Tỷ phú Nga thâu tóm Tập đoàn Holland & Barrett của Anh; Italy sẽ chi 17 tỷ euro giải cứu 2 ngân hàng; Sốt đất kích giá căn hộ leo thang; Tận dụng ưu đãi, vốn Hàn Quốc đổ vào TP.HCM tăng mạnh
Tin kinh tế đọc nhanh 26-06-2017
- Cập nhật : 26/06/2017
Doanh thu “ông lớn” xây dựng sụt giảm mạnh
Năm 2016, doanh thu của công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà đạt 2.949 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức doanh thu 7.212 tỷ đồng của năm 2015.
Tổng công ty Sông Đà vừa công bố báo cáo kinh doanh năm 2016 công ty mẹ. Theo đó, năm 2016, doanh thu công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà đạt 2.949 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức doanh thu 7.212 tỷ đồng của năm 2015.
Giá vốn kinh doanh chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu, nhờ có thu nhập từ hoạt động tài chính, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà đạt 112 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của công ty mẹ Sông Đà giảm 1.260 tỷ xuống còn 15.032 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả lên tới 12.360 tỷ đồng. Đáng chú ý, cơ cấu nợ của công ty mẹ Tổng công ty sông Đà chủ yếu là nợ ngắn hạn với 6.715 tỷ đồng, gồm chi phí phải trả người bán ngắn hạn, người mua trả tiền tước, vay và nợ thuê ngắn hạn là 2.449 tỷ đồng. Nợ dài hạn lên tới 5.645 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay tài chính dài hạn với khoảng 4.481 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động đầu tư của công ty mẹ Sông Đà cũng không hiệu quả khi ghi nhận khoản lỗ 514 tỷ năm 2016.
Báo cáo quản trị doanh nghiệp cũng nghi nhận mức thu nhập của loạt lãnh đoạ tập đoàn. Theo đó, thu nhập cao nhất trong dàn lãnh đạo thuộc về ông Lê Văn Tốn, thành viên Hội đồng quản trị đạt 641 triệu đồng/năm, bình quân 70,8 triệu đồng/tháng.
Ông Dương Khánh Toàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên có thu nhập 569 triệu đồng/năm, bình quân 47,5 triệu đồng/tháng. Ông Hồ Văn Dũng, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc có thu nhập 520 triệu đồng/năm, bình quân 43,4 triệu đồng/tháng.
Các thành viên Hội đồng quản trị khác là Nguyễn Doãn Hành, Nguyễn Kim Tới có thu nhập lần lượt ở mức 432 triệu đồng/năm và 447 triệu đồng/năm.
Tổng công ty Sông Đà là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Xây dựng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua kế hoạch cổ phần hoá của Tổng công ty Sông Đà.
Theo đó, công ty có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm do Bộ Xây dựng quy định. Tổng công ty sẽ thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc đấu giá công khai 18,82% vốn điều lệ, bán cho nhà đầu tư chiến lược 30%. Sau cổ phần hoá là Nhà nước sẽ nắm dưới 50% vốn tại doanh nghiệp này.(Bizlive)
----------------------------
Nông dân Mỹ thắng kiện tập đoàn Syngenta gần 218 triệu USD
Phán quyết ra ngày 23/6 của tòa án bang Kansas, Mỹ, đã yêu cầu Syngenta - một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Thụy Sĩ - bồi thường gần 218 triệu USD cho 7.300 nông dân tại bang này sau khi bán cho họ giống ngô biến đổi gien chưa được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Syngenta đã bắt đầu bán giống ngô biến đổi gen Viptera tại thị trường Mỹ trong vụ mùa 2011. Tuy nhiên đến tháng 12/2014, Trung Quốc mới chấp thuận nhập khẩu các sản phẩm chế biến loại ngô này. Những nông dân nói trên đã chịu thiệt hại lớn về kinh tế vào năm 2013 do giá ngô rớt thảm hại khi các đối tác Trung Quốc từ chối nhập khẩu ngô Viptera.
Trong vụ kiện này, tòa ra phán quyết tập đoàn Syngenta phải bồi thường 217,7 triệu USD cho những người nông dân trên với cáo buộc phạm tội tắc trách. Công ty Syngenta bày tỏ “thất vọng” và tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết này.
