Hai thứ nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett luôn đặt trong ví; Chính sách tiền tệ vạ lây?; Giảm lãi suất không phải là tín hiệu nới lỏng tiền tệ; Trung Quốc tham vọng dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo
Tin kinh tế đọc nhanh 25-06-2017
- Cập nhật : 25/06/2017
Ocean Bank đã được bán cho một đối tác nước ngoài trong khu vực châu Á
Nguồn tin riêng của Đầu tư chứng khoán cho biết, Ngân hàng 0 đồng Đại dương (Ocean Bank) đã được bán và đang đi đến hồi kết với một đối tác nước ngoài trong khu vực châu Á.
Mặc dù tên của ngân hàng nước ngoài trong khu vực châu Á chưa thể chính thức công bố nhưng nguồn tin xác nhận: “Đối tác nước ngoài này đã được lựa chọn, mọi việc tiếp theo chỉ là thủ tục”.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cũng được đề cập với bên mua được cho biết là một định chế tài chính nước ngoài cùng một công ty quản lý đầu tư và phát triển bất động sản.
Ngân hàng 0 đồng còn lại, Ngân hàng Xây dựng (CBBank) được thông tin sẽ để tự tái cơ cấu rồi sau đó sáp nhập với một ngân hàng trong nước.
Một trường hợp nữa cũng được nhắc tới đó là Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), trong đó tên của ngân hàng mà DongA Bank sáp nhập vào được nhắc đến lại là HDBank.
Tại buổi họp báo đầu năm 2017, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra phụ trách, Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN cho biết 5 tổ chức tín dụng yếu kém sẽ là các ngân hàng trọng tâm xử lý trong năm 2017. Năm tổ chức này đã được nêu rõ gồm 3 ngân hàng mua lại 0 đồng (CBBank, Ocean Bank, GPBank); Dong A Bank và Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank).
“Trên cơ sở đánh giá toàn bộ tình hình hoạt động, mặc dù các ngân hàng này đã được cải thiện không gây ra đổ vỡ toàn hệ thống nhưng vẫn cần biện pháp xử lý dứt điểm”, ông Hưng nói.
Được biết, tính đến tháng 10/2016 so với cuối năm 2015, nợ xấu của 3 ngân hàng được mua lại bắt buộc giảm xấp xỉ 8%, trong đó, giảm mạnh ở Ocean Bank và GPBank. Dư nợ thị trường 1 của 2/3 ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trưởng (GPBank, CBBank). Huy động thị trường 1 của CBBank tăng khá, tháng 11/2016 tăng gần 14% so với cuối năm 2015.
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của Ocean Bank vào tháng 2 năm nay, ông Đỗ Thanh Sơn, Chủ tịch HĐTV OceanBank cho biết, trong 2 năm 2015-2016, OceanBank liên tiếp hoạt động có lãi, góp phần khắc phục một phần lỗ lũy kế do quá khứ để lại. Đặc biệt là sự chuyển biến tích cực của mảng cho vay khách hàng cá nhân tăng 1.907 tỷ đồng so với năm 2015.
Được biết, trong năm 2017, Ocean Bank đặt chỉ tiêu tiền gửi khách hàng trên 30 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay khoảng gần 18 nghìn tỷ đồng. (ĐTCK)
---------------------------
Mỹ gây áp lực ép EU từ bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc-2
Hãng tin Sputnik dẫn một nguồn tin tại Brussels cho biết Mỹ đang gây áp lực lên Liên minh châu Âu (EU) để ngăn chặn dự án xây dựng đường ống khí đốt "Dòng chảy phương Bắc-2".
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (phải) trả lời báo giới tại Moskva ngày 15/6. Ảnh: EPA/TTXVN
Theo nguồn tin, Mỹ muốn "chôn sống" dự án này bởi họ lo ngại việc phải đối đầu với một đối thủ sừng sỏ là tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga.
Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Marosh Shefchovic tuyên bố EC đang chờ đợi sự ủy thác từ các nước EU để có thể xúc tiến công tác đàm phán với Nga về tạp lập cơ sở pháp lý cho dự án này. EC mong muốn đạt thỏa thuận với Nga về các nguyên tắc chủ chốt, tạo ra những cơ sở cần thiết để dự án đường ống dẫn khí đốt này có thể đi vào hoạt động.
Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua lệnh mở rộng trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có một nội dung cho thấy ý định "chống lại việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc-2".(TTXVN)
--------------------------
Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM giữ lại 67.000 tỷ sau cổ phần hóa
TP.HCM muốn được giữ lại khoản tiền 67.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa các DNNN và thoái vốn để thực hiện các dự án đầu tư quan trọng và đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng các đại biểu tham dự buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23-6-2017 - Ảnh: Tự Trung
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 23-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nêu đề xuất mong muốn Thủ tướng phê duyệt Đề án sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, TP.HCM đã cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác từ năm 2017 trở đi vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 67.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công quan trọng, cấp bách.
Do đó, TP.HCM mong muốn Chính phủ cho giữ và sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phục vụ cho việc đầu tư, phát triển của thành phố.
Việc sử dụng nguồn thu này để cân đối vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của thành phố giai đoạn 2016-2020.
Đại diện SCIC dẫn nhiều căn cứ nói tiền thu từ cổ phần hóa chỉ chi đầu tư phát triển, không dùng cho chi thường xuyên.
Theo đó, tiền thu từ cổ phần hóa của TP.HCM cũng phải được quản lý tập trung về Quỹ Hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp, thuộc SCIC, sau đó mới được phân bổ lại dùng cho các dự án TP.HCM và cả nước.
Tuy nhiên, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất cho TP.HCM giữ lại số tiền này.
Cũng dịp này, TP.HCM cũng kiến nghị cho phép Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố (HFIC) chính thức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại toàn bộ các doanh nghiệp thuộc UBND TP.HCM.
Đối với danh sách các doanh nghiệp chuyển giao về HFIC, thành phố được chủ động thực hiện và báo cáo Thủ tướng để đảm bảo tiến độ và lộ trình cổ phần hóa.
Tại buổi tổng kết năm 4 năm thí điểm thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của HFIC hồi tháng 3-2017, lãnh đạo công ty cho biết hiện đã tiếp nhận 8 doanh nghiệp do TP.HCM chuyển giao, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty này tăng từ 3.671 tỷ đồng lên trên 8.000 tỷ.
HFIC có thể coi như một bản sao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thu nhỏ của TP.HCM.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, lại cho rằng cần cân nhắc tiến trình thành lập cơ quan chuyên trách này.
Dù vậy, cuối buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã chấp thuận phương án trên và lưu ý một số dự án khác với tinh thần tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển. (Tuoitre)
------------------
Vận chuyển đường sắt sẽ tiết kiệm 20% chi phí so với đường bộ
Sử dụng đường sắt sẽ tiết kiệm được ít nhất 20% chi phí vận chuyển so với đường bộ, với thời gian từ 72 đến 75 giờ, cho một container hàng lạnh từ Sóng Thần đến Đồng Đăng.
Tính toán này được đưa ra trong buổi Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội HARACO vừa ký hợp đồng cung cấp dịch vụ vận chuyển đường sắt trọn gói container lạnh cho TânNamChinh Logistics (TNC LOGISTICS) từ các ga Sóng Thần, Bình Thuận... đến ga Lào Cai, Đồng Đăng- Lạng Sơn và ngược lại.
Thỏa thuận mở ra cơ hội cho TNC LOGISTICS góp phần phát triển hệ thống dịch vụ gia tăng trong ngành đường sắt như khai báo hải quan, kho bãi, tìm khách hàng mới… tận dụng tối đa công suất vận chuyển hàng hóa của ngành logistics đường sắt.
TNC LOGISTICS sẽ đầu tư kinh phí ban đầu để lắp đặt thêm các phụ kiện vào toa xe Mc chuyên dùng đảm bảo đủ điều kiện vận chuyển được hàng bằng container lạnh tương thích về công nghệ kỹ thuật và chất lượng hàng lạnh khi đến Đồng Đăng - Lạng Sơn, nối kết với logistics đường sắt quốc tế Á - Âu qua cửa khẩu Lào Cai.
"Việc sử dụng đường sắt khách hàng sẽ tiết kiệm được ít nhất 20% chi phí vận chuyển so với đường bộ, với thời gian từ 72 đến 75 giờ, cho một container hàng lạnh từ Sóng Thần đến Đồng Đăng”, ông Vũ Trọng Tuệ, Tổng giám đốc TNC LOGISTICS, cho biết. (Tuoitre)