khi vận chuyển lượng hàng không trùng khớp với hóa đơn vì hóa đơn chỉ để xác minh nguồn gốc.
Niên vụ 2016-2017 đường sản xuất trong nước tiêu thụ chậm, tồn kho cao kỷ lục - lên đến trên 748.000 tấn, tính đến ngày 19/5/2017. Một trong những nguyên nhân tồn kho đường cao là do giá đường trong nước kém cạnh tranh khiến đường lậu có cơ hội lấn át, kéo theo nhiều phương thức, thủ đoạn có dấu hiệu gian lận thương mại trong kinh doanh đường.
Thứ hai, sử dụng chứng từ mua đường lậu bán đấu giá của cơ quan chức năng địa phương rồi quay vòng nhiều lần. Tại một số địa phương, có nhiều lần giá đấu giá đường lậu do cơ quan chức năng thu giữ bán ra được cá nhân, tổ chức mua với giá cao hơn giá bán trên thị trường nhằm mục đích chính là lấy chứng từ để phục vụ quay vòng cho việc vận chuyển đường lậu.
Thứ ba, dùng chứng từ nhập khẩu của một số công ty nhập khẩu đường chính thức trong và ngoài hạn ngạch thuế quan để báo xuất xứ hàng hóa cho đường lậu. Chẳng hạn, trường hợp dùng chứng từ của Công ty TNHH Quốc tế Phước Thắng nhập khẩu cuối năm 2016 tại TP.HCM để vận chuyển đường lậu tại An Giang đã bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ; hoặc trường hợp Công ty TNHH Tài Phát tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bìnhkhông nhập khẩu đường nhưng lại công khai dán tem nhập khẩu để bán đường tại thị trường Đà Nẵng bị phát hiện hồi tháng 4/2017.
Thứ tư, gian lận thông qua đăng ký kinh doanh với chức năng có sản xuất, chế biến đường, nhưng tổ chức, cá nhân lại không có nhà máy, cũng không thực hiện sản xuất, chế biến đường một cách đúng nghĩa, các cơ sở này vẫn in các loại bao bì PP dạng 50 kg, túi PE 0,5 kg, 1kg... rồi thực hiện sang, chiết đường mua từ nhiều nguồn khác nhau không loại trừ đường lậu để cung cấp ra thị trường (thực trạng này xuất hiện tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, An Giang...).
Thứ năm, gian lận thông qua áp dụng quy định thực phẩm đóng túi được đăng ký. Ở thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn lượng đường tiêu thụ có dạng túi đóng gói thủ công 12 kg (gọi là đường cây 12 kg), các cơ sở thương mại có thể mua đường lậu chỉ cần đóng dấu nhãn mác sau khi đóng túi là xem như hợp lệ có thể bày bán công khai tại các chợ, thậm chí người bán có thể xuất hóa đơn hợp lệ cho người mua khi bán hàng.
Một dấu hiệu biến tướng khác về gian lận, tiếp tay cho buôn lậu trong hoạt động kinh doanh đường xuất hiện mới đây, theo VSSA cho biết là có nhiều cơ sở sản xuất đường phèn ở khu vực biên giới tiếp giáp Campuchia (gần cửa khẩu Vĩnh Xương thuộc tỉnh An Giang và sâu trong nội địa) có thể sử dụng đường đầu vào là đường lậu xuất xứ Thái Lan, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thì họ sử dụng các phương thức gian lận khai báo là đường đầu vào mua từ các nhà máy sản xuất đường trong nước, hoặc mua đường lậu từ nguồn cơ quan chức năng bắt giữ và bán đấu giá (Baocongthuong)
------------------------
Dự báo dân số 2050: Châu Âu giảm, châu Phi tăng mạnh, Ấn Độ vượt Trung Quốc
Liên hiệp quốc vừa dự báo dân số thế giới sẽ tăng lên 8,6 tỷ người vào năm 2030; 9,8 tỷ người vào năm 2050 và 11,2 tỷ người vào năm 2100.
Cụ thể, báo cáo “Triển vọng dân số thế giới: Nhìn lại năm 2017” do Liên hiệp quốc vừa công bố đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng dân số trước đó là 8,5 tỷ người vào năm 2030 và 9,7 tỷ người vào năm 2050.
Hiện Ấn Độ là nước có số dân đông thứ hai thế giới, với 1,3 tỷ người, so với nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc có 1,4 tỷ người. Tuy nhiên, theo Liên hiệp quốc, dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2024.
Cũng theo báo cáo, từ năm 2017 đến năm 2050, dân số của 26 nước châu Phi sẽ tăng ít nhất gấp đôi hiện nay.
Ngược lại, dân số các nước châu Âu sẽ giảm trong những thập kỷ tới.
Báo cáo của Liên hiệp quốc còn cho rằng đến năm 2050, đà tăng trưởng dân số mạnh nhất sẽ tập trung ở các quốc gia: Ấn Độ, Nigeria, Congo, Pakistan, Tanzania, Mỹ, Uganda và Indonesia.