Trong khi đó, các luật sư bào chữa cho những nông dân ở Kansas gọi phán quyết trên là tin “tốt lành” đối với những người trồng ngô ở Mỹ nói chung và ở bang Kansas nói riêng. Các luật sư cho biết thêm đây mới chỉ là "sự khởi đầu" bởi họ đang theo đuổi các vụ kiện tương tự của hàng nghìn nông dân khác trong những tháng tới. Ngoài vụ kiện ở Kansas, Syngenta còn đối mặt với 7 vụ kiện khác ở các bang Nebraska, Iowa, Illinois và Ohio.
Các chuyên gia ước tính thiệt hại kinh tế của Syngenta trong vụ việc này có thể lên tới hơn 5 tỷ USD. Hãng cho biết đã chi hơn 100 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển giống ngô Viptera trong 15 năm ròng rã. Đây là giống ngô biến đổi gien có khả năng chống chịu được các loài sâu bệnh, côn trùng.(TTXVN)
--------------------------------
Từ chối tăng vốn hơn 2.000 tỷ đồng cho LG Display Hải Phòng
Bộ Tài chính cho rằng LG Display Việt Nam Hải Phòng cần phải có phương án điều chỉnh cơ cấu vốn để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh hơn trong khi nhà đầu tư này đề nghị việc tăng vốn lên 1,59 tỷ USD, tăng khoảng 2.043 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng liên quan tới việc điều chỉnh vốn tại dự án LG Display Hải Phòng.
Theo văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư trước đó của LG Display, nhà đầu tư muốn tăng tổng vốn đầu tư của dự án từ 1,5 tỷ USD lên 1,59 tỷ USD, tức tăng 90 triệu USD (tương đương 2.043 tỷ đồng).
Tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng, tại hồ sơ gửi kèm văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư, nhà đầu tư không giải trình nguồn để tăng vốn đầu tư và không cung cấp Báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng và Công ty LG Display (Công ty mẹ tại Hàn Quốc).
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng yêu cầu nhà đầu tư bổ sung báo cáo tài chính đã kiểm toán để thẩm tra năng lực tài chính trước khi cấp giấy chứng nhân đăng ký đầu tư điều chỉnh.
Văn bản của Bộ Tài chính cũng cho biết, về cơ cấu nguồn vốn, theo kiến nghị của nhà đầu tư, tăng vốn đầu tư thêm 90 triệu USD sẽ nâng tổng mức đầu tư cam kết thực hiện ở Việt Nam lên 1,59 tỷ USD, tương đương 35.616 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án không thay đổi là 100 triệu USD, tương đương 2.240 tỷ đồng.
"Như vậy, trường hợp điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 1,59 tỷ USD thì vốn góp chỉ chiếm 6,29% tổng vốn đầu tư. Mặc khác, việc đầu tư bổ sung hoàn toàn từ nguồn đi vay trong khi cơ cấu vốn góp mỏng dẫn đến tình hình tài chính không lành mạnh, không đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh”, Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng yêu cầu nhà đầu tư có phương án điều chỉnh cơ cấu vốn góp/vốn vay theo hướng tăng tỷ trọng vốn góp để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh hơn.
Trước đó, Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng đã đề xuất tăng vốn đầu tư từ 1,5 tỷ USD lên thành 1,59 tỷ USD, phục vụ cho việc xây dựng 13 tòa ký túc xá và các công trình phúc lợi, xã hội, phục vụ cho từ 10.000 - 12.000 lao động.
Liên quan đến đề xuất thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư tại địa bàn khu kinh tế, quy định về không áp dụng ưu đãi thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, quy định về trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp đã được quy định tại văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó đề nghị Ban quản lý khu Kinh tế Hải Phòng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện…
Về đề xuất thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính cho biết, khu ký túc xá và một số công trình hạ tầng phục vụ người lao động được Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng đề nghị áp dụng quy định về thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu dành cho doanh nghiệp khu chế xuất theo quy định hiện hành tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.
Công trình này cũng được coi là tài sản cố định của Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng và được khấu hao, ghi nhận vào chi phí sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty, phù hợp với các quy định hiện hành về thuế và kế toán.
Dự án LG Display Việt Nam Hải Phòng có quy mô khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tương đương 1,5 tỷ USD, sẽ sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động với quy mô 7-8 triệu sản phẩm/tháng và khoảng 90.000-100.000 sản phẩm màn hình OLED tivi/tháng.(Bizlive)
--------------------------
Vỡ mộng làm giàu từ cây “tin đồn”
Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phải ôm những khoản nợ lớn, vì đầu tư trồng cây sa chi, cũng bởi nghe tin đồn giá bán mỗi kg hạt là 800 nghìn đồng, nhưng đến nay không có ai mua.
Cuối năm 2016, báo Tiền Phong có bài viết cảnh báo việc người dân tỉnh Gia Lai không nên mạo hiểm phá cà phê để trồng cây sa chi.
Ngày 15/6/2017, chúng tôi trở lại các vườn trồng sa chi ở thôn Brêp, xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai. Thấy chúng tôi, khác hẳn vẻ hồ hởi trước kia, ông Vốt- Trưởng thôn Brêp lắc đầu ngao ngán “Thất bại rồi, vỡ mộng sa chi rồi chú ơi”.
Theo ông Vốt, thôn có 119 hộ dân thì 20 hộ truyền tai nhau đi mua giống sa chi với giá 800 nghìn đồng/kg về trồng. Sa chi là giống cây mới, người dân không biết kỹ thuật chăm sóc nên “liều” áp dụng cách thức trồng cà phê để trồng.
“Tưởng mỗi kg hạt sa chi bèo cũng được 600 nghìn đồng nhưng giờ thương lái chỉ trả 40 nghìn đồng. 10 hộ dân trồng sa chi đã phá bỏ, số còn lại vẫn hi vọng mỗi kg sẽ lên thành 200 nghìn đồng để lấy lại vốn. Bản thân mình cũng đầu tư hết 5 triệu đồng vào vườn sa chi nhưng giờ chỉ thu lại được 500 nghìn đồng", ông Vốt nói.
Theo ông Rý, Trưởng thôn T’leo, lúc nghe tin đồn giá 700 nghìn đồng/kg, nhiều người phá cà phê để trồng sa chi. Giờ thì ai cũng lỗ nặng vì tiền giống, tiền đầu tư quá lớn trong khi bán mỗi kg sa chi chỉ 35 nghìn đồng. Người dân càng lo sợ hơn khi hơn 1 tháng nay không có thương lái đến mua. “Trong các buổi họp thôn mình đều nói với bà con là cán bộ khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt giống cây này. Cũng vì thế mà diện tích sa chi chỉ dừng lại 2ha", ông Rý nói.
Anh Đinh (thôn T’leo, xã K’dang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) tiếc nuối vì một năm trước đã lỡ phá 4 sào cà phê để trồng sa chi. Đầu tư gần 20 triệu đồng, giờ anh Đinh chỉ thu lại được vài trăm nghìn đồng. Chưa kể, thương lái đến thu mua được một hai lần với giá 40 nghìn đồng/kg, rồi biệt tăm.
Trao đổi với PV, ông Hà Ngọc Uyển- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết: Tỉnh không có chỉ đạo về trồng cây sa chi. Dân 3 huyện Mang Yang, Đắk Đoa, Phú Thiện trồng sa chi tự phát nên chưa có đầu ra, tỉnh cũng chưa có thống kê diện tích cụ thể. Đến thời điểm này, chỉ có Công ty TNHH Phương Phúc Nguyên ở Kon Tum gửi văn bản đề nghị với ngành trồng thử nghiệm cây sa chi trên địa bàn Gia Lai.
“Chúng tôi phải đánh giá đúng thực trạng, phù hợp với đất đai, biết rõ hiệu quả kinh tế và nằm trong quy hoạch. Đồng thời, yêu cầu công ty trên phải có hợp đồng, cam kết trách nhiệm về đầu ra sản phẩm với từng người dân thì chúng tôi mới đề xuất với tỉnh cho trồng thử nghiệm 4ha ở 3 huyện Krông Pa, Chư Sê, Chư Prông”, ông Uyển nói.
Theo tiến sĩ Trương Hồng- Quyền viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nông dân nên tỉnh táo với cây trồng mới vì có thể người ta nâng giá trị ảo lên cao để bán giống, nông dân làm ra sản phẩm lại không bán được cho ai.(Tienphong)