Báo cáo nhận xét, tốc độ sinh sản thấp hơn diễn ra ở gần như tất cả các khu vực của thế giới, đồng thời tuổi thọ của người dân trên toàn thế giới lại tăng cao hơn. Tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng từ 65 tuổi đối với đàn ông và 69 tuổi đối với phụ nữ từ năm 2000 - 2005, lên 69 tuổi đối với đàn ông và 73 tuổi đối với phụ nữ trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2015.
Tuổi thọ tăng sẽ khiến những nước có dân số già gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì các hệ thống bảo vệ xã hội, đặc biệt là hệ thống lương hưu và chăm sóc y tế. (Vneconomy)
-----------------------
Du lịch và áp lực tăng trưởng
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung trong năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo ngành du lịch phấn đấu đạt mục tiêu thu hút được 13-15 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay, tức là thêm từ 3-5 triệu lượt khách so với năm ngoái. Lượng khách liên tục tăng cao đang gây áp lực rất lớn cho việc giữ chất lượng điểm đến.
Sức ép lớn cho hạ tầng
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến nước ta trong năm tháng đầu năm nay đạt 5,25 triệu lượt khách, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng 26% của cả năm ngoái. Như vậy, để đạt được mục tiêu đón từ 13-15 triệu lượt khách vào cuối năm thì trong vòng bảy tháng tới, ngành du lịch buộc phải thu hút được khoảng 7,75-9,75 triệu lượt khách.
Đây là con số kỷ lục trong hàng chục năm phát triển du lịch của Việt Nam. Nếu đạt được kết quả này thì trong ngắn hạn, sẽ giải quyết được bài toán lấp đầy hàng loạt cơ sở lưu trú, thậm chí là hệ thống condotel đang được xây dựng rất nhiều ở các địa phương như Đà Nẵng, Phú Quốc, Phú Yên...
Trên thực tế, tuy có trạng thái kín phòng ở vài thời điểm như các kỳ nghỉ lễ, dịp cuối tuần hay tại vài địa phương có đặc thù về lượng khách (như Nha Trang) nhưng tình hình chung là vẫn còn rất nhiều phòng trống và khách sạn vẫn đang “đói” khách thuê.
“Số lượng khách sạn mới mở nhiều kinh khủng nên lượng khách tăng 30 hay 50% cũng không đáng kể gì so với số phòng hiện tại”, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc điều hành resort 5 sao Furama Đà Nẵng nói.
Chẳng hạn, thị trường Đà Nẵng vốn có lượng khách quốc tế khá lớn nhưng do số lượng khách sạn mới nhiều nên cạnh tranh thu hút khách ngày càng gay gắt. Chỉ riêng phân khúc cao cấp, từ tháng 5-2017, sẽ có thêm 2.326 phòng khách sạn, căn hộ du lịch và villa mới tham gia thị trường, gây áp lực rất lớn cho những đơn vị kinh doanh hiện hữu.
Điều quan trọng không phải là 13 hay 15 triệu lượt khách mà là hiệu quả của sự tăng trưởng.
Một số nơi khác như Phan Thiết tình trạng cũng tương tự. Tuy các khách sạn chật kín trong những ngày cuối tuần, lễ, Tết nhưng hệ số sử dụng phòng bình quân vào năm ngoái chỉ cỡ 60%. Dự báo năm nay cũng chỉ nhỉnh hơn một chút, nên vẫn còn rất nhiều chỗ ở chờ khách đến.
Nhiều doanh nhân khác có chung nhận định, rằng nhìn chung sẽ không quá căng kéo về khách sạn nếu lượng khách đồng loạt đổ đến. Tuy nhiên, ngành du lịch phải tính đến khả năng lượng khách không phân bổ đều ra tất cả các địa phương mà có thể đổ dồn vào một số khu vực nhất định, gây ra tình trạng thiếu phòng trầm trọng như đã từng xảy ra ở Nha Trang.
Để có vài triệu khách mới trong một thời điểm ngắn thì không thể kỳ vọng ở những thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ mà chỉ có thể tìm ở những thị trường gần như Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Trong đó, nhanh nhất là những thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc hay xa hơn một chút là từ Nga, đi bằng máy bay thuê bao. Tuy nhiên, lượng khách này lại hay đổ dồn vào những điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, TPHCM hay Phú Quốc cho nên nếu không tính toán kỹ để giãn khách hoặc đầu tư nhanh một số dịch vụ cần thiết thì sẽ tạo nên cơn sốt khách sạn, dịch vụ làm giảm chất lượng, gây hại cho hình ảnh điểm đến sau này. Đó là chưa kể đến việc lãng phí nguồn lực đầu tư, nơi khách đến thì không đầu tư, nơi không cần thì lại đổ dồn vào.
“Nếu không chuẩn bị kỹ thì sự tăng trưởng cao về lượng khách khó có thể là sự tăng trưởng khỏe mạnh, khó có thể mang lại sự hài lòng cho khách hàng cũng như hiệu quả kinh tế tương ứng. Với mức tăng trưởng 30-50% thì rất đáng quan ngại bởi nguồn lực của chúng ta chưa sẵn sàng”, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty Asian Trails Co.,LTD, nói.
Vài ví dụ được đưa ra để chứng minh rằng nguồn lực chưa sẵn sàng là sự quá tải của một số cảng hàng không quốc tế và tình trạng kẹt xe, gây ảnh hưởng khách du lịch. Chẳng hạn, tại sân bay Cam Ranh, dù nhiều chuyến bay chở du khách từ Trung Quốc sang phải bay vào ban đêm vì ban ngày không đủ chỗ nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, tại TPHCM, do kẹt xe nên nhiều khách nước ngoài buộc phải cắt bớt chương trình tham quan để ra sân bay trước giờ khởi hành tới hơn ba tiếng đồng hồ (thì mới bắt kịp chuyến bay để trở về nhà). Nếu lượng khách cứ tăng trưởng mà những điểm nghẽn về hạ tầng không được giải quyết, khách sẽ cảm thấy phiền hà hơn, khó quay trở lại.
Nguồn nhân lực mong manh
Vấn đề khiến giới doanh nghiệp du lịch, khách sạn đau đầu nhất hiện nay là nguồn nhân lực. Trong lĩnh vực lữ hành, tỷ suất lợi nhuận tại nhiều công ty giảm hơn trước do cạnh tranh về giá trên thị trường chung và do chi phí, trong đó có chi phí lao động ngày càng tăng. Chi phí thuê lao động đã tăng từ 10-15% và dự báo sẽ còn tăng cao trong thời gian tới do thị trường thiếu nguồn cung.
Trong lĩnh vực khách sạn, vấn đề còn khó khăn hơn. Nhiều chủ đầu tư của các khách sạn, resort ở Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc đang trong cuộc đua tìm kiếm người làm việc và lo lắng rằng, nếu lượng khách đột ngột tăng cao thì chưa chắc đã đem lại hiệu quả kinh doanh tương ứng bởi chi phí tăng thêm rất cao, đặc biệt là chi phí cho nguồn nhân lực.
Theo ông Quỳnh của Furama, việc tuyển nhân sự trong ngành khách sạn cực kỳ nan giải và Đà Nẵng là một trong những điểm nóng. Người làm việc đã khó tìm, phải đào tạo lại nhưng lại dễ mất vì các khách sạn mới mở sẵn sàng tăng lương gấp đôi để thu hút nhân lực của nơi khác.
“Ngày nay, để tuyển một bếp phó thì chúng tôi phải tuyển toàn quốc chứ chỉ miền Trung thì không tìm được người. Mặt bằng lương ở Đà Nẵng đã tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi tùy từng vị trí”, ông Quỳnh cho biết.
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ xuyên suốt, resort phải chuẩn bị thêm 500-700 sinh viên từ các trường đại học ở Đà Nẵng để làm việc thời vụ, đặc biệt là trong dịp hội nghị APEC. Lượng nhân viên bao giờ cũng phải chuẩn bị cho công suất cao nhất để ngày vắng khách người lao động có thể làm việc dưới năng suất hoặc được nghỉ phép nhằm giữ hiệu quả làm việc cho những lúc khách đến đông.
“Nếu khách tăng cao đột ngột thì đơn vị quản lý có thể tăng lương để kêu gọi nhân viên làm thêm nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế vì nhân viên cần thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Biện pháp chính vẫn là phải có nguồn lực đủ mạnh, có dự phòng nhưng nguồn nhân lực trên thị trường hiện rất kém”, ông Quỳnh nói.
Thị trường đã có một số bài học về việc thiếu nguồn nhân lực dẫn đến người nước ngoài tham gia vào điều hành và dần khép kín nhiều dịch vụ ngay tại địa phương, tạo nên những “tour 0 đồng” khiến Nhà nước thất thu thuế, du khách phải trả giá tour thực sự rất đắt đỏ. Bài toán về nguồn nhân lực trên thị trường du lịch sẽ không thể giải trong thời gian vài tháng tới trong khi yêu cầu về tăng trưởng lại đang đến rất gần, nên đây sẽ là điểm yếu nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ.
Ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành của Công ty Luxury, cho rằng có khả năng, trong thời gian tới, nước ta đón được một lượng khách quốc tế lớn vì hiện một số thị trường gần đang có nguồn khách lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là 13 hay 15 triệu lượt khách mà là hiệu quả của sự tăng trưởng. Để hiệu quả thì phải có chính sách đi cùng, phải biết ngành du lịch cần và có thể đem khách nào về, ai phục vụ, thu được từ khách bao nhiêu và thu bằng cách nào. “Cho đến nay tôi chưa thấy có lời giải thỏa đáng cho từng câu hỏi. Việc tăng lượng khách có thể khả thi nhưng có tốt cho du lịch Việt Nam hay không thì cần được nhìn nhận lại dựa trên nguồn lực mà chúng ta đang có”, ông Hà nói.(TBKTSG